Gặp chúng tôi vào một ngày tháng 7 đầy nắng, Hoàng Hà tự hào bảo rằng mình đã “làm bạn” với Sài Gòn được 3 tháng hơn. Không khí hôm ấy bỗng chốc dễ chịu hơn bao giờ hết nhờ sự xuất hiện của cô gái mang năng lượng như loài hoa Hướng dương. Không đẹp nhất, nhưng Hoàng Hà rực rỡ nhất, khác biệt nhất trong “vườn hoa” mới đầy tài năng - xinh đẹp của Vbiz.
Trong tà áo dài trắng thướt tha, trước mắt chúng tôi không chỉ là một Dao Ánh bước ra từ Em và Trịnh, mà còn là người con của vùng đất Hà Nội nghìn năm văn hiến với vẻ đẹp cùng tâm hồn vừa hiện đại, vừa mang hơi hướng truyền thống, cổ điển.
Hoàng Hà đã gặp gỡ SAOstar với trạng thái chưa hẳn là tốt nhất sau một chặng đường dài di chuyển từ quận 8 đến trung tâm thành phố. Nhưng những chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề của cô khiến bất kỳ ai khi được lắng nghe cũng không ngừng thấu hiểu và cảm thán.
- Hoàng Hà có hài lòng với những gì mình đã đạt được với vai diễn Dao Ánh trong phim Em và Trịnh?
Tôi nghĩ là mình được quyền hài lòng, bởi thật ra sau khi phim chiếu, Hà không nghĩ hiệu ứng tích cực mà khán giả mang lại cho mình nhiều như thế. Hà cũng là một người đơn giản, không nghĩ đến những thứ quá to tác hay quá đồ sộ. Hà chưa bao giờ đi trên chặng đường này trước đây nên không hình dung được hiệu ứng lại nhiều đến vậy.
Khi Em và Trịnh công chiếu đã nhận được nhiều phản ứng tích cực của công chúng. Trong đó, có cả anh chị trong giới làm phim hay những người nổi tiếng, những người lớn tuổi,... họ khen rất nhiều nên mình mới kiểu: “Ồ mọi thứ hóa ra đến mức đấy ư?”.
- Hà cảm thấy thế nào khi lắng nghe hoặc đọc những bình luận tán thưởng của công chúng về vẻ đẹp tựa nàng thơ của mình?
Trước đây, Hà chỉ nghe lời khen từ những người xung quanh, nhưng không quá nhiều. Sau khi Hà đóng trong 1 - 2 MV, mình nghe được một vài bình luận rằng: “Bạn này có vẻ đẹp rất là Việt Nam, rất là Á Đông”. Dường như, vẻ ngoài của mình gợi cho họ cảm giác rất nền nã và lâu lắm rồi người ta mới được thấy.
Tuy nhiên, số lượng bình luận đó chưa đủ để Hà nghĩ rằng mình thực sự sở hữu vẻ đẹp ấy. Lúc đó, có lẽ vẻ ngoài của mình hợp gu với một số khán giả nên họ mới nghĩ thế. Đến khi công chúng nói nhiều đến vẻ đẹp của mình, Hà mới tự hỏi: “Ủa, mình đẹp như thế hả?”.
Đến giờ, Hà vẫn cảm thấy việc vẻ bề ngoài của mình được nhiều người khen ngợi là rất kỳ lạ. Cũng như bao người, Hoàng Hà mỗi buổi sáng đều soi gương, đều nhìn thấy gương mặt của mình. Hà đã ngắm khuôn mặt này từ bé đến lớn nhưng không biết được mọi người lại nhìn thấy trong mình một vẻ đẹp Việt Nam như thế.
Hồi nhỏ, Hà được người lớn thường khen là: “Con bé này trông nét nhỉ!”, nhưng tôi không biết “nét” là như thế nào. Đến lúc lớn, khi nghe mọi người nói về vẻ đẹp của mình, Hà mới có thể hiểu hơn những lời người lớn nói. Có thể, bản thân tôi có gì đó đặc biệt mà mình không biết.
- Hoàng Hà ý thức được vẻ đẹp của mình từ khi nào và bạn có nghĩ “vẻ ngoài ưa nhìn” là vũ khí để bản thân chiếm ưu thế trong sự nghiệp diễn xuất không?
Thật ra, Hà không ý thức được rằng bản thân mình đẹp, mình bắt đầu biết tô son từ hồi lớp 11 - 12, đó chỉ là những cây son rất nhạt. Khi Hà mặc áo dài trắng vào sáng thứ 2, đứng chụp hình với mọi người, và bắt đầu thấy là: “À, hình như mình mặc áo dài rất là đẹp”.
Hồi cấp 3, khi xem lại ảnh chụp chung với các bạn được mệnh danh là hot girl, Hà thấy mình trông cũng xinh xinh dù không được rực rỡ như họ. Như vậy, có lẽ tôi cảm thấy mình trông xinh xắn vào thời điểm Hà học lớp 12.
Đối với việc tận dụng vẻ ngoài vào diễn xuất, Hà nghĩ mình không quá đẹp đâu. Mỗi ngày soi mình vào gương, Hà chỉ thấy mình ưa nhìn, xinh xắn thôi. Và bản thân Hà cũng không dùng vẻ ngoài xinh đẹp như một món vũ khí trong nghề.
- Hà có nghĩ việc bản thân xinh xắn, được nhiều người thích là nguồn gốc của bạo lực học đường mà mình từng chia sẻ trên truyền thông trước đó?
Thật ra, nguyên nhân dẫn đến những chuyện đó không xuất phát hoàn toàn từ sự xinh đẹp. Hồi đi học cấp 2, cấp 3, tôi là người có tính tình rất trầm, chưa bao giờ nghĩ mình sẽ được nhiều người chú ý đến.
Một lần nọ, tôi đột nhiên bị vài người không thích chỉ vì mình học giỏi. Lúc học cấp 3, tôi rất thích việc mình trở nên thông thái, hồi cấp 2 thì không như thế. Tôi cảm thấy rất vui mỗi khi mình làm đủ bài tập về nhà, lúc lên lớp lại lắng nghe lời giảng của thầy cô và hiểu sâu vấn đề.
Sự cố gắng của Hà về sau cũng được đền đáp, chuyện mình lọt top 3-2-1 trong lớp là điều tự nhiên xảy đến. Điều này cũng giống như khi tôi cố gắng cho diễn xuất thì Dao Ánh cùng Em và Trịnh đến với mình, việc học cũng như thế. Có thể nói, tôi là kiểu người không cố gắng để lấy vị trí của bất kỳ ai. Có lẽ, khi mình đạt thành tích tốt trong việc học thì những người ở vị trí thứ 1 - thứ 2 sẽ không thích mình.
- Có một số bình luận cho rằng Hà là "trà xanh" hay Hà không tốt chỗ này chỗ kia. Bạn nghĩ có khi nào bạo lực học đường sẽ vượt xa phạm vi trường học, chuyển sang quấy rối trên mạng xã hội?
Tôi nghĩ chuyện đó có thể xảy ra. Dù bản thân không thuộc kiểu người đó, nhưng mình chẳng thể biết được thế giới ngoài kia có những người như vậy hay không. Đến khi mình có thể chạm vào nó, hoặc biết đến những việc tương tự xảy ra với người khác thì mình sẽ biết chuyện này có phải quấy rối hay chưa.
Bản thân Hà và những người xung quanh sống rất đơn giản, chân thành với nhau nên mình không nghĩ đó là một vấn đề lớn.
- Có lẽ câu chuyện Hà là “trà xanh” là do một số người cố tình thêu dệt, bịa đặt để “dắt mũi” dư luận và biến nó thành một sự thật hiển nhiên?
Trên đời này có một số người một khi đã muốn tin điều gì, họ sẽ không thay đổi quan điểm. Khi ấy, bản thân có cố gắng thanh minh thì người ta cũng chẳng muốn nghe mình nói. Nhưng điều này lại không thể hiện được sự thật về Hà, mà nói về bản thân họ nhiều hơn.
- Giai đoạn đó, Hà có nghĩ đến chuyện bản thân sẽ bị hiểu lầm, sẽ bị gắn mác “trà xanh” bởi sự thêu dệt của cư dân mạng, trong khi bản thân chưa có đủ tiếng nói để thanh minh?
Khi sự việc đó xảy ra, tôi nghĩ điều mình cần làm trước nhất là bình tâm lại. Có thể, mình hơi xao động một chút, nhưng cái chính là mình cần bình tâm lại để nhìn lại vấn đề.
Những câu hỏi liên tục được đặt ra là: “Trong lòng tôi đang cảm thấy như thế nào? Sự thật là gì? Tôi đã từng thanh minh điều này chưa? Tôi đã từng nói điều này ra chưa?”. Và tôi nghĩ nếu như trên đời tồn tại một thứ gọi là “tin đồn” thì nó bao giờ cũng cần được xác thực. Nếu như nó chưa được xác thực thì nó vẫn mãi chỉ là tin đồn mà thôi.
Quãng thời gian đó, tôi nhận thấy bình tâm là điều quan trọng nhất. Khi nghe ai đó nói điều gì, tôi luôn nghĩ mọi thứ xuất phát từ bên trong họ mà ra. Lúc đó, mình cần có trách nhiệm giải quyết câu chuyện nếu như nó thật sự có vấn đề.
Và khi có thêm bất kỳ thông tin nào, đích thân Hà sẽ là người thông báo đến khán giả. Bởi khán giả đã đi theo và ủng hộ Hà xuyên suốt một hành trình rất dài, tôi rất trân trọng và yêu quý họ. Ngay cả khi có những chuyện không hay xảy đến, khán giả vẫn chọn ở bên và tin tưởng mình đến mức như vậy.
- Có lẽ chính vì suy nghĩ trong sáng và cách Hà nhìn thế giới đã tạo nên một lá chắn cho mình trước những khủng hoảng truyền thông trước đây?
Hôm trước, có chị trong đoàn phim nói với tôi rằng vì bản thân mình là một người chân thành, nên Hà sẽ có những sự bảo vệ vô hình. Điều đó giống như việc Hà nhận được tình thương và sự yêu quý từ mọi người.
- Có vẻ Hà có một nội lực rất mạnh từ bên trong và bản thân bạn hiểu rõ mình muốn gì và mình phải làm gì để thực hiện ước muốn đó?
Đúng là như vậy, Hà cảm thấy bản thân mình mới là điều quan trọng nhất và quyết định tất cả mọi thứ. Và tôi nghĩ đó cũng là lý do khiến mình quyết định chuyển vào Sài Gòn. Bởi vì Hà muốn nhìn thấy chính mình một cách rõ ràng nhất.
Lúc vào Sài Gòn, Hà không sợ bị hòa tan hay bị sai khác đi, vì mình đã dành rất nhiều thời gian để hiểu bản thân trước đó. Hà tin rằng, điều mình giỏi nhất trên đời chính là hiểu rõ bản thân và sau đấy mới đến diễn xuất.
- Việc vào Sài Gòn tại thời điểm này có ý nghĩa như thế nào đối với Hoàng Hà?
So về tinh thần, Hà nghĩ mình đang đi đúng, nhưng nếu xét theo khía cạnh thời gian, có rất nhiều bạn đã đi trước mình. Cho nên, Hà nhận thấy hành trình mình đi cũng chỉ là một thứ gì đó nhỏ bé thôi. Có thể nói, hiện tại là thời điểm Hà cảm thấy sẵn sàng nhất và mình vào Sài Gòn cũng được 3 tháng rồi.
- Ước mơ của Hà trong sự nghiệp diễn xuất là gì và bạn muốn có được vị trí nào trong ngành giải trí?
Bản thân Hà không biết quá nhiều về ngành giải trí, chỉ biết điều mình thật sự muốn là gì. Đó là muốn trở thành một diễn viên thực thụ. Sau Em và Trịnh, có thể mọi người sẽ gọi mình là diễn viên điện ảnh, đó là điều mà Hà mong muốn được theo đuổi nhất.
Nhưng diễn viên thực thụ mà tôi muốn nói là người có thể mang đến cho khán giả cảm giác như được nhìn thấy một nhân vật sống động trong đời thực. Ví dụ, khi cô ấy hạnh phúc hay trắc trở, thì người xem sẽ cảm nhận được hoàn cảnh đó một cách dễ dàng, nhờ diễn xuất của diễn viên.
Và khi một bộ phim nào đó kết thúc, khán giả đi ra khỏi rạp sẽ thấy có một nhân vật, một con người y hệt như thế tồn tại trong đời. Hà rất thích điều ấy và mình nghĩ chỉ có diễn xuất thực thụ mới đem lại trải nghiệm như vậy.
- Đối với bất kỳ công việc nào, Hoàng Hà đặt yếu tố nỗ lực của bản thân lên đầu tiên?
Tôi đã nghe và tâm đắc câu nói của diễn viên kỳ cựu Youn Yuh Jung - người từng đoạt giải Oscar đầu tiên của Hàn Quốc rằng: “Một người diễn viên có tâm sẽ không bao giờ quá tự tin”. Nghĩa là người ta sẽ luôn trăn trở rằng bản thân đã làm tốt hay chưa, Hà cũng là người như thế.
Khi hoàn thành một dự án, tôi chỉ biết rằng bản thân đã làm hết sức chứ không thể quá tự tin về nó, hay chắc mẩm rằng phim này ra sẽ thắng lớn. Kể cả trong lúc ghi hình hoặc khi phim đã đóng máy, người diễn viên sẽ luôn trăn trở là mình đã làm thực sự tốt hay chưa? Đôi khi họ sẽ nghĩ rằng đoạn này, đoạn kia tôi có thể làm tốt hơn hay không?
Hà cứ luôn nghĩ như vậy nhưng ngẫm lại bản thân nên đặt điều trăn trở này xuống và tin vào người đạo diễn của mình. Khi đạo diễn nói đã ổn, tôi sẽ yên tâm đợi đến lúc xem phim. Và thực tế, hiệu ứng mà Em và Trịnh đạt được chính là câu trả lời cho tất cả những điều trăn trở ấy. Có thể nói, hiệu ứng mà phim mang lại cao hơn tôi nghĩ rất nhiều.
- Nếu được chọn một công việc nào khác ngoài diễn xuất, Hà muốn gắn bó với vai trò gì?
Bản thân tôi là người rất thích kể chuyện, nên đến một lúc nào đó, có thể mình sẽ thử sức với vai trò đạo diễn. Nhưng Hà nghĩ, công việc đạo diễn cần rất nhiều kỹ năng và kiến thức, còn hiện tại Hà sẽ cố gắng làm tốt ở lĩnh vực diễn xuất. Đối với Hà, diễn xuất thôi cũng đã có một bầu trời kiến thức rộng lớn và mình đang phải đi học thêm rất nhiều.
Tôi nghĩ, để đạt đến diễn xuất như mình mong muốn, bản thân phải dành ra rất nhiều thời gian để học hỏi, để sống, trau dồi bản thân. Đến lúc tôi cảm thấy mình có thể đảm đương nhiều thứ hơn, thì lúc đấy em sẽ kể một câu chuyện dưới tư cách một đạo diễn.
- Trước khi hoạt động trong lĩnh vực phim ảnh với vai trò một diễn viên, Hà thích công việc gì?
Thú thật, Hà thích làm sếp, điều này được đút kết từ những nhân vật mà Hà theo dõi trên phim. Trong các bộ phim Hà từng xem, sẽ có những cô gái rất độc lập và giỏi giang. Các cô ấy có thể là một chị cả trong gia đình đông anh chị em và có sự nghiệp riêng và việc làm tốt.
Hà lớn lên cùng với luồng văn hóa đó nên mình nghĩ chuyện làm sếp thật sự rất ngầu. Thế nên, tôi nghĩ sau này mình có thể làm sếp nhưng lại chẳng biết làm sếp ở lĩnh vực nào. Nhưng chuyện trở thành một cô gái độc lập, giỏi giang là thứ rất hấp dẫn đối với Hà.
- Trong hành trình của Hà từ bé đến giờ, giai đoạn nào là thăng trầm nhất?
Có khoảng 2 chuyện trong đời khiến Hà cảm thấy như bị nhấn chìm xuống, rồi lại phải cố gắng để vượt lên. Trong đó, chuyện sâu đậm nhất, mang lại cho Hà cảm giác vỡ vụn nhất có liên quan đến gia đình.
Khoảng năm 2018, bố mẹ quyết định chia tay, gia đình Hà không còn trọn vẹn 4 thành viên nữa. Điều đó xảy ra khiến Hà cảm thấy rất khó khăn để vượt qua, bởi bản thân đang cố gắng hoàn thành tốt việc học để còn theo đuổi nghệ thuật. Lúc đó, cả 3 người trong gia đình là bố mẹ và em gái của Hà thì rất chao đảo, không thể đứng vững nổi.
Tôi nghĩ mình có tư duy ổn, có thể dẫn dắt, vực dậy để mọi người không bị gục ngã. Vì thế, lúc đó Hà cảm thấy mình phải là một cái cây vững nhất trong nhà để mọi người có thể khỏe mạnh và đủ tinh thần để đi qua khó khăn này. Chính vì Hà nhìn thấy được trách nhiệm của bản thân - phải trở thành cái cây vững chắc đó, nên không lúc nào mình được phép mềm yếu.
- Sự chia ly của gia đình Hà bắt nguồn từ cảm xúc của người trong cuộc hay có sự tác động nào từ các sự việc bên ngoài?
Sự chia ly của gia đình Hà xuất phát từ nguyên nhân bên trong. Và Hà nghĩ, mỗi một gia đình quyết định dừng lại, cũng sẽ có một vấn đề nào đó kèm theo. Những vấn đề đó mình cứ nghĩ sẽ rất nhỏ bé, nhưng khi tích tụ lại sau nhiều năm, sự chia đôi chỉ là cách để giải quyết vấn đề mà thôi.
- Dường như Hà là một người rất nhạy cảm, vậy bạn có biết hết quá trình dài dẫn đến sự chia ly của gia đình không, hay chỉ biết kết quả thôi?
Hà biết hết. Vì tôi lớn lên trong gia đình nên đã chứng kiến điều đó từ nhỏ. Khi nhìn thấy, tôi biết rằng vấn đề này cần phải giải quyết. Chính vì thế, tôi đã ủng hộ thay vì bảo bố mẹ phải vì bọn con nên ở lại. Bởi vì tôi nghĩ, nếu bố mẹ vì mình nhưng lại không có được niềm vui thì ai sẽ chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của họ.
Tôi không để mình trở thành lý do để bố mẹ phải ở lại, điều đó sẽ khiến họ cảm thấy nặng nề hơn nữa. Có thể, sự chia đôi đó sẽ khiến cho gia đình mình không còn trọn vẹn, nhưng Hà nghĩ hạnh phúc mà mỗi người cảm nhận được mới chính là điều lành lặn thật sự.
- Như vậy, Hà nghĩ việc chia ly của gia đình sẽ là sự cởi trói cho tất cả?
Cũng có thể. Hà nghĩ mọi người sẽ có một cuộc sống tốt hơn nếu như biết chấp nhận điều đấy.
Với sự chia ly này, bố mẹ Hà cũng không hẳn là có lối đi riêng nào khác, mà chỉ do vấn đề trong gia đình cần phải giải quyết. Cả Hà và em gái cũng tủi thân lắm chứ, cũng không muốn chuyện này xảy ra. Nhưng rốt cuộc, hai đứa vẫn phải đưa ra quyết định nên níu kéo hay đồng ý. Và cuối cùng là chúng tôi chọn đồng ý.
Tôi nghĩ mọi thứ nên được giải quyết như thế, vì mình biết rằng nếu việc này mà cố níu kéo thì nó sẽ thành cố chấp. Mình nên chọn cái nào tốt hơn và tỉnh táo để quyết định mọi chuyện xảy đến khi đó.
- Diễn biến tâm lý của Hà đến thời điểm hiện tại là tự thân mình xây dựng hay bạn có một người thân nội tâm nào đó?
Tôi nghĩ mọi thứ đến từ bên trong mình rất nhiều. Khi lớn lên, mình cũng có thể học được từ người này người kia, nhưng tôi cho rằng suy nghĩ của bản thân chiếm tới 85%.
Tôi cảm giác cô bé Hoàng Hà từ nhỏ đã có một nội tâm rất độc lập. Đến khi lớn hơn, tôi luôn để ý những điều diễn ra bên trong mình, nhận biết được khi nào mình buồn hoặc tức giận. Hay lúc nào tức giận quá, Hà sẽ suy nghĩ luôn vì sao mình lại giận như vậy, sao mình lại có cảm xúc như thế. Khi đó, Hà cũng cảm nhận được nếu như những cái cảm xúc đó tiếp tục thì sẽ không tốt.
Lúc đó, Hà sẽ tự suy nghĩ và tự tư duy để bước ra khỏi vấn đề mà mình gặp phải. Nếu như nghĩ mãi vẫn không thoát ra khỏi vấn đề đó, mình sẽ hỏi một người lớn hơn để họ chỉ hướng cho mình. Từ đây, Hà cảm thấy sự bình tâm có thể được hấp thụ từ người khác.
- Khi gặp những chuyện không như ý khiến Hà suy sụp, xuống tinh thần, người đầu tiên Hà tìm đến sẽ là ai?
Nếu như Hà có người yêu, thì anh ấy sẽ là người khiến mình dễ tâm sự nhất. Hà có cảm giác bạn trai là người dễ kết nối nhất ở phạm vi gần chứ chưa phải là bố mẹ. Bởi Hà là một người có hơi hướng độc lập về suy nghĩ nên có nhiều thứ mình chưa thể nói ngay với bố mẹ.
Ngoài ra, tùy người, tùy câu chuyện, Hà sẽ tìm đến nhân vật phù hợp để nói về vấn đề đó. Và khi tôi đã chọn thì thường quyết định đó sẽ chính xác. Những người mà tôi tìm đến có thể giúp mình chia sẻ, giải tỏa và xoa dịu lại mọi thứ.
Tôi nhớ khi đi quay Em và Trịnh, có một phân cảnh rất khó và áp lực, Hà đã về gọi điện cho mẹ và muốn vay mượn bà một vài nỗi buồn. Hà muốn là tỏ ra bình thường thôi và hỏi xem mẹ dạo này thế nào, mẹ có ổn không, như muốn cố gắng khơi nỗi buồn của mẹ, mượn cái cảm giác đấy để quay phim.
Thế nhưng, khi mẹ vừa bắt máy, Hà đã òa khóc. Đúng là khi quay về cái nôi của mình, về gia đình của mình thì rất dễ dâng trào cảm xúc. Lúc đó, sự tủi thân và áp lực bỗng nhiên vỡ òa ra, Hà bảo rằng: “Mẹ ơi, hôm qua con không làm được”.
Khi mẹ cúp máy và cuộc gọi dừng lại thì Hà mới thấy mình trở nên nhẹ nhàng và đã giải tỏa được rất nhiều. Lần đó, chính Hà cũng cảm thấy bất ngờ rằng hóa ra mình cũng có thể nói những chuyện như thế này với bố mẹ. Và khi gặp những chuyện lớn lao như thế về sau, tôi vẫn có thể quay về nhà và chia sẻ với bố mẹ, vì Hà biết chắc chắn họ rất thương mình.
- Hà cảm thấy thế nào khi trở thành tình địch của Hoà Minzy trong MV Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp?
Vì sự kết nối trên đoàn phim rất vui và chị Hoà là một người rất dễ thương, rất đáng yêu nên Hà không hề cảm thấy bản thân mình là tình địch của Hoà. Hà chỉ thấy là đến lúc mình phải diễn thì mình diễn thôi. Và trong kịch bản thì hai cô này cũng không chạm mặt nhau, tức là mỗi người lại có một nỗi khổ riêng nên là cảm nhận của tôi về Hoà thì luôn đáng yêu như vậy.
Mỗi lần Hà nhận một vai diễn nào đó thì thường không nhận vai dễ. Thường thì đó sẽ là những dạng vai khó, nên giai đoạn chuẩn bị cho một nhân vật đối với mình là rất quan trọng và thi thoảng cùng rất áp lực.
Ví dụ như việc chuẩn bị quay cho nhân vật Mộng Điệp trong MV Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp, Hà đã rất áp lực. Lúc đó, tôi đã không nói chuyện với mọi người. Bởi vì tôi nghĩ cảm xúc của nhân vật đó quá nặng nên khi nói chuyện và cười đùa sẽ không thể nuôi dưỡng được tinh thần. Vậy nên Hà đã quyết định không gặp ai trước, cũng không ở chung khách sạn với họ để không phải ăn chung, không phải nói chuyện, không phải ra khỏi nhân vật của mình. Hà chỉ ở một mình để suy nghĩ về nhân vật đó.
Hà nhớ là khi bấm máy những cảnh quay ấy, mình vẫn ở một mình, Hà ở một góc còn mọi người ở một góc. Hà chỉ nhìn đất nhìn trời nhìn mây và nghĩ làm sao để bước ra là có thể bật khóc ngay, mà đó phải là sự bật khóc vỡ ra chứ không phải là “Đây, tôi đang khóc nè”. Đó chính là điều Hà thấy không tốt cho diễn xuất. Để tránh điều đó thì mình cần nuôi dưỡng cảm xúc rất kĩ và phải thật sự nghiêm túc với diễn xuất của bản thân.
Cái shot đó Hà chỉ cần quay 3 lần là được bởi vì những điều gì nặng quá thì không thể quay nhiều lần. Quay đến lần thứ 4, thứ 5, thứ 6 thì cảm xúc sẽ bị “chai” nên quan trọng là phải nuôi đủ cảm xúc để đến cái khắc đó nó sẽ bộc phát ra ngoài.
- Với vẻ ngoài xinh xắn, đáng yêu, gợi cảm giác cần được người khác che chở, thì từ khi bước chân vào giới giải trí đến nay, Hà có bao giờ vấp phải những sự gạ gẫm hay dụ dỗ?
May mắn là Hà chưa bao giờ phải nghe những lời gạ gẫm hay dụ dỗ bởi vì nếu có điều gì đụng chạm tới bản thân thì mình sẽ xử lý nó ngay.
Đôi khi, tôi có nghe từ những người xung quanh, những người bạn ở trong lĩnh vực này nói rằng có trường hợp như thế, Hà cũng nghe để biết thôi hoặc có thể mình sẽ tránh những người đó ra. Nhưng may mắn là bản thân Hà chưa từng phải đối mặt với điều đó, nên bản thân mình thấy “lành”, nghĩa là không phải luôn tỏ ra đề phòng.
Trước đây, tôi không chơi với quá nhiều người bạn, Hà chỉ tiếp xúc với những người mình cho rằng họ thực sự là bạn của mình thôi. Nhưng đến bây giờ, bản thân Hà đã có dịp gặp gỡ nhiều hơn, sẽ có nhiều lời mời để hợp tác hay nói chuyện hơn, từ từ các mối quan hệ cũng sẽ rộng ra. Sự mở rộng mối quan hệ đó có thể sẽ dẫn tới những tình huống khác mà bản thân Hà chưa hình dung ra được.
- Hoàng Hà suy nghĩ gì về tình trạng quấy rối dẫn tới những hậu quả về mặt tinh thần trong giới trẻ hiện nay và bạn đã từng trải qua vấn đề này chưa?
Trong trí nhớ của Hà thì dường như mình chưa từng bị quấy rối bởi một ai cả. Thỉnh thoảng, Hà cũng thấy được những câu chuyện do các cá nhân lên tiếng trên Facebook hoặc trên mặt báo. Bản thân Hà thấy họ quá dũng cảm và điều đó sẽ truyền động lực cho nhiều người khác.
Hà đọc từng câu chuyện, theo dõi cách họ kể lại những vấn đề ngày xưa. Cách họ phải nhớ lại rồi kể lại như thế không khác gì trải qua cơn đau một lần nữa. Đó là sự dũng cảm với chính bản thân họ và với người khác. Hà nghĩ đó là điều mọi người nên nói ra. Bởi vì Hà nghĩ khi họ nói ra, họ sẽ được bảo vệ và những người khác sau này cùng sẽ được bảo vệ.
Xã hội hiện đại, con người càng văn minh hơn, Hà cảm nhận được điều này. Con người ngày nay sẽ bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ những điều đúng đắn. Có thể khi nói ra một câu chuyện trong quá khứ, bạn sẽ ngại hoặc sợ bị đánh giá nhưng điều quan trọng là phải bảo vệ cá nhân đó chứ không phải đánh giá họ.
- Hoàng Hà nghĩ sao về Hoàng Dũng? Vào vai nàng thơ của Hoàng Dũng trong MV thì bạn có từng nảy sinh phản ứng hoá học với Hoàng Dũng không?
Mọi phản ứng hóa học giữa Hà và Dũng hoàn toàn diễn ra trên màn ảnh, điều này phải được phân định rõ ràng. Nếu hai người có phản ứng hoá học với nhau ở ngoài đời thì đó là tình cảm nam nữ. Nhưng cũng có phản ứng hoá học chỉ xảy ra trên màn ảnh mà thôi.
Ví dụ như Hà và Avin Lu có phản ứng hóa học trên màn ảnh nhưng ngoài đời, hai chúng tôi không phải gu của nhau. Đôi khi phản ứng hoá học có thể bị nhầm lẫn nhưng nếu phân biệt được thì sẽ thấy chúng khác nhau lắm. Thoát ra khỏi cảnh quay, tất cả đều như thoát ra khỏi bản thể vai diễn.
Trong lúc quay MV Nàng Thơ thì bạn gái kiêm quản lý của Dũng cũng có mặt ở đó. Dũng có thể làm được điều đó vì anh ấy không phải diễn là ai cả. Sự tự nhiên kết hợp với lối diễn xuất của mình đã tạo ra một sản phẩm mà mọi người thấy.
Trong phân đoạn Dũng phải nhìn sâu vào mắt Hà, Hà có hỏi Dũng rằng: “Anh có biết cách để nhìn sâu vào mắt của một cô gái không?”. Dũng rất cởi mở tiếp thu ý kiến của mình. Mình cũng chia sẻ rằng Dũng chỉ việc nhớ tới cách Dũng ngắm người yêu, nhìn ngắm từng đường nét và cảm nhận nó như thế nào. Và Dũng đã làm điều đó rất tốt.
Cái hấp dẫn của điện ảnh chính là người xem có thể thấy một cặp đôi đang ngọt ngào bên nhau nhưng ngoài đời lại không phải vậy.
- Nếu được chọn một nam nghệ sĩ để đóng cảnh hôn hay cảnh nóng thì Hoàng Hà sẽ chọn ai?
Dạo gần đây Hà đang thích Choi Woo Sik, nam diễn viên đóng Parasite và Our Beloved Summer. Hà thấy anh ấy rất dễ thương.
- Sau khi Hoàng Hà nổi lên với Em và Trịnh, có rất nhiều ý kiến so sánh bạn với Trúc Anh, một cô nàng cùng sở hữu vẻ ngoài xinh xắn, đáng yêu, đặc biệt là đôi mắt. Hoàng Hà nghĩ sao về điều này?
Hà có nghe nói về điều này nhưng hầu hết đều là lời khen. Về đôi mắt thì tôi thấy Trúc Anh đúng là có đôi mắt to tròn hơn. Hồi đó Hà không casting phim Mắt Biếc một phần cũng vì cảm thấy mắt mình chưa đủ “biếc”. Nhưng nghệ thuật có thể nhào nặn nhiều thứ. Ví dụ như trong Em và Trịnh, ekip có thể làm cho một nhân vật đẹp hơn sự thật thì Hà tự nhận phim này đã giúp mình đẹp hơn bên ngoài.
Còn về chuyện khán giả so sánh Hà với Trúc Anh thì tôi nghĩ đó là tâm lý bình thường của con người. Nghĩa là khán giả nghĩ mấy cô theo đuổi hình tượng nàng thơ, trong trẻo thì sẽ liên tưởng tới nhau. Mỗi diễn viên vào vai một nhân vật, tham gia vào một dự án thì ắt hẳn là cái duyên. Họ dành cho dự án đó, mình dành cho dự án này và không có sự thay thế.
- Trong một số bài phỏng vấn trước đây, Hà có chia sẻ tiền bạc và danh vọng không phải là mục tiêu sống của bạn. Cùng với vẻ ngoài mong manh thì có rất nhiều khán giả cho rằng Hà xuất thân từ một gia đình giàu có. Hà có thể chia sẻ cảm nhận về định kiến đó không?
Hà khá bất ngờ khi nghe mọi người nói rằng vẻ ngoài của bản thân lại gợi lên điều đó. Nhưng tôi không sinh ra trong một gia đình quyền thế hay “ngậm thìa vàng”. Hà sinh ra trong một gia đình hoàn toàn bình thường, thậm chí bố mẹ cũng muốn tôi làm một công việc bình thường.
Quan điểm sống của Hà là nếu làm tốt thì tiền sẽ tự đến, con người không cần phải chạy theo đồng tiền. Bất kể công việc gì, nếu chúng ta làm tốt thì cũng đã trở thành người nghệ sĩ trong lĩnh vực đó rồi, với diễn xuất cũng vậy. Khi làm tốt trong vai Dao Ánh, nhiều cơ hội sẽ đến với Hà và thậm chí mình còn được phép lựa chọn dự án.
Hà cùng không rành về tiền nên trước giờ mình không quá đam mê về nó. Nếu mình xác định chạy theo tiền thì mình trở thành nghệ sĩ làm gì? Hà tin vào năng lực của bản thân, tin rằng nó xuất phát từ sự hồn nhiên của mình. Nếu không tin vào khả năng của bản thân thì rất có thể Hà đã chạy theo hào nhoáng từ lâu rồi. Nhiều người không dám tin vào điều đó vì họ sợ vụt mất nhiều thứ trong đời. Hà nghĩ có rất nhiều người đang chạy theo sự nổi tiếng và tiền bạc chứ không xuất phát từ bên trong bản thân họ.
Cảm ơn Hoàng Hà vì đã dành thời gian tham gia phỏng vấn với SAOstar.