Phim Ảnh

Điện ảnh Việt tiềm năng nhưng thiếu định hướng

Hoàng Lê
Chia sẻ

Với một thị trường 90 triệu dân, tiềm năng khai phá cho điện ảnh Việt là rất lớn. Song bên cạnh những dấu hiệu tích cực, thị trường phim ảnh Việt cũng cho thấy nhiều tồn đọng, thiếu sót ở nhiều mặt, trong đó, thiếu nhất là một chuẩn chất lượng để định hướng.

Bộ mặt tích cực của điện ảnh tư nhân

Điện ảnh thương mại Việt Nam được đánh dấu bởi cột mốc Gái nhảy của đạo diễn Lê Hoàng (2002). Phim do một hãng phim nhà nước nổi tiếng là Hãng phim Giải Phóng thực hiện với sự tham gia của Minh Thư, Mỹ Duyên… đã bất ngờ tạo nên cơn sốt phòng vé với doanh thu lên tới 12 tỷ, cực khủng ở thời điểm đó. Thắng lợi của phim, cùng với chủ trương xã hội hoá điện ảnh cùng năm đó (cuối năm 2002, Bộ Văn hoá - Thông tin cho phép thành lập hãng phim tư nhân) đã khơi mào ra một dòng phim giải trí với sự xuất hiện nối tiếp của Những cô gái chân dài (hãng phim Thiên Ngân Galaxy), Khi đàn ông có bầu (hãng phim Phước Sang)…

Phát pháo đầu tiên của nền điện ảnh xã hội hóa - “Gái Nhảy”.

Trong hơn 15 năm qua, trong khi điện ảnh nhà nước dần chững lại, thậm chí án binh bất động (2 năm qua không có phim nào được sản xuất) thì điện ảnh tư nhân ngày càng sôi động. Từ chỗ đứng bên lề, điện ảnh tư nhân trở thành chủ lực của thị trường điện ảnh.

Trái với định kiến, trên thực tế khu vực điện ảnh tư nhân không chỉ thực hiện các tác phẩm giải trí mà còn tham gia sản xuất những bộ phim nhiều tìm tòi nghệ thuật và có nội dung chất lượng như (theo thứ tự thời gian): Áo lụa Hà Đông (Phước Sang), Dòng máu anh hùng (Chánh Phương), Bi, đừng sợ (VBlock Media - BHD), Khát vọng Thăng Long (Kỷ nguyên sáng), Cánh đồng bất tận (BHD), Hotboy nổi loạn (BHD), Thiên mệnh anh hùng (Phương Nam Phim), Lấy chồng người ta (ViPhim), Mùa hè lạnh (Vimax Films), Đập cánh giữa không trung (VBlock Media), Thần tượng (WePro), Trúng số (Vùng trời mơ ước), Dịu dàng (Coco Paris Media), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (Thiên Ngân Galaxy), Em là bà nội của anh (CJ Entertainment), Sài Gòn, anh yêu em (LiveOn), Cha cõng con (Tứ Vân Media), Lô tô (Ngân Hà Media), Đảo của dân ngụ cư (Blue Productions), Có căn nhà nằm nghe nắng mưa (Fortune Projects), Xóm trọ 3D (Sóng Vàng), Cô Ba Sài Gòn (VAA), Khi con là nhà (Song Ngư Films), Tháng năm rực rỡ (HK Films).

Cơ hội được mở ra nhiều hơn với các diễn viên trẻ. Thanh Duy cùng Thùy Anh ở bối cảnh đậm chất Hà Nội và nữ tính của “Đập cánh giữa không trung”.

Đây là những tác phẩm góp phần làm nên diện mạo tích cực của nền điện ảnh trong gần hai thập niên qua, bên cạnh những bộ phim nhà nước chất lượng như Thung lũng hoang vắng, Trái tim bé bỏng, Rừng đen, Cầu ông Tượng, Những người viết huyền thoại… (Hãng phim Truyện Việt Nam), Mùa len trâu, Thời xa vắng, Trăng nơi đáy giếng, Long Thành cầm giả ca,… (Hãng phim Giải Phóng) hay Chuyện của Pao, Sống trong sợ hãi, Chơi vơi… (Hãng phim Truyện 1và những phim như Chạm (phim Việt kiều), Cha và con và… (hợp tác quốc tế).

Hàng loạt nàng thơ của điện ảnh Việt Nam được trao chuốt qua sự hóa thân của Hồng Ánh.

Song hành là thực trạng đáng buồn

Không thể phủ nhận vai trò đáng kể của khu vực điện ảnh thương mại. Chính họ là nhân tố quan trọng xây dựng thị trường điện ảnh, làm nên phần cơ thể khỏe mạnh, mà trên cơ sở đó “nàng điện ảnh” mới thi thoảng có dịp điểm trang nhan sắc bằng các tác phẩm nghệ thuật.

Thế nhưng, thực tế thị trường điện ảnh những năm qua cũng cho thấy rất nhiều bất cập. Sự lên ngôi của dòng phim giải trí khiến thị trường đôi khi bị lũng đoạn.

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh - tác giả bộ phim chất lượng đáng xem Lô tô cho hay, sau thành công của bộ phim, dù vừa được khen về chất lượng lẫn gặt doanh thu không tồi (hơn 30 tỷ đồng cho một tác phẩm thiên về nghệ thuật), anh vẫn rất khó khăn khi đi tìm nhà đầu tư cho các dự án tiếp theo. Bởi thị trường quá say sưa với những bộ phim giải trí hơn là dòng phim làm về văn hoá, thân phận như anh đang theo đuổi.

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh trong một set quay trên hiện trường của bộ phim “Lô tô”.

“Tôi vác kịch bản đến, ai cũng hỏi: Có cái gì tương tự Em chưa 18 không, phải như vậy mới đảm bảo” - nhà làm phim sinh năm 1982 ngậm ngùi dốc bầu tâm sự. Cuối cùng, với sự khéo léo nhưng không thỏa hiệp của mình (cộng thêm không nhỏ là sự đảm chứng từ Lô tô), anh mới may mắn có kinh phí cho dự án Gạo chợ nước sông về đề tài cải lương mà bản thân ấp ủ 4 năm.

“Hit maker” của các cụm rạp tại Việt Nam năm 2017 - “Em chưa 18”.

Công bằng mà nói, các bộ phim thị trường không hẳn có lỗi trong vấn đề này. Các nhà đầu tư - các nhà sản xuất khi làm phim cũng phải tính đến bài toán doanh thu. Trừ những phim thảm họa thì sự xuất hiện của những tác phẩm giải trí tốt cũng giúp thị trường sôi động hơn.

Đạo diễn Charlie Nguyễn nổi tiếng “mát tay” với các tác phẩm điện ảnh mang đậm tính giải trí.

Nhưng điện ảnh nước nhà đang rất yếu kém ở một điểm rất quan trọng là sự phân hạng chất lượng chính xác các tác phẩm. Các bộ phim giải trí đơn thuần không chỉ xưng vương phòng vé, mà còn càn quét các giải thưởng điện ảnh, chiếm chỗ vốn là của những tác phẩm nghệ thuật.

Tình hình vàng thau lẫn lộn, thiếu chuẩn xác định giá trị tác phẩm hiện nay hơn bao giờ hết, là yếu tố cản trở tiêu cực bước đi của nền điện ảnh.

Cần một nền phê bình tích cực, xác đáng

Điện ảnh là một ngành công nghiệp giải trí, có chức năng phục vụ nhu cầu giải trí của đại chúng. Đồng thời cũng là một ngành nghệ thuật, đem đến những trải nghiệm cảm xúc, thẩm mỹ và suy nghĩ sâu sắc hơn cho những người có nhu cầu.

Vấn đề là, chúng ta đang có một nền báo chí - phê bình điện ảnh chưa đủ mạnh, đủ tốt, để có thể đồng hành tích cực với bước đi của ngành điện ảnh. Báo chí hiện tại tập trung nhiều vào showbiz mà ít đi sâu vào văn hoá. Vì thế, những giá trị đích thực, cốt lõi của nghệ thuật nhiều khi không được đề cập nhiều bằng những chuyện tầm phào.

Đơn cử như lễ trao giải Cánh diều Vàng mới đây, Nhan Phúc Vinh được trao giải Nam phụ. Sau lễ trao giải, Vinh có trả lời phỏng vấn một tờ báo điện ảnh, chia sẻ để chuẩn bị cho vai diễn, anh phải “để tóc, nuôi râu, phơi nắng cho da đen, tập cho người cơ bắp lên, học cách nấu ăn, và 4h sáng phải đến lò mổ dê để quan sát kỹ năng, cách thức giết dê” - điều cho thấy sự khổ luyện xứng đáng cho một vai diễn xuất sắc. Thế nhưng, thông tin này chìm nghỉm giữa vô vàn thông tin tin đồn tình cảm của anh và Nhã Phương.

Ngoài giải thưởng, Miên của Nhan Phúc Vinh trong “Đảo của dân ngụ cư” cần được ghi nhận nhiều hơn.

Cách đây 20-25 năm, thị trường báo chí có đến 5-6 tờ báo, tạp chí chuyên về điện ảnh: Thế giới điện ảnh, Điện ảnh Kịch trường, Màn ảnh sân khấu, Điện ảnh ngày nay, Điện ảnh TP.HCM… với những chuyên mục thường kỳ chuyên sâu bình phim Việt, theo chân đoàn phim mô tả công việc trên trường quay, giới thiệu phim kinh điển thế giới, chân dung - cuộc đời và sự nghiệp các huyền thoại điện ảnh… giúp bạn đọc có những hiểu biết sâu hơn về điện ảnh.

Bây giờ dù báo chí phát triển hơn, nhưng lại ít những đề tài chuyên sâu hơn. Trong tình hình đó, việc xây dựng tổ chức được một giải thưởng chuyên môn đủ uy tín và sức hút sẽ là giải pháp tích cực. Nó sẽ tôn vinh đúng đắn và cổ vũ kịp thời cho các nhà làm phim tử tế.

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh tâm sự: “Sự thắng thế toàn cục ở khắp nơi của những bộ phim như 'Em chưa 18', ảnh hưởng đến thị trường không chỉ ở khu vực thương mại mà còn sang những người theo đuổi đề tài khó và kén khán giả. Những người như tôi đang cô đơn lắm trong thị trường này”.

“Rất cần một giải thưởng, quy mô nhỏ cũng được, nhưng phải chuẩn xác, để xác định đúng chất lượng, khích lệ người làm nghề” - đạo diễn Lô tô nói. Nếu có một giải thưởng xứng tầm, với cách thức chấm giải khoa học và chuẩn xác, sẽ là định hướng tốt cho toàn ngành. Đó chính là kim chỉ nam để phát triển cho điện ảnh Việt.

Chia sẻ

Bài viết

Hoàng Lê

Tin mới nhất