Bộ phim cung đấu Diên Hi công lược (延禧攻略) thu hút khán giả trước hết ở dàn mỹ nữ hậu cung chuyên bày mưu tính kế hãm hại lẫn nhau điêu luyện để tranh quyền đoạt sủng. Hậu cung của Diên Hi công lược hạng người nào cũng có. Có Phú Sát Hoàng hậu đoan trang hiền đức, có Nhàn Phi nhân phẩm thanh cao thì cũng có Cao Quý phi kiêu căng ngạo mạn, có Gia Tần lắm mưu nhưng chưa đủ khéo léo. Có Ngụy Anh Lạc kiên cường mạnh mẽ thì cũng có Du Quý nhân yếu đuối mong manh.
Nhưng trong số tất cả các nữ nhân đó, không ai khó hiểu và đầy bí ẩn như Thuần Phi Tô Tịnh Hảo (Vương Viện Khả thủ vai). Liệu Thuần Phi thực sự là người tốt bụng thích đi lo chuyện bao đồng hay đang ngấm ngầm ủ mưu, toan tính điều gì đó?
Thuần Phi lương thiện hiền đức, luôn giúp đỡ người khác, bảo vệ lẽ phải
Ngay từ lần đầu tiên Thuần Phi xuất hiện, nàng đã thể hiện bản thân là một phi tần dịu dàng hòa ái, có tấm lòng nhân hậu, chuyên đi giúp đỡ người gặp cảnh ngộ khó khăn. Thuần Phi đứng về phía Hoàng hậu vì Hoàng hậu hiền lương thục đức. Thuần Phi căm ghét Cao Quý phi và Gia Tần độc ác hay tính kế hại người. Cùng với Hoàng hậu, Thuần Phi cũng nhiều lần giúp đỡ Nhàn Phi, Du Quý nhân và Ngụy Anh Lạc. Trong hậu cung ba ngàn giai lệ của Càn Long, bên cạnh Phú Sát Hoàng hậu khoan dung độ lượng, thì Thuần Phi cũng là người tốt hiếm có, khó tìm.
Thuần Phi tinh tế đến mức để ý tới cả tâm trạng không vui của cung nữ Hồng La trong Trường Xuân cung. Hỏi ra mới biết Hồng La vốn đã đến tuổi xuất cung từ năm ngoái, nhưng do Hoàng hậu tâm bệnh u sầu, không quản chuyện hậu cung nên Nội vụ Phủ không dám bẩm báo, vì vậy sắp lỡ mất hôn sự của Hồng La.
Cho dù Thuần Phi làm vậy là do sự nhờ vả của Phú Sát Phó Hằng, mục đích để Hoàng hậu ý thức được sự quan trọng của địa vị hậu cung chi chủ mà tiếp nhận lại quyền quản lý hậu cung, nhưng nếu Thuần Phi không tốt bụng lương thiện, sao có thể quan tâm tới ánh mắt buồn bã một cô cung nữ nhỏ bé?
Khi gia đình Nhàn Phi gặp đại họa, Nhàn Phi không có ngân lượng để chữa bệnh cho đệ đệ Thường Thọ, Nhàn Phi xin trước bổng lộc của năm sau, Nội vụ Phủ từ chối khéo. Nhàn Phi định bán trang sức thì bị Cao Quý phi ức hiếp phá hoại. Nhàn Phi đi vay mượn từ những phi tần mà mình từng ban ơn, đều bị đóng sập cửa.
Thuần Phi giúp đỡ Nhàn Phi rất kiên trì. Đầu tiên là khuyên Nhàn Phi đến cầu xin Hoàng hậu. Nhàn Phi không làm. Thuần Phi đem ngân lượng đến tặng, Nhàn Phi lại kiên quyết từ chối vì không muốn bị lôi kéo vào “trận doanh của Hoàng hậu”. Thuần Phi không nản lòng, liền bẩm báo Hoàng hậu khó khăn của Nhàn phi.
Trong Lệ Chi yến của Hoàng hậu, Ngụy Anh Lạc đa mưu túc trí xử lý tình huống, giúp Hoàng hậu an toàn, đồng thời vạch trần được tội trạng của Cao Quý phi và Gia Tần.
Khi hoàng thượng hỏi chuyện xảy ra một tháng trước với Du Quý nhân, không ai đứng ra nói, sợ đắc tội với Cao Quý phi. Vẫn là Thuần Phi đứng ra kể lại chi tiết sự việc, tố cáo Cao Quý phi dùng chó cưng Tuyết Cầu hãm hại long thai của Du Quý nhân.
Bằng vài lời nói, Thuần Phi đã gián tiếp thổi bùng thêm sự thịnh nộ của đế vương, vừa trừng trị được Cao Ninh Hinh, vừa góp phần bảo vệ Du Quý nhân, giúp đỡ Hoàng hậu và Anh Lạc.
Trong tập 15, Cao Quý phi và Gia Quý nhân bày ra “khổ nhục kế” khóc lóc kể lể, ý đồ đổ tội ngược đãi Tứ A ca lên đầu Nhàn Phi, Nhàn Phi nhún nhường đồng ý cho Gia Quý nhân đưa Tứ A ca về cung Trữ Tú.
Lại là Thuần Phi, bằng kiến thức y học của mình đã chỉ rõ nguyên do Tứ A ca bị bệnh là do nhũ mẫu cho ăn nhiều canh cá và canh gà, lại đắp chăn quá kín dẫn đến đổ mồ hôi, hàn khí thâm nhập mà sinh bệnh. Hoàng thượng trách phạt xuống, nhũ mẫu sợ tội đã khai ra mọi chuyện là do Gia Quý nhân lệnh bà ta làm, mục đích đổ tội cho Nhàn Phi, đưa Tứ A ca về bên mình.
Nhờ Thuần Phi mà Nhàn Phi rửa sạch ác danh, lại khiến Gia Quý nhân lộ rõ tâm địa độc ác, lợi dụng cả con ruột. Gia Quý nhân bị giáng xuống thành Kim Đáp ứng, đày đến Bắc Tam Sở (lãnh cung).
Nhưng Nhàn Phi đâu có đơn giản như thế. Chính là Nhàn Phi đã nhìn ra mưu kế của Gia Quý nhân, lại biết Thuần Phi tinh thông y lý nên mới mời Thuần Phi đến thưởng trà, mượn lời Thuần Phi vạch tội trạng của Gia Quý nhân.
Qua 16 tập, ta thấy Thuần Phi có tấm lòng lương thiện thật sự. Cô giúp người khác một cách hào phóng, không đòi báo đáp. Giúp cung nữ Hồng La, giúp Nhàn Phi, giúp Du Quý nhân, giúp Hoàng hậu, giúp Anh Lạc, dường như Thuần Phi chỉ thích đi loanh quanh tìm hiểu hoàn cảnh của người khác để giúp đỡ. Trong hậu cung rộng lớn, lòng người khó lường, một con người trong sạch, hiền đức, dịu dàng như Thuần Phi Tô Tịnh Hảo quả thực đáng quý.
Thuần Phi cự tuyệt hoàng thượng, yêu thương Hoàng hậu?
Thuần Phi là người tốt thì cũng không có gì kỳ lạ. Kỳ lạ ở chỗ Thuần Phi là người duy nhất trong hậu cung cự tuyệt ân sủng của Hoàng thượng, chỉ một lòng quan tâm Hoàng hậu. Trong khi các phi tần khác trăm mưu ngàn kế tranh giành thánh sủng, chỉ có Thuần Phi không tranh. Thuần Phi còn tắm giữa đêm khuya để bị đổ bệnh, tránh thị tẩm. Khi Hoàng thượng đến thăm lại tìm cớ đuổi khéo Hoàng thượng khỏi Chung Túy cung.
Thuần Phi hành xử vô cùng lạ lùng, trái với lý lẽ thông thường: nàng lạnh nhạt với Hoàng thượng bao nhiêu thì lại yêu thương Hoàng hậu bấy nhiêu. Thuần Phi để ý đến sức khỏe của Hoàng hậu từng chút một. Biết đôi mắt của người bị đỏ, Thuần Phi chuẩn bị ít hoa cúc để Hoàng hậu xông hơi.
Thuần Phi còn tự tay làm gối thuốc cho Hoàng hậu dễ ngủ. Cung nữ thân cận của hoàng hậu - Minh Ngọc - bày tỏ thích hương thơm trên áo Thuần Phi, Thuần Phi cũng hứa sẽ mang hương liệu qua cho Hoàng hậu dùng. Thuần Phi tốt với Hoàng hậu hơn cả tỷ muội, vượt qua giới hạn thông thường. Hoàng hậu cũng nhận ra điều này, nên lời nói với Thuần Phi cũng đầy ẩn ý.
Thuần Phi không vừa, lập tức bày tỏ tâm ý: “Thần thiếp được thường xuyên bầu bạn bên nương nương là đã mãn nguyện rồi, chưa bao giờ dám kỳ vọng thánh sủng”.
Lúc Hoàng hậu bị hàn khí xâm nhập, cũng chỉ tin tưởng để Thuần Phi tới châm cứu. Vì mối quan hệ thân thiết quá mức này khiến Cao Quý phi hiểu lầm, buông lời châm chọc, lại cho cung nữ loan tin khắp hậu cung rằng Hoàng hậu và Thuần Phi có gian tình. Lời đồn về mối tình bách hợp Thuần-Hậu lan khắp hậu cung, tới cả tai Hoàng thượng, khiến Hoàng thượng hùng hổ đi… bắt ghen.
Văn nhân hạng ba là dạng tác giả nghiệp dư, không có thân phận, không có cốt khí đúng không? Lý công công, trùng hợp quá, người viết chính là loại cây bút hạng ba đó đây. Và người viết đẩy thuyền Thuần-Hậu nhé.
Thuần Phi đầy bí ẩn, nguy hiểm ngầm, không phải dạng vừa đâu?
Trong cuộc trò chuyện của Nhàn Phi và Thuần Phi, Nhàn Phi nói có thể nhìn ra mục đích của mọi phi tần trong cung, chỉ duy nhất Thuần Phi là Nhàn Phi không thể hiểu được mục đích thực sự của cô là gì.
Phi tần trong cung đấu nhau đến người sống ta chết không phải vì tình yêu của Hoàng đế thì cũng vì lợi ích và quyền lực phía sau sự sủng ái của đế vương. Họ cả đời tranh đấu, trước là vì mình, vì gia tộc, sau này là vì con. Phải chăng Thuần Phi không cần lợi ích, cũng không cầu quyền lực? Thuần Phi không vì mình, không vì gia tộc, cũng chưa có con, cho nên không tranh sủng? Thuần Phi có thật sự tâm tư đơn giản, lương thiện, hiền hòa như vẻ bề ngoài?
Vì sao Thuần Phi cự tuyệt Hoàng thượng nhiều lần như vậy, cũng không sinh được long tử nhưng vẫn được phong phi? Vì sao Hoàng thượng lại không hề tức giận khi bị Thuần Phi năm lần bảy lượt đuổi đi?
Thuần Phi thật sự rất bí ẩn. Trong khi các phi tần khác được miêu tả xuất thân, mục đích, lý do hành động rất rõ ràng, thì Thuần Phi lại hoàn toàn không được đề cập tới.
Trong lịch sử, Thuần Phi Tô Giai thị là một phi tần rất được sủng ái của Càn Long đế. Bà là người Hán, quê Giang Tô, xuất thân thường dân, là con gái của Tô Triệu Nam. Nếu không tính Lệnh Ý Hoàng quý phi, người được Gia Khánh đế truy phong Hoàng hậu, thì Thuần Phi Tô thị là vị Hoàng quý phi duy nhất của nhà Thanh từng được nhận lễ sắc phong khi còn sống.
Một phi tử xuất thân thường dân, không có gia tộc chống lưng, không cầu thánh sủng, lại có thể trở thành Thuần Huệ Hoàng quý phi rất được sủng ái của Càn Long, lại sinh hạ được hai a ca và một cách cách quả thật rất bất ngờ.
Quả thực, Thuần Phi không hề đơn giản. Ở tập 18, Thuần Phi lần đầu ra tay, thể hiện thủ đoạn và sự tàn nhẫn của mình. Đúng lúc Hoàng hậu rời cung, Du Quý nhân lâm bồn, sinh ra một tiểu a ca bị vàng da. Cao Quý phi cho đó là điềm xui, ra lệnh chôn sống đứa trẻ. Anh Lạc nhanh trí lấy kim ấn của Hoàng hậu ra ngăn cản.
Đến lúc Hoàng thượng đến để phân xử, Thuần Phi cho người khiêng đến thi thể đầu bếp Mông Cổ - người lo liệu đồ ăn cho Du Quý nhân vào đại điện. Thuần Phi nói do hắn ta làm nhiều đồ ngọt khiến Du Quý nhân sinh ra a ca mắc bệnh vàng da. Khi Thuần Phi hỏi đến, hắn đã sợ tội tự sát.
Thuần Phi còn lấy ra từ thi thể hắn một bức huyết thư cùng 20 lượng vàng, trong thư viết là Cao Quý phi ra lệnh cho hắn làm việc này. Hoàng thượng nổi giận, giam lỏng Cao Quý phi. Anh Lạc biết rõ chuyện là do Thuần Phi làm rồi vu tội cho Cao Quý phi nhưng không vạch trần. Thuần Phi cảnh cáo Anh Lạc “đừng đứng sai phe”. Sát phạt quyết đoán, thông minh hơn người, mưu thâm kế hiểm, ai dám nói Thuần phi không có tâm cơ??
Rất có thể Thuần Phi sẽ tiếp tục “ác hóa” vào các tập tiếp theo, đối đầu trực tiếp với Ngụy Anh Lạc sau khi Phú Sát Hoàng hậu qua đời. Mục đích thực sự của Thuần Phi là gì? Lý do Thuần phi lạnh nhạt với Càn Long nhưng lại hết mực quan tâm Hoàng hậu có phải là vì tình cảm “Liên Hương Bạn” với Hoàng hậu? Thuần Phi tranh sủng như thế nào, thay đổi như thế nào trên con đường trở thành Thuần Huệ Hoàng quý phi? Hãy đón xem các tập tiếp theo Diên Hi công lược để hiểu rõ hơn về Thuần Phi nhé.
Thông tin phim “Diên Hi công lược”
Tên tiếng Trung: “延禧攻略”
Thể loại: Cung đấu, cổ trang
Nhà sản xuất: Vu Chính
Đạo diễn: Huệ Giai Đống, Ôn Đức Quang
Biên kịch: Chu Mạt
Số tập - Thời lượng: 70 tập - 45 phút/tập
Diễn viên:
Tần Lam (Phú Sát Dung Âm/Phú Sát Hoàng hậu)
Nhiếp Viễn (Ái Tân Giác La Hoằng Lịch/Càn Long Hoàng đế)
Xa Thi Mạn (Huy Phát Na Lạp Thục Thận/Nhàn Phi)
Ngô Cẩn Ngôn (Ngụy Anh Lạc/Lệnh Phi)
Hứa Khải (Phú Sát Phó Hằng)
Đàm Trác (Cao Ninh Hinh/Cao Quý phi)
Phan Thời Thất (Gia Phi)
Vương Viện Khả (Tô Tịnh Hảo/Thuần Phi)
Luyện Luyện (Kha Lý Diệp Đặc A Nghiên/Du Phi)
Trương Gia Nghê (Thuận Tần)
Lý Nhược Ninh (Lục Vãn Vãn/Khánh Phi)
Vương Quang Dật (Hải Lan Sát)
Hồng Nghiêu (Hoằng Trú), Tống Xuân Lệ (Thái hậu), Lý Xuân Ái (Nạp Lan Thuần Tuyết/Thư Phi), Tô Thanh (Nhĩ Tình, cung nữ của Phú Sát Hoàng hậu) Khương Tử Tân (Minh Ngọc, cung nữ của Phú Sát Hoàng hậu), Vương Mậu Lôi (Viên Xuân Vọng), Phương An Na (Trân Nhi, cung nữ của Nhàn Phi), Trần Hựu Duy (Ngũ A ca Vĩnh Kỳ), Thi Dư Phỉ (Chi Lan, cung nữ của Cao Quý phi), Hà Giai Di (Trương ma ma), Vương Hạc Nhuận (Công chúa Chiêu Hoa), Vương Nhất Triết (Phúc Khang An), Hứa Hiểu Nặc (Tư Uyển Cách cách), Phương Dương Phi (Tứ A ca Vĩnh Thành), Từ Bách Hủy (Di Tần), Trình Mạt (Ngọc Hồ, cung nữ của Thuần Phi), Bạch San (Dụ Thái phi),Tôn Ngạo (Thập nhị A ca Vĩnh Cơ), Trịnh Long (Tiểu Toàn Tử), Trương Thiên Vận (Trân Châu, cung nữ của Lệnh Phi), Trương Tiệp (Di Châu, cung nữ của Thuận Tần), v.v.