Những năm gần đây, chất lượng phim truyền hình Trung Quốc bị nhận xét “xuống dốc” trầm trọng, chất lượng nội dung đang yếu thế trước Hàn Quốc và Nhật Bản. Kỹ năng diễn xuất của diễn viên yếu kém, kỹ xảo “3 xu”, kịch bản nghèo nàn, toàn đi chuyển thể từ tiểu thuyết.
Đa số dàn diễn viên chính đều mời thế hệ lưu lượng, có sắc mà không có hương, họ sở hữu gương mặt vô cùng đẹp, thu hút người xem nhưng ngay sau đó diễn xuất trong phim đã đuổi hết khán giả. Điều đáng nói, cát sê trả cho diễn viên chính tại Trung Quốc cao ngất ngưỡng, mỗi tập lên đến vài trăm ngàn đến triệu tệ (đa số đều trên 1 tỷ đồng/tập), chiếm tỷ lệ đến 60-70% tổng vốn sản xuất cho một dự án phim.
“Mắt lúc nào cũng trừng to, miệng thì há hốc để biểu đạt cảm xúc bất ngờ, khóc phải nhăn mày cau có để nặn ra được từng giọt, mặt đơ…” - Đó là những lời nhận xét thường thấy về dàn diễn viên chính khi xem phim truyền hình Trung Quốc. Những cái tên như Angelababy, Lộc Hàm, Ngô Diệc Phàm, Trịnh Sảng,… là ví dụ điển hình cho việc “diễn không được” nhưng lại đòi cát sê cao ngất ngưỡng.
Có một thời gian, trên mạng lan truyền thù lao cho một bộ phim truyền hình của Angelababy là 80 triệu NDT (264 tỷ đồng). Truyền thông đặt câu hỏi để xác minh chuyện này, “bà xã của Huỳnh Hiểu Minh” thản nhiên trả lời: “Tôi cảm thấy mình xứng đáng với cái giá này”. Vậy thì nhìn lại những tác phẩm mà Angelababy diễn chính, liệu có như lời cô nói hay không?
Đa số những bộ phim truyền hình do Angelababy làm nữ chính đều có điểm đánh giá dưới mức trung bình trên Douban: Vân trung ca - 3,2 điểm, Cô phương bất tự thưởng - 3 điểm, Thời đại khởi nghiệp - 3,5 điểm, Người bạn thực sự của tôi - 4,6 điểm. Chưa một bộ phim nào cô nàng có thể diễn tròn vai, khiến khán giả “tạm” hài lòng chứ đừng nói là đánh giá cao. Biểu cảm khi diễn của nữ diễn viên đa số chỉ biết trừng mắt, khiến người xem cảm giác như đang xem phải phim kinh dị.
Chính vì phần chi phí cho dàn diễn viên chính quá cao dẫn đến chất lượng nội dung và khâu dàn dựng, kỹ xảo bị thiếu kinh phí trầm trọng. Những bộ phim huyền huyễn, võ hiệp của Trung Quốc khiến người xem ngán ngẩm vì kỹ xảo, dụng cụ rẻ tiền, quá giả. Đây có thể là điều dễ hiểu khi phần lớn kinh phí đã được đổ hết cho dàn diễn viên chính, phần nhỏ còn lại được chia năm xẻ bảy cho nhiều khâu khác thì lấy đâu ra sản phẩm đạt chất lượng.
Biên kịch không được trân trọng, chịu mức lương thấp khiến kịch bản phim tại Trung thiếu hụt một cách khủng hoàng. Thời đại hiện giờ, phim Trung chỉ toàn là những tác phẩm chuyển thể từ các tiểu thuyết hay remake lại từ những bộ phim kinh điển thế hệ trước. Sản phẩm mới ra đời chẳng thể nào vượt qua bản cũ, khả năng sáng tạo nghệ thuật gần như bằng không.
Thực trạng này trái ngược với nền truyền hình - điện ảnh Hàn Quốc. Trong khi xứ sở Kim Chi, biên kịch rất được trọng dụng, bản quyền mà nhà sản xuất trả cho họ cao ngang ngửa, thậm chí còn hơn dàn diễn viên chính. Thế nên, phim truyền hình Hàn rất đa dạng về nội dung, đề tài phong phú mới mẻ, gây sốt trên toàn Châu Á.
Mới đây, tổng cục truyền hình - điện ảnh Trung Quốc ban hành quy định mới, thắt chặt thù lao của ngôi sao, để tập trung hơn vào chất lượng kịch bản và sản xuất của bộ phim. Theo đó, cát sê trả cho toàn bộ dàn diễn viên trong phim không được vượt quá 40% chi phí sản xuất. Sau khi phim quay xong, ba hiệp hội ngành có trách nhiệm kiểm tra sẽ xem xét các yếu tố về chi phí sản xuất có được đáp ứng hay không, thù lao cho diễn viên chính không vượt quá 70% tổng cát sê cho tất cả dàn diễn viên.
Giờ đây, việc trả cho diễn viên Trung Quốc từ hàng triệu đến chục triệu tệ cho một bộ phim truyền hình dường như đã kết thúc. Minh tinh kiếm tiền không còn dễ dàng như trước, nhưng đó lại là một điều tốt cho khán giả.