Deadpool 2 đã chính thức ra rạp vào ngày 18/5 và nhận được đa số phản hồi tích cực từ phía người xem và cả giới phê bình. Vẫn mang tầng tầng lớp lớp câu chuyện vui nhộn và đặc sắc về chàng siêu anh hùng bẩn bựa nhất địa cầu, từng giây phút của phim đều mang dấu ấn và đáng nhớ chứ không hề dư thừa hay nhạt nhòa. Điều thú vị nhất phải kể đến ở đây là phân cảnh after-credit hứa hẹn sẽ làm các fan phải cười không ngớt cho đến khi về nhà.
Deadpool ngược về quá khứ để sửa dòng thời gian
Cốt truyện của Deadpool 2 lần này chủ yếu xoay quanh chủ đề du hành thời gian. Chẳng hạn như Cable đã sử dụng nút bấm đầu tiên để quay ngược về quá khứ thủ tiêu Russell, sau đó tiếp tục hi sinh nút bấm trở về hiện tại của mình để cứu mạng Wade. Nhằm giúp phim được ngắn gọn và đơn giản hết mức có thể, những chi tiết cơ học về đồng hồ du hành thời gian của Cable được bỏ qua, mọi thứ được khắc họa chỉ đơn giản là Cable quay về quá khứ để thay đổi tương lai.
Ở phần after-credit, khán giả có thể thấy được chiếc đồng hồ thời gian của Cable quan trọng với Deadpool hơn mong đợi. Đoạn phim cho thấy Negasonic Teenage Warhead và cô bạn gái Yukio đang sửa chiếc đồng hồ và thêm vào đó một vài tính năng mới. Sau một vài màn tung hứng trêu chọc, như gọi Negasonic là Eleven nhại theo series ăn khách Stranger Thing và chào Yukio lần cuối, Deadpool đã ngược về ngày xửa ngày xưa để thay đổi một số sự kiện.
Wade đã quay về phần đầu phim để điều chỉnh hướng bay của dao nhằm giết chết tên thủ hạ cuối cùng, cứu lấy mạng sống của cô bạn gái Vanessa. Sau đó, anh cũng trở về thời điểm nhóm X-Force chết như rạ để cứu lấy… anh chàng Peter không có sức mạnh và chỉ mỗi anh ta. Tiếp theo đó vẫn còn hàng loạt màn “phá tung” quá khứ nữa, nhưng hãy dừng lại để xem xét đôi chút về hai sự việc nêu trên.
Peter và Vanessa có sống lại hay không?
Ta đều biết không phải màn thay đổi quá khứ nào cũng dẫn đến thành công, chí ít là trong Doraemon thì cơ hội thay đổi tương lai là 0%. Vậy, Peter và Vanessa có thật sự sống lại hay không?
Hãy xét về Vanessa trước, việc cứu cô gái này và để cô tiếp tục góp mặt trong phần ba của Deadpool là hoàn toàn khả thi và hợp lý, tuy việc này có thể làm rối tung mạch truyện của phần hai trước khi dẫn dắt nó vào phần tiếp theo. Còn về Peter, anh chàng này đã gây tiếng vang và là điểm nhấn bùng nổ của phim, vì thế nếu trong tương lai phía sản xuất thật sự mong muốn có một phim riêng về X-Force, thì Peter là cái tên sáng giá đầu tiên trong danh sách “tuyển dụng” của Wade.
Deadpool tự giết mình trong X-Men Origins: Wolverine
Sau khi sửa sang xong dòng thời gian của Deadpool 2, Wade lại tiếp tục “nhảy” sang một tựa phim khác cũng rất cần tân trang lại cốt truyện. Wade đã trở về phân đoạn trong bộ phim từng gây sóng gió năm 2009 là X-Men Origins: Wolverine để thanh toán tên Deadpool phiên bản lỗi ngày xưa - trông nhếch nhác với miệng bị khâu lại. Wade của ngày hôm nay đã bắn hàng loạt phát đoạn vào Wade của ngày hôm qua, để rồi quay sang thông báo với Logan rằng anh đang “sửa lại dòng thời gian”.
Điều thú vị là Deadpool bản 2009 khi trước cũng là do Ryan Reynolds thủ vai, và với các fan của loạt phim X-Men hay vũ trụ Marvel nói chung thì phiên bản Wade Wilson này không được yêu thích cho lắm, thậm chí từng nhận nhiều “gạch đá” vì đã phá hư hoàn toàn ngoại hình lẫn tính cách của Deadpool. Cho đến khi Deadpool chính thức ra rạp vào năm 2016 thì các fan mới có dịp thở phào vì cuối cùng Wade đã trở về đúng với con người hài hước mồm mép, chứ không phải bị may miệng lại trông chẳng khác gì món đồ chơi bằng nhựa được sản xuất hàng loạt.
Phân cảnh Wolverine đụng độ Deadpool trong “X-Men Origins: Wolverine” mà khán giả muốn quên đi.
Việc Deadpool quay ngược về năm 2009 để giết bản lỗi của mình đã phần nào xác nhận Wade ta không dính dáng gì đến tên hề kia trong X-Men Origins. Về phía loạt phim ăn khách về người đột biến, X-Men Origins: Wolverine đã từ lâu bị xoá sổ khỏi dòng thời gian và thay bằng Day of Future Past, và Apocalypse cũng nhanh chóng ra đời để miêu tả một câu chuyện khác về Logan. Sự việc này vô hình trung làm cho phân cảnh after-credit của Deadpool 2 càng thêm dí dỏm, khi chứng tỏ Wade đang giải quyết thù riêng chứ không hề có ý định sửa sang gì đến phân cảnh vốn đáng bị lãng quên trong X-Men Origins.
Deadpool “xử” luôn Ryan Reynolds trước khi nhận vai
Green Lantern
Sau khi tung hoành ngang dọc từ phim của mình sang phim của Wolverine thì Wade, hay nói đúng hơn là Ryan Reynolds còn một cái gai năm xưa cần nhổ bỏ. Cũng vào năm 2009, Ryan đang ngồi và hưng phấn cầm trên tay kịch bản của bộ phim Green Lantern, sau đó bày tỏ rằng sản phẩm điện ảnh này của DC sẽ giúp anh lọt vào danh sách sao hạng A của Hollywood. Deadpool ngay sau đó đã xuất hiện và nả một đạn vào sọ của Ryan.
Giống với X-Men Origins, vai diễn Green Lantern cũng là một thất bại mà Ryan Reynolds phải nếm trải trong sự nghiệp. Bộ phim nhận nhiều đánh giá còn tiêu cực hơn cả X-Men Origins: Wolverine, nhận được chỉ 39 điểm trên Metacritic. Có thể thấy, sự nghiệp của Ryan Reynolds trước khi tham gia Deadpool đã trải qua biết bao thăng trầm, và thành công hiện tại của anh là hoàn toàn xứng đáng với bao công sức đã bỏ ra. Tuy nhiên, nếu đã thẳng tay trừng trị Deadpool bản lỗi và Green Lantern “kém sang” thì tại sao Wade không sẵn tiện “dọn” luôn vai diễn Hannibal King trong Blade: Trinity cũng ất ơ không kém nhỉ?
Cảnh after-credit bị cắt về “em bé” Hitler
Khi xem phim tại rạp, tất cả phân cảnh post-credit khán giả được xem chỉ gói gọn trong việc Deadpool dùng đồng hồ của Cable quay ngược thời gian, sửa chữa đôi chút theo ý muốn rồi chấm dứt. Nhưng không phải ai cũng biết rằng trong kế hoạch gốc từ phía sản xuất, vẫn còn một phân cảnh nữa trong after-credit nhưng đã bị xoá khi phim chính thức ra mắt. Đó là cảnh Deadpool quay ngược thời gian về tận năm 1889 để giết… “em bé” Adolf Hitler. Wade ậm ừ vài tiếng châm chọc, rồi hét vào mặt đứa bé đang khóc rằng: “Câm miệng đi Ira, về sau nhóc sẽ phải cảm ơn ta!” trước khi “diệt gọn” tên trùm phát xít Đức.
Trước đó trong bộ phim, Deadpool đã một lần nhắc đến Adolf Hilter khi bàn về kế hoạch giết Russell của Cable. Tuy nhiên, có lẽ chi tiết này quá nhạy cảm về mặt chính trị nên đã buộc phía làm phim phải xoá nó khỏi after-credit của Deadpool 2.
“Holy Sh*tballs - He's The Juggernaut”
Phần after-credit của Deadpool 2 đến đây là chấm dứt, nhưng ở cuối phần chạy chữ thì vẫn còn một món quà nữa mà tên siêu anh hùng bẩn bựa muốn gửi tặng khán giả, và đó là nhạc nền giới thiệu Juggernaut. Ca khúc ngắn có tên là You Can't Stop This Motherf***** thực chất đã được phát hai lần trong phim, một là khi chiếc xe tải gặp tai nạn và hai là giữa cuộc chạm trán của Juggernaut và Colossus, thế nhưng vì khá ồn nên không phải ai cũng nghe được toàn bộ lời của ca khúc.
Nhờ vào đoạn nhạc được phát ở cuối đoạn credit mà người xem mới biết được lời của You Can't Stop This Motherf***** buồn cười ra sao: “You can't stop him. He's the Juggernaut. You can't stop this motherf*****” (tạm dịch: “Mày không ngăn được hắn đâu. Hắn là Juggernaut đó. Mày không ngăn được thằng 'trời đánh thánh đâm' này đâu!“). Cuối cùng bài hát chốt hạ với một đoạn chửi thề “holy sh*tballs” chất đứ đừ. Thật đúng là Deadpool - tên siêu anh hùng lầy lội quyết chí làm khán giả phải cười ngất từ đầu đến tận khi hết bộ phim và ra về!