Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Gintama và câu chuyện về tên Samurai ngốc nhất vũ trụ

Phúc Logic - Hiền Phạm Theo dõi Saostar trên google news

Cán mốc doanh thu 1.3 tỷ Yên (hơn 264 tỷ đồng), hơn một triệu vé được bán ra, Gintama phiên bản live-action tung hoành khắp các phòng vé Nhật.

Bộ phim điện ảnh Gintama (Tên tiếng Việt: Linh hồn bạc) chuyển thể từ series manga đình đám cùng tên của tác giả Hideaki Sorachi, lấy bối cảnh Nhật Bản thời kỳ Edo. Song, trong thế giới giả định này, xứ sở mặt trời mọc bị xâm lược bởi… những người ngoài hành tinh. Nhân vật chính của câu chuyện, Sakata Gintoki (Oguri Shun), vốn là một samurai nổi tiếng từ thời chiến tranh nay đã bị xã hội tha hóa, trở thành một tên vô công rỗi nghề. Cùng với hai đàn em Shinpachi và Kagura, họ mở ra Tiệm Vạn Năng làm đủ mọi nghề miễn sao kiếm được tiền.

Gintama chuyển thể từ tựa manga ăn khách cùng tên.

Gintama live-action lấy cốt truyện chính từ phần truyện “Benizakura”, khi “Bạch Quỷ” Gintoki phải bảo vệ an nguy của Tokyo khỏi tổ chức bí ẩn Kiheitai cùng gã đầu lĩnh Takasugi Shinsuke. Lúc này, chúng đã tìm ra một thanh kiếm sở hữu năng lực của quỷ và dùng nó để gây ra hàng loạt vụ án mạng. Bản thân Takasugi từng là đồng môn và cũng là bạn thời chiến của Gintoki, nên đối mặt với hắn là điều mà chàng Samurai đầu bạc không hề mong muốn.

Đến đây, hẳn nhiều khán giả đã phải bối rối với nội dung “pha tạp” của Gintama. Thực tế, chính sự phá cách trong việc kể chuyện là một trong những lý do khiến bộ truyện thu hút được một lượng fan hùng hậu và trở thành một hiện tượng toàn cầu.

Trong khi đó, phiên bản điện ảnh ngay từ những giây phút đầu tiên đã chứng tỏ mình là một sản phẩm chuyển thể trung thành với nguyên tác, với hoạt cảnh siêu “bựa” khi nhân vật chính tự solo làm khúc mở màn nhạc phim, cũng như các nhân vật nhận thức được rằng mình chỉ đang ở trong một bộ phim.

Phim còn có hẳn riêng một trường đoạn là cảnh rượt đuổi bắt bọ, tưởng không ăn nhập gì với mạch truyện chính, nhưng lại là một ý tưởng rất sáng tạo để nhân vật tự tóm tắt câu chuyện và giới thiệu về bản thân. Đây chắc chắn là một điểm đáng ghi nhận, khi đạo diễn và biên kịch của Gintama sẵn lòng giúp khán giả phổ thông có thể tiếp cận với phiên bản chuyển thể một cách dễ hiểu nhất.

Là là một bộ phim chiến đấu nhưng không kém phần hài hước, lời thoại trong Gintama vừa “bựa” vừa “bẩn”, chưa kể còn có màn nhái manga khác như One Piece, Dragon Ball, Gundam,… Tưởng là đơn giản, nhưng chính các ý tưởng kì dị đó sẽ khiến không chỉ bạn cười ngả nghiêng, không chỉ cái đứa bạn dắt đi cùng cười đau cả bụng mà còn khiến toàn thể khán giả trong rạp cười không điểm dừng.

Các pha gây cười tình huống nối tiếp nhau, được xây dựng rất khéo léo để không trùng lặp cũng như lấn át nhau, từng câu thoại hài đều được nhấn nhá đúng chỗ, đúng thời điểm. Không chỉ có thế, những phân cảnh hài sẽ không tạo đủ hiệu ứng nếu không có các màn diễn xuất và phối hợp ăn ý của các diễn viên, tiêu biểu như Oguri Shun (vai Gintoki), Kanna Hashimoto (vai Kagura), thậm chí hết mình vì nhân vật bất chấp việc “phá hỏng hình tượng” như các cảnh trợn mắt long tròng, móc mũi liên tục,…

Như vậy, người xem có thể dễ dàng cảm nhận được sự kì công trong cả hai khâu đạo diễn lẫn kịch bản, nhằm tạo ra một bản sao hoàn hảo toát lên được độ “chất” đã làm nên sự nổi tiếng của bộ manga-anime này.

Điều đáng mừng là bộ phim đã giữ đúng cốt truyện nguyên tác, dù cũng có một chút thay đổi, nhưng không tác động xấu mà trái lại rất phù hợp. Những ai đã dành sự yêu mến cho Gintama, hẳn đã biết điều tạo nên một series Gintama không chỉ gồm những cảnh parody hài hước.

Trailer phim Gintama.

Đan xen cùng những tiếng cười là chuỗi những phân đoạn đầy cảm xúc, mà ẩn sâu trong đó chính là câu chuyện về những samurai chiến đấu hết mình vì lí tưởng riêng của họ, vì những mối quan hệ tình cờ có được và những tình cảm đậm tình người họ dành cho nhau từ lúc gặp gỡ cho đến giây phút chia li. Khúc cao trào của bộ phim đã diễn tả hoàn toàn trọn vẹn mạch truyện, giải quyết được xung đột và truyền tải ý nghĩa đích thực của Gintama đến khán giả.

Đã nói đến những điểm tốt thì không thể đề cập đến những điểm trừ của bản live-action, và khâu yếu nhất của toàn phim chắc chắn nằm ở phần kỹ xảo CGI và các cảnh hành động. Các góc quay camera, hầu hết đều khá ổn, nhưng ở những đoạn hồi tưởng vẫn gây nhiễu cho người xem với những chuyển động quá nhanh cộng thêm góc quay đổi liên tục.

Một số trường đoạn chiến đấu, đặc biệt là trong chuỗi tuyệt chiêu kỳ ảo của các nhân vật, vẫn còn mang hơi hướm hoạt hình và chưa thực sự sống động. Tuy nhiên, cảnh chiến đấu bằng kiếm đầy kịch tính ở cuối phim hầu như đã khắc phục được nhược điểm này.

Khi được đề nghị phát biểu cảm nghĩ về bộ phim, tác gả Sorachi, cha đẻ của Gintama, đã nhận xét rằng: “ Nhìn thấy các trò hề của tôi xuất hiện trên màn ảnh rộng, cảm thấy thật xấu hổ”. Thực tế, chính Sorachi đã nhiều lần từ chối nhiều dự án chuyển thể Gintama, nhưng cuối cùng ông cũng đồng ý và ra sức ủng hộ đạo diễn Fukuda.

Ngoài bộ phim chính, khán giả còn có thể đón xem ba phần phim lẻ có tên Gintama Mitsuba Hen, một chương truyện riêng xoay quanh bộ ba cảnh sát Shinsegumi.

Phim đang trình chiếu trên toàn quốc từ ngày 04/08.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phúc Logic - Hiền Phạm

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giải mã sức hút của show 'Hành Trình Kỳ Thú' đang phát trên MyTV