Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Dàn nhân vật 'Táo Quân' từng mỉa mai, châm biếm Bắc Đẩu ra sao trong 15 năm qua?

Xuất hiện trong hình ảnh biểu trưng cho cộng đồng người thuộc thế giới thứ ba, Bắc Đẩu từng bị chính những nhân vật khác trong 'Táo Quân' mỉa mai, châm biếm.

Vài ngày sau cáo buộc dùng hình tượng Bắc Đẩu để xúc phạm, mỉa mai cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới) từ Viện iSEE (Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường)ICS (Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT), đại diện Đài truyền hình Việt Nam và Ban biên tập chương trình Táo Quân vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức trước công chúng. Trái lại, sự việc ngày càng thu hút sự quan tâm, bình luận của đông đảo khán giả, nghệ sĩ nổi tiếng, đặc biệt là những người thuộc thế giới thứ 3.

Chỉ trích lớn nhất từ hình tượng nhân vật Bắc Đẩu trong Táo Quân là cách ăn mặc, trang điểm lòe loẹt, có phần dị hợm và những phát ngôn không mấy lịch sự của bản thân nhân vật. Không chỉ khán giả, chính các Táo trong chương trình cũng nhiều lần sử dụng những từ ngữ mang tính miệt thị, chê bai dành cho Bắc Đẩu. Năm 2018, hình ảnh Bắc Đẩu bị châm biếm quá mức nặng nề trước lời bình luận của Táo Y tế“Trông như con cave già chuyển giới hỏng”. Không những vậy, Táo Xã hội cũng đem Bắc Đẩu ra làm trò cười khi trả lời câu hỏi của Nam Tào“Con chi sống trên trời không phải nữ mà cũng chẳng phải nam, là con Bắc Đẩu kia”, ngang nhiên gọi Đẩu là “bọn phụ nữ nửa mùa”.

Hình ảnh Bắc Đẩu nhiều lần bị đem ra làm trò cười trong Táo Quân 2018.

Trước đó, Bắc Đẩu cũng nhiều lần bị các Táo đem ra là trò cười trêu ghẹo, châm biếm. Dưới đây là loạt tạo hình và nhận xét mà dàn nhân vật Táo Quân dành cho cô Đẩu Công Lý gây bức xúc cộng đồng LGBT trong suốt 15 năm qua.

Hình tượng nhân vật Bắc Đẩu lần đầu xuất hiện trên sóng truyền hình năm 2003, cũng là năm đầu tiên ra mắt chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo Quân. Đây cũng là năm duy nhất Bắc Đẩu xuất hiện trong bộ vest nam lịch sự, mái tóc cắt ngắn rất “đàn ông”. Món phụ kiện mà cô Đẩu mang theo gồm có bông tai, kính mắt và những cái hất tay, cử chỉ rất điệu đà, giọng nói ẻo lả như thái giám.

Nam Tào (Xuân Bắc) khi đó đã nhận xét: “Bắc Đẩu dạo này thường hay giao du với một số ca sĩ phàm trần, cho nên giọng cứ như vịt pha ngan”.

Sang năm 2004, Bắc Đẩu bắt đầu thay đổi với mái tóc giả dài màu sắc, tay cầm chiếc rũa móng liên tục “làm đẹp” cho bản thân. Nhân vật này còn bị các Táo Kinh tế, Giao thông tố “nói điêu”, “cười đểu” khi phát ngôn trên Thiên đình.

Tạo hình Bắc Đẩu năm 2004.

Nam Tào tiếp tục đả kích Bắc Đẩu là “kẻ lắm điều không giải quyết được việc”.

Năm 2005, Bắc Đẩu thay đổi với trang phục không quá lòe loẹt, cầu kỳ, cử chỉ cũng dịu dàng, không đanh đá, lắm miệng như trước. Nhân vật năm nay cũng như một vài năm sau ít bị các Táo lôi ra châm chọc, mỉa mai hơn trước.

Bắc Đẩu trong trang phục xanh và cử chỉ dịu dàng.

Tuy nhiên, Bắc Đẩu lại mắc thêm bệnh “hám trai”, trêu chọc Táo khác khiến các Táo khó chịu.

Hình ảnh nhân vật các năm sau không có nhiều thay đổi.

Đến Táo Quân 2010, thay vì gọi là “anh” như các mùa trước, Bắc Đẩu được xưng hô với tên “cô Đẩu”. Bên cạnh đó, nhân vật cũng thay đổi ngoại hình bằng cách trang điểm rất đậm, mặc áo dài màu hồng và mái tóc dài có kẹp nơ nữ tính. Bắc Đẩu bị Táo Kinh tế mỉa mai: “Đẩu ơi, trông mặt nhợt lắm rồi đấy. Cầm lấy ít công văn mà mua son phấn trát vào đi”.

Tạo hình 2010 lòe loẹt.

Bắc Đẩu năm 2011 tiếp tục chuộng mốt áo váy màu hồng, tóc uốn xoăn đuôi, trang điểm đậm.

Lúc này, Bắc Đẩu lại bị Táo Xã hội (Chí Trung) châm chọc: “Cô Đẩu ở lâu trên này. Vỏ thì là iPhone nhưng phần mềm lại là Android”. Lúc đóng vai giám khảo một cuộc thi ở Táo Quân 2011, cô Đẩu cũng bị phân vai “xăng pha nhớt” đầy ẩn ý.

Năm 2012, Nam Tào và Táo Kinh tế chỉ trích Bắc Đẩu: “Mặc cái quần bó cho máu nó lên não”.

Từ năm 2013, Bắc Đẩu được đầu tư nhiều hơn về ngoại hình. Trang phục hồng vẫn được sử dụng, nhưng thay bằng chất liệu gấm thêu long phượng sang trọng. Cô Đẩu cũng điệu đà với mái tóc xoăn nhẹ thời trang và chiếc ruy băng quấn đầu dễ thương. Tuy nhiên, nhân vật ngày càng chanh chua, sử dụng nhiều từ ngữ “nhạy cảm”, thô hơn trước.

Bắc Đẩu 2013 thường xuyên sử dụng nhiều từ ngữ có phần hơi thô như “mày, tao”, mắng thiên lôi là “con điên”.

Nhân vật điệu đà và được đầu tư nhiều hơn về mặt trang phục.

Trang phục màu mè, nữ tính của Bắc Đẩu năm 2014.

Trong phần hội thoại đầu chương trình, Táo Y tế Vân Dung đã khuyên Táo Giao thông Tự Long gọi Bắc Đẩu là chị và giải thích: “Nó thích thế thì kệ nó“. Tuy nhiên, chỉ 1 lát sau, Tự Long tiếp tục gọi Bắc Đẩu là anh như trước.

Năm 2015, Táo Mộc Tự Long phát ngôn đầy ẩn ý với Bắc Đẩu: “Đường đường một đấng anh hào, trông tao chắc chắn là cao hơn mày”.

Trong Táo Quân 2016, khi vừa gặp Bắc Đẩu, Táo Y tế Vân Dung nhận xét: “Con này nó lạ lắm, hình như nó bơm thêm hoocmon hay sao mà dương tính của nó mềm nhũn ra”. Thực tế trước đó, cô Đẩu Công Lý chỉ có thái độ dịu dàng, chăm sóc các Táo hơn bình thường.

Tạo hình Bắc Đẩu 2016.

Bắc Đẩu gục ngã khi nghe tin Ngọc Hoàng cho phép mọi người chuyển đổi giới tính nếu muốn.

Bắc Đẩu trong Táo Quân 2017 mặc bộ trang phục “nửa nam nửa nữ”.

Bên cạnh việc mỉa mai tạo hình, Bắc Đẩu còn thường xuyên bị các Táo khác bóng gió chuyện ham tiền, mê trai, tính xấu hay xiên xỏ, tố cáo mọi người trước mặt Ngọc Hoàng. Hình tượng Bắc Đẩu được coi là không đứng đắn, lả lơi, trái ngược với Nam Tào Xuân Bắc. Tất cả những điều này đều khiến khán giả là người thuộc giới tính thứ 3 cảm thấy bị kỳ thị, hiểu sai về bản chất của mình.

Mặc dù đã là nhân vật được xây dựng xuất hàng chục năm, hình tượng Bắc Đẩu, vốn tượng trưng cho một giới tính đặc biệt trên thế giới, nên được tôn trọng và thể hiện đúng so với thực tế. Đó là những điều mà cộng đồng LGBT mong đợi ở Táo Quân. Hiện tại, khán giả vẫn đang chờ đợi câu trả lời chính thức về sự việc liên quan đến nhân vật Bắc Đẩu từ lãnh đạo Đài truyền hình Việt Nam và Ban biên tập chương trình.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Ngọc Trang

Được quan tâm

Tin mới nhất