Toàn bộ ngành công nghiệp giải trí khổng lồ ở Mỹ chỉ nằm trong tay của khoảng 5 công ty lớn: Disney, 20th Century Fox, Time Warner, Sony, Comcast. Dưới trướng họ cũng là những thương hiệu đình đám với mức lợi nhuận cao ngất như HBO, CNN của Warner, Disney Channel và Lifetime của Disney,…
Những công ty lớn này vẫn liên tục thu mua nhiều thương hiệu nhỏ mỗi năm, không ngừng mở rộng thị phần của mình. Tuy nhiên mới đây, việc Disney ngỏ ý muốn mua lại mảng phim ảnh của Fox đã làm không ít người ngỡ ngàng. Lý do là trước giờ người ta mới chỉ chứng kiến chuyện “cá lớn nuốt cá bé” giữa các tập đoàn giải trí. Còn chuyện “cá” Disney nuốt một con “cá” không hề bé, thậm chí lớn ngang ngửa mình như Fox thì quả là chuyện hiếm gặp.
Cái giá mà Disney phải trả để có kho phim của Fox cũng không hề nhỏ: 52.4 tỷ USD. Tuy nhiên, Disney hoàn toàn có thể yên tâm về khả năng sinh lời của thương vụ này. Bởi lẽ, khi nói về mảng phim ảnh thì Fox là cả một đế chế, với hàng loạt cái tên đình đám, doanh thu cả tỷ đô như Avatar, X-Men, Alien/Predator, Planet of the Apes,…
Ngoài ra, một số tựa phim nổi tiếng khác cũng chuyển giao từ Fox sang Disney như The Grand Budapest Hotel, Hidden Figures, Gone Girl, The Shape of Water và The Martian. Tương tự với các TV Series lừng danh như The Americans, This Is Us, Modern Family, The Simpsons và nhiều tác phẩm khác cũng thuộc về Nhà Chuột.
Những người hoan hỉ nhất với thương vụ này chắc chắn là các fan của phim siêu anh hùng Marvel. Bởi lẽ, vào cuối thập niên 1990, hãng Marvel đã bán bản quyền những nhân vật đình đám nhất của mình cho Fox, bao gồm người nhện Spider-Man, nhóm dị nhân X-Men và Bộ Tứ Siêu Đẳng Fantastic Four.
Về sau, Marvel Studios được Disney mua lại và gặt hái thành công vang dội với chuỗi phim siêu anh hùng của mình. Tuy vậy, việc những nhân vật tiếng tăm nhất vẫn nằm trong tay Fox đã khiến rất nhiều fan truyện tranh Marvel tiếc nuối. Giờ đây, khi Disney “vung tiền” mua lại Fox, họ đã có thể ăn mừng khi không chỉ Spider-Man, mà toàn bộ những nhân vật bị bán đi giờ đã “về nhà”, sẵn sàng để Marvel sử dụng.
Thương vụ giữa Disney và Fox cũng mở ra hướng đi mới cho series nổi tiếng X-Men vốn đang trên đà lấy lại phong độ. Trong năm tới, hai phim siêu anh hùng mà Fox sản xuất gồm Deadpool 2 và New Mutants sẽ ra rạp với nhãn R (giới hạn khán giả trẻ). Trong khi đó, Disney lại nổi tiếng là công ty chuyên làm phim nhẹ nhàng, vui tươi, hợp với mọi lứa tuổi. Bởi vậy, người hâm mộ trong tương lai có thể sẽ phải chấp nhận một Deadpool không còn bậy bạ, hoặc một X-Men không còn tàn bạo, máu lửa như trước.
Kể từ đầu thế kỷ 21 tới nay, hãng Disney đã trải qua một loạt thương vụ béo bở, sinh lời vô số. Đầu tiên phải kể đến vụ mua xưởng hoạt hình Pixar năm 2006 với giá 7.4 tỷ USD. Sau hơn 10 năm, tính đến thời điểm hiện tại, các phim hoạt hình 3D do Pixar sản xuất đã đem về cho Disney 11 tỷ USD. Tiếp đến, năm 2009, Disney mua lại Marvel Studios với giá 4 tỷ USD. Kết quả là suốt nhiều năm trời, chuỗi phim siêu anh hùng của Marvel không ngừng bội thu, đem về cho Disney hơn 13 tỷ USD.
Với việc mua các phim của Fox, Disney càng thêm củng cố vị trí đầu bảng trong ngành công nghiệp phim ảnh đồ sộ ở Hollywood. Xét riêng mảng phim siêu anh hùng, giờ đây chỉ còn hãng DC trực thuộc Warner Bros. để cạnh tranh với Marvel và Fox của Disney. Nhiều thay đổi lớn lao chắc chắn sẽ xảy ra trong năm tới, khi việc sáp nhập hai hãng phim có hiệu lực. Tuy nhiên, đó có phải thay đổi tích cực hay không thì còn phải đợi thời gian trả lời.