Phim Ảnh

'Điều ước cuối cùng của mẹ': Sai tên một cách cố tình để làm nổi bật sức ảnh hưởng của một người mẹ!

DAO DAO
Chia sẻ

Điều ước cuối cùng của mẹ là một cái tên đặt sai đi một cách cố ý. Thay vì đặt để trọng tâm của cái tên hướng đến câu chuyện của người con, chúng ta sẽ phát hiện ra, nếu không có bóng dáng người mẹ Soon Ok, Kim Ki Kang sẽ không thể có ý chí "rũ bùn" bước ra ánh sáng làm người lương thiện.

Điều ước cuối cùng của mẹ có hai tựa đề phim tiếng Anh có vẻ như không ăn nhập gì lắm là A Diamond in the Rough, và The big shot. Hai tên tiếng Anh của phim thì có vẻ đã đặt câu chuyện của người con làm chủ đạo. Còn tên tiếng Việt thì ngược lại.

Nhìn chung, khi đọc qua tựa phim tiếng Việt, người xem mặc định là phim này sẽ nói về câu chuyện của một người mẹ. Nhưng thực tế thời lượng trên phim của nhân vật người mẹ Soon Ok của Kim Hae Sook lại không bằng nhân vật người con Kim Ki Kang của Son Ho Jun.

Câu chuyện của Điều ước cuối cùng của mẹ rõ ràng xoay quanh quá trình giác ngộ, tu tỉnh của tử tù Kim Ki Kang thì đúng hơn. Cảnh bắt đầu phim đã nói lên điều đó, khi có một Kim Ki Kang trung niên làm mục sư thuyết giảng cho tù nhân. Câu chuyện vặn ngược về gần 30 năm trước, Kim Ki Kang là gã thanh niên ngang tàng, có tật ăn cắp vặt, dù được nhiều các bô lão trong làng nói rằng “sẽ thành người vĩ đại”. Sau này, để muốn đổi đời, anh đã rời khỏi làng chài nhỏ bé, lên Seoul và tiếp tục cuộc sống của một tên ăn trộm.

Thay vì trộm khoai lang như lúc trước, anh chàng trộm tiền và đồng hồ rồi bán lại. Sau đó, anh cũng gã bạn thân Jin Shik định làm một cú chót rồi rửa tay gác kiếm, nào ngờ, Jin Shik lại giết người, Ki Kang cũng bị xem là tòng phạm. Họ bị chính gã móc mối bán lại đồ ăn cắp tố giác và cảnh sát đã bắt được hai người. Cả hai cùng bị tuyên án tử hình.

Cuộc sống trong tù của Kim Ki Kang được miêu tả khá rõ, như khi bị đàn anh trong tù đánh, bị cai ngục trừng phạt, rồi kết thân được với một tử tù khác, sau đó học chữ, đọc Kinh thánh… Nhìn chung, những trường đoạn này miêu tả khá “đời” và “thực”, nhưng không khó đoán.

Còn người mẹ Soon Ok, bà vốn không biết chữ, nhưng vì viết đơn giúp con thoát khỏi tội tử hình, bà đã đi học chữ. Bà gửi hàng tá đơn dân nguyện đến khắp nơi và hạ mình năn nỉ những người trong làng lên tiếng. Người mẹ này thực ra ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thức tỉnh làm người tốt của Ki Kang. Cái cách bà lầm lũi gói gém thức ăn rồi đem vào tù cho con trai mình, dù đổi lại chính là sự ngoảnh mặt, khiến người xem cảm thấy đau lòng.

Khi bà qua đời, đó là ngày Ki Kang đã sẵn sàng gặp mẹ nhất. Trong anh không còn cái bộ tịch chán đời, cấm cẳn, hay xấu hổ nữa. Ki Kang đã ăn vận chỉnh tể, và thậm chí là thoa kem dưỡng da. Nhưng thật tiếc, mẹ anh, đã ra đi trên chuyến tàu đến thăm anh vì cơn đau tim, để lại cho anh nỗi ân hận khôn nguôi. Ngay cả mơ ước bé mọn của bà lúc trước là được nắm tay anh, dù qua khe cửa phòng tạm giam, anh cũng không làm được.

Cảnh Kim Ki Kang khóc ngất khi hay tin mẹ qua đời được coi là cảnh phim đỉnh điểm. Nó dường như bộc lộ tất cả ý tứ của bộ phim, khi tất cả chúng ta, chứ không riêng gì Ki Kang, đều sẽ có ngày vô cùng đau đớn mất đi mẹ, khi mà chúng ta vẫn còn chưa làm được gì cho họ, mà nhận từ họ quá nhiều.

Thực ra, cách kể chuyện của phim Điều ước cuối cùng của mẹ không mới đối với dòng phim gia đình của Hàn Quốc, nó chân phương, đơn giản, khúc chiết và lắng đọng. Nếu đã xem cả bộ phim, rõ ràng, Điều ước cuối cùng của mẹ là một cái tên đặt sai đi một cách cố ý. Thay vì đặt để trọng tâm của cái tên hướng đến câu chuyện của người con (kiểu Điều con muốn làm với mẹ hay Điều con nuối tiếc), chúng ta sẽ phát hiện ra, nếu không có bóng dáng người mẹ Soon Ok, Kim Ki Kang sẽ không thể có ý chí “rũ bùn” bước ra ánh sáng làm người luông thiện, sẽ không thễ vỡ ra những tình cảm mà trước giờ anh chưa từng biết đến.

trailer “Điều ước cuối cùng của mẹ”

Điều ước cuối cùng của mẹ hiện công chiếu các rạp trên toàn quốc.

Chia sẻ

Bài viết

DAO DAO

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất