2015 lẽ ra là một năm bùng nổ của Studio Ghibli khi nó đánh dấu kỉ niệm 30 năm thành lập xưởng phim này. Nhưng trái với kỳ vọng, cho tới tận tháng Năm năm nay, khán giả Mỹ (và sau đó là thế giới) mới được thưởng thức When Marnie Was There (tên gốc: Omoide no Marnie - Kí ức về Marnie), phim hoạt hình mới nhất của Studio Ghibli. Và tất cả chỉ có vậy.
Lý do dẫn đến sự im hơi lặng tiếng này là liên tiếp trong các năm 2013 và 2014, Studio Ghibli buộc phải liên tiếp nói lời chia tay với Hayao Miyazaki và Toshio Suzuki - hai trong ba vị đồng sáng lập nên xưởng phim hoạt hình Nhật Bản được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới. Sự rút lui của hai người bạn thân thiết, hai người đồng nghiệp ăn ý trong vai trò đạo diễn - nhà sản xuất đã đặt Ghibli vào vòng nguy hiểm.
Tháng 8/2015, Toshio Suzuki tuyên bố xưởng Ghibli tạm dừng hoạt động cho một đợt “đóng cửa dọn nhà” và tái cấu trúc lại hoạt động. Tuyên bố của Toshio đã dẫn đến những lời đồn đoán Studio Ghibli sẽ không làm phim hoạt hình nữa. Tuy nhiên điều này ngay sau đó đã bị phủ nhận.
Những tin đồn thất thiệt về số phận của Ghibli lan tràn trên mạng vào nửa cuối 2014, xét cho cùng, cũng không phải thiếu căn cứ. Bởi nếu Toshio là người đảm nhận công việc sản xuất trong hầu hết các bộ phim, thì Hayao Miyazaki lại là linh hồn của Ghibli, góp phần to lớn trong việc biến xưởng phim, từ một cái tên nội địa, trở thành thương hiệu được hâm mộ trên toàn thế giới.
Chúng ta đang nói đến My Neighbor Tottoro (1988), Spirited Away (2001) và rất nhiều cái tên khác. Người ta vẫn nhắc đến Spirited Away như tác phẩm lớn, không chỉ giúp Ghibli giành được vô số giải thưởng trong nước và quốc tế, mà còn đặt nó vào một vị trí danh giá trên bản đồ điện ảnh thế giới. Còn Tottoro, thậm chí vị thần rừng khổng lồ màu xám và lông lá này đã trở thành logo của xưởng phim.
Năm 2006, Goro Miyazaki - con trai của Hayao Miyazaki ra mắt người hâm mộ hoạt hình nói chung và fan trung thành của Ghibli nói riêng bằng tác phẩm A Tale From the Earthsea. Anh được kì vọng sẽ kế tục công việc của Hayao Miyazaki tại Studio Ghibli.
Nhưng bộ phim này lại không được công chúng đón nhận một cách nồng nhiệt. Lý do được cho là bởi A Tale From the Earthsea quá xa lạ với motif quen thuộc của Ghibli - tập trung khai thác vấn đề theo chiều sâu nội tâm thay vì chiều dài cốt truyện. Phải đến tận năm 2011, Goro mới nhận được sự công nhận từ khán giả với From Up on Poppy Hill - một bộ phim “đúng chuẩn” Ghibli thời bấy giờ.
Câu chuyện của Goro Miyazaki là một ví dụ cho những khó khăn mà Studio Ghibli sẽ phải đối mặt trong thời kì “Hậu Hayao”. Khán giả đã quá quen thuộc với Hayao Miyazaki và phong cách làm phim của ông, tới độ biến nó thành “quy chuẩn” để đánh giá các phim của Ghibli.
Dù không thể phủ nhận việc Hayao Miyazaki đã tạo nên những kiệt tác nghệ thuật trong suốt chiều dài hoạt động nghệ thuật của mình, nhưng dưới “thời đại của Miyazaki”, nhưng người xem vẫn phải thừa nhận có rất nhiều phim của các đạo diễn khác trong xưởng Ghibli tạo được tiếng vang lớn về cả nội dung lẫn hình thức thể hiện.
Chúng ta đang nhắc tới Grave of the Fireflies, Only Yesterday của Isao Takahata hay Arrietty của Hiromasa Yonebayashi… “Tiền lệ” này tạo ra cơ sở cho niềm hi vọng vào một tương lai “Tre già măng mọc” đầy tươi sáng.
Toshio Suzuki và Hayao Miyazaki lui vào hậu trường, nhường lại sân khấu, và cả một tương lai phía trước được xây dựng từ những nền tảng vững chãi trong quá khứ cho Yoshiaki Nishimura và Hiromasa Yonebayashi - những người được cho là sẽ tiếp quản vị trí nhà sản xuất và đạo diễn mà hai vị tiền bối đã để lại.
Trong hai năm 2013 - 2014, Studio Ghibli ra mắt khán giả hai phim hoạt hình với phong cách đối lập (tất nhiên vẫn nằm trong sự tương quan với các tác phẩm khác và phong cách chung của xưởng phim). Nếu When Marnie Was There (của đạo diễn trẻ Hiromasa Yonebayashi) thuộc thể loại tâm lý - tình cảm kể về tình bạn giữa hai cô bé ở một miền quê thanh bình, thì The Tale of the Princess Kaguya (của đạo diễn gạo cội Isao Takahata) lại mang sắc màu thần thoại.
Tuy nhiên trong khi cách thể hiện của When Marnie Was There trung thành với phong cách thường thấy của Ghibli, thì The Tale of Princess Kaguya lại thiên về lối vẽ giản lược mềm mại trên chất liệu màu nước của hội hoạ truyền thống Nhật Bản.
Tuy có những nét đối lập về thể loại, phong cách hay thậm chí cả việc hai bộ phim được làm bởi hai đạo diễn thuộc hai thế hệ khác nhau của Ghibli, chúng ta vẫn thấy được ở chúng những điểm chung. Thứ nhất, như đã nói ở phần trên của bài viết, cả hai bộ phim đều tuân thủ nguyên tắc khai thác theo chiều sâu tâm lí nhân vật thay vì chiều rộng của cốt truyện.
Yonebayashi đã kể lại câu chuyện về hai cô bé giữa vùng không gian mênh mông của núi rừng trong khi Isao tiên sinh kể về cô bé tí hon trong ống trúc và hai vợ chồng đã nuôi lớn cô. Điểm chung thứ hai, chúng đều là những bộ phim chuyển thể. Một từ truyền thuyết dân gian Nhật Bản, và một từ tiểu thuyết của nữ văn sĩ Joan G. Robinson.
Có lẽ thay vì việc ngồi điểm lại tên những bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học của Ghibli, chúng ta nên tự nhớ lại tên bộ phim có kịch bản gốc gần đây nhất (hay cuối cùng?) của xưởng phim này là gì. Không phải The Wind Rises (2013), bởi nó được lấy cảm hứng từ câu chuyện về một người có thật, cũng không phải From Up on Poppy Hill (2011). Câu trả lời là cô bé người cá Ponyo (2008) - bộ phim thứ tám Hayao Miyazaki làm cho Studio Ghibli. Gần tám năm trôi qua, và Studio Ghibli chưa sản xuất thêm bất kỳ một bộ phim có kịch bản gốc nào!
Đây nên được coi là một bước lùi của Ghibli khi họ không sáng tạo được một cốt truyện hoàn toàn mới hay một bước đệm dài thật dài cho một cú lộn đột phá trong tương lai? Sự đột phá là thứ mà khán giả hâm mộ đều mong đợi, bởi dù những tác phẩm của Studio Ghibli vẫn đều đặn ra mắt và được đón nhận, người xem dần cảm thấy thái độ của họ khi thưởng thức chúng đã nhuốm màu mệt mỏi. Người xem cần một thứ gì đó ngọt ngào như Tottoro, dữ dội như Princess Mononoke (1997) hay hài hước như Pom Poko (1994)… Một thứ gì đó “thật Ghibli” nhưng cũng thật khác lạ so với Ghibli lâu nay.
Mong muốn của khán giả đôi khi tự mâu thuẫn nhau đến buồn cười. Nhưng một sự đột phá là vấn đề cấp bách. Làm cách nào để tạo ra sự đột phá trong giai đoạn mới là câu hỏi có lẽ chỉ nội bộ xưởng phim tự đưa ra được đáp án trong thời gian “đóng cửa dọn nhà” - như lời Toshio Suzuki từng nói trong một cuộc phỏng vấn. Và có lẽ Studio Ghibli đã tìm được câu trả lời mà họ mong muốn khi tạo ra một sự thay đổi vô tiền khoáng hậu chưa từng có trong lịch sử của xưởng phim. Sự thay đổi mang hình dáng một “chú rùa màu đỏ”.
Không phải phong cách vẽ quen thuộc, không phải cốt truyện hay phong cách kể thường thấy, thậm chí không do một đạo diễn người Nhật đảm trách. Đó là những gì khán giả được biết về The Red Turtle - Dự án phim hoạt hình sẽ ra mắt năm 2016 của Studio Ghibli. Lần đầu tiên Ghibli ra mắt một bộ phim mà cái tên biên kịch và đạo diễn đều nằm ngoài cơ cấu nhân sự của xưởng, hay nói cách khác, trong dự án này, Ghibli chỉ đóng vai trò như “bà đỡ”, hỗ trợ hai tác giả cho ra đời đứa con tinh thần của mình.
The Red Turtle càng khiến người ta hoang mang hơn khi nhớ lại tin đồn năm nào: Ghibli sẽ không sản xuất phim hoạt hình nữa. Điều gì sẽ xảy ra sau The Red Turtle là một bí ẩn. Nhưng những người hâm mộ những bộ phim hoạt hình của Studio Ghibli, và cả thương hiệu này, đều có chung một mong muốn. Chúng ta chắc hẳn đều muốn được thêm nhiều lần nữa thưởng thức những bộ phim hoạt hình được làm bởi xưởng phim của những điều kỳ diệu này.