Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Giải mã đoạn kết và những chi tiết ẩn dụ trong 'The Platform - Hố sâu đói khát’

Châu Hải Bình Theo dõi Saostar trên google news

Bộ phim kinh dị, viễn tưởng, giật gân mới của Netflix đã đem tới cho khán giả một trải nghiệm điện ảnh độc đáo với lớp lang được sắp xếp khéo léo và một cái kết mở nhưng mang đầy tính nhân văn.

Trailer bộ phim “The Platform”.

1, Hình dạng của nhà tù

Trong phim, nhà tù được xây dựng theo chiều thẳng đứng với một cái hố chạy xuyên qua các tầng dùng để vận chuyển đồ ăn từ trên cao xuống dưới thấp. Bên cạnh đó, khi nhân vật Goreng hỏi bạn tù của mình về cơ chế hoạt động của nơi này, ông ta đã nói: “Tất nhiên là liên quan đến việc ăn uống”. Điều này khiến cho người xem dễ dàng liên tưởng tới hệ thống của tiêu hóa khi thức ăn cũng được đưa từ miệng, rồi đến thực quản, dạ dày và ruột.

Ở những giai đoạn đầu, thức ăn luôn ngon nhất, nhiều chất dinh dưỡng nhất nhưng càng về sau thì hai yếu tố đó càng mất đi. Đến cuối cùng, sản phẩm còn sót lại giống như những gì chúng ta đã biết sẽ là chất thải, thứ bẩn thỉu và không ai mong muốn.

Bên cạnh đó, việc phân tầng của của nhà tù cũng mang nghĩa ẩn dụ cho sự biểu hiện phân cấp thứ bậc trong xã hội với “những người ở trên, những người ở dưới và những người gục ngã”.

2, Quả táo

Ngày đầu tiên ở trong nhà tù, Goreng tỏ ra vô cùng ghê tởm khi phải ăn lại đồ thừa từ người khác. Anh chỉ lấy duy nhất một quả táo và định giữ nó lại ăn dần. Nhưng ngay lập tức nhiệt độ trong phòng tăng lên để trừng phạt hành vi đó.

Không riêng gì quả táo mà bất cứ mòn đồ nào được giữ lại cũng đều khiến cho nhiệt độ trong phòng giam tăng hoặc giảm. Nhưng việc lấy chi tiết quả táo để lần đầu tiên giải thích về cơ chế này của nhà tù mang ngụ ý về sự trừng phạt của Chúa. Trong Kinh thánh, táo được coi là trái cấm nên khi Adam và Eva ăn nó đã bị Chúa đuổi khỏi Vườn Địa Đàng.

3, Câu chuyện Don Quijote

Khi tham gia cuộc thử nghiệm, các tù nhân sẽ được mang theo một món đồ bất kỳ. Và Goreng đã chọn cuốn sách Don Quijote mà anh đang đọc dở.

Đây là tác phẩm văn học kinh điển kể về một nhà quý tộc tên Quijada vốn rất say mê các câu chuyên về hiệp sĩ nên đã bán tất cả mọi thứ mình có, đổi tên thành Don Quijote và bắt đầu rong ruổi trên hành trình trừ gian diệt ác kèm theo lối suy nghĩ hão huyền, phi thực tế thái quá. Tuy nhiên, tinh thần chung của tác phẩm này lại đề cao chủ nghĩa tự do, dám bứt phá khỏi sự giam cầm thông qua hình ảnh nhân vật chính

Tương tự như thế với The Platform, trong mắt các tù nhân khác Goreng chỉ là một một kẻ mơ mộng hão huyền khi cố làm những điều vô nghĩa. Anh đã bị giễu cợt, chỉ trích, hoài nghi khi cố gắn kết mọi người với nhau, cố gắng chia đều khẩu phần ăn cho từng tầng - điều mà sẽ không bao giờ xảy ra ở nhà tù này.

Nhưng giống như Don Quijote, Goreng căm ghét cuộc sống tù túng này và khao khát sự tự do. Anh đã tìm cách phá vỡ cơ chế hoạt động của nhà tù để thoát ra ngoài. Trong chuyến hành trình đó, anh đồng hành cùng nhân vật Baharat cũng có mong muốn được giải thoát, nên khi đặt họ cạnh nhau sẽ giống như cặp đôi Don Quijote và Sancho Panza trong truyện.

4, Số 333

Khi Goreng và Baharat đi đến tận đáy của nhà tù, họ phát hiện ra sự thật là ở đây có 333 tầng, chứ không phải 200 hay 250 như đã từng suy đoán.

Không phải ngẫu nhiên mà những người trong Ban điều hành, hay đúng hơn là đạo diễn lại chọn con số này. Trong Kinh thánh, 333 là con số của Thiên Chúa. Những người tạo ra nhà tù tự phong cho mình danh xưng này vì họ nghĩ rằng việc làm của mình là đúng đắn, là để tạo ra tính đoàn kết tự phát giữa người với người.

Với 333 tầng và mỗi tầng 2 người, như vậy sẽ có tất cả 666 người. Đây lại là một con số có ý nghĩa khác trong Kinh thánh. Nó tượng trưng cho quỷ Sa Tăng, cho những điều xấu xa, cám dỗ đẩy con người vào tội lỗi và sai lầm. Do đó những người trong Ban điều hành tưởng như tốt đẹp hóa ra lại chỉ là những con quỷ đội lốt Chúa.

5, Đứa bé và cái kết

Đứa bé xuất hiện ở cuối phim dường như đã làm sáng tỏ rất nhiều điều được cài cắm trước đó.

Lần đầu tiên đứa bé được nhắc đến là khi nhân vật Miharu xuất hiện. Ông bạn tù Trimagasi của Goreng đã nói rằng cô đang đi tìm con. Nhưng về sau, người phụ nữ tên Imoguiri từng làm việc cho Ban điều hành lại xác nhận rằng không có ai dưới mười sáu tuổi sống ở đây. Mẫu thuẫn trong thông tin này đã khiến cho Goreng và chính khán giả hoài nghi.

Nhưng mọi việc đã được phơi bày khi Goreng và Baharat xuống đến tầng 333 nơi đứa bé đang ẩn náu. Đó chính là con của Miharu và việc cô thường xuyên đi xuống không phải để tìm con mà là để đảm bảo rằng thức ăn sẽ được đưa xuống tận tầng cuối cùng, giống như cách mà Goreng đang thực hiện. Để rồi cuối cùng anh quyết định đưa đứa bé lên trên để truyền thông điệp.

Đó có thể là thông điệp vạch trần sự tàn bạo của Ban điều hành. Họ tưởng như đang làm điều đúng đắn với một hệ thống kiểm duyệt nghiêm ngặt, nhưng cuối cùng vẫn để lọt lưới đứa bé mà đáng lẽ ra không được phép ở đây và nó bị buộc trải qua những điều kinh hoàng này.

Đứa bé còn là hiện thân cho những điều thánh thiện, tốt đẹp còn sót lại giữa một thực tại điên loạn, bần hàn và ô uế. Em ấy sống ở đó, hoàn toàn tách biệt với những người trên kia và chưa một lần phạm phải lỗi lầm. Việc Goreng chấp nhận hy sinh để đứa bé đi lên các tầng trên một mình, đến từ nguyên nhân tay anh khi ấy đã nhuốm máu của bao người, không còn giữ được sự tử tế như lúc ban đầu. Nhưng đứa bé thì xứng đáng được sống bởi em chính là tương lai, là niềm hy vọng của của một cuộc đời tốt đẹp.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Châu Hải Bình

Được quan tâm

Tin mới nhất