Aquaman vừa ra rạp được một thời gian ngắn và ngay lập tức nhận được những phản hồi tích cực từ khán giả nói chung và người hâm mộ DC nói riêng. Cũng như rất nhiều bộ phim siêu anh hùng trước đó, Aquaman tiếp tục sử dụng công thức “giấu” trứng phục sinh xuyên suốt bộ phim, trong đó bao gồm những hình tượng liên quan đến DC và văn hóa đại chúng mà rất có thể bạn không để ý.
Sau đây sẽ là danh sách 21 trứng phục sinh trong Aquaman
21. Hai nhà văn Jules Verne và H.P. Lovecraft
Vừa vào đoạn mở đầu, Aquaman đã ngay lập tức nhắc đến một trong những biểu tượng dưới nước của văn hóa đại chúng. Cụ thể là Arthur Curry (Jason Momoa) đã trích dẫn lại lời văn của Jules Verne- tác giả của tiểu thuyết kinh điển Hai Vạn Dặm Dưới Đáy Biển.
Những khán giả có đôi mắt tinh tường hơn nữa sẽ để ý thấy trong căn nhà ở ngọn hải đăng của cha Arthur còn có quyển The Dunwich Horror của H.P. Lovecraft- nhà văn nổi tiếng với mô típ quái vật nhiều xúc tu sinh sống ở thành phố dưới biển.
20. Vịnh Amnesty
Bộ phim lấy bối cảnh ở vịnh Amnesty thuộc bang Maine của Hoa Kỳ, nơi mà công chúa Atlanna (Nicole Kidman) dạt vào bờ và gặp Thomas Curry- một người gác hải đăng. Cả hai nảy sinh tình cảm và có chung một đứa con, đó chính là Arthur Curry/Aquaman.
Chi tiết trên được chuyển thể dựa trên nguyên tác, ngoại trừ việc vịnh Amnesty thực chất thuộc bang Massachusetts chứ không phải bang Maine như trong phim.
19. Series truyền hình Stingray
Một trong những phân cảnh thú vị của bộ phim là khi Atlanna ngủ lại ở nhà Thomas Curry và giật mình vì âm thanh của chiếc ti vi- lúc đó đang chiếu series truyền hình Stingray từng rất phổ biến hồi thập niên 60.
Có thể nói, Stingray và Aquaman có khá nhiều điểm tương đồng. Không chỉ xoay quanh đại dương, cả hai bộ phim đều kể đến một chủng tộc sống dưới nước và một vương quốc trị vì bởi một ông vua chuyên chế.
18. “Tôi nghe nói cậu hay trò chuyện với cá”
Khi còn nhỏ, Arthur từng tham gia chuyến tham quan thủy cung do trường tổ chức và bị bạn bè trêu ghẹo là “hay nói chuyện với cá”. Sau đó, Arthur đã điều khiển toàn bộ các sinh vật thủy cung, khiến bạn học của cậu được một phen hoảng hồn.
Tình tiết này làm khán giả nhớ đến trong Justice League, Bruce Wayne đã từng nói với Arthur câu nói tương tự “Tôi nghe nói cậu hay trò chuyện với cá”. Cuối Aquaman, khả năng đặc biệt hay bị chế giễu của Arthur lại trở thành yếu tố quyết định thắng lợi của anh.
17. Arthur gián tiếp gây ra cái chết của cha Black Manta
Lần đầu tiên khán giả nhìn thấy tướng mạo khi trưởng thành của Arthur cũng là khi anh đang phải đối đầu với Black Manta (Yahya Abdul-Mateen II), cha hắn và băng nhóm hải tặc. Sau đòn đánh chí mạng của Arthur, cha Black Manta đã quyết định tự kết liễu đời mình để khỏi chịu sự đau đớn kéo dài, đồng thời đảm bảo sự an toàn cho con mình. Điều này khiến Black Manta ôm hận và quyết tâm tìm lại Aquaman để báo thù.
Phần nội dung trên được chuyển thể khá sát so với ấn phẩm The New 52 của Marvel. Cũng không có gì ngạc nhiên vì tác giả Geoff Johns của The New 52 cũng chính là một trong những biên kịch cho Aquaman.
16. Thống nhất bảy biển
Hồi tháng 2 năm 2015, Zack Snyder từng đăng tải bức hình trên đi kèm dòng chữ “thống nhất bảy biển” trên twitter. Dân tình ngay lập tức đồn đoán rằng Zack Snyder đang có ý ám chỉ Aquaman sẽ là người mang bảy thành viên của Justice League lại với nhau (giả sử Green Lantern có tham gia). Tuy vậy, có vẻ như Zack đang nói đến nội dung của Aquaman, trong đó Arthur Curry chính là người hợp nhất bảy vương quốc đại dương.
15. Cách thức giao tiếp dưới nước
Trong Justice League, có một cảnh mà Mera phải tạo một bong bóng nước lớn mới có thể nói chuyện với Arthur dưới nước. Đây quả thật không phải một phương án tiện lợi vì các đoạn hội thoại trong Aquaman phần lớn đều xảy ra dưới nước. Thế là James Wan quyết định các nhân vật trong Aquaman sẽ vẫn nói chuyện bình thường dưới nước mà không cần bong bóng gì cả. Thậm chí, James Wan từng công khai thể hiện sự bất mãn trước phần kịch bản đầy lỗ hổng của các bộ phim DCEU trên twitter.
14. Quán bar mang tên “Terry's Sunken Galleon” (“con tàu đắm của Terry”)
Trong phim, hai cha con Arthur có rủ nhau đến một quán bar mang tên “Terry's Sunken Galleon”. Có vẻ như các nhà làm phim muốn tạo nên một bầu không khí thống nhất nên xuyên suốt bộ phim, những biển hiệu chỉ dẫn đường đi hay cửa hàng ở vịnh Amnesty đều mang chút dấu ấn của đại đương. Trong phim, Mera và Arthur cũng có sử dụng một chiếc tàu đắm làm nơi trú ẩn an toàn.
13. Steppenwolf
Mặc dù là một phim độc lập, chẳng dính dáng gì nhiều đến những bộ phim còn lại của vũ trụ DC, nhưng Aquaman vẫn có đề cập chút đỉnh đến Steppenwolf- nhân vật phản diện bị fan chê ỏng che eo đủ đường trong Justice League. Trong Aquaman, khi Mera lần đầu gặp Arthur trên đất liền, cô có nhắc nhẹ về việc Arthur từng đánh bại Steppenwolf và giải cứu Atlantis.
12. Cây đinh ba huyền thoại của Atlan
Tình tiết khiến người xem tò mò nhất trong phim chính là việc Arthur tìm lại cây đinh ba của đế vương Atlan- người trị vị đầu tiên của bảy biển trong truyền thuyết.
Trong nguyên tác, cây đinh ba của Atlan chính là cây quyền trượng mang tên “Dead King’s Scepter”. Đây là một thứ vũ khí quyền năng đến mức có thể hủy diệt cả một lục địa và kiểm soát được bè lũ The Trench. Rất có thể trong phần hai của Aquaman, các nhà làm phim sẽ khai thác sâu hơn về nguồn gốc cây đinh ba này.
11. Tiến sĩ Stephen Shin
Ở giữa phim, tiến sĩ Stephen Shin được giới thiệu thoáng qua với tư cách thành viên của buổi thảo luận về sự tồn tại của Atlantis, làm nhiều khán giả cho rằng đây chỉ là một nhân vật phụ của phụ. Thực chất, tiến sĩ Shin từng là bạn của cha con Arthur. Khi bị Arthur từ chối tiết lộ địa điểm của Atlantis, Shin đã nổi giận và trở mặt thành thù từ đấy.
Tiến sĩ Shin xuất hiện lần nữa ở phần post-credit của bộ phim. Trong đó, Shin chạy chữa và nhận lời nâng cấp bộ giáp cho Black Manta, đổi lại, Black Manta sẽ đền đáp cho Shin bằng một tour du lịch xuống Atlantis.
(còn tiếp)