Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Lỡ yêu 'Crawl - Địa đạo cá sấu tử thần', xem thêm 10 tựa phim quái vật bò sát hấp dẫn sau đây!

Cá sấu săn người, cá sấu chiến cá mập,... đều là những cuộc phiêu lưu từng dậy sóng màn ảnh rộng Hollywood trước khi "Crawl - Địa đạo cá sấu tử thần" tung hoành.

Thành công đến từ mặt chuyên môn lẫn doanh thu của Crawl - Địa đạo cá sấu tử thần đã mang lại hào quang cho thể loại phim quái thú giả tưởng, nhất là dành riêng cho nhóm loài bò sát. Thể loại phim có sự góp mặt của những con quái vật khổng lồ hung tợn đã luôn tạo ra những phút giây giải trí đơn thuần dành cho khán giả, và trước Crawl thì di sản phim kinh dị về bò sát đã có nhiều sản phẩm vô cùng kinh điển và chất lượng.

Lake Placid (1999)

Trong khi đang tìm hiểu về cái chết bí ẩn của một người đàn ông tại Hồ Đen ở Maine, sĩ quan Jack Wells đã cùng với cảnh sát trưởng Hank Keough và nhà cổ sinh vật học Kelly Scott dần dần tìm ra sự thật đang ẩn dưới mặt nước bình lặng kia. Thông qua giám định một chiếc răng, cả nhóm khám phá ra sự hiện diện của một con cá sấu khổng lồ sẵn sàng nuốt chửng bất cứ ai ngáng đường. Cuộc hành trình đẫm máu Lake Placid được cầm trịch bởi đạo diễn Steve Miner (từng thành công với loạt phim Friday the 13th) là tựa phim giật gân về bò sát chân thực, đáng sợ và kinh điển của thập niên 90.

“Lake Placid” là tựa phim cá sấu nổi tiếng đối với khán giả Hollywood.

Rogue (2007)

Rogue ra mắt vào năm 2007 là chuyến du lịch sông nước của trưởng đoàn Pete McKell và lái thuyền Kate Ryan cùng các du khách đi tham quan sông cá sấu ở Vườn quốc gia Kakadu. Biến cố xảy ra khi ai đó cần cứu hộ, và Kate đã vô tình lái thuyền vào vùng nước nguy hiểm, nơi ngự trị của một con cá sấu khổng lồ. Phim do đạo diễn của phim Wolf Creek cầm trịch, ghi điểm bởi sự kịch tính được lồng ghép vào cốt truyện chắc tay, cùng tạo hình con quái thú vùng nước độc đầy man rợ cùng những màn giết chóc bất thình lình đến thót tim.

“Rogue” mang đến trải nghiệm chân thực đến thót tim về cách sinh tồn trước kẻ săn mồi tự nhiên.

Eaten Alive (1976)

Sau thành công của The Texas Chainsaw Massacre, đạo diễn Tobe Hooper trở lại vào năm 1976 cùng Eaten Alive xoay quanh tên chủ nhà trọ tâm thần Judd có thói quen… giết khách và dùng xác họ nuôi chú cá sấu cưng của mình. Vẫn là lối làm phim u tối và chân thực về lối sống ngoại ô kì bí, tựa phim của Hooper mang đến cơn ác mộng “nhân đôi” mới từ gã sát nhân cuồng loạn và “ông hoàng” đầm lầy dữ tợn và luôn trong cơn đói thịt sống.

Kẻ tâm thần kết hợp cùng cá sấu man rợ, tại sao không?

Alligator (1980)

Sau khi bị “giật nước” xuống bồn cầu, chú cá sấu con đã sống sót và lớn lên trong sự ô nhiễm của chất thải sinh học, dần khiến chú trở thành một con cá sấu trưởng thành to lớn và hung dữ. Những cái chết bí ẩn của công nhân dưới đường cống ngầm đã dẫn dắt vị thám tử Chicago đụng độ con quái vật, từ đó cuộc chiến giữa một người một thú chính thức nổ ra. Alligator (1980) lấy cảm hứng từ những truyền thuyết đô thị về cá sấu dưới đường cống ngầm New York, là sự kết tinh giữa nét ngây ngô và không khí kinh hoàng được chấp bút bởi “cha đẻ” Piranha John Sayles.

“Alligator” là một tựa phim kinh điển về cá sấu săn người.

Killer Crocodile (1989)

Cũng là “nạn nhân” của lượng lớn chất thải độc, chú cá sấu của Killer Crocodile cũng to lớn cùng đôi mắt đỏ ngầu bám đuôi lấy nhóm bạn trẻ đang cật lực điều tra công tác vệ sinh môi trường xung quanh. Phim là một làn gió mới đến từ nhà sản xuất người Ý sau nỗi kinh hoàng Alligator gần 10 năm trước. Kẻ săn mồi vùng nước cao đã “nhuộm đỏ” toàn phim với những nét nhạc gây cấn đến từ Riz Ortolani.

Con cá sấu mắt đỏ khiến nhiều khán giả mất ăn mất ngủ.

Primeval (2007)

Cuộc điều tra án mạng của nhá báo Tim Manfrey bỗng biến thành cơn ác mộng thực sự khi đã dẫn lối anh đến với Burundi, châu Phi để “gặp gỡ” tên sát nhân sừng sỏ nhất nơi đây: một con cá sấu khổng lồ từng sát hại hàng trăm người suốt nhiều năm qua. Bên cạnh câu chuyện về quái vật đầm lầy, Primeval còn đề cập đến những khía cạnh khác như cuộc Nội chiến tại châu Phi, hay vấn đề sở hữu đất phức tạp, nhưng chung quy phim vẫn tập trung khai thác sự kinh hoàng mà “Jason Voorhees phiên bản cá sấu” mang đến cho người dân.

“Primeval” kể về tên sát nhân bò sát “khuấy đảo” châu Phi.

The Giant Gila Monster (1959)

The Giant Gila Monster từng làm mưa làm gió thị trường điện ảnh cuối thập niên 60 khi cho ra mắt một quái thú bò sát hoàn toàn mới. Một ngôi làng nhỏ tại Texas không còn có thể sống yên ổn khi nhận ra có một con thằn lằn khổng lồ đang ẩn nấp ở sa mạc gần kề. Tuy nhiên, phim lại không hoàn toàn kinh dị mà lại rất giải trí, với những pha rượt đuổi dở khóc dở cười cùng tạo hình “nhân vật chính” trông lí lắc và tinh nghịch hơn là đáng sợ.

Kỹ xảo phim bấy giờ vẫn còn thô sơ nên trông chú thằn lằn khổng lồ không quá đáng sợ.

Mega Shark Versus Crocosaurus (2010)

Là phần tiếp theo sau Mega Shark Versus Giant Octopus, Mega Shark Versus Crocosaurus tiếp tục là cuộc đụng độ giữa hai đại quái thú, và lần này chú cá mập khổng lồ sẽ phải tiếp tục chật vật trước một đối thủ hung bạo khác là vua cá sấu châu Phi. Với kỹ xảo độc đáo dễ nhận ra cùng hướng làm phim không thể đặc biệt hơn của đài SyFy, đây chắc chắn tiếp tục là trận đấu nảy lửa nhưng cũng đầy giải trí dành cho các fan vốn đam mê thể loại phim quái thú.

Series dài hơi của SyFy trở lại cùng trận so găng giữa cá mập và cá sấu khổng lồ.

SSSSSSS (1973)

Bộ phim với tựa đề đặc biệt SSSSSSS là câu chuyện đi làm thêm của sinh viên đại học David Blake tại phòng khám của chuyên gia nghiên cứu về rắn Carl Stoner. Để bảo vệ trợ lý mới, Carl đã cho David dùng một số thuốc để phòng trường hợp bị rắn cắn, nhưng chàng thanh niên trẻ đâu hay biết rằng đó lại là một âm mưu ngầm nhằm biến anh trở thành một hình hài sinh vật hoàn toàn khác.

SSSSSSS sẽ là câu chuyện Frankenstein thời hiện đại với sự can thiệp đầy nhớp nhúa và sởn gai ốc của giới bò sát. Màn biến thân đỉnh cao này đã từng khiến hàng loạt khán giả phải ngã quỵ, thậm chí khó có thể xem hết phim mà không thấy buồn nôn hay ngứa ngáy cả người.

Cảnh “hóa rắn” đầy man rợ của chàng trai trẻ trong “SSSSSSS”.

Anaconda (1997)

Khó có thể tin được nữ ca sĩ nổi tiếng Jennifer Lopez lại từng dấn thân vào cuộc hành trình tai hoạ trước cơn ác mộng rừng Amazon. Trong phim, nhân vật của cô - Terri Fores cùng nhóm làm phim đi thuyền đến vùng rừng rậm này để tìm hiểu về một bộ lạc cổ, để rồi dẫn lối cho cả đoàn gặp gỡ người đàn ông kỳ lạ tên Paul. Sau khi thoả thuận giúp đỡ nhau, Paul thực chất lại dẫn dắt họ vào mối nguy hiểm chết người, mà kẻ gây ra chính là một con trăn anaconda khổng lồ.

Anaconda có thể không là một tựa phim xuất sắc được giới phê bình ưu ái, nhưng nó chắc chắn có tính giải trí và đáp ứng đầy đủ mọi tiêu chí của một tựa phim quái thú tích cực. Tạo hình kinh điển của con anaconda to lớn cũng từng khiến nhiều khán giả phải ớn lạnh, thậm chí còn gây ám ảnh một thời gian dài với vùng sông nước.

Tạo hình quái thú anaconda trong phim.

Crawl - Địa đạo cá sấu tử thần đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Trailer bộ phim “Crawl”.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Đông Hải

Được quan tâm

Tin mới nhất