Phim Ảnh

‘Bỏ túi’ danh sách phim sau để khỏi bỡ ngỡ khi ra rạp thưởng thức siêu phẩm ‘Joker’ (Phần 2)

Theo Indiewire
Chia sẻ

Từ phim tội phạm kinh điển thập niên 70 đến phim siêu anh hùng đương đại, dưới đây là những bộ phim giúp bạn bớt bỡ ngỡ khi xem Joker.

Mean Streets (1973)

Hồi tháng 9 năm 2017, có tin tức là Warner Bros. mong muốn thực hiện một bộ phim về xuất xứ của Joker. Các thông tin cho rằng hãng này nhắm Leonardo DiCaprio cho vai chính, một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra vì ban đầu Martin Scorsese được đưa vào vị trí sản xuất. Sự góp mặt của Scorsese là rất quan trọng, vì ngay từ đầu, Joker được hình dung tương tự như một bộ phim thập niên 70 của Scorsese.

Phillips muốn tái hiện thế giới ngầm New York dơ dáy và bẩn thỉu mà Scorsese đã chuyển tải một cách hoàn hảo lên màn ảnh rộng qua những bộ phim tội phạm như Mean Streets. Cùng với Taxi Driver, Mean Streets đóng vai trò là nguồn cảm hứng thị giác cho cả đạo diễn Todd Phillips và đạo diễn hình ảnh Lawrence Sher.

Network (1976)

Là thành quả của sự hợp tác giữa đạo diễn Sidney Lumet và biên kịch Paddy Chayefsky, Network nhận được Giải Oscar cho Kịch bản gốc xuất sắc nhất. Bộ phim kể về Howard Beale (Peter Finch đóng), một người dẫn chương trình trong cơn suy sụp tâm lý bị chính mạng lưới truyền hình của mình lợi dụng để thu lời và tăng tỷ suất người xem. Phillips và đồng biên kịch Scott Silver đã chứng tỏ lòng hâm mộ với kịch bản Network bằng cách dùng câu chuyện của Joker để bình luận về sự tiêu thụ sản phẩm truyền thông của công chúng, cùng với đó là vai trò của ti vi trong việc ảnh hưởng lên tâm lý người Mỹ. Trong Joker, nhân vật của Joaquin Phoenix vô cùng ngưỡng mộ một người nổi tiếng trên truyền hình, nhưng chính sự ngưỡng mộ đến ám ảnh đó, cộng hưởng vai trò của ti vi trong việc truyền phát thông tin, là tác nhân khiến Arthur Fleck trở thành Joker.

The Cabinet of Dr. Caligari (1919)

Nhân vật Joker được sáng tạo vào năm 1940 bởi Bill Finger, Bob Kane và Jerry Robinson. Một trong những nguồn cảm hứng thị giác lớn cho ngoại hình kẻ phản diện nổi tiếng này là nhân vật Gwynplaine (Conrad Veidt đóng) trong bộ phim câm năm 1928 - The Man Who Laughs. Tuy nhiên, theo nhà phê bình Eric Kohn của IndieWire, Phoenix trong Joker gợi nhớ đến một vai khác của Veidt, khác biệt hơn, ấn tượng hơn. Đó là Veidt trong The Cabinet of Dr. Caligari - bộ phim kinh điển năm 1920 theo trường phái Biểu hiện Đức. Với tay chân gầy nhẳng như chỉ còn da bọc xương và những chuyển động giống loài nhện, hai diễn viên đã tạo ra sự ghê sợ chỉ từ ngoại hình của họ.

Death Wish (1974)

Phillips liệt kê Death Wish là một bộ phim nữa truyền cảm hứng cho cách tiếp cận của anh đối với Joker. Bộ phim tội phạm do Michael Winner đạo diễn đã đưa Charles Bronson trở thành ngôi sao khi anh vào vai một kiến trúc sư trở thành “hiệp sĩ đường phố” sau một vụ đột nhập nhà khiến vợ anh bị sát hại và con gái bị tấn công. Khi Paramount Pictures mới công chiếu Death Wish trong thị trường nội địa, bộ phim đã gặp phản đối dữ dội từ phía các nhà phê bình và khán giả vì họ thấy nó có thể cổ vũ cho bạo lực và khuyến khích hành vi thực thi công lý mà chưa qua sự cho phép của pháp luật. Đây cũng là mối lo ngại mà Joker đang gặp phải trước khi phim được phát hành rộng rãi. Giống Death Wish, Joker cũng bình luận về tình hình bạo lực trong văn hóa Mỹ hiện tại.

A Clockwork Orange (1971)

Một số cảnh trong A Clockwork Orange của Stanley Kubrick đã được Joker thực hiện lại. Thậm chí, nhà phê bình Glenn Kenny của trang RogerEbert còn thuật lại rằng đạo diễn và đội ngũ sản xuất còn xin được Warner Bros. cho phép sử dụng chiếc logo từng xuất hiện trong A Clockwork Orange để cho vào phần đầu phim. Bộ phim bàn về bạo lực của Kubrick được Warner Bros. công chiếu vào năm 1971 đã hứng chịu chỉ trích gay gắt từ giới phê bình, do họ lo sợ bộ phim quá dung túng cho hành vi lệch lạc của nhân vật chính Alex DeLarge (Malcolm McDowell).

Nhân vật Alex, sáng tạo bởi tác giả Anthony Burgess, thấy vui thích khi khơi mào cho những trò bạo lực và hỗn loạn, đến nỗi tâm thần méo mó của anh trở thành vật thí nghiệm cho một liệu pháp mới được tạo ra nhằm loại bỏ khao khát bạo lực trong tâm trí con người. Hình tượng Joker của Phoenix chịu ảnh hưởng khá nhiều từ Alex và A Clockwork Orange.

Psycho (1960)

Nhiều nhà phê bình đã so sánh Joker của Phoenix với Norman Bates (Anthony Perkins) trong bộ phim kinh điển Psycho của Alfred Hitchcock. Nhà phê bình Owen Gleiberman của báo Variety nhận xét: “Anh ta (Joker) mong muốn, ở một mức độ nào đó, kết nối với người khác, nhưng lại không thể. Anh ta quá kì lạ, giống như Norman Bates; là một người điên hậu hiện đại tự ý thức được về bản thân - một người giành từng giây từng phút cố ép mình vào khuôn phép bình thường, nhưng biết là vô ích, do đó anh ta biến tất cả trở thành một ‘trò đùa’ mà chỉ mình mình hiểu.

Shall We Dance (1937)

Nếu bạn muốn nhạc phim Joker trở nên sống động hơn, hãy xem phim hài - nhạc kịch năm 1937 - Shall We Dance của Fred Astaire và Ginger Rogers. Một trong những phân đoạn đáng sợ trong Joker đã bật bài nhạc “Slap That Bass”, được sáng tác bởi George Gershwin và Ira Gershwin. Bài hát này vốn được dành cho Shall We Dance - Bộ phim nhạc kịch xoay quanh mối quan hệ giữa một vũ công ba-lê và một người nhảy tap-dance. Tình hình dần trở nên phức tạp khi tin đồn rộ lên là họ đã cưới nhau. Chủ đề cuộc sống hiện tại bị xáo trộn bởi tin đồn từ quá khứ là một yếu tố quan trọng trong kịch bản của “Joker”.

Dog Day Afternoon (1975)

Một bộ phim tập trung khắc họa nội tâm nhân vật quan trọng khác của thập niên 70 mà Phillips dùng làm cảm hứng là Dog Day Afternoon của Sidney Lumet. Trong phim, một người đàn ông (Al Pacino) quyết định cướp ngân hàng trở nên nổi tiếng khi vụ bắt giữ con tin thu hút sự chú ý của cả nước. Kịch bản thắng giải Oscar của Frank Pierson xuất sắc trong việc kể một câu chuyện khai thác tâm lý nhân vật kèm theo bình luận xã hội, đặc điểm của rất nhiều bộ phim nổi bật trong những năm 1970. Ưu tiên hàng đầu của hai biên kịch Joker là làm một phim giống như Dog Day Afternoon và những phim kinh điển khác của Lumet và Scorsese, nhưng trong bối cảnh Hollywood ngày nay thì chỉ còn cách làm phim chuyển thể comic mới cho họ nhiều điều kiện tốt.

Modern Times (1936)


Ai đã xem trailer Joker thì đều biết, có một phân đoạn diễn ra ở một buổi chiếu công khai bộ phim Modern Times năm 1936 của Charlie Chaplin. Trong phim này, Chaplin thể hiện hình tượng The Tramp nổi tiếng, lần này là một công nhân vất vả sinh tồn giữa thời kỳ bùng nổ của quá trình công nghiệp hóa. Joker có một cấu trúc hơi giống Modern Times khi phác họa Arthur Fleck là một hình tượng được nhào nặn và ảnh hưởng bởi những biến động xã hội. Với Modern Times, Chaplin chỉ trích công nghiệp hóa vì ông cảm thấy đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thời kỳ Đại suy thoái của kinh tế Mỹ. Với Joker, Phillips đụng tới không ít những vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị đương đại, lồng ghép trong câu chuyện của anh về một người đàn ông cô độc dần bước vào con đường tội ác.

Chia sẻ

Theo

Indiewire

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất