Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'Giao ước chết': Cái giá phải trả cho một lời hứa và nỗi sợ mang đậm chất Thái

Sau khoảng thời gian các tác phẩm kinh dị phương Tây mặc sức khuynh đảo phòng vé, thì cuối cùng nền điện ảnh châu Á cũng có lời đáp trả xứng tầm - "Giao ước chết" (The Promise). Đây là một câu chuyện gây ám ảnh bởi góc nhìn về thế giới tâm linh qua cặp mắt của những nhà làm phim Thái Lan.

Cái giá phải trả cho một lời hứa

Poster phim là cảnh của tòa tháp Sathorn Unique

Giao Ước Chết là câu chuyện kể về một tình bạn đẹp giữa hai nữ sinh là Boum và Ib, họ rất thân thiết với nhau, hai gia đình còn là đối tác làm ăn trong một dự án lớn - tòa tháp Sathorn Unique tọa lạc ngay thủ đô Bangkok. Những tưởng tình bạn đó sẽ kéo dài mãi mãi, nếu cuộc khủng hoảng kinh tế không xảy ra. Dựa trên sự kiện có thật, Giao Ước Chết đã tái hiện lại bối cảnh năm 1997 tại Thái Lan. Lúc bấy giờ, nền kinh tế đột ngột tuột dốc không phanh, cổ phiếu rớt giá quá nửa và rất nhiều người rơi vào tình trạng thất nghiệp, dẫn đến sự rối ren trầm vọng về mặt xã hội ở đất nước này. Gia đình của Boum và Ib đương nhiên không thể nằm ngoài “cơn bão” khủng hoảng, hai ông bố lần lượt tuyên bố phá sản, dự án Sathorn Unique trong mơ của hai cô gái cũng từ đó mà chấm dứt.

Lời hứa bên nhau của Boum và Ib

Bế tắc và bất lực trước cuộc sống, hai cô gái trẻ với tâm hồn non nớt đã nguyện cùng nhau bước sang bên kia thế giới ngay trước thềm sinh nhật 15 tuổi của Boum. Nhưng giây phút Ib tự sát cũng là khoảnh khắc Boum giật mình thức tỉnh để rồi lời hứa bên nhau cũng vì vậy mà bị lãng quên trong suốt 20 năm ròng rã. Linh hồn cô đơn của Ib chất chứa uất hận trong nỗi cô đơn đã quay về trả thù vào ngày sinh nhật lần thứ 15 của con gái Boum - Bell. Cô muốn người bạn thân của mình thực hiên lời hứa năm xưa, nhưng với một hình thức khác. Cái giá mà Boum phải trả cho sự bội ước năm xưa không phải là bất cứ thứ gì khác ngoài sinh mạng của cô con gái mà mình hết mực thương yêu. Và đó cũng chính là quan niệm của con người Thái Lan - có vay có trả, nhân quả nhãn tiền.

Nỗi sợ mang đậm chất Thái

Gương mặt đầy ám ảnh của nữ diễn viên Bee Namthip

Nỗi ám ảnh không cần một hình ảnh ghê rợn nào

Nếu nền điện ảnh Âu Mỹ xây dựng nỗi ám ảnh cho khán giả bằng những hình tượng đáng sợ thì những nhà làm phim xứ Chùa Vàng lại có riêng cho mình một phong cách vô cùng độc đáo. Bằng những thủ thuật hình ảnh và kỹ xảo âm thanh khá đơn giản, The Promise thật sự đã mang cả cái ma mị của Sathorn Unique lên màn ảnh rộng. Không một hình ảnh ghê rợn, không một chiêu trò hù dọa, vậy mà cái cảm giác người ta có được lại chính là điều mà rất nhiều bộ phim phương Tây đang tìm kiếm. Đó chính là sự lạnh người đến tê tái, là nỗi ám ảnh ăn sâu vào trí nhớ khi từng câu thoại cứ thế mà thốt ra, chậm rãi nhưng đầy ma mị. Quả thật không hề dễ dàng để mang đến nỗi sợ cho khán giả bằng lời thoại khi làm một bộ phim kinh dị, nhưng đạo diễn Sophon Sakdaphisit - bậc thầy làm phim ma đất Thái có vẻ đã thành công và đem cả nỗi ám ảnh của xứ Chùa Vàng đến gần hơn với nền điện ảnh thế giới.

Lần đầu tiên Boum trở lại tòa tháp sau 20 năm cái chết của Ib

Thật không ngoa khi nói rằng Thái Lan chính là đất nước của của những giai thoại huyền bí. Tất cả các tình tiết trong phim đều rất gần gũi và chân thực với đời sống tâm linh của người dân đất nước này. Từ việc giao tiếp với linh hồn dưới hình thức tương tự như cầu cơ hay chỉ những đứa trẻ mới có thể nhìn thấy và giao tiếp với họ, tất cả đều ẩn chứa quan niệm của con người châu Á nói chung và người dân xứ Chùa Vàng nói riêng. Bằng cách này hay cách khác, thông điệp sâu sắc về luật nhân quả đã được nhà làm phim truyền tải một cách vô cùng tinh tế trong từng chi tiết, và đó cũng chính là điểm sáng khiến Giao Ước Chết ghi điểm trong lòng khán giả.

Không chỉ là phim ma - “Giao Ước Chết” là thông điệp về tình mẫu tử

Tình mẫu tử thiêng liêng và sâu sắc giữa hai nhân vật Boum và Bell

Ngoài những chi tiết ma quái và nỗi ám ảnh kinh hoàng, “đứa con” của Sophon Sakdaphisit còn truyền tải đến khán giả thông điệp vô cùng sâu sắc về tình mẫu tử giữa hai nhân vật Boum và Bell. Cũng chính hai gương mặt này đã đẩy cảm xúc ở đoạn cao trào của phim lên đến đỉnh điểm. Khán giả như được sống trong dòng cảm xúc của người mẹ, trải nghiệm cảm giác bất lực đến kiệt cùng sau những cố gắng ngăn cản Ib đưa con mình đi. Đó còn là nỗi đau đến nghẹn lời khi nhìn Bell hy sinh bản thân để mẹ mình có thể sống một cuộc sống bình thường như trước. Những điều đó, thật sự đã lấy đi nước mắt của khán giả vô cùng tự nhiên.

Trailer phim The Promise.

Tuy nhiên, nếu đặt phim trong góc nhìn tổng quan ta lại thấy dường như cảm xúc của mình bị thiếu đi chút gì đó. Nói cách khác, dù Giao Ước Chết khá tròn trịa về mặt nội dung lẫn hình thức, nhưng có vẻ cảm giác phim mang đến cho người xem là chưa đủ. Cách giải quyết tình huống phim còn khá vội vàng và vẫn còn tồn tại những chi tiết dư thừa, gây bối rối cho khán giả.

Dù thế nào đi nữa, Giao Ước Chết cũng là một điểm sáng của nền điện ảnh Thái Lan trong tháng 11 này. Và ít nhất, phim vẫn giữ được màu sắc đặc trưng vốn có của thể loại kinh dị xứ Chùa Vàng

Phim hiện đang trình chiếu trên toàn quốc tại tất cả các cụm rạp, bắt đầu từ 24/11/2017

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Kim Ngân

Được quan tâm

Tin mới nhất