Phim Ảnh

Gặp Lê Mỹ Cường - Chàng đạo diễn trẻ 'gây sốt' với phim ngắn 'Nhà đối diện'

Chia sẻ

Chọn thể loại tài liệu kén người xem và "khó nhằn", Lê Mỹ Cường vẫn chinh phục được các khán giả trẻ bằng cách khai thác đề tài độc đáo, đầy cảm xúc.

Là một trong 10 nhà làm phim trẻ được dự án 10 tháng 10 phim tài liệu của Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) & Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam “chọn mặt gửi vàng”, Lê Mỹ Cường là đạo diễn của bộ phim tài liệu ngắn độc đáo có tên Nhà đối diện. Dù chưa được đăng tải chính thức trên mạng xã hội hay công chiếu rộng rãi, nhưng qua một vài suất chiếu ở rạp Trần Hưng Đạo và sự kiện VietPride 2015 ở cả Hà Nội và TP HCM, Nhà đối diện cũng đủ để tạo nên một cơn sốt nho nhỏ trên cộng động mạng, đặc biệt là với những ai quan tâm đến đề tài đồng tính.

000037

Lê Mỹ Cường từng được biết đến với nhiều bộ phim tài liệu ngắn như Nhọc nhằn than, Ốc đảo gió… và mới đây nhất là Nhà đối diện.

Bộ phim tài liệu ngắn 20 phút nói trên ghi lại một cách sống động và chân thực về cuộc sống của một cặp đôi đồng tính tại Hà Nội cùng cái nhìn của những người hàng xóm xung quanh về họ. Nhà đối diện không chỉ mang đậm tính xã hội mà còn chất chứa không khí vui tươi, trẻ trung, hiện đại, đem lại cho người xem một cái nhìn mới mẻ về một vấn đề nhiều người quan tâm nhưng hiếm ai biết rõ tường tận và dám trực diện nhìn vào nó.

10572218_10203646916750121_6655596930354109212_o

Hai nhân vật chính trong phim ngắn Nhà đối diện.

Trong khi dòng phim thị trường đang dần bị “thống trị” bởi những bộ phim hài nhảm vô thưởng vô phạt thì việc một người trẻ như Lê Mỹ Cường dám chịu khó… xông pha với thể loại phim tài liệu quả là một điều đáng mừng. Cách đây hơn 1 tuần, Lê Mỹ Cường đã đăng tải một đoạn trích của phim ngắn Nhà đối diện lên YouTube và nhận được khá nhiều quan tâm của khán giả trẻ. Dù chưa thực sự tạo ra cơn sốt bằng các tác phẩm tài liệu “hạng nặng” như Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng hay Lửa Thiện Nhân, nhưng những phản hồi tích cực của cộng đồng mạng dành cho Nhà đối diện cũng đủ để cho thấy thể loại phim “khó nhằn” này vẫn còn có chỗ đứng riêng trong lòng khán giả trẻ.

Đoạn trích phim tài liệu ngắn “Nhà đối diện”.

Sắp tới, người hâm mộ có thể xem Nhà đối diện trong chương trình Sunday Docs tại Trung tâm văn hóa Pháp ở Hà Nội ngày 29/11, hoặc chờ thêm một thời gian nữa để tác phẩm được Lê Mỹ Cường đăng tải công khai trên mạng xã hội. Tác phẩm chắc chắn sẽ chạm được đến trái tim mọi người bằng sự chân thật, hồn nhiên nhưng cũng đầy kỹ thuật của một nhà làm phim trẻ.

Saostar.vn đã có một cuộc trao đổi thú vị với Lê Mỹ Cường về dự án phim nói trên và định hướng tiếp theo của chàng đạo diễn.

Làm phim bằng cảm hứng

- Tại sao Cường lại chọn đề tài đồng tính cho dự án phim tài liệu ngắn này của mình, đây có phải là một chủ đề mà bạn ấp ủ từ lâu?

- Trong giai đoạn triển khai dự án, tôi có xem được bộ ảnh The Pink Choice của nữ tác giả Maika. Tôi bị ấn tượng bởi một cặp đôi ở Sóc Sơn và khá tò mò về cuộc sống của những người đồng tính tại một nơi ít có điều kiện tiếp xúc với thông tin, báo đài như vậy. Tuy nhiên, vì một số trục trặc tôi đã không thể làm việc được với họ. Dù vậy, tôi vẫn kiên quyết bám theo đề tài này và cuối cùng có được hai nhân vật chính là Hoàn Khang và Nguyễn Phát vô cùng đáng yêu.

Còn cái tên phim cũng như cái tứ Nhà đối diện nảy sinh ở ngày thứ 2 sau khi tôi bắt được một góc máy từ góc nhìn thứ 3 khá đặc biệt. Trong phim tài liệu ngắn này bạn sẽ không thấy những đau khổ, dằn vặt như đại đa số những gì người ta hay nói về người đồng tính cũng như tình yêu của họ. Họ cũng yêu nhau bình thường và vui vẻ như nhiều cặp đôi khác. Và đó là thông điệp chính của tác phẩm.

4

- Cường đã làm gì để thuyết phục các nhân vật của mình, và đã chuẩn bị cho họ những gì trước khi bấm máy?

- Tôi chẳng chuẩn bị gì cả. Tôi nhớ đó là một hôm mưa gió cuối tháng 8 năm ngoái, tối hôm trước điện thoại báo hai anh nhân vật, hôm sau ập đến nhà như “phục kích” luôn.

Một phần cũng vì tôi từng làm việc với hai nhân vật này trong một số chương trình truyền hình nên anh em cũng khá thân thiết và cởi mở, không khó để thuyết phục. Họ là những người đã “come out” (công khai đồng tính) nên không đắn đo nhiều. Chỉ dặn làm sao lên hình cho đẹp là được (cười).

17

- Cường đã có những cộng sự nào giúp mình hoàn thiện tác phẩm này? Điều gì khiến bạn cảm thấy chưa được hài lòng ở “Nhà đối diện”?

- Bắt tay vào thực hiện bộ phim này có tôi và một bạn Hương Anh - hiện đang công tác tại Ban thanh thiếu niên Đài Truyền hình Việt Nam, cũng là học sinh tại Trung tâm TPD. Hương Anh cũng thích đề tài này nên đồng ý hợp tác với tôi thực hiện.

Tôi là đạo diễn kiêm quay phim và dựng phim luôn. Mỗi lần đi quay chúng tôi lại nhờ một, hai người bạn khác nhau giúp sức như Chip Choai, JN, Hà Đỗ… Đại khái là ê-kíp rất linh động và tùy hứng. Đấy cũng chính là cái lợi của việc “làm cái mình thích”. Cứ phải có hứng mới làm được.

10

Bên cạnh đó, nhà báo, đạo diễn Nguyễn Kim Hải - đạo diễn của bộ phim tài liệu Luôn ở bên con (Phim tài liệu xuất sắc nhất liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ nhất - HANIFF 2010) đã hỗ trợ mình rất nhiều ở giai đoạn hậu kỳ hoàn thiện phim này.

Mất thời gian nhất có lẽ là khâu hậu kỳ. Tôi không nhớ là đã dựng rồi lại đập đi dựng lại bao nhiêu bản. Có một số trục trặc về âm thanh nên đây cũng là điều tôi chưa hài lòng nhất về bộ phim này. Ngoài ra, tôi còn gặp sự cố khi làm… rơi ổ cứng trong lúc đang xử lý file, hậu quả là phải chi ra khoản phí “cay đắng” 5 triệu đồng để khôi phục dữ liệu.

Lan truyền tình yêu với phim tài liệu

- Vừa qua, Cường có thực hiện một cuộc khảo sát online về ý kiến của mọi người sau khi xem trích đoạn phim tài liệu “Nhà đối diện”. Vậy những phản hồi mà Cường nhận được từ khảo sát sẽ được dùng cho mục đích gì?

- Chỉ sau hai ngày tôi nhận được hơn 200 phiếu trả lời khảo sát. Mục đích của việc khảo sát này là để phục vụ cho hồ sơ xin đầu tư dự án We Touch (Chạm) do tôi cùng một nhóm các bạn trẻ đến từ Khóa học Mùa thu về Phát triển (Trung tâm ISEE) cùng thực hiện.

DSC_4631

Lê Mỹ Cường cùng các thành viên của dự án We Touch.

Dự án này sẽ xây dựng một kênh trên mạng xã hội để chia sẻ những bộ phim tài liệu nhằm truyền cảm hứng cho cộng đồng và bồi đắp tình yêu với phim tài liệu.

Chúng tôi muốn đưa đến một món ăn tinh thần mới. Cụ thể là chúng ta đã khá quen với những hình thức như Vlog, phim ngắn sitcom, video hài hước nhưng khi chưa có một ai lựa chọn những hình thức khác kiểu như phim tài liệu thì khán giả sẽ ko biết là có tồn tại một dạng thức như thế.

- Là một người trẻ lại theo đuổi thể loại phim tài liệu, Cường có thấy mình… bơ vơ và lạc lõng so với bạn bè cùng trang lứa không?

- Có khá nhiều những bạn trẻ làm phim tài liệu như tôi. Trung tâm TPD là một trong những cộng đồng làm phim tài liệu lớn ở Việt Nam hiện nay. Bắt đầu từ năm 2007, dự án Chúng ta làm phim của trung tâm TPD đã có gần 60 lớp làm phim tài liệu cho các bạn trẻ và có hơn 300 bộ phim được thực hiện. Rõ ràng đó là một cộng đồng không hề nhỏ. Và tôi thì mong muốn những bộ phim thú vị như thế không chỉ dừng lại trong những khán phòng chiếu trong cộng đồng.

IMG_8953

Lê Mỹ Cường khi tham gia chương trình Phim tài liệu Đông Nam Á tại Kyoto Nhật Bản vào tháng 3/2014.

- Được biết hiện tại Cường là biên tập viên của VTV3, công việc cụ thể của Cường là gì, nó giúp ích gì cho Cường trên con đường đam mê điện ảnh, đặc biệt là thể loại tài liệu?

- Hiện tôi là biên tâp viên của chương trình Điều ước thứ 7, Không giới hạn Sasuke Việt Nam, Cà phê sáng với VTV3. Có khá nhiều những câu chuyện, đề tài, những con người và mảnh đất đặc biệt tôi được tiếp xúc trong quá trình công tác tại VTV3. Đây sẽ là vốn sống cũng như nguồn đề tài phong phú mà mình đang tích góp cho những ý tưởng phim tài liệu sau này.

- Thời còn đi học, Cường học cả 2 trường Sân khấu Điện ảnh và Ngoại Thương, vậy Cường có hoàn thành phần học ở Ngoại Thương không? Cường sẽ theo đuổi điện ảnh tới cùng và xem nó là một nghề nghiệp chính chứ không phải chỉ là đam mê giải trí đơn thuần chứ?

- Tôi đã tốt nghiệp Đại học Ngoại Thương Hà Nội theo đúng niên khóa 2007 - 2011. Năm 2013 thì tôi tốt nghiệp Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội.

Có lẽ tôi sẽ cần trả lời câu hỏi về “nghề nghiệp” bằng một bộ phim đủ lớn hơn là một lời khẳng định suôn. Tôi vẫn đang đi tìm cơ hội.

Nếu bạn hiểu được cảm giác ngồi trong khán phòng dù nhỏ nhưng được xem phim mình trên màn ảnh lớn rồi hồi hộp chờ đợi tiếng vỗ tay khi bộ phim kết thúc thì bạn sẽ hiểu đúng là có những thứ mình làm không phải chỉ vì tiền thật. Còn đương nhiên, tôi vẫn mong ước giàu vừa đủ để có tiền trang trải những nhu cầu cơ bản và cũng vẫn có tiền làm phim.

_MG_6175

- Mục đích sắp tới trong tương lai gần của Cường là gì, bạn có tham vọng gì lớn lao không?

- Tôi hy vọng dự án We Touch sẽ sớm được hoàn thiện, có đầu tư và được khán giả đón nhận. Bên cạnh đó, tôi cũng sẽ hoàn thành bộ phim tài liệu ngắn tiếp theo: một câu chuyện về nỗi cô đơn: Cô đơn có màu gì? Đây là điều mình đang băn khoăn ở giai đoạn này.

- Cảm ơn Cường, chúc bạn luôn thành công!

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất