Phim Ảnh

Dấu ấn điện ảnh thế giới 2020: Một năm đầy biến động đáng nhớ, chưa từng có tiền lệ

Châu Hải Bình
Chia sẻ

Dù là tích cực hay tiêu cực thì những sự kiện trong năm 2020 chắc chắn sẽ làm thay đổi đáng kể cục diện của ngành công nghiệp điện ảnh trong tương lai.

Ký sinh trùng thắng giải Phim hay nhất tại Oscars

Theo lẽ rất tự nhiên, năm 2020 mở đầu đầy hứng khởi và ngập tràn niềm vui sướng của những tín đồ mê điện ảnh khi Ký sinh trùng (tựa quốc tế: Parasite) của đạo diễn Bong Joon Ho nhận tới 4 tượng vàng tại Oscars lần thứ 92, bao gồm cả hạng mục quan trọng nhất là Phim hay nhất.

Đây quả là một cuộc cách mạng đối với nền điện ảnh thế giới bởi Ký sinh trùng là tác phẩm nói tiếng nước ngoài đầu tiên giành chiến thắng ở hạng mục này. Điều đó chứng tỏ Oscars đang từng bước mở cửa cho những cái tên đến từ khắp nơi trên thế giới tham dự và tranh tài.

COVID-19 tàn phá nền điện ảnh

Nhưng niềm hạnh phúc ngắn chẳng đầy gang. Trong lúc thế giới đang trông ngóng một năm bội thu của ngành điện ảnh với hàng loạt bom tấn sừng sỏ đang xếp hàng dài chờ ra trận, thì đại dịch COVID-19 đã ập đến như một cơn bão quét sạch mọi niềm hy vọng ấy.

Dịch bệnh buộc các quốc gia phải đóng cửa mọi hoạt động vui chơi giải trí, thậm chí là phong tỏa thành phố, giãn cách xã hội. Các rạp chiếu phim cũng không phải ngoại lệ. Không có đầu ra đồng nghĩa với việc nhà phát hành phải lùi lịch chiếu để đảm bảo không thất thu.

Theo thống kê, doanh thu phòng vé toàn cầu trong năm 2020 đã giảm tới 80%, tương đương với 32 tỷ USD so với năm ngoái do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngay cả khi tình thế có dịu đi một chút thì khán giả vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại rạp. 

Dễ thấy nhất là trường hợp của Tenet, bom tấn được kỳ vọng sẽ vực dậy nền điện ảnh nhờ bảo chứng phòng vé cực lớn là đạo diễn Christopher Nolan - bộ phim cũng không thoát khỏi cục diện xui rủi khi chỉ thu về 58 triệu USD ở thị trường Bắc Mỹ và 362 triệu USD trên toàn cầu.

Dịch vụ streaming bùng nổ

Trước tình thế đó, người dân đã tìm ra phương thức mới để vừa có thể giải trí, vừa có thể ở yên trong nhà nhằm đảm bảo an toàn, đó chính là xem phim qua các nền tảng trực tuyến.

Còn nhớ chỉ khoảng một năm trước thôi, các nhà làm phim Hollywood còn tranh cãi nhau về việc Netflix thiếu tính nghệ thuật ra sao và nó sẽ phá hỏng trải nghiệm điện ảnh của khán giả như thế nào. Nhưng giờ đây xem phim trực tuyến đã trở thành giải pháp cứu cánh lớn nhất của điện ảnh, nếu không muốn nói là tương lai tất yếu của ngành công nghiệp này.

Tính đến hết năm 2020, số người dùng của Netflix đã lên tới con số hơn 195 triệu và số lượng người dùng tăng mạnh mẽ nhất là vào thời điểm các nước bắt đầu áp dụng giãn cách xã hội. Còn về phía đối thủ Disney+, tốc độ tăng trưởng của dịch vụ streaming (chiếu phim trực tuyến) này cũng đáng ngưỡng mộ. Tuy mới chỉ tròn một tuổi nhưng Disney+ đã thu hút hơn 74 triệu người đăng ký, vượt xa kế hoạch ban đầu của Nhà Chuột.

Kế hoạch phát hành phim kiểu mới

Thời kỳ dịch bệnh cũng đem tới những điều chưa từng có trong ngành công nghiệp điện ảnh. Với việc không thể đưa phim ra rạp chiếu, các nhà phát hành đã lựa chọn đưa phim của mình lên các nền tảng trực tuyến nhằm thu hút thêm người đăng ký và cố gắng thu hồi vốn một cách tối đa mà không phải chia lợi nhuận cho các cụm rạp.

Trong năm vừa qua, Disney đã hủy bỏ kế hoạch ra rạp của một số phim bom tấn và đưa thẳng chúng lên Disney+. Trong đó kỳ lạ nhất có lẽ là trường hợp của Mulan khi yêu cầu người dùng phải chi thêm 30 USD nữa để thưởng thức bộ phim, số tiền bị cho là quá đắt đỏ nếu so với mua vé tại rạp.

Những tháng cuối năm, khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tại một số nước thì các xưởng phim lại vạch ra kế hoạch phát hành phim mới, đó là chiếu đồng thời cả ở ngoài rạp lẫn trên dịch vụ streaming, đơn cử như Wonder Woman 1984 hay Soul.

Trung Quốc trở thành thị trường điện ảnh số 1 thế giới

Năm 2020 cũng đánh dấu sự đổi ngôi giữa hai thị trường điện ảnh lớn nhất nhì thế giới. Trong khi Bắc Mỹ vẫn đang oằn mình vì dịch bệnh thì tại Trung Quốc, nhờ kiểm soát tốt COVID-19 mà cuộc sống ở đây đã trở lại trạng thái bình thường, giúp ngành công nghiệp điện ảnh ở quốc gia tỷ dân có cơ hội phục hồi.

Kể từ tháng Bảy, các rạp chiếu đã bắt đầu mở cửa trở lại, công suất ở mức 30%. Và cho đến cuối năm thì con số này đã tăng lên 75%. Nhờ vậy mà doanh thu phòng vé Trung Quốc trong năm qua đã chạm ngưỡng 2,7 tỷ USD, vượt qua thị trường Bắc Mỹ với 2,3 tỷ USD.

Top 10 phim ăn khách nhất năm nay vì thế cũng có nhiều đại diện đến từ Trung Quốc. Trong đó tác phẩm Bát Bách (tựa quốc tế: The Eight Hundred) của đạo diễn Quản Hổ (Guan Hu) đứng ở vị trí đầu tiên với 469 triệu USD.

Chia sẻ

Bài viết

Châu Hải Bình

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất