Phim Ảnh

'The Red Turtle' - Thêm một kiệt tác giữa hàng loạt phim hoạt hình xuất sắc

Như Ngọc
Chia sẻ

Vẻ đẹp của “The Red Turtle”đến từ phong cách trực quan tối giản và một câu chuyện giàu ý nghĩa.

Người ta hay nói về The Red Turtle như một kỳ quan tiếp theo đến từ Studio Ghibli, nhưng lần này với một vẻ đẹp cách tân mang hơi thở Tây phương. Đây là bộ phim hoạt hình dài đầu tiên của đạo diễn từng đoạt giải Oscar Michael Dudok de Wit sau thành công của những phim ngắn và mẩu quảng cáo. Ngay lập tức, The Red Turtle chiếm lấy cảm tình của người xem bằng vẻ đẹp đơn giản đậm tính thiền ẩn chứa nhịp điệu của thế giới tự nhiên.

“The Red Turtle” là bộ phim hoạt hình dài đầu tiên của đạo diễn từng đoạt giải Oscar Michael Dudok de Wit

Với thế giới quan giản dị mà tinh tế, The Red Turtle bắt lấy những khoảnh khắc dữ dội và dịu êm trong cuộc đời của một người đàn ông vô danh bị đắm tàu sống sót trên hòn đảo không người. Tác phẩm không có lấy một câu thoại, tràn ngập âm thanh của biển cả, rừng núi và âm hưởng đầy mê hoặc đến từ nhà soạn nhạc Laurent Perez del Mar.

Dấu ấn của đạo diễn “phi Nhật Bản” đầu tiên cho một phim Ghibli

Bộ phim mở đầu bằng hình ảnh một người đàn ông vô danh sau vụ đắm tàu may mắn sống sót và dạt vào một hòn đảo. Anh tìm được thức ăn, nguồn nước và nhận ra mình là cư dân con người duy nhất trên hoang đảo. Quyết tâm rời khỏi cuộc sống cô đơn để đoàn tụ với thế giới loài người, anh ta đóng bè vượt biển. Nhưng mọi nỗ lực của người đàn ông đều bị tàn phá bởi một con rùa lớn màu đỏ…

Một cảnh trong “The Red Turtle”

Sau thành công của Father and Daughter, Michael Dudok de Wit đã từ chối tất cả những lời mời gọi dễ dàng. Cho tới một ngày ông nhận được một đề nghị không thể từ chối. Email từ đạo diễn - đồng sáng lập của Ghibli là Isao Takahata (“The Tale of Princess Kaguya,” “Grave of the Fireflies”) gửi đến với ý định mời Dudok de Wit trở thành đạo diễn nước ngoài đầu tiên cho một phim của Ghibli.

The Red Turtle là thành quả 9 năm làm việc của đạo diễn người Hà Lan với biên kịch người Pháp Pascale Ferran. Dudok de Wit đã dành ra hàng tháng trời sống tại một hòn đảo nhỏ thuộc các quần đảo xinh đẹp của Seychelles, chụp hàng ngàn bức ảnh bắt lấy những góc độ chi tiết nhất của thiên nhiên và con người. Đó là nguồn tài liệu vô giá cho các họa sĩ đến từ studio Prima Linea và đội ngũ thực hiện của The Red Turtle. Mặc dù bộ phim có tính dụ ngôn mạnh mẽ, thì Dudok de Wit và các cộng sự vẫn tìm được cách để gieo những thông điệp trừu tượng ấy vào lòng người đọc bằng ngôn ngữ điện ảnh sống động, mà đặc biệt là nghệ thuật thị giác.

Bộ phim là sự tổng hòa vẻ đẹp của Tây phương và nét truyền thống Á Đông

Dấu ấn châu Âu được thể hiện rõ trong các nét vẽ phong cách ligne claire mà Hergé từng sử dụng để minh họa cho Tintin. Đôi mắt của nhân vật là hai dấu chấm và chiếc mũi đơn giản đã gián tiếp nói lên điều này. Trong khi đó, các khung hình của thiên nhiên với tỉ lệ chuẩn mực lại chịu ảnh hưởng của các bản khắc gỗ Nhật Bản theo phong cách Ukiyo-e.

Nếu như Studio Ghibli được biết tới với những tác phẩm sử dụng một bảng màu linh hoạt và tạo hình của các sinh vật kì lạ (Dịch vụ giao hàng của phù thủy Kiki, Công chúa sói Mononoke, Hàng xóm của tôi là Totoro…), thì những ấn tượng như thế sẽ không được tìm thấy ở The Red Turtle. Thay vào đó, bộ phim của Dudok de Wit rất đời trong một con người, một cánh rừng, vài con cua và một cuộc sống hẻo lánh. Vẻ đẹp thị giác của The Red Turtle đến từ bảng màu tối giản chỉ sử dụng một hai màu cơ bản và các biến thể, để nhấn mạnh vào các sắc độ của sự vật.

Màu xanh tươi của vạt rừng tre um tùm, màu vàng của đồng cỏ, màu xanh ngọc của nước biển, các sắc xanh bao trùm như nuốt trọn lấy nhân vật chính. Liêu xiêu cái bóng đổ dài dưới mặt đất, anh ta quá bé nhỏ và cô đơn, bên cạnh chỉ có vài con cua cát đề bầu bạn. Một trong những dấu ấn quan trọng mà Dudok de Wit để lại trong các tác phẩm của mình là hình ảnh cái bóng của nhân vật. Chia cắt giữa cái tĩnh và động, nối tiếp giữa con người và mặt đất,

Cái bóng đóng một vai trò quan trọng trong những khung hình của “The Red Turtle”.

Ba linh hồn cô đơn và ý nghĩa của sự tồn tại

Đó là một câu chuyện không tên giữa ba con người nương tựa vào nhau trong The Red Turtle. Một gia đình đi tới điểm cuối, ở đó mỗi nhân vật rẽ sang một hướng khác. Tựa như một món quà, bộ phim mở ra những chiêm nghiệm về ý nghĩa cuộc sống mà ở đó mỗi người sẽ tìm thấy cho mình một câu trả lời riêng.

Tựa như một món quà, “The Red Turle” mở ra những chiêm nghiệm về ý nghĩa cuộc sống.

Hạnh phúc trong phim thật giản dị và mong manh.

The Red Turtle không sinh ra để ca ngợi nỗ lực sinh tồn của con người. Cảnh phim ngã xuống hang sâu được lặp lại hai lần, nhưng không lần nào cố gắng để gây khiếp sợ cho khán giả. Tác phẩm là hành trình dần thích nghi với nhịp điệu của cuộc sống trên hòn đảo của người đàn ông: tiếng rùa con rẽ cát xuống biển, những con cua đào hang trên cát, cái rào rạt của trận mưa rừng đổ xuống…Đó là một nơi khó khăn, nhưng cũng đồng thời thật độ lượng. Con rùa con chết trước khi có thể cảm nhận được vị mặn của đợt sóng biển vỗ vào bờ, lại là bữa tối thịnh soạn của một con cua.

Trailer phim

The Red Turtle như thủ thỉ vào tai người ta rằng thiên nhiên dữ dằn thì cũng quá đỗi hào phóng, thiên nhiên cho đi và nhận lại, rằng đằng sau một cơn giông tố thì sự sống sẽ nảy mầm như loài tre bất diệt đã tồn tại đời đời trên hòn đảo nhỏ. Đẹp đẽ và sầu thương, tác phẩm truyền tải triết lý rất Đông phương ngụ ngôn về vòng xoay của con tạo bằng thứ ngôn ngữ điện ảnh mang đậm nét châu Âu qua đường đời của một con người vô danh.

Chia sẻ

Bài viết

Như Ngọc

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất