Sau 2 năm chững lại vì dịch bệnh, 2022 là thời điểm đánh dấu sự hoạt động trở lại của thị trường phim điện ảnh Việt. Được kỳ vọng sẽ bùng nổ với loạt dự án “thai nghén” từ lâu, thế nhưng có vẻ như kết quả lại không được như mong đợi. Ngoài những dòng phim quen thuộc, không khó để nhận ra phim kinh dị, giật gân chiếm một phần rất lớn thị trường điện ảnh năm nay.
Số lượng thì nhiều đó, nhưng chất lượng có thật sự đủ để làm hài lòng khán giả hay chưa? Chưa, nếu không muốn nói là “Tệ Hơn Vợ Thằng Đậu”. Cứ nhìn thực trạng phản hồi của khán giả hay chính như doanh thu phim thu về là đủ hiểu.
Phim kinh dị chiếm sóng màn ảnh rộng nhưng “Tệ Hơn Vợ Thằng Đậu”
Không khó để nhận ra, năm nay các nhà làm phim Việt đã cho ra mắt rất nhiều dự án phim về đề tài kinh dị, giật gân. Không thể phủ nhận được sức hút từ dòng phim này, thế nhưng việc số lượng không đi đôi với chất lượng cũng khiến khán giả ngày càng… mất hứng. Nhìn đi đếm lại, những bộ phim có chất lượng tốt, doanh thu ổn cũng chỉ lác đác một vài bộ.
Ở vị trí ổn áp nhất chính là Chuyện Ma Gần Nhà do Trần Hữu Tấn làm đạo diễn. Dự án phim này quy tụ nhiều diễn viên đình đám Vbiz như Mạc Can, Vân Trang, Khả Như… Tuy không phải là xuất sắc nhất thế nhưng Chuyện Ma Gần Nhà lại được đánh giá là có cốt truyện logic, những cú twist “ăn tiền”. Đặc biệt, kỹ xảo phim và hiệu ứng âm thanh cũng nhận được loạt đánh giá rất cao vì chân thực, rùng rợn đến ám ảnh. Sau khi công chiếu, phim thu về hơn 58,8 tỷ đồng (Theo Box Office Việt Nam).
Bộ phim kinh dị có doanh thu đứng thứ 2 trong năm nay là Bóng Đè do Quang Tuấn, Thanh Mỹ, Cát Vi, Diệu Nhi đóng. Sau thời gian trụ tại các rạp, Bóng Đè thu về tổng doanh thu là 39 tỷ đồng (Theo Box Office Việt Nam). Nói là doanh thu ổn áp thế nhưng trên thực tế dự án phim kinh dị này vẫn phải nhận về vô số lời chê bai. Điểm trừ lớn nhất của phim chính là kịch bản ôm đồm quá nhiều thứ, thiếu logic, kỹ xảo thì như phim Hồng Kông những năm 2000. Phim mở đầu hoành tráng nhưng kết thúc lãng xẹt và bị đánh giá là “đầu voi đuôi chuột”.
Nhà Không Bán với 28,6 tỷ đồng may mắn không phải chịu cảnh xếp chót bảng doanh thu phim kinh dị năm nay. Phim quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng như NSND Kim Xuân, Việt Hương, Hạnh Thúy, Minh Hoàng. Nhà Không Bán được đánh giá là có nội dung dễ hiểu với những tình tiết gây cười duyên dáng. Tuy nhiên, phim không quá đặc sắc và vẫn chưa đủ để thực sự gây ấn tượng với công chúng.
Vào năm 2007, Mười từng được đánh giá là bộ phim giúp “hồi sinh” cho dòng phim kinh dị trên màn ảnh rộng Việt. Và đến năm nay, khán giả lại lần nữa được xem tiếp câu chuyện còn dang dở trong Mười: Lời Nguyền Trở Lại. Không phải là tệ nhất, nhưng ma Mười sau 15 năm lại không còn được khán giả đánh giá cao như trước. Doanh thu Mười: Lời Nguyền Trở Lại cũng khá ảm đạm khi chỉ thu về 24 tỷ đồng.
Sự thất bại của Mười: Lời Nguyền Trở Lại xuất phát từ việc nội dung sa đà vào câu chuyện giữa chính thất và tiểu tam. Phim bị nhận xét là thiếu đi cái chất kinh dị từ những màn báo thù của Mười. Ngoài ra, diễn xuất của Chi Pu trong vai nữ chính Linh cũng gây rất nhiều tranh cãi.
Bộ phim mở đầu cho dòng phim kinh dị Việt đổ bộ màn ảnh rộng năm nay là Rừng Thế Mạng do Trần Hữu Tấn làm đạo diễn. Đây là bộ phim điện ảnh Việt đầu tiên về chủ đề sinh tồn nên nhanh chóng gây chú ý. Tuy nhiên, Rừng Thế Mạng cũng chỉ thu về 14,6 tỷ đồng sao nhiều ngày ra rạp.
Từng được kỳ vọng sẽ là bộ phim đưa zombie thành “hiện tượng” mới trên màn ảnh rộng Việt, thế nhưng Cù Lao Xác Sống đã nhanh chóng thất bại ngay ngày đầu ra rạp. Dù cố gắng phim vẫn chỉ thu về 12,8 tỷ đồng như minh chứng cho thấy khán giả đang dần quay lưng với những bộ phim dở tệ cả về nội dung lẫn hình ảnh.
Thế nhưng, nếu có ai đó nghĩ Cù Lao Xác Sống đã là tận cùng cho sự thất bại của dòng phim kinh dị trên màn ảnh rộng năm này thì nhầm to rồi. Trên thực tế, còn không ít dự án phim có doanh thu dưới 10 tỷ khiến khán giả chán nản hơn cả khi xem zombie Việt Nam như: Duyên Ma thu về 6,7 tỷ đồng, Vô Diện Sát Nhân đạt 4,7 tỷ, Người Lắng Nghe – Lời Thì Thầm chỉ có 2 tỷ, Virus Cuồng Loạn 157 triệu đồng…
Có thể thấy từ đầu năm đến nay, các nhà làm phim Việt đã cho ra mắt rất nhiều dự án điện ảnh thuộc đề tài kinh dị, giật gân. Tuy nhiên, để nói thực sự thành công cả về hiệu ứng truyền thông lẫn doanh thu thì chưa có bộ nào đủ “tầm”. Số lượng nhiều là vậy nhưng phim kinh dị Việt vẫn còn quá nhiều vấn đề mãi chưa thoát được.
Thách thức của dòng phim kinh dị Việt
Đứng trước dòng chảy thay đổi không ngừng của thị trường điện ảnh, phim kinh dị Việt Nam đang phải đối mặt với vô số thách thức. Làm sao có được một bộ phim hay, đủ để thỏa mãn “cơn thèm” của khán giả là vấn đề nan giải với rất nhiều nhà làm phim theo đuổi thể loại này.
Không khó để thấy, sau khi các rạp được mở cửa hậu Covid-19 khâu kiểm duyệt phim cũng đã “cởi mở” hơn rất nhiều. Nếu trước đây, phim kinh dị Việt thường phải chịu cảnh bị cắt xén để đảm bảo thuần phong mỹ tục, không quá phản cảm… thì bây giờ đã khác. Rất nhiều phân cảnh rùng rợn đến gai người khiến khán giả phải che mắt, bịt tai vẫn được công chiếu. Là tín hiệu mừng, nhưng đồng thời đây cũng là thách thức đối với phim kinh dị Việt.
Dù được kiểm duyệt một cách “cởi mở” hơn, thế nhưng chất lượng phim kinh dị ra mắt trong năm 2022 vẫn chưa đủ làm hài lòng khán giả. Với sự du nhập ngày càng nhiều của các bộ phim nước ngoài cùng thể loại, chỉn chu về cả nội dung, hình ảnh, hiệu ứng, khán giả Việt cũng bắt đầu đòi hỏi ngày càng cao hơn.
Đạo diễn Lê Văn Kiệt của Bóng Đè chia sẻ rằng: “Khán giả bây giờ khá khó tính và đã xem rất nhiều dự án phim hay khắp thế giới. Điện ảnh Việt Nam cũng đã phát triển khá mạnh, điều này làm tôi thấy phấn khởi nhưng đồng thời cũng là thử thách và động lực cho các dự án tiếp theo của tôi”.
Thiếu vắng những kịch bản chắc tay cũng là bài toán khó và đặt ra nhiều thách thức cho các nhà làm phim Việt. Nhà sản xuất phim Cù Lao Xác Sống - Nhất Trung cũng đã từng lên tiếng trước thất bại của phim: "Chúng tôi ghi nhận những lời phê bình của khán giả, xem dự án này là bước thử nghiệm đầu tiên để hoàn thiện hơn dự án tiếp theo".
Có thể thấy, đề tài zombie trên màn ảnh rộng đã không còn quá xa lạ, thế nhưng khi xác sống lần đầu do Việt Nam sản xuất lại là một câu chuyện khác. Khán giả cũng đã từng háo hức, từng mong đợi được xem phim kinh dị đúng nghĩa. Tức là xác sống phải đúng là xác sống, nội dung phải có điểm nhấn không xem thường IQ khán giả. Vậy mà thực tế, Cù Lao Xác Sống lại quá non kém trong khâu xây dựng kịch bản. Cứ lan man, dài dòng thiếu logic khiến phim không thể truyền tải được hết thông điệp muốn gửi đến khán giả.
Vấn đề kịch bản còn non kém không chỉ xuất hiện ở dòng phim kinh dị mà còn nhiều thể loại phim khác. Thay vì những bộ phim như “lừa trẻ con”, màn ảnh rộng cần hơn cả là những kịch bản chất lượng, chiếu cảnh nào “ăn tiền” cảnh đó.
Vấn đề khiến các nhà làm phim đau đầu nhất chắc hẳn là câu chuyện “niềm tin của khán giả”. Trong năm 2022 này, công chúng đã không ít lần phải lên tiếng phàn nàn, chê bai khi bỏ tiền mua vé xem phim như lại “rước bực vào người”. Lâu dần, dù có là khán giả dễ tính nhất, có muốn ủng hộ phim Việt đến mấy thì cũng phải thất vọng mà từ bỏ.
Năm nay, điển hình có thể kể đến Rừng Thế Mạng và Cù Lao Xác Sống là hai dự án phim khiến khán giả thất vọng nhất. Khai thác những đề tài mới lạ chưa từng xuất hiện trên màn ảnh rộng Việt Nam, thế nhưng hai bộ phim này lại có quá nhiều lỗ hổng. Trong đó, kịch bản là yếu tố khiến người xem thấy chán nản nhất. Không phủ nhận rằng việc học hỏi làm đa dạng thêm đề tài phim Việt là tốt, thế nhưng việc xây dựng kịch bản yếu là giống như “nhát dao chí mạng” khiến công chúng thất vọng nối tiếp thất vọng.
Bên cạnh đó, còn có không ít bộ phim bị mắng vì “treo đầu dê bán thịt chó” như Chuyện Ma Gần Nhà, Người Lắng Nghe: Lời Thì Thầm, Bóng Đè, Cù Lao Xác Sống... Khi chưa công chiếu, những bộ phim này đều hứa hẹn sẽ đem đến cho khán giả “những bữa tiệc rùng rợn, ám ảnh”. Nhưng thực tế khi bỏ tiền ra rạp, người xem lại chỉ được thưởng thức một “bộ phim tâm lý” là chính, còn yếu tố kinh dị lại khá nhạt nhòa. Cứ tâng bốc quá đà như vậy bảo sao khán giả lại không quay lưng?
2022 không phải là một năm thành công với dòng phim kinh dị Việt Nam. Dù phủ sóng nhiều như vậy, thế nhưng trên thực tế lại chẳng có bộ phim nào khiến khán giả ấn tượng. Điều này đã vô hình chung đặt nặng lên vai các nhà sản xuất phim nhiều thách thức mới. Phải làm sao để có tác phẩm để đời, làm sao để lấy lại niềm tin của khán giả sau loạt “cú lừa” ở năm 2022 này.
Xem thêm: Điện ảnh Việt trong 10 tháng 2022: Khi sự kỳ vọng trở thành thất vọng