Chuyện phim John Wick: Chapter 3 - Parabellum tiếp tục theo chân gã sát thủ huyền thoại có biệt danh Ông kẹ John Wick (Keanu Reeves) sau khi phạm luật cấm giết người trong khách sạn Continental. Gã trở thành mục tiêu của sát thủ toàn thế giới với món tiền thưởng kỷ lục 14 triệu USD và buộc phải tìm đến những người quen cũ có khả năng giúp mình vượt qua cơn hoạn nạn.
Vẫn là bữa tiệc hành động mãn nhãn đã trở thành đặc sản của thương hiệu John Wick, John Wick: Chapter 3 - Parabellum gây ấn tượng với những màn đấm đá sáng tạo, điên rồ và hoành tráng hơn nhờ kinh phí khổng lồ. Bên cạnh ý đồ mở rộng quá khứ, tương lai của Ông kẹ cùng các tuyến nhân vật mới, John Wick còn khiến khán giả Việt Nam thích thú vì có chi tiết gợi liên tưởng đến phim truyền hình ăn khách Người phán xử.
Nhân vật Người phán xử
Vì John Wick giết người trong khách sạn Continental, Hội đồng Tối cao của giới sát thủ khiến gã sát thủ mang biệt danh Ông kẹ không còn đường lui với hợp đồng mở ngày càng được nâng giá. Thậm chí, gã không được cung cấp dịch vụ từ súng đến y tế. Những trận đánh đấm, chống trả quyết liệt của Ông kẹ xảy ra đa phần khi anh đang bị thương hoặc kiệt sức.
Không dừng lại ở đó, Hội đồng Tối cao cũng quyết liệt trừng trị cả những ai từng ra tay giúp đỡ John Wick trong việc gây ra án mạng tại khách sạn Continental. Đó là cái giá của việc phản bội lòng tin, dung túng cho hành vi trái với luật lệ từng giúp giới sát thủ yên ổn, công bằng, rành mạch bao năm qua.
Người phát ngôn cũng như thực thi phán quyết của Hội đồng Tối cao là đả nữ tự xưng Người phán xử (Asia Kate Dillon đảm nhận). Nhân vật xuất hiện trước Vua hội Cái bang (Laurence Fishburne) và Winston (Ian McShane) để đưa ra những phán quyết quyết định số phận cả hai. Từ đầu đến cuối, Người phán xử gây ấn tượng mạnh mẽ với thái độ điềm tĩnh, lạnh lùng đến rợn người, khiến người hâm mộ liên tưởng đến ông trùm Phan Quân - Người phán xử trong bộ phim cùng tên.
Trong Người phán xử của màn ảnh nhỏ Việt Nam, ông trùm Phan Quốc cũng là người sở hữu quyền lực bậc nhất thế giới ngầm, đứng ra phán quyết những tranh chấp, mâu thuẫn một cách công bằng và nghiêm khắc, thậm chí sẵn sàng ra tay nếu có người vi phạm luật lệ.
Cảnh chặt ngón tay gây ám ảnh
Trong Người phán xử, cảnh chặt ngón tay từng là trường đoạn gây ấn tượng bậc nhất, khiến khán giả tin vào thế giới trong phim và từ đó dành nhiều quan tâm cho bộ phim. Cụ thể, trong màn phán xử của mình, Người phán xử đã ra lệnh chặt lìa ngón tay đàn em Tuấn để cảnh cáo. Phân cảnh cũng cho thấy nỗ lực đưa hình ảnh một thế giới ngầm đen tối và chân thực lên màn ảnh nhỏ của bộ phim đến từ Việt Nam.
Còn ở John Wick: Chapter 3, khán giả yêu điện ảnh cũng không khỏi “lạnh gáy” với phân cảnh chặt lìa ngón tay của sát thủ có biệt danh Ông kẹ. Tuy nhiên, thay vì bị trừng phạt, John Wick chủ động chặt đứt ngón tay chính mình để chứng minh lòng trung thành, từ đó nhận lấy cơ hội được tiếp tục sống.
Mỗi nút thắt của John Wick 3 một khi được gỡ giải lại tiếp tục mở ra một hướng đi khác. Bởi lẽ, luật nhân - quả được áp dụng trong mọi mối quan hệ xung quanh Ông kẹ: từ thủ địch đến bạn bè, người quen cũ. Cái chết của một người có thể thay đổi hoàn toàn thế cục cuộc chiến, biến bạn thành thù hoặc biến kẻ đối lập thành đồng minh. Số lượng lớn các nhân vật có xuất thân khác nhau hứa hẹn một thế giới đồ sộ và hoành tráng hơn của giới sát thủ sẽ được hé lộ trong những dự án tiếp theo của thương hiệu John Wick.
Giống như Người phán xử, thương hiệu John Wick sẽ còn có series truyền hình về thế giới sát thủ ngầm, trong đó John Wick trở thành thành viên nhỏ của tổ chức khét tiếng. Thương hiệu hứa hẹn mang đến cái nhìn bao quát và mới mẻ hơn đối với anh chàng sát thủ báo thù cả thế giới chỉ vì một chú chó.