Mặc dù đã được công chiếu tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia (NCC) từ mồng 1 Tết Nguyên đán Giáp Thìn, sức nóng của Đào, Phở và Piano vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thời gian đầu, bộ phim này chỉ được công chiếu thí điểm ở NCC với số suất giới hạn. Với sức ảnh hưởng của mạng xã hội, bộ phim bất ngờ trở nên viral, thu hút số lượng lớn khán giả.
Có ngày NCC đã phải tăng gần 30 suất chiếu Đào, Phở và Piano mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của khán giả. Nhanh chóng sau đó, các hệ thống rạp tư nhân trên cả nước đã xin phép Cục Điện ảnh chiếu bộ phim này dưới hình thức phi lợi nhuận, toàn bộ doanh thu sẽ được nộp lại ngân sách nhà nước, từ đó giúp người dân 3 miền có cơ hội tiếp cận.
Tuy nhiên, đối diện với lưu lượng truy cập lớn trong khi cơ sở vật chất chưa đủ đáp ứng, website của NCC lẫn nhiều rạp tư nhân rơi vào tình trạng quá tải, khiến người xem không thể mua vé online. Hiện nay, nhiều rạp đã mở lại hệ thống bán vé trực tuyến, trong khi NCC thì không.
Box Office Vietnam, đơn vị tư nhân chuyên phân tích dữ liệu phòng chiếu cũng cho biết vì lý do trên, đơn vị không thể nào đưa ra được doanh thu của bộ phim trong khoảng thời gian dài. Đến 1/3, theo số liệu trên website của đơn vị, Đào, Phở và Piano đã đạt 8 tỷ đồng doanh thu, tuy nhiên đây chưa phải là con số chính xác.
Chỉ có duy nhất Cục Điện ảnh nắm được thông tin doanh thu chính xác của Đào, Phở và Piano. Chia sẻ với báo chí, tính đến cuối ngày 29/2, doanh thu của bộ phim đã đạt 10 tỷ đồng sau 20 ngày ra rạp. Đây thực sự là con số ấn tượng với bộ phim chỉ có giá vé 50.000 đồng cho tất cả các ghế và suất chiếu.
Đào, Phở và Piano cũng là bộ phim đề tài lịch sử đầu tiên được làm từ ngân sách Nhà nước đạt mức doanh thu này. Theo kế hoạch ban đầu, Đào, Phở và Piano vẫn sẽ chiếu đến hết ngày 10/3 ở NCC. Về phần các rạp phim tư nhân, bộ phim sẽ được chiếu phi lợi nhuận ít nhất 4 tuần. Chính vì thế, nhiều người hy vọng bộ phim sẽ đạt được các cột mốc doanh thu cao hơn.