Tối ngày 15/04, Lễ trao giải thưởng điện ảnh Cánh Diều Vàng 2017 chính thức diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong sự trông đợi của người hâm mộ. Với tiêu chí: “đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực”, Cánh Diều Vàng 2017, hạng mục điện ảnh đã gọi tên phim xuất sắc nhất là Cô Ba Sài Gòn do đạo diễn Trần Bửu Lộc và Kay Nguyễn cầm trịch.
Cùng tham gia tranh giải với Cô Ba Sài Gòn và nhận về Cánh Diều Bạc là Em chưa 18 - bộ phim của đạo diễn Lê Thanh Sơn từng thắng giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX. Khi Bông Sen Vàng và Cánh Diều Vàng là hai giải thưởng điện ảnh lớn, nhận nhiều quan tâm nhất hiện nay thì hai tác phẩm được vinh dự xướng tên cũng được khán giả đặt lên bàn cân so sánh.
“Cô Ba Sài Gòn” và “Em chưa 18”: Bộ phim nào có sức nặng doanh thu hơn?
Em chưa 18 là bộ phim điện ảnh tình cảm - hài do đạo diễn Lê Thanh Sơn hợp tác cùng Charlie Nguyễn và hãng phim Chánh Phương thực hiện. Phim xoay quanh chuyện tình dở khóc dở cười giữa Hoàng (Kiều Minh Tuấn) và cô gái chưa đủ 18 tuổi Linh Đan (Kaity Nguyễn). Tác phẩm xuất sắc thắng giải thưởng danh giá Bông Sen Vàng, đem về giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho Kaity Nguyễn tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX và giành giải Cánh Diều Bạc.
Tại “cuộc chiến phòng vé”, Em chưa 18 thành công ngoài mong đợi, trở thành phim Việt có doanh thu chiếu sớm cao nhất lịch sử: 13,2 tỷ đồng sau ba ngày ra rạp. Tự tin đối đầu với hai tác phẩm Hollywood ra mắt cùng thời điểm là Vệ binh dải Ngân Hà 2 và Xì Trum: Ngôi làng kỳ bí, đồng thời phim còn đánh đổ những kỉ lục trước đó, đạt nhiều thành tích như: Phim Việt có doanh thu một ngày cao nhất lịch sử điện ảnh Việt (15,6 tỷ đồng/ngày); Phim Việt đạt doanh thu 100 tỷ đồng nhanh nhất (sau 7 ngày công chiếu chính thức); Phim Việt có doanh thu cao nhất lịch sử (đạt 107 tỷ đồng sau 8 ngày công chiếu chính thức); Phim có doanh thu cao nhất Việt Nam (đạt 169 tỷ đồng sau 1 tháng công chiếu chính thức).
Trong khi đó, dù là dự án phim nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ khán giả, Cô Ba Sài Gòn không gây ấn tượng về doanh thu như Em chưa 18 đã từng làm. Đặc biệt, số lượng vé bán ra khá cao, gấp đôi bộ phim của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân trước đó là Tấm Cám: Chuyện chưa kể, thì con số doanh thu vẫn không như nhà sản xuất mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu do một số yếu tố khách quan như các chương trình giảm giá vé cho học sinh, sinh viên - đối tượng chủ yếu ra rạp, cũng như sự cố bị livestream làm giảm lượng khách mua vé xem phim.
Trailer “Cô Ba Sài Gòn”.
Không thể phủ nhận, khi đời sống tinh thần của khán giả ngày càng được nâng cao, thì doanh thu phim điện ảnh trong lâu dài góp phần nhiều thể hiện chất lượng tác phẩm đó. Sức nặng doanh thu từng được minh chứng bằng giải thưởng Bông Sen Vàng, Cánh Diều Bạc mà bộ phim “ăn khách” Em chưa 18 giành được. Đồng thời một lần nữa được khẳng định đối với Cô Ba Sài Gòn và giải Cánh Diều Vàng. Tuy nhiên, nếu đem ra cân đo đong đếm, dự án phim của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân vẫn khó vượt qua kỷ lục của hiện tượng Em chưa 18.
“Em chưa 18” có truyền tải nhiều thông điệp như “Cô Ba Sài Gòn”?
Có thể nói, Em chưa 18 trở thành một hiện tượng năm 2017, phù hợp với thị hiếu người xem, dễ dàng đáp ứng nhu cầu ra rạp để giải trí của khán giả. Đồng thời, tác phẩm khẳng định sức nặng của doanh thu khi giành về giải thưởng Bông Sen Vàng. Tuy nhiên, phim chưa thực sự là một dấu ấn sáng tạo nổi bật, chỉ khai thác đề tài thường gặp, dễ làm, dễ xem.
Trailer “Em chưa 18”.
Bên cạnh đó, Em chưa 18 là một bộ phim giải trí đơn thuần, không mang quá nhiều ý nghĩa nhân văn, khiến khán giả dễ xem, dễ cười và cũng… dễ quên. Thậm chí, một số ý kiến tiêu cực cho rằng tác phẩm không chân thực, làm xấu đi hình ảnh học sinh Việt Nam: đi bar, tình một đêm…
Trong khi đó, cũng mang nhiều yếu tố giải trí, gây cười, nhưng Cô Ba Sài Gòn để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả. Được thực hiện bởi nhà sản xuất Ngô Thanh Vân - người mang hoài bão lớn lao xây dựng nền điện ảnh nước nhà, luôn mong muốn khai thác triệt để chất liệu dân tộc, phim Cô Ba Sài Gòn mang đậm bản sắc Việt Nam, tôn vinh tà áo dài dân tộc và những thứ thuộc về gốc rễ, nguồn cội qua câu chuyện về Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc) và mẹ Thanh Mai (Ngô Thanh Vân) - chủ tiệm may Thanh Nữ.
Chính vì thế, so với Em chưa 18, Cô Ba Sài Gòn có chủ đề độc đáo, sáng tạo hơn, với ý nghĩa nhân văn, giá trị dân tộc được lồng ghép tài tình trong từng chi tiết, nhân vật, cảnh quay, đặc biệt là những hình ảnh “rất Việt Nam” như tà áo dài, đường phố Sài Gòn xưa… Đây cũng là điều giúp phim đọng lại nhiều dấu ấn trong lòng người xem.
Nhận Bông Sen Vàng và Cánh Diều Vàng, tác phẩm nào tầm cỡ hơn?
Bên cạnh yếu tố doanh thu và sự đón nhận từ phía truyền thông, dư luận, những giải thưởng điện ảnh cũng trở thành động lực và mục tiêu của các dự án phim Việt Nam. Nhờ Bông Sen Vàng hay Cánh Diều Vàng, những tác phẩm thắng giải như Em chưa 18 (Bông Sen Vàng) và Cô Ba Sài Gòn (Cánh Diều Vàng) được nâng tầm, có cái mác đảm bảo danh giá.
Tuy nhiên, dù có không ít tương đồng, Bông Sen Vàng và Cánh Diều Vàng vẫn có những khác biệt và tính chất riêng, tạo nên các giá trị khác nhau đối với mỗi bộ phim và cá nhân thắng giải. Trong khi Liên hoan phim Việt Nam là liên hoan do Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Cục Điện ảnh tổ chức, thì Cánh Diều Vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam trao tặng.
Đặc biệt, theo bản dự thảo phương án quy đổi giải thưởng khi xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cung cấp, Cánh Diều Vàng có giá trị bằng một phần hai Bông Sen Vàng. Điều này cũng tạo ra sự khác biệt mà hai giải thưởng mang lại cho Em chưa 18 và Cô Ba Sài Gòn. Ngoài ra, từ trước đến nay, Cánh Diều Vàng luôn được xem là giải thưởng điện ảnh nhiều thị phi, khi không ít lần gây ra tranh cãi về kết quả, cũng như khâu tổ chức thiếu chuyên nghiệp, không hợp lý.
Dù vậy, tạm bỏ qua những cân đo đong đếm, bộ phim nào nhỉnh hơn về doanh thu, hay giá trị giải thưởng điện ảnh nhận được, thì sự ủng hộ từ khán giả vẫn sẽ là phần thưởng xứng đáng nhất cho mỗi tác phẩm.