Bộ phim Trạng Quỳnh ra rạp dành cho các khán giả Việt vào ngày đầu năm nay đã ngay lập tức tạo được cơn sốt khi mang về cho nhà sản xuất 10 tỉ đồng và 110.000 vé ở buổi chiếu mở màn. Được nhào nặn bởi bàn tay làm nên lịch sử Siêu sao siêu ngố - đạo diễn Đức Thịnh và nhà sản xuất Thanh Thuý - bộ phim có nhiều yếu tố hấp dẫn hứa hẹn thoả mãn được những mong đợi của khán giả.
Trailer bộ phim “Trạng Quỳnh”.
Ấy vậy mà, mọi thứ không suôn sẻ như dự đoán. Trong Trạng Quỳnh, chúng ta dễ dàng bắt gặp sự xuất hiện của một chi tiết thuộc về kịch bản khiến nhiều khán giả bày tỏ sực bức xúc. Cụ thể, trong phim, đội ngũ biên kịch đã nặn lên một hình ảnh phản diện là một tên thảo khấu (cướp ở những nơi hoang vu, hẻo lánh) can tội có gian tình với nhiều người… là đàn ông.
Tình tiết này được nhiều khán giả nhìn nhận là chưa tinh tế, tạo nên hình ảnh người đồng tính không được tích cực trước công chúng. Trước đây, bộ phim điện ảnh Để Hội tính cũng từng hứng chịu vô số nhát chém của búa rìu từ dư luận vì xây dựng hình tượng người chuyển giới qua nhân vật Hội một cách kệch cỡm và diêm dúa.
Đạo diễn Đức Thịnh trả lời phỏng vấn SAOstar.
Là một người tâm huyết với sản phẩm, nam đạo diễn Đức Thịnh, “cha đẻ” của Trạng Quỳnh đã có những chia sẻ đa chiều về vấn đề này.
“Việc triển khai một tình tiết có chứa yếu tố nhạy cảm liên quan đến giới tính, với Trạng Quỳnh là tình tiết cưỡng bức của nhân vật thảo khấu, dễ tạo nên hai luồng dư luận, ủng hộ và chỉ trích. Bình thường, trong một bộ phim có tình tiết cưỡng gian, cánh khán giả mày râu sẽ bất bình về việc xây dựng hình ảnh đàn ông của mình không sạch sẽ. Tương tự, khi Trạng Quỳnh có tình tiết cưỡng gian giữa nam-nam, các khán giả thuộc cộng đồng LGBT (cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới) phản ứng mạnh mẽ cũng là điều dễ hiểu” - Nam đạo diễn chia sẻ.
Liên hệ tình tiết này với cuộc sống, anh cho hay: “Trong cuộc sống, việc thú tính của một con người trỗi dậy và có hành vi không đứng đắn là chuyện thường tình, giới nào cũng có. Nói một cách khách quan thì cuộc sống luôn vận động theo hướng đa dạng, vậy thì điện ảnh cũng sẽ có những lát cắt vô đặc biệt của mình”.
Anh tiếp lời:“Đã là phường thảo khấu, những nhân vật này luôn tiềm tàng trong đầu những suy nghĩ có phần biến thái, bệnh hoạn nên khó tránh nhân vật thuộc tuýp này trong Trạng Quỳnh lại có hứng thú với những gã đàn ông lạ lùng”.
Nhìn các nhân vật ở góc độ tổng quát, bộ phim Trạng Quỳnh phân định rõ hai tuyến chính diện và phản diện cho các vai diễn của mình. Và nhân vật thảo khấu trong phim được đặt hẳn sang tuyến phản diện, đặc biệt, hành động cưỡng gian của nhân vật này bị lên án quyết liệt. Nếu chúng ta đón nhận bộ phim với tâm thế một người yêu điện ảnh, chúng ta sẽ thấy bộ phim sử dụng tình tiết này trong sự tiết chế cần có, đồng thời phân định rõ điểm sai, chưa đúng trong câu chuyện cưỡng gian ấy mà bài trừ.
Ở thời điểm những giai thoại truyện trạng bùng nổ, bao gồm cả Trạng Quỳnh, xã hội lúc bấy giờ chưa thật sự quan tâm đến những nạn nhân nam trong các vụ cưỡng gian. Do đó, việc đội ngũ sản xuất chọn góc nhìn mới để nhìn các tên thảo khấu cũng như những nạn nhân tội nghiệp cho thấy nước đi mới mẻ và táo bạo trong tư duy điện ảnh của bộ phim.
Suy nghĩ của bạn về tình tiết này trong bộ phim như thế nào?