Câu chuyện của Tinna Tình mới đây, về việc tố nhà sản xuất đã thẳng tay cắt bỏ 90% thời lượng diễn xuất trong Mặt nạ máu, bộ phim do cô là đồng tác giả kịch bản dù thật hư thế nào, đã trở thành tác nhân chính cho một scandal sắp sửa ập đến, hoặc, cũng có khả năng sẽ trôi vào quên lãng vì cao trào vẫn chưa tới.
Cụ thể, nữ ca sĩ đã cảm thấy xấu hổ và thất vọng thay vì đáng lẽ cô sẽ phải “thiên vị” với bộ phim của mình nhiều hơn. Tinna Tình đã đặt nghi vấn dành cho đạo diễn Đỗ Thành An, một đạo diễn có tầm nhưng bị nhà sản xuất đứng sau chi phối. Kết quả là 90% thời lượng xuất hiện của Tinna Tình bỗng dưng biến mất mà không rõ lý do. Thông qua đó, cô cũng muốn gửi lời xin lỗi chân thành đến khán giả bằng hình thức livestream trên trang Facebook cá nhân.
Nghe có vẻ khó tin, bởi một bộ phim là công sức của biết bao con người, của cả một đội ngũ dày công thực hiện, dĩ nhiên, chẳng có ai muốn phủ nhận sản phẩm mình làm ra. Song, điều đáng nói là câu chuyện lần này của Mặt nạ máu đã không còn một là tiền lệ ở showbiz Việt khi đã có hàng loạt trường hợp chính cổ đông, phó đạo diễn hay diễn viên lên tiếng bức xúc vì những mâu thuẫn trong quá trình thực hiện. Tinna Tình có đề cập đến một vấn đề, mà nếu bỏ qua yếu tố PR cho phim, thì động cơ khiến cô bỗng dưng “nổi điên” như vậy là có cơ sở.
Trước hết, Tinna Tình khẳng định, cô hoàn toàn thông cảm với đạo diễn Đỗ Thành An. Và những cảnh quay bị cắt xén kia chắc chắn là do sự can thiệp của bàn tay khác. Tạm không bàn đến lý do mâu thuẫn cá nhân và mối quan hệ đặc biệt giữa Dương Cẩm Lynh và Phạm Việt Anh Khoa, một người bị cho là không ưa Tinna Tình và một người là nhà sản xuất của Mặt nạ máu. Sự việc ở đây có thể gói gọn bằng hai từ khóa: đạo diễn và nhà sản xuất.
Tinna Tình không hề sai, trong trường hợp điều đó đã xảy ra. Ngày nay, với sự bùng nổ của phong trào làm phim và những xưởng phim tư nhân tại Việt Nam, nhà sản xuất chính là người đầu tàu và nắm quyền quyết định hình hài của một tác phẩm. Đây là cách tổ chức theo kiểu Hollywood, studio sẽ chịu mọi trách nhiệm trong việc phát hành bản phim cuối cùng, còn được gọi là final cut. Một ví dụ khá điển hình đó là Vũ Ngọc Đãng.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, người ta bắt đầu đi tìm câu trả lời vì sao, những bộ phim của anh làm ra bỗng dưng thể hiện sự xuống cấp thấy rõ bởi ai cũng biết, Vũ Ngọc Đãng vốn có phong cách chỉ đạo khá đặc trưng, nhưng nguyên nhân chắc chắn không phải do thiếu hụt trình độ. Con ma nhà họ Vương ngập tràn hình ảnh những nhãn hàng quảng cáo lộ liễu, còn Vòng eo 56 thì y như một thước phim tài liệu dành để tôn vinh Ngọc Trinh.
Câu trả lời khá đơn giản: vì Vũ Ngọc Đãng không phải là nhà sản xuất trong cả hai phim trên, cũng như việc Ngọc Trinh tự bỏ tiền ra để mời anh về làm phim cho chính mình. Tương tự một năm trước, showbiz Việt từng xảy ra vụ ồn ào khá lớn khi Hy sinh đời trai bị chính đạo diễn Lê Huỳnh chê bai. Kể ra thì rất dài, đại ý Lưu Huỳnh cho rằng bộ phim ca nhạc do anh dày công thực hiện không được như mong đợi là do có sự can thiệp từ nhà sản xuất, ngay cả mối quan hệ của anh với Hồ Ngọc Hà cũng bị rạn nứt vì lý do Trần Bảo Sơn cố tình đem tên tuổi của nữ hoàng giải trí ra làm PR.
Hay như vụ việc của Chánh Tín, là minh chứng rõ ràng nhất cho sự phân hóa quyền lực giữa đạo diễn và đội ngũ nhà sản xuất, khi ông yêu cầu được sử dụng đạo cụ là súng thật trong bộ phim Biệt kích - CKC, cộng thêm xích mích với giám đốc chịu trách nhiệm hình ảnh. Thế là đường ai nấy đi. Những ví dụ trên cho thấy, quan niệm đạo diễn phải là người đảm nhận toàn toàn mọi khâu, từ tuyển chọn diễn viên, sàng lọc kịch bản cho đến cắt dựng đã không còn thích hợp trong bối cảnh hiện nay, suy ra, khán giả cũng không thể đổ dồn mọi chỉ trích lên người đạo diễn nếu thành phẩm cuối cùng bị gắn mác thảm họa.
Quay trở lại scancal của Mặt nạ máu, và chính xác là lời tố cáo của Tinna Tình trong buổi họp báo ngày hôm qua. Những lý lẽ mà cô đưa ra là thật sự có cơ sở đối với một nữ diễn viên trong phim kiêm vai trò đồng biên kịch, Tinna Tình có quyền bày tỏ thái độ của mình trước những gì mà cô nhận được với nhân vật trong phim.
Tiết lộ của Tinna Tình phần nào cho thấy một hiện trạng đang xảy ra và có nguy cơ kìm hãm sự phát triển của phim Việt khi trong tương lai, sự bùng nổ của phong trào làm phim sẽ kéo theo những sự ra đời của những nhà sản xuất độc tài. Ở phía khác của câu chuyện, một đạo diễn dù giỏi cách mấy vẫn khó làm ra được bộ phim thành công nếu họ cứ nhất nhất tuân theo quan điểm làm phim của mình. Đã đến lúc đôi bên cần trao quyền lực lại cho một bên duy nhất, và người đó không ai khác ngoài khán giả.