Mặc dù Finding Nemo thành công là vậy, trở thành một trong những tác phẩm xuất sắc nhất trong “gia tài” của hãng Pixar, nhưng cũng phải tới 13 năm sau phần 2 của phim mới được ra đời với tên gọi Finding Dory. Câu chuyện lần này sẽ phức tạp hơn nữa vì cô cá Dory mắc bệnh “mất trí nhớ ngắn hạn”, không thể nhớ được điều gì xảy ra trong 10 giây trước, ấy thế mà vẫn quyết định vượt đại dương bao la để đi tìm cha mẹ đã mất tích từ rất lâu rồi. Quả thật là “tìm kim đáy bể”.
Phim mở đầu bằng một trích đoạn ngắn nhưng vô cùng xúc động: cô bé Dory nhỏ xíu với đôi mắt to tròn và giọng nói non nớt đang khám phá thế giới xung quanh dưới sự chỉ bảo của bố mẹ. Dù Dory chẳng nhớ thứ gì được lâu, luôn hỏi đi hỏi lại một câu nhưng bố mẹ cô bé vẫn kiên nhẫn giảng giải cho con với sự bao dung vô bờ bến. Họ không hề coi cô bé là gánh nặng, là người bệnh, mà khiếm khuyết đó chỉ làm cho họ yêu thương Dory nhiều hơn, chăm sóc cô bé cẩn thận hơn.
Tuy nhiên, một biến cố bất ngờ đẩy Dory xa khỏi vòng tay cha mẹ. Cô bé đi lạc, không thể nào nhớ được đường về nhà cũng như tên bố mẹ. Dory đi khắp đại dương để hỏi mọi người về một ký ức mù mờ mà chính cô cũng không nhớ nổi. Thời gian dần trôi cho đến khi Dory gặp cha con cá hề Marlin và dấn thân vào cuộc tìm kiếm Nemo tận nước Úc xa xôi. Sau khi trở về và sống cùng nhà Marlin, Dory vẫn đau đáu tự hỏi về ký ức mà cô bị mất, về những người mà cô tìm kiếm. Cuối cùng, Dory quyết định lên đường, bám vào những manh mối nhỏ nhoi để tìm về quê nhà cùng với sự trợ giúp của cha con Marlin.
Như lần trước, cuộc phiêu lưu xuyên đại dương của những chú cá nhỏ chứa đựng biết bao hiểm nguy, bất ngờ cũng như những cuộc gặp gỡ phi thường. Nhưng thay vì từ thế giới con người thoát về đại dương, lần này Dory phải bơi ngược lại vào khu sinh thái trong Viện Hải dương học để tìm gia đình mình. Không ít lần người xem phải “thót tim” khi chứng kiến những pha “đụng độ” khó tin giữa những sinh vật biển và con người, cách mà chúng di chuyển từ khu này sang khu khác mà… không cần chân hay liệu Dory có tìm được cha mẹ khi mà thời gian xa cách đã quá lâu? Cứ như thế, chúng ta bị cuốn vào hành trình “về nhà” của Dory lúc nào không hay.
Những sinh vật gắn liền với đại dương lần lượt xuất hiện trong phim với cá tính rất riêng: cô cá voi Destiny bị… cận thị nặng, liên tục va vấp dù chỉ bơi trong bể nhưng rất tốt tính, đáng yêu; chú cá heo Bailey không may bị hỏng bộ phát sóng âm, không thể xác định phương hướng; chim lặn Becky chỉ biết “nghe lệnh” bằng tiếng u ru ru… và đặc biệt, không thể không kể đến gã bạch tuộc “láu cá” Hank. Dường như Hank có kỷ niệm nào đó không vui với đại dương, nên gã sống chết đòi Dory thẻ tên để được đưa tới khu vực dành cá bệnh. Tuy nhiên, đằng sau vẻ bề ngoài hung hăng và khó tính của Hank là sự nhiệt tình, nhanh trí lẫn tốt bụng. Không ít khán giả đã phải “há hốc mồm” trước những màn “tàng hình” khéo léo của Hank. Chắc hẳn nếu phim có phần 3, khán giả sẽ rất háo hức được biết quá khứ “dữ dội” của Hank cũng những trò ứng biến có một không hai của chú bạch tuộc “lắm chiêu” này.
Có lẽ Dory, hay bất kỳ ai trong chúng ta cũng khó có thể hoàn thành những cuộc hành trình mà không có sự giúp đỡ của bạn bè. Marlin dù vẫn chưa nguôi lo sợ sau phi vụ “xuyên đại dương tìm con” lần trước nhưng đã chọn sát cánh bên Dory. Cô bạn Destiny chưa từng gặp mặt, chỉ nói chuyện qua đường ống hồi còn nhỏ nhưng không ngại ngần nhảy ra khỏi vùng an toàn vì Dory. Và Hank, dù liên tục mắng mỏ nhưng vẫn bên Dory tới cuối cùng, dù cho cơ hội đến California của gã có suýt vuột khỏi tầm với.
Nhưng trên tất cả, vẫn là tình yêu thương của cha mẹ dành cho Dory đã thắp lên ngọn lửa dẫn đường cho cô về nhà. Tình yêu ấy sâu đậm tới nỗi dù Dory nhanh chóng quên tất cả, cô vẫn le lói chút cảm xúc với những thứ như bài hát thời ấu thơ, như lời khuyên của bố hay những chiếc vỏ sò mà mẹ yêu thích… Không thứ sức mạnh nào lớn hơn tình thân gia đình mới có thể đưa cô cá đãng trí xuyên qua đại dương, vượt qua muôn trùng ngăn trở để tìm về với bố mẹ.
Câu chuyện của gia đình Dory - nói rộng ra - là câu chuyện đầy nhân văn về những gia đình không may có con cái bị tật nguyền, khiếm khuyết về thể chất hay tinh thần. Chỉ có sự kiên trì cùng lòng bao dung vô bờ bến của cha mẹ mới có thể giúp những đứa trẻ ấy trưởng thành, hòa nhập với xã hội. Bao nhiêu gian khó, bấy nhiêu lần thất bại, cha mẹ Dory vẫn không ngừng dạy dỗ con gái, đặt niềm tin vào cô dù cho thời gian trôi qua quá lâu còn biển xanh quá rộng lớn. Bởi vì thế, câu chuyện kì diệu của Dory có phần mang lại cảm hứng và giàu ý nghĩa hơn cả phần phim đầu tiên Finding Nemo.
Finding Dory khiến khán giả trầm trồ không chỉ bởi nội dung hấp dẫn mà còn vì kỹ xảo đạt đến mức tuyệt vời. Nếu từng đắm mình trong màu xanh bao la của đại dương và háo hức dõi theo những loài sinh vật đặc trưng thuộc về biển cả, hẳn bạn sẽ được sống trong cảm giác bình yên đó một lần nữa với Finding Dory. Thật thú vị khi được tìm hiểu về thế giới dưới nước qua con mắt của chính những loài sinh vật sống ở đó, với muôn vàn tri thức thú vị được lồng ghép khéo léo trong từng chi tiết. Hẳn là các nhà sản xuất đã phải nghiên cứu rất kỹ tập quán, lối sống của nhiều loại sinh vật biển để áp dụng vào trong phim “nuột nà” đến thế.
Finding Dory không chỉ là câu chuyện Dory tìm đường về nhà, mà còn là cách cô tìm thấy niềm tin vào bản thân. Từ một cô cá đãng trí đến “vô dụng”, luôn cảm thấy có lỗi vì bản thân, Dory dần hòa nhập với mọi người, tự tin làm theo “cách của Dory” hay thanh thản nhìn ngắm đại dương ngoài kia mà không cần bận tâm tới việc có thể bị lạc hay quên mất ai đó nữa.
Hãy cứ bơi đi, theo cách của Dory!
Xem thêm >>> Trần Anh Hùng có phim mới sau 6 năm, Tom Cruise trở lại trong ‘Jack Reacher 2’
Lời giải đáp cho 3 bí ẩn ‘to đùng’ trong The Conjuring 2
Đúng vậy, chúng ta phải chờ cả thập kỷ để được xem những phần phim này!
10 phim dựa trên sự kiện có thật chứng minh ‘phượt’ không như bạn nghĩ