Niềm kiêu hãnh của “nhựa” đã mất dần
“Lên nhựa” là cụm từ mà diễn viên thường nói với nhau cách đây độ dăm, bảy đến chục năm trước. Đó là một niềm hạnh phúc, xen lẫu kiêu hãnh được đóng nhựa (nhựa - một khái niệm thường dùng để chỉ định dạng một tác phẩm điện ảnh được quay bằng phim của ngày trước và dù hiện nay phim được quay bằng định dạng số nhưng khái niệm “phim nhựa” vẫn được dùng để chỉ phim điện ảnh nói chung và chiếu rạp nói riêng) của những diễn viên đóng truyền hình.
Thường thì vai diễn điện ảnh sẽ đòi hỏi chiều sâu hơn, quá trình quay tập trung hơn (thường thì từ 30 - 40 ngày là phổ biến) và sự huy động lớn nhân sự đòi hỏi chuyên môn cao ở khắp các bộ phận. Chính bởi vậy “lên nhựa” là một cụm từ nói về sự nhìn nhận chuyên môn được “nâng bậc” khá bổ biến dùng một thời. Thế nhưng, bây giờ, không biết dùng “lên” hay “xuống nhựa” nữa!
Một năm trung bình điện ảnh Việt sản xuất từ 20-25 bộ phim khắp các thể loại chiếu rải rác quanh năm. Có những bộ phim quay trong im lặng, quay trong âm thầm rồi bỗng dưng một ngày ồn ào ra rạp để rồi lịm tắt như “đá ném ao bèo”. Thậm chí ngay cả những diễn viên đóng trong phim đó, đôi khi một cách thật lòng ngôi trà dư tửu hậu với nhau, họ còn không thiết tha nhắc đến bộ phim đó nữa. Một khái niệm nữa cần nhắc đến ở đây, đó là: bào tiền.
Còn nhớ, hơn 20 năm về trước, Điện ảnh Việt bước vào thời hoàng kim với tên gọi “dòng phim mỳ ăn liền” thường được sản xuất dưới định dạng video (mà dân tình hay gọi vi-déo). Một loạt các tên tuổi nổi lên thời đó mà nhắc lại thành…thừa. Chỉ nhớ, người trong cuộc kể rằng, hồi đó những tên tuổi như Lý Hùng mỗi đoàn chỉ ghé qua tầm 2-3 tiếng nên các phân đoạn quay cứ thế cấp tập. Đến đúng giờ, ngôi sao cắp táp đi để đến…một đoàn khác. Chả bởi thế mà Lý Hùng hồi đó giàu, cát-sê tính bằng cây Vàng như chính anh tâm sự.
Diễn viên đang phơi mình như…mực khô
Chạy show nhiều, đóng nhiều phim, xuất hiện ngập tràn khắp nơi thể hiện người diễn viên, nghệ sĩ đó đang gặp thời và khi đã gặp thời thì không cần ai nhắc, tự thân người nghệ sĩ đó cũng hiểu rằng họ cần phải hoạt động hết công sức để “bào tiền”. Chữ “bào tiền” là chữ dùng phổ biến trong giới làm phim.
Mở tivi thấy mặt. Ra rạp thấy mặt. Đi sự kiện thấy mặt. Khắp mọi nơi đều thấy thì thử hỏi thời gian đâu họ dành công sức, tâm huyết cho một vai diễn. Một câu hỏi khó cho giới diễn viên đắt show là “kỉ niệm, câu chuyện nào đáng nhớ trong quá trình quay?”. Đây thực sự là một câu hỏi rất dễ, nói kiểu gì cũng thành chuyện nhưng khổ nỗi, thời gian trên hiện trường còn chưa đủ mặt để nhớ hết thành viên (không ngoại trừ cả make-up và phục trang - hai bộ phận sát sườn với diễn viên) trong đoàn thì lấy đâu kỉ niệm mà kể. Kể không khéo lại thành…nhớ nhầm phim khác thì hỏng.
Muốn biết độ “đắt show” của ngôi sao, đừng hỏi ai hết, hãy hỏi người xếp lịch đoàn phim (có đoàn là một bộ phận riêng, có đoàn là thư kí và cũng có đoàn là Phó đạo diễn xếp). Dính phải sao nào mà cùng 1 lúc chạy 1 nhựa, 1 truyền hình và 1 gameshow cùng với sự kiện bất chợt thì thật là quá khó cho nhân viên xếp lịch. 1 tháng có khi xếp được 2 ngày quay, phải ngày ngoại cảnh mà mưa (thường thì thời gian này đến hết tháng 10 trời Sài Gòn hay mưa) thì vẫn nhân viên xếp lịch đó phải “móc” lịch của những ngày quay khác, cảnh nội ra để quay. Thế mới có chuyện có diễn viên phụ vừa quay xong, về đến nhà thay quần áo, chuẩn bị đi chơi với người yêu thì điện thoại Phó đạo diễn gọi lên quay vì…móc lịch cho ngôi sao.
Điện ảnh Việt giờ không khó để điểm danh những “ngôi sao” lịch kín mít dạng vậy. Hoài Linh, Trấn Thành, Việt Hương, Trường Giang, Thu Trang, La Thành, Bình Minh, v.v… Nhựa thì vài trăm triệu một phim, truyền hình thì cỡ 10 triệu/1 tập, làm giám khảo thì cỡ 20 triệu/1 số, làm MC truyền hình có tài trợ thì cỡ 7-10 triệu/1 show, event thì tính tiền nghìn đô. Đừng nói diễn viên sống không khoẻ bằng ca sĩ. Chuyện đó sai rồi. Tất nhiên, ai cũng có một thời và khi “cờ đến tay” mà ai không “phất” thì người đó thiệt thôi. Bởi vậy mới thấy, Việt Nam hiếm hoi những đạo diễn mà một lời mời của họ đủ sức nặng để các diễn viên gạt hết câu chuyện “bào tiền” qua một bên để dốc tâm sức. Có lẽ cũng vì thế mà thế hệ Bùi Thạc Chuyên, Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp thích tìm kiếm những gương mặt mới. Victor Vũ thì ưa sử dụng những gương mặt không quá mới nhưng đừng quá cũ và đắt show. Charlie thì đi theo một ê-kip dạng như ở đâu có Charlie ở đó có Thái Hoà, Jonhny Trí Nguyễn.
Cũng bởi vậy mà Hồng Ánh ở dự án Đảo của dân ngụ cư đã chọn toàn những gương mặt không quá hot như Nhan Phúc Vinh, Phạm Hồng Phước, Ngọc Thanh Tâm để tới Hội An cả tháng “ăn dầm nằm dề” ở đó cho quá trình quay. Giờ cũng hiếm những dự án như vậy.
Nếu có nói rằng câu chuyện “truyền hình hoá điện ảnh” không đủ nhức nhối với giới làm phim để họ đủ dũng cảm thì nhìn lại thành phẩm của mình và cảm thấy hổ thẹn với kiến thức được học. Cũng có thể lắm! Thôi thì hãy cứ nghĩ “Cái khó nó bó cái khôn” cho mọi chuyện nó nhẹ nhàng và…hoà cả làng!