Trên “màn ảnh nhỏ” Việt Nam, nhiều bộ phim xoay quanh học sinh, sinh viên thu hút sự quan tâm từ giới trẻ. Ngày nay, với sự năng động, nhiều bạn trẻ tự đưa câu chuyện xung quanh cuộc sống lên các thước phim. Dù người làm phim không qua khóa học bài bản, tự mày mò những khâu từ lên kịch bản, kĩ thuật quay, dựng, nhưng tác phẩm vẫn thu hút người xem bởi chính sự chân thật, giản dị của nó.
Vì học sinh, sinh viên tự viết câu chuyện xoay quanh cuộc sống Đại học của bản thân, những chủ đề được khai thác rất đa dạng: từ chuyện nhập học, thích nghi môi trường mới; quá trình học tập, phát triển bản thân cho đến tình yêu tuổi trẻ. Không những thế, các đề tài này hiện lên trẻ trung, thú vị qua góc nhìn “rất sinh viên”.
Quá trình “lột xác” trong bốn năm Đại học
“Bạn sẽ trở thành người như thế nào sau bốn năm Đại học” luôn là câu hỏi được đặt ra cho mỗi sinh viên trước ngưỡng cửa Đại học. Do đó, nhiều phim ngắn khai thác chủ đề này, “thu bé” quãng thời gian bốn năm thành một clip ngắn gọn, các sự kiện nổi bật được tóm tắt, nhưng không làm giảm đi tính quan trọng của nó.
Phim Quá trình “tiến hóa” của sinh viên.
Mới đây, một tổ chức sinh viên về chứng khoán trường Đại học Ngoại thương tung ra sản phẩm có tên Quá trình “tiến hóa” của sinh viên. Tại đây, hành trình thay đổi, trưởng thành trong vòng bốn năm được thể hiện đầy thú vị, dễ hiểu: Ban đầu, cô tân sinh viên ngơ ngác trước ngưỡng cửa Đại học, đau đầu với chuyện thuê nhà, khó khăn khi di chuyển trên đường. Nhờ làm quen những người bạn mới, tham gia hoạt động ngoại khóa, đi làm thêm, nữ chính cởi mở hơn và đạt thành công cho riêng mình.
Với kĩ thuật quay one shot độc đáo, tác phẩm đòi hỏi sự phối hợp ăn ý trong diễn xuất, dựng quay và hậu cần của ê-kíp. Bạn Nguyễn Quang Lâm, thành viên tổ chức chia sẻ về quá trình quay: “Chúng mình đều là dân không chuyên, nên các kiến thức từ lên kịch bản, dựng quay đều thông qua mày mò, học hỏi. Nỗ lực hoàn thành sản phẩm này, mình mong sẽ nhận được sự ủng hộ từ người xem. Mong rằng các bạn đã và đang là sinh viên sẽ tìm thấy bản thân trong đó. Còn những tân sinh viên khóa mới có thể hình dung con đường trước mắt, thấy được mục tiêu, định hướng về bốn năm Đại học!”.
Truyền cảm hứng về ước mơ, nghị lực
Ước mơ, nghị lực để phát triển bản thân là chủ đề được khai thác nhiều trong nghệ thuật. Chính vì thế, các bộ phim ngắn, clip về đề tài này có khả năng truyền cảm hứng đến người xem. Cho tôi tìm thấy tôi của nhóm sinh viên kinh tế tại Hà Nội là minh chứng điển hình.
Cho tôi tìm thấy tôi xoay quanh Việt Anh, cậu sinh viên có niềm đam mê nghệ thuật, thích vẽ tranh. Trái ngược với nam chính, anh sinh đôi của cậu yêu thích những con số, quan tâm lĩnh vực kinh tế, tài chính. Vì một vụ tai nạn, anh trai Việt Anh không thể tham dự cuộc thi kinh tế, tài chính lớn nhất toàn miền Bắc, dù anh đã nỗ lực, chuẩn bị trong thời gian dài.
Biến cố này là bước ngoặt của cuộc đời nam chính. Thay thế anh trai sinh đôi, Việt Anh tìm đọc các cuốn sách về lĩnh vực cậu chưa bao giờ nghĩ đến. Thoát khỏi vỏ bọc cũ, nam chính trưởng thành, chỉn chu hơn. Cũng từ đây, Việt Anh có nhiều trải nghiệm khác biệt, khám phá ra khía cạnh mới của bản thân.
Cuối cùng, trong bộ trang phục anh trai thường mặc, Việt Anh có mặt trên sân khấu đêm Chung kết cuộc thi. Sự cổ vũ nhiệt liệt từ đám đông hò reo, nụ cười khích lệ của người anh sinh đôi khiến nam chính có thêm động lực. Cậu thể hiện phần thi một cách xuất sắc. Khép lại câu chuyện, hình ảnh hai anh em ngồi bên nhau đem lại nhiều cảm xúc cho người xem.
Từ diễn xuất, trang phục cho đến âm thanh, ánh sáng trong Cho tôi tìm thấy tôi, các bạn trẻ đều chuẩn bị kỹ lưỡng, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, clip vẫn thể hiện sự trẻ trung, gần gũi. Qua đó, khán giả có cảm nhận chân thật, nhất là giới trẻ. Bên cạnh mục đích truyền cảm hứng về nghị lực, ước mơ, Cho tôi tìm thấy tôi thúc đẩy sinh viên không ngừng trải nghiệm, khám phá, từ đó tìm ra khía cạnh mới của bản thân.
Cho tôi tìm thấy tôi.
Tình yêu thời học sinh, sinh viên trong sáng
Tình yêu luôn là “gia vị” không thể thiếu trong nghệ thuật. Lấy bối cảnh trường lớp, không ít phim ngắn vẫn viết về tình cảm trong sáng giữa các cô, cậu học sinh, sinh viên. Tại Liên hoan phim sinh viên lớp BCK09, khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học KHXH&NV TP.HCM, nhiều khán giả rơi nước mắt vì các tác phẩm ấn tượng, trong đó có phim ngắn Bạn đến trễ.
“Bạn đến trễ” kể về cậu bé say mê giọng hát phát ra từ ngôi nhà của một cô gái. Chưa từng gặp gỡ, cả hai chỉ trò chuyện bằng mẩu giấy luồn qua khe cửa. Kết phim, người xem ngỡ ngàng khi cậu bé chỉ là linh hồn, còn cô bé cũng chỉ còn là di ảnh.
Để tạo nên sức hút cho các sản phẩm, nhiều bạn trẻ khai thác một cách hài hước những xu hướng phổ biến trên mạng xã hội.
“Yêu đi mùa thính rụng” là phim ngắn của tổ chức học sinh MINK Production, đã đạt gần 800 nghìn views trên kênh Youtube.
“Anh nhớ chứ” là phim ngắn về chuyện tình thú vị của S6 Production.
Phim ảnh là phương tiện giúp dễ dàng truyền tải thông điệp, chạm đến trái tim người xem. Khi mang chính đặc trưng sinh viên, cuộc sống hàng ngày lên những thước phim, phim ngắn được sản xuất bởi các bạn trẻ mang màu sắc trẻ trung, chân thật. Không cần quá cầu kì, nhiều sản phẩm vẫn bật lên tiếng cười hài hước, truyền cảm hứng hay tạo nên sự đồng cảm cho khán giả.