“Gạo nếp gạo tẻ” muốn kể câu chuyện của gia đình Việt
Đã từ rất lâu rồi màn ảnh nhỏ Việt Nam vắng hẳn những bộ phim đề tài gia đình có nội dung hấp dẫn, gần gũi với cuộc sống. Nếu trước đây, những cái tên như Dù gió có thổi, Cá Rô, em yêu anh!, Gia đình là số một,… từng khiến khán giả xem đài trông ngày trông đêm, chờ đến giờ phát sóng để đón xem những tập phim về gia đình ấm cúng, thân thương thì nay đã có thêm một ứng cử viên mới cho danh sách này, đó là Gạo nếp gạo tẻ.
Gạo nếp gạo tẻ là bản Việt hóa của bộ phim Wang's Family (Dòng tộc họ Wang) ở Hàn Quốc. Trước đây, Wang’s Family khi ra mắt khán giả xứ Nhân Sâm vào năm 2013, 2014 đã tạo được một làn sóng xem đài cao khủng khiếp. Theo số liệu cho thấy, tỉ suất người xem của bộ phim hầu như không có đối thủ chứng tỏ sức hút quyến rũ trong nội dung khiến khán giả không thể không đón xem.
Rating đáng nể của Wang's Family
Từ kịch bản quá sức thành công đó, ekip thực hiện đã tinh tế chắt lọc và Việt hóa thành một bản Wang’s Family của Việt Nam hết sức mượt mà. Gạo nếp gạo tẻ từ lúc lên sóng cho đến nay chưa có ngày nào không có đề tài để khán giả tranh biện, từ đó minh chứng cho việc nội dung được tính toán kĩ lưỡng, mang đến những góc nhìn cuộc sống chân thật. Vậy nội dung ấy, cụ thể ra sao?
Câu chuyện được kể xoay quanh những biến cố, thăng trầm trong gia đình ông Vương (Mai Huỳnh) - bà Mai (NSND Hồng Vân). Đúng như một gia đình Việt Nam mẫu mực, ông Vương là trụ cột chính trong nhà, là một thầy giáo cấp hai nghiêm túc, trong khi bà Mai lại đại diện cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Bà là người quán xuyến hết tất cả công việc trong gia đình để cho chồng và các con ra ngoài làm việc. Hai người cùng sống chung với mẹ ruột ông Vương là bà Đào (NSƯT Minh Đức) và em ruột ông Vương là Quang (Ngọc Thuận). Những mâu thuẫn giữa gia đình chồng với bà Mai là điều khó tránh khỏi.
Ông Vương bà Mai còn có bốn người con: ba gái, một trai. Người con gái lớn là Hương (Lê Phương) phải sống xa gia đình từ sớm, chịu cảnh lam lũ để lo cho chồng là Công (Hoàng Anh) và hai con nhỏ. Ngược lại, người con gái thứ ba là Hân (Thúy Ngân) lại sống trong sự chở che của mẹ khi còn nhỏ và sự bao bọc của chồng là Kiệt (Trung Dũng) khi đã trưởng thành. Người con gái cuối cùng của gia đình là Minh (Phương Hằng). Cô hiện lên trong mắt khán giả là một cô gái cá tính, năng động, sống hết mình vì tuổi trẻ và ước mơ. Cô từng khiến mẹ nổi giận khi dám từ bỏ nghề bác sĩ cao quý để làm biên kịch.
Đó là tam nữ nhà ông Vương. Ông còn có một người con trai là Khoa (Bảo Bảo). Khác với các chị đều đã trưởng thành, Khoa chỉ là một cậu học sinh lớp chín. Khi tất cả mọi người trong nhà đều có nhiều bộn bề trong cuộc sống để lo toan, họ gần như quên đi mình còn có một thành viên nhỏ để quan tâm là Khoa. Bối cảnh gia đình có phần phức tạp ấy chính là gốc rễ của nhiều mâu thuẫn nảy sinh sau này. Để kể hết ra trong một bài viết, thật sự sẽ rất dài, khán giả yêu phim ảnh hãy dành thời gian theo dõi xem giữa một gia đình đông con như vậy, liệu có giống như người xưa vẫn dạy rằng nhiều con nhiều phúc hay không, hay tình cảm của cha mẹ sẽ dành cho các con không đồng đều dẫn đến những tủi thân không dám nói thành lời?
“Gạo nếp gạo tẻ” ngon hơn nhờ cách chế biến thuần Việt
Gạo nếp gạo tẻ thu hút khán giả nhờ khâu Việt hóa tinh tế, vừa bảo toàn nội dung nguyên tác, vừa giữ đúng tinh thần Việt Nam. Ngay ở tên phim cũng được đặt theo câu chuyện văn hóa nước nhà. Trong văn học dân gian Việt Nam, người ta vẫn hay dùng thành ngữ “Có nếp có tẻ” để diễn tả một gia đình con cái đề huề. Tuy nhiên, bản chất gạo nếp và gạo tẻ lại không giống nhau. Gạo nếp là loại gạo quý hơn, thường chỉ dùng trong các dịp lễ tết, còn gạo tẻ lại là loại gạo chúng ta sử dụng hàng ngày. Nói một cách chính xác, thành ngữ này chỉ ra trong gia đình nhiều con, thường sẽ có người con được yêu quý hơn như gạo nếp, đồng nghĩa cũng sẽ có người con không được trân quý như gạo tẻ. Ngày trước, trong một gia đình phong kiến trọng nam khinh nữ, nói đến nếp tẻ, người ta tự động hiểu nếp là con trai và tẻ là con gái.
Ngày nay, cụ thể là trong bộ phim này, nếp là người con được bà Mai cưng chiều hơn và tẻ là người con bị bà Mai khinh rẻ. Nội dung nguyên tác vốn cũng đề cập đến sự thương yêu không đồng đều của cha mẹ dành cho con cái và ekip Việt Nam đã hình tượng những tình tiết đó lên thông qua tựa đề phim một cách tinh tế.
Ngoài tên phim được đặt theo văn hóa Việt Nam hết sức khéo léo, bộ phim còn giữ đúng tinh thần quê hương khi mang vào đó những sắc thái văn hóa khác nhau. Tiêu biểu phải kể đến đó là mặt ẩm thực. Những món ăn xuất hiện trong phim đều là những món ăn thuần Việt, gắn liền với bữa ăn của chúng ta.
Từ món bún đậu mắm tôm truyền thống cho đến gà luộc thân quen hay đơn sơ hơn là món rau luộc, đậu hũ chiên. Nhờ đó khán giả dễ dàng cảm nhận được không khí gia đình gần gũi quanh mâm cơm sum vầy.
Cộng hưởng với đó là ca khúc chủ đề nhẹ nhàng, dễ nhớ bởi ca từ chân thành, trọng tình cảm như chính tính cách của người Việt Nam.
Qua những chi tiết kể trên, chúng ta nhận thấy ekip thực hiện đã sử dụng nền móng là kịch bản xuất sắc của Wang’s Family cùng những chất liệu khác như lời thoại, biểu cảm nhân vật rất nhịp nhàng, tạo thành chiếc cầu nối chân thật dẫn câu chuyện đến trái tim người xem.
Một yếu tố khác tạo nên sức hút cho bộ phim đó là những mâu thuẫn trong nhiều mối quan hệ. Nếu tinh tế, chúng ta sẽ phát hiện bộ phim được lồng ghép, đan xen bởi nhiều mối quan hệ khác nhau như mẹ chồng - nàng dâu, mẹ vợ - con rể, mẹ ruột - ba ruột - các con, bà - cháu, chị dâu - em chồng, vợ - chồng,… Không ít những mối quan hệ trong số đó từ lâu có đã nhiều xung đột khó nói như mẹ chồng - nàng dâu, mẹ vợ - con rể, chị dâu - em chồng. Bộ phim đã mạnh dạn mang những điều thầm kín này lên màn ảnh, đặt chúng vào những mâu thuẫn cao trào hơn để thay lời muốn nói của nhiều gia đình trong thực tế.
Chưa hết, đối với những mối quan hệ mà từ trước đến giờ ít ai nghĩ sẽ đụng chạm sâu sắc như mẹ ruột - con ruột, chị ruột - em ruột cũng được ekip làm phim xây dựng cho những mâu thuẫn không ngờ, tạo nên yếu tố kịch tính cho bộ phim. Đó chính là lý do vì sao sau mỗi tập phát sóng, người xem luôn có nhiều chuyện để bàn tán, phải chăng những câu chuyện đó cũng chính là hiện thực trong gia đình họ?