Hầu như ai cũng biết rằng năm 2020 là một năm không may mắn cho tất cả mọi ngành nghề, điển hình là các hoạt động giải trí. Đầu tháng Ba - ngay sau mùa phim Tết với loạt tác phẩm bạc tỷ, đại dịch COVID-19 đã lan rộng và khiến tất cả các rạp chiếu phim ở Việt Nam lao đao vì đóng cửa. Nhiều dự án phim cũng vì thế mà hoãn lại việc công chiếu trong năm nay.
Khác với các bộ phim Việt còn lại, ekip của Ròm lại đưa ra một quyết định khá táo bạo - ra mắt ngay sau khi đợt dịch thứ hai vừa được kiểm soát. Dẫu vậy, đứa con của đạo diễn Trần Thanh Huy vẫn hóa phượng hoàng thành công, trở thành bộ phim có doanh thu tuần đầu cao nhất năm 2020, chưa kể thành tích ngày thứ Sáu lớn nhất (hơn 10 tỷ). Lý do cho thành công này là gì? Cùng SAOstar giải mã nhé.
Dám tái hiện hiện thực trần trụi của sự nghèo khổ
Nếu bạn hy vọng vào một bộ phim hào nhoáng từ nội dung, phông cảnh đến dàn sao nổi tiếng thì Ròm không dành cho bạn. Từ đúng nhất để diễn tả 79 phút của bộ phim có lẽ là từ: Đời. Vì sao? Không lấy đề tài quá xa rời thực tế, vị đạo diễn tài ba Trần Thanh Huy mang đúng chất nghèo, đúng những gì mà phần lớn người dân ở mảnh đất hình chữ S này vẫn phải gặp mỗi ngày lên màn ảnh.
Cái nghèo trong phim còn nghèo hơn cả chữ "nghèo", từng phân cảnh đều khắc họa rất chân thực tình cảnh, hành động của những người dân khi rơi vào thiếu thốn.
Lấy bối cảnh tại một khu chung cư cũ đang chờ giải tỏa tại Sài Gòn, Ròm kể câu chuyện về cuộc sống của những người dân lao động nơi đây. Họ đều chơi số đề với hy vọng kiếm được một khoản tiền lớn để đổi đời. Ròm là cậu bé làm “cò đề” để kiếm sống qua ngày, chuyên tư vấn cho người dân những con số may mắn để họ có cơ may trúng đề. Cái nghèo ảnh hưởng rất nặng nề đến chính suy nghĩ của người dân ở chung cư cũ này. Khi Ròm dự đoán chính xác, cậu bé sẽ được tung hô, nhận được những lời khen lên tới tận trời mây. Ngược lại, khi con số đưa ra là sai, nhân vật này sẽ bị ném đá, bị kéo xuống tới vực thẳm và bị đánh đập.
Đảm bảo sự chỉn chu và đã chiến thắng vẻ vang
Dự kiến ban đầu của ekip quay là thực hiện bộ phim trong vòng một năm, thế nhưng, Ròm đã phải mất tới 7 năm để hoàn thành. Không có nhiều kinh phí sản xuất, tất cả các cảnh hành động, bạo lực của Ròm đều được thực hiện thật bởi chính các diễn viên chính, ít khi sử dụng đến diễn viên đóng thế. Bởi vậy, từng phân cảnh của tác phẩm này đều vô cùng chân thật. Sự chỉn chu của đạo diễn và nhà sản xuất còn thể hiện ở cách quay góc nghiêng xuyên suốt Ròm.
Giải thích cho cách quay này, đạo diễn hình ảnh Nguyễn Phúc Vinh đã nói rằng nó sẽ phù hợp với việc miêu tả cuộc sống bấp bênh của người dân lao động - những con người thấp bé trong xã hội. Thật vậy, chẳng có gì tốt hơn bằng việc trực tiếp nhìn thấy cái nghèo ở từng phân cảnh, chỉ cần nhìn vào đã thấy sự "nghèo". Khi những giọt mồ của dàn diễn viên, nhà sản xuất rơi xuống là lúc Ròm tiến ra ánh sáng, làm vẻ vang điện ảnh nước nhà với hai giải thưởng lớn.
Cụ thể, bộ phim đã giành giải Phim hay nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Busan lần thứ 24 và Phim đầu tay hay nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Fantasia. Đây cùng là tiền đề giúp Ròm đại thắng tại các rạp chiếu phim ở Việt Nam.
Bối cảnh ra mắt và hiệu ứng truyền miệng
Sau chiến thắng vẻ vang tại quốc tế, Ròm đã dự định có màn ra mắt ngay tại sân nhà sau khi được cấp phép phát hành ở Việt Nam dưới dạng phim dán nhãn 18+ vào tháng 03/2020. Tuy nhiên do đại dịch COVID-19 bùng phát, bộ phim đã bị hoãn chiếu vô thời hạn và rất vất vả để có cơ hội ra rạp. Dẫu vậy, cuối cùng nhà sản xuất cũng đưa ra một quyết định vô cùng thông minh và chọn ngày ra mắt rất hợp lý.
Ở cuối đợt dịch thứ hai, rạp chiếu phim Việt Nam tiếp tục rơi vào hoàn cảnh "vườn không nhà trống", có rất ít bom tấn - đặt biệt là phim Việt ra mắt vào thời điểm hiện tại. Ấy thế, một tác phẩm được giải quốc tế, là đứa con đáng tự hào của làng điện ảnh Việt lại sẵn sàng ra mắt vào thời điểm hiện tại, không có lý do gì để khán giả từ chối ủng hộ tác phẩm này... Một yếu tố quan trọng nữa khiến Ròm thu hút nhiều khán giả thưởng thức ngay trong ngày đầu tiên ra rạp là hiệu ứng truyền miệng, đặc biệt là từ những ngôi sao có tiếng.
Tương lai của phim Việt
Sau thành công của Ròm, có lẽ các nhà làm phim ở Việt Nam nên nhìn nhận lại một vấn đề: Liệu khán giả chưa "dám" ủng hộ tại các tác phẩm ở quê nhà hay các tác phẩm do Việt Nam sản xuất chưa thu hút họ? Câu trả lời là không phân biệt phim ngoại hay nội, chỉ cần phim được đầu tư chỉn chu, khán giả Việt sẽ không ngần ngại ủng hộ. Đừng đổ lỗi hay cho rằng người hâm mộ khó tính, không ủng hộ các tác phẩm nội địa nếu chính các tác phẩm đó chưa đủ chỉn chu để kéo họ tới rạp chiếu phim.