Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Điều gì sẽ xảy ra nếu 'Gạo nếp gạo tẻ' không chỉ có nếp và tẻ?

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu và đánh giá xem liệu tiêu đề “Gạo nếp gạo tẻ” còn ẩn chứa tầng nghĩa gì ngoài sự phân biệt tình cảm dành cho con cái với cụm từ “nếp-tẻ”?

Gạo hay còn được biết đến với danh xưng “hạt ngọc trời”, từ lâu đã trở thành một yếu tố không thể thiếu chi phối đời sống người Việt. Bên cạnh việc tôn thờ lúa như một hiện tượng thần thánh (Mẹ Lúa), người Việt còn xem lúa-gạo như một cách gọi thân thương cho những mối quan hệ xã hội của mình. Chẳng hạn, họ tự ví bản thân mình như hạt lúa để cất lên khúc hát giao duyên thắm thiết “Thân em như chẽn lúa đòng đòng/Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai” (Ca dao) hay dùng những hình thái khác của lúa-gạo là nếp-tẻ để gọi con cái trong gia đình như “có nếp có tẻ”.

Song, chính cách gọi có phần phân biệt này đã tạo nguồn cảm hứng thú vị cho ekip Việt hoá tác phẩm Wang’s Family đặt cho đứa con tinh thần của mình cái tên Gạo nếp gạo tẻ đầy ý nhị. Cách gọi này như một hình thức ẩn dụ cho tình yêu thương không đồng đều, có phần thiên vị của cha mẹ dành cho các con trong một gia đình. Vậy thì cớ sao ekip không chọn cụm “Có nếp có tẻ” hay “Con nếp con tẻ” mà phải là “Gạo nếp gạo tẻ”? Câu trả lời thật sự có lẽ chỉ có ekip mới rõ, tuy nhiên ở góc độ là khán giả, có nhiều ý kiến cho rằng từ “gạo” trong tựa phim còn ẩn ý cho một tầng nghĩa nữa.

Như đã nhắc ở trên, cách gọi “gạo” trong một mối quan hệ nào đó có thể được hiểu theo nhiều hướng. Tuy nhiên, ít ai biết được “gạo” còn có thể được sử dụng để nói về nghĩa vợ chồng thuỷ chung thông qua cụm từ “tào khang”. Trước đây, trong Dạ cổ hoài lang, cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu có viết câu “Đường dù say ong bướm, xin đó đừng phụ nghĩa tào khang” nhằm cất lên thay cho tiếng lòng người con gái ở chốn khuê phòng đợi chờ tin chồng với một lòng thuỷ chung son sắt.

Điển tích có liên quan đến cụm từ này vốn xuất phát từ đất Tràng An thời Đông Hán, kể về Tống Hoằng là một vị quan có tài, có đức, được Quang Vũ trọng dụng. Quang Vũ muốn ban hôn cho ông và Công chúa Hồ Dương. Tống Hoằng đã thẳng thừng từ chối lời đề nghị này khiến Quang Vũ ngỡ ngàng.

Tào khang chi thê bất hạ đường, Bần tiện chi giao mạc khả vong.

Ông cho rằng: “Tào khang chi thê bất khả hạ đường, bần tiện chi giao mạc khả vong” (bạn bè đồng cam cộng khổ thuở cơ hàn thì lúc sang giàu không được quên nhau, người vợ chịu cực chịu khổ ngày hàn vi cùng chồng thì lúc phú quý chồng không được bỏ), nên ông kiên quyết xin vua cho mình làm trọn nghĩa phu thê với vợ ở quê nhà.

Quay trở lại với “tào khang”, vậy “tào khang” là gì? “Tào” (chính xác hơn là “tao”) là từ Hán Việt chỉ bã rượu. “Khang” là từ Hán Việt để gọi tấm cám, loại gạo rẻ mạt. Vậy, cả “tào” lẫn “khang” đều là những hình thái khác của gạo, tuy nhiên, hai thứ “gạo” này lại có sắc thái tiêu cực, đại diện cho sự cơ cực, hàn vi. Qua cách giải nghĩa này cùng với điển tích của Tống Hoằng, chúng ta hoàn toàn có thể xem “gạo” dưới hình thái “tào khang” là một hình ảnh đẹp đại diện sự thuỷ chung trong mối quan hệ vợ chồng, nhắc nhở những đôi vợ chồng không nên “sang đổi vợ”, “tham sang phụ khó”, “tham phú phụ bần”.

Với nét nghĩa mới mẻ này, “gạo” trong “Gạo nếp gạo tẻ” không còn chỉ đại diện cho tầng nghĩa đơn thuần trước giờ chúng ta vẫn hay nghĩ mà từ “gạo” ấy còn hàm ý cho tầng nghĩa sâu xa hơn về nghĩa vợ chồng keo sơn. Như minh chứng cho suy luận này, những tình tiết mới nhất trong Gạo nếp gạo tẻ đều xoáy sâu vào sự thuỷ chung trong mối quan hệ vợ chồng. Nếu Công-Hương, ông Vương-bà Mai là hai cặp vợ chồng tào khang đúng nghĩa thì Hân-Kiệt lại là một góc nhìn khác về nghĩa tào khang trong hôn nhân gia đình.

Ngân - Kiệt.

Công - Hương.

Ông Vương bà Mai.

Trước hết, nói về Công và Hương, họ đích thực xây dựng gia đình từ nền tảng nghèo nàn. Dù Hương vất vả quán xuyến chuyện lớn chuyện nhỏ ngoài xã hội, Công ở nhà hết lòng chăm con thay vợ; nhưng cuộc hôn nhân của họ vẫn luôn tràn ngập tiếng cười. Vậy mà, khi đứng trước phú quý và gia đình, Công sẵn sàng chối bỏ người vợ tào khang của mình là Hương để chạy theo sự xa hoa, phù phiếm. Sự thuỷ chung của anh sớm đã không còn dành cho người vợ tần tảo, tất tả ngày nào nữa.

Kế đó, nói về ông Vương-bà Mai, dù cuộc hôn nhân của họ không được bộ phim kể trực tiếp mà phải thông qua những cảnh hồi tưởng, song chúng ta có thể cảm nhận được bà Mai đã dành cả tuổi trẻ để hi sinh cho chồng. Bà không quản sự cay nghiệt từ nhiều phía, gắng sức lo cho chồng công thành danh toại, hết lòng lo cho từng người con khôn lớn.

Bà Mai.

Ông Vương.

Phần đông khán giả có thể ghét bà hà khắc nhưng chúng ta không thể không nhìn nhận sự hi sinh cao cả ở bà. Vậy mà, trong những tập gần đây, mối quan hệ của hai người dần rạn nứt khi ông Vương cho rằng bà Mai đã không còn là người vợ ngày nào của mình, giờ đây trong bà chỉ còn là một con người thực dụng. Sau nhiều năm chung sống, việc một trong hai người thốt ra câu nói người kia đã thay lòng thật sự là một điều chua chát.

Sau cùng là Hân và Kiệt. Họ từng rất hạnh phúc bên nhau, nhưng đó là lúc gia nghiệp còn vững mạnh. Ngày công danh sự nghiệp của Kiệt lụn bại Hân đã quay sang chì chiết anh. Giai đoạn nghèo khổ này thật sự là lúc thử lòng chung thuỷ của cả hai. Ban đầu, tuy Hân không phụ giúp chồng đỡ đần việc nhà, song cô cũng không muốn bỏ rơi anh (tuy trong đầu cô cũng có lúc manh nha suy nghĩ này nhưng lại thôi). Sau đó, vì cái nghèo và cái sĩ đeo bám cả hai quá dai dẳng, Hân dường như đã sa vào vòng tay một người khác, quên đi tình nghĩa vợ chồng bao năm với Kiệt.

Qua những câu chuyện trên, chúng ta cảm thấy dường như có vài người đã quên đi công sức vun vén tình cảm đến từ người bạn đời của mình, quên đi sự hi sinh thầm lặng của người chung chăn gối sau nhiều năm chung sống. Liệu rằng những sai lầm ngày ở hiện tại có được các nhân vật nhận ra và bù đắp trong tương lai hay không, hãy đón xem trong những tập phim sắp đến nhé!

Tựa phim Gạo nếp gạo tẻ thật sự gợi cho người xem nhiều cảm xúc. Nó như một chiếc chìa khoá mở ra không chỉ một mà là rất nhiều bất ngờ cho khán giả. Nếu mảnh ghép “nếp-tẻ” vẽ ra trước mắt chúng ta một bức tranh về tình yêu thương thiên vị đối với con cái của bà Mai, thì mảnh ghép “gạo” lại mang khán giả đi qua nhiều câu chuyện khác nhau về sự thuỷ chung trong tình yêu và hôn nhân. Tựa đề này liệu còn đang ẩn chứa bí mật gì liên quan đến nội dung chủ đạo của bộ phim, hãy cùng theo dõi tiếp những tập mới nhất để có cho mình câu trả lời nhé! Gạo nếp gạo tẻ hiện đang được phát sóng từ thứ Hai đến thứ Tư hàng tuần lúc 20h00.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Anh Quân

Được quan tâm

Tin mới nhất