Vào sáng thứ Hai vừa qua, lễ trao giải Oscars lần thứ 92 đã long trọng diễn ra, tôn vinh những tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất năm 2019. Một trong những hạng mục danh giá nhất, tượng vàng dành Nữ chính xuất sắc đã thuộc về Renée Zellweger. Trong bộ phim đoạt giải Judy, cô thủ vai Judy Garland, một trong những ngôi sao đình đám nhất của Hollywood thế kỷ trước, nhưng lại chịu kiếp hồng nhan bạc phận đầy đau đớn lúc cuối đời. Đặc biệt hơn nữa, Judy cũng là một nữ diễn viên “kém duyên” với giải Oscars, trong đó phải kể đến pha trượt giải trong gang tấc đầy đau đớn 65 năm về trước.
Cái giá để đến Xứ Oz thần tiên…
Judy Garland, tên thật là Frances Ethel Gumm sinh năm 1922 tại Mỹ, trong một gia đình làm nghề diễn kịch tạp kĩ (vaudeville). Đây là một loại hình nghệ thuật đặc trưng của xứ Cờ Hoa, diễn ra trên sân khấu và bao gồm nhiều tiết mục khác nhau như hát, nhảy, đánh đàn, ảo thuật… Ngay từ khi còn nhỏ, Frances đã bén duyên với nghệ thuật, và năm lên ba tuổi, cô cùng hai người chị gái đã xuất hiện trên sân khấu tạp kỹ của gia đình. Nhóm The Gumm Sisters (Chị em nhà Gumm) lưu diễn nhiều năm trời, được khán giả mến mộ, dẫn đến việc cả ba đổi tên họ thành “Garland” (có nghĩa là vòng hoa), trong đó Frances lấy tên “Judy” để lọt tai người xem hơn. Cũng chính từ đây, họ bắt đầu có những vai diễn quần chúng trong các phim điện ảnh đen trắng thời kỳ đầu.
Vào năm 13 tuổi, Judy Garland lọt vào mắt xanh của nhà sản xuất phim lừng danh Louis B. Mayer, và chỉ sau một buổi thử giọng duy nhất, cô đã được ký hợp đồng với Metro-Goldwyn-Mayer (MGM), hãng phim lớn nhất nước Mỹ lúc bấy giờ. Và từ lúc ấy, chuỗi bi kịch kéo dài cả đời của Judy bắt đầu. Cô được đào tạo bài bản về diễn xuất và thanh nhạc, nhưng với vẻ ngoài hiền lành, chất phác, Judy trở thành “chiếc đũa lệch” khi đứng cạnh những sao nhí đẹp như búp bê của hãng MGM lúc bấy giờ. Cô bị buộc phải đeo hàm răng giả, lắp mũi giả mỗi khi ghi hình, và chỉ được mặc trang phục xấu xí. Chính cách đối xử này của MGM đã khiến Judy tự ti về ngoại hình suốt nhiều năm cuộc đời.
Năm 1938, khi cô bé Judy mới chập chững sang tuổi mười sáu, MGM trao cho cô vai chính Dorothy Gale trong bộ phim thiếu nhi kinh điển nhất lịch sử Hollywood - Phù thủy xứ Oz. Được dựa trên cuốn sách thiếu nhi nổi tiếng, Phù thủy xứ Oz xoay quanh cô bé Dorothy bị lốc xoáy cuốn đến một vùng đất thần tiên, và cùng những người bạn là bù nhìn rơm, người máy đốn củi, sư tử nhát tìm đường trở về nhà. Việc quay phim liên tục hàng ngày cũng lịch trình quảng bá dồn dập khiến cô gái trẻ mệt lử. Thay vì cho Judy nghỉ ngơi, hãng MGM đã tàn nhẫn bắt cô dùng chất cấm để giữ tâm trạng tỉnh táo, cũng như ăn thuốc lá để ngăn cảm giác thèm ăn. Ra mắt năm 1939, Phù thủy xứ Oz thành công vang dội, đem về cho Judy giải Oscars Thiếu Nhi danh giá cùng tương lai rộng mở. Thế nhưng, những mầm mống đau thương của cuộc đời cô diễn viên trẻ đã bắt đầu nảy sinh.
Vì sao vụt sáng nhưng chóng tàn, để lại bao tiếc nuối
Với bệ phóng lý tưởng là Phù thủy xứ Oz, Judy Garland vững bước tiến trên con đường danh vọng ở kinh đô Hollywood. Cô trở thành một minh tinh đình đám, đóng cặp với nhiều ngôi sao nổi tiếng cùng thời, và kiếm cho hãng phim hàng triệu mỹ kim. Nhưng nhiều năm lạm dụng chất cấm, cùng chứng bệnh trầm cảm hình thành do làm việc quá sức đã khiến bông hoa nở sớm bắt đầu tàn lụi. Trái với hình tượng ngây thơ, trong sáng, vui tươi trên màn ảnh, Judy Garland ngoài đời là một diễn viên nghiện ngập, tính khí thất thường, hay nổi nóng vô cớ và thiếu chuyên nghiệp trên trường quay. Nền y học kém phát triển thời đó cũng chẳng giúp được mấy cho cô, và Judy từng phải trải qua những cách điều trị lợi ít hại nhiều như sốc điện để chữa trầm cảm.
Đi đôi với sự giảm sút về sức khỏe và tinh thần là phong độ tuột dốc của cô trên màn ảnh. Càng về cuối thập niên 1940, những bộ phim do Judy Garland đóng càng mất đi sức hút. Tới năm 1950, sau khi bị đuổi khỏi một dự án phim vì lười không chịu đến trường quay làm việc, Judy đã định dùng mảnh kính rạch vào cổ mình tự tử. May là sự việc bất thành, nhưng hãng MGM cảm thấy cô đã hết giá trị lợi dụng, và quyết định kết thúc hợp đồng với Judy. Khi ấy, cô mới 28 tuổi.
Rời khỏi môi trường làm việc vô nhân đạo ở MGM, Judy Garland cố tìm lại chính mình bằng đam mê từ thuở nhỏ: ca hát. Cô mở một chuỗi các buổi biểu diễn thành công ở châu Âu, và dần dần lan sang cả quê nhà Mỹ. Đây cũng là nền tảng để Judy lên ý tưởng cho cú tái xuất màn bạc của mình: một bộ phim ca nhạc nói về cô ca sĩ nghèo nhưng tài năng, tình cờ gặp và đem lòng yêu một nam siêu sao đình đám nhưng tai tiếng. Chàng siêu sao giúp cô thành danh và kết hôn với cô, nhưng những rắc rối đời tư của anh ngày càng đe dọa sự nghiệp đang trên đà phất lên của vợ. Không muốn cô phải thiệt thòi vì mình, siêu sao này quyết định tự vẫn. Còn lại một mình, nữ ca sĩ ra mắt khán phòng đông nghẹt và tự hào hát vang tên người chồng đã mất.
Nếu như cốt truyện này khiến bạn cảm thấy quen thuộc, thì điều đó cũng chẳng có gì lạ. Vì tên bộ phim ấy là A Star Is Born (Vì sao vụt sáng). Trước khi có phiên bản đình đám năm 2018 của Lady Gaga và Bradley Cooper, thì Judy Garland đã sắm vai chính trong phiên bản kinh điển không kém năm 1954. A Star Is Born của Judy thành công vang dội, nhận được vô vàn lời khen từ giới chuyên môn, và biến cô thành ứng viên hàng đầu cho hạng mục Nữ chính xuất sắc nhất tại giải Oscar năm đó.
Ngày diễn ra lễ trao giải càng tới gần, thì cả báo giới lẫn khán giả lại càng tin chắc Judy sẽ giành được bức tượng vàng danh giá, trở lại vị thế sao hạng A đã vụt mất trước đó. Thậm chí, khi Judy thông báo cô không thể dự lễ trao giải vì mang thai chín tháng, hội đồng Oscars đã cử cả một nhóm quay phim tới phòng bệnh viện của cô, sẵn sàng ghi lại khoảnh khắc chiến thắng đầy tự hào. Nhưng rồi số phận đã không mỉm cười với ngôi sao đáng thương ấy. Cái tên được xướng lên không phải Judy Garland, mà là cô đào xinh đẹp, trẻ trung Grace Kelly với phim The Country Girl. Ngay sau khi kết quả được công bố, ekip quay phim đã nhanh chóng thu dọn đồ nghề và rời bệnh viện, bỏ mặc Judy ngồi thất thần, đau khổ khôn nguôi vì giấc mơ tái xuất đã tan vỡ.
Bức tượng vàng muộn màng sau hơn sáu thập kỷ
Quãng đời còn lại của Judy Garland có lẽ không cần nhắc đến nữa, vì bộ phim Judy do Renée Zellweger thủ vai chính đã xuất sắc kể lại đầy đủ rồi. Cô chật vật với những show ca nhạc, những chương trình truyền hình, những bộ phim không mấy thành công, để rồi cuối cùng qua đời vào năm 1969, khi mới chỉ 47 tuổi. Sau khi ra đi, hàng loạt giải thưởng lớn liên tục gọi tên cô: hội đồng Grammy truy tặng giải thành tựu trọn đời, Viện Phim Mỹ thì xếp cô đứng thứ tám trong danh sách các nữ diễn viên kinh điển nhất trong lịch sử. Nhưng dù các danh hiệu ấy có rực rỡ bao nhiêu, thì chúng cũng chẳng giúp gì cho Judy Garland được nữa. Người phụ nữ bé nhỏ, mong manh ấy đã ra đi mãi mãi, sau khi bị vắt kiệt bởi bộ máy sản xuất phim khắc nghiệt của kinh đô điện ảnh Hollywood.
Sáu mươi lăm năm trước, danh hiệu Nữ chính xuất sắc nhất tại Oscars vốn dĩ đã có thể hồi sinh sự nghiệp cho Judy Garland, nhưng tiếc thay, nó lại vuột khỏi tay cô đầy nuối tiếc. Giờ đây, tuy nữ diễn viên tài hoa này không còn nữa, nhưng câu chuyện đời cô lại mở đường cho hậu bối Renée Zellweger giành lấy bức tượng vàng quý báu. Có lẽ, giải thưởng ấy cũng giống một sự tôn vinh muộn màng cuộc đời người nghệ sĩ bạc mệnh Judy Garland, bông hoa sớm nở, chóng tàn đáng thương của điện ảnh Mỹ.