Phim Ảnh

‘Gạo nếp gạo tẻ’: Câu chuyện 'sóng gió gia tộc' đậm chất Việt!

Lạc Lạc
Chia sẻ

Với những tình tiết “cẩu huyết” và ngược đời, trong thời gian gần đây, “Gạo nếp gạo tẻ” đang là phim Việt được khán giả đón chào và nhận được nhiều sự quan tâm nhất.

Chuyển thể từ bộ phim truyền hình nổi tiếng của Hàn Quốc - Wang’s Family, Gạo nếp gạo tẻ ra mắt khán giả vào cuối tháng 5, xoay quanh đề tài về gia đình - một chủ đề vốn quen thuộc với người hâm mộ phim Việt. Tuy nhiên, Gạo nếp gạo tẻ hiện đang được đánh giá là một trong những tác phẩm truyền hình về gia đình được yêu thích nhất hiện nay. Bộ phim lay động tình cảm của khán giả bằng những tình huống trớ trêu, sự bất công của người mẹ trong một gia đình ba thế hệ vẫn còn tồn đọng nhiều lối suy nghĩ cố hữu về đạo đức và công dung ngôn hạnh của một người vợ, người mẹ.

Bộ phim xoay quanh những mâu thuẫn, sóng gió xảy đến trong một gia đình ba thế hệ gốc Bắc tại một xóm nhỏ giữa lòng Sài Gòn. Các thành viên của gia đình gồm có: bà nội (NSƯT Minh Đức), ông Vương (Mai Huỳnh) - bà Mai (NSND Hồng Vân), ba người chị và một cậu em, cùng người cậu lêu lổng Quang (Ngọc Thuận). Mâu thuẫn bắt nguồn từ sự bất công trong cách hành xử và đối đãi của bà Mai với hai người chị lớn: chị cả Hương (Lê Phương) Hân (Thúy Ngân).

Trong khi Hương bị chính mẹ ruột ruồng rẫy, chì chiết vì nghèo khổ, “ăn cơm trước kẻng”, và chồng không có công việc ổn định thì Hân lại được thương yêu, chiều chuộng hết mực, chồng có công ty riêng và giàu có. Từ sự đối đãi khác biệt đó, khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình cũng ngày càng bị kéo dài theo thời gian dần trôi.

Trong một gia đình đông con và có khuynh hướng giữ lối suy nghĩ của một thế hệ cũ, liệu một người mẹ có thể dành tình yêu của mình như nhau cho tất cả những đứa con? Hoặc đâu là “tiêu chuẩn, quy cách” mà người mẹ đặt ra để yêu thương con mình? Và liệu điều ấy có thực sự là một phương pháp giáo dục đúng đắn cho các bà mẹ Việt? Tình yêu thương của cha mẹ là vô điều kiện, nhưng dường như với bà Mai, tình thương của bà hoàn toàn có rất nhiều “điều kiện”. Nào là máy giặt, tivi, tủ lạnh, nào là tiền cúng giỗ ông nội, nào là lo lắng vun vén cho gia đình thì mới được yêu thương.

Và có rất nhiều lần, khán giả phải tự đặt tay lên trán tự hỏi, tại sao bà Mai lại cực kỳ ghét con ruột của mình - Hương đến vậy? Dù rằng cô đã “ăn cơm trước kẻng”, có chồng bất tài và nghèo khổ, phải làm việc quần quật nhưng vẫn thiếu thốn đủ điều, nhưng sau ngần ấy năm trôi qua, lẽ nào nhìn con mình khổ sở kiếm tiền, bà Mai lại chẳng hề thay đổi lối mòn suy nghĩ ấy? Có câu “Hổ dữ không ăn thịt con”, nhưng cách hành động và đối xử tệ bạc của bà dành cho Hương lại khiến không ít khán giả phải giận dữ và “điên tiết” lên vì tình tiết câu chuyện quá “cẩu huyết”.

Bộ phim còn là chuyến hành trình đi tìm hạnh phúc đích thực của các nhân vật với những khát khao khác nhau về vật chất, tiền bạc, địa vị và những giá trị về tình thân. Phim đề cao giá trị tình thân trong cuộc sống, giúp con người vượt qua bão giông và khó khăn, còn vật chất dễ dàng làm cho sự yếu đuối trong lòng con người trỗi dậy rồi sa ngã. Lấy ví dụ điển hình về cuộc đời của Công (Hoàng Anh) - chồng của Hương và lối sống của Hân. Vì đam mê giàu sang, Công đã phụ lại tình yêu và hy sinh của vợ mình để làm kiếp “trai bao” và sau cùng phải nhận lấy sự chê trách và vứt bỏ. Còn Hân, bởi muốn thoát khỏi cảnh nghèo túng, cô là người đã chính tay phá nát hạnh phúc gia đình nhỏ của mình, khiến người chồng - Kiệt (Trung Dũng) đau đớn và tuyệt vọng.

Ngoài câu chuyện về sự thiên vị của mẹ dành cho con cái, Gạo nếp gạo tẻ còn xoay quanh đề tài mẹ vợ - con rể cùng những vấn đề mà bất kỳ gia đình Việt nào cũng “thấm thía”. Mỗi một tình huống diễn ra, chi tiết được chăm chút trong Gạo nếp gạo tẻ đều mang đậm chất Việt, gần gũi và thân quen đến lạ với khán giả Việt Nam.

Dù dựa trên kịch bản nổi tiếng Hàn Quốc, thế nhưng từ lời thoại cho đến tình tiết nhỏ nhất trong Gạo nếp gạo tẻ, đoàn làm phim cũng đã chăm chút tỉ mỉ, khiến người xem cảm nhận được sự gần gũi của một bộ phim truyền hình về gia đình Việt Nam. Đó là mâm cỗ cúng giỗ cầu kỳ, đủ món đủ hương vào ngày giỗ ông nội, hay những lúc bà Đào khắt khe với bà Mai về việc làm dâu mà không trọn đạo trong suốt mấy chục năm qua. Khán giả cũng có thể dễ dàng nhận ra địa điểm của phim thay đổi rất nhiều nơi và được đầu tư chỉn chu, từ ngôi nhà thân thương của Kiệt tại quê, xưởng đồ gỗ cũ của Kiệt, hay xóm nhỏ nơi gia đình bà Mai - ông Vương đang sinh sống.

Lấy đề tài gia đình quen thuộc, nhưng Gạo nếp gạo tẻ dường như thổi vào trong phim ảnh Việt một luồng gió mới vì sự chỉn chu và tỉ mỉ của mình trong kịch bản lẫn bối cảnh. Phim như muốn nhắn gửi đến những người hâm mộ một bài học sâu sắc về câu chuyện gia đình. Dù chúng ta có là ai, ở địa vị nào trong xã hội, dù nghèo hèn hay thất bại, gia đình vẫn sẽ là nơi duy nhất tha thứ cho mọi lỗi lầm của bạn, bảo bọc bạn bằng tất cả sự yêu thương vô điều kiện; và cũng chính là nơi dang rộng vòng tay chào đón bạn trở về sau những biến cố của cuộc đời.

Gạo nếp gạo tẻ đang phát sóng lúc 21h30 từ thứ hai đến thứ tư hàng tuần.

Chia sẻ

Bài viết

Lạc Lạc

Tin mới nhất