Phim Ảnh

Đại Tống Cung Từ của Lưu Đào xứng đáng điểm 10 chất lượng cho bối cảnh và phục trang chỉn chu

T.H
Chia sẻ

Không chỉ nghiên cứu kỹ lịch sử, đoàn làm phim Đại Tống Cung Từ còn trực tiếp trùng tu cung điện triều đại Bắc Tống duy nhất còn sót lại để phục vụ cho việc quay phim.

Triều đại nhà Tống là thời kỳ "hoàng kim" trong lịch sử Trung Quốc khi kinh tế, văn hóa và tư tưởng đều phát triển cao. Nhưng các tác phẩm điện ảnh và truyền hình liên quan đến thời đại này lại không nhiều. Vì vậy, đạo diễn Lý Thiếu Hồng quyết định chuyển thể câu chuyện tình yêu của Lưu Nga (Lưu Đào) và Triệu Hằng (Châu Du Dân) để tái hiện lại một thời kỳ văn minh với các giá trị văn hóa đa dạng, nổi bật về kiến trúc, hội họa, thơ phú, thư pháp và âm nhạc... Trải qua 192 ngày ghi hình liên tục, Lý Thiếu Hồng đã tái hiện thời Bắc Tống hưng thịnh thông qua những khung hình trau chuốt trong Đại Tống Cung Từ.

Trùng tu cung điện để có cảnh quay chân thực

Dựa trên cơ sở tôn trọng lịch sử, đội ngũ sáng tạo quyết tâm tạo ra một "thế giới thời Tống đậm đặc”. Để đạt được mục đích này, đoàn làm phim đã sử dụng nhiều trường quay, hơn 70 bối cảnh, bao gồm cả cung điện dưới lòng đất, nhằm tái hiện một cách sinh động thời kỳ huy hoàng. Đồng thời, đồ đạc bên trong từ màu sắc rèm cửa, hoa văn vách ngăn cho đến những bức bình phong cổ kính... cảnh vật nào cũng đặc biệt, thể hiện nét đặc trưng của thời đại nhà Tống.

Đặc biệt, đạo diễn Lý Thiếu Hồng còn tiến hành trùng tu cung điện Đại Khánh ở Hoành Điếm dựa trên bức tranh vẽ nổi tiếng Thụy Hạc Đồ của Hoàng đế Tống Huy Tông Triệu Cát. Đây là dấu tích duy nhất về cung điện thời Bắc Tống ở Trung Quốc còn sót lại hiện nay. Ê-kíp sản xuất còn rất tận tâm trong việc chọn địa điểm quay hình. Thay vì chọn một địa điểm bất kỳ, Đại Tống Cung Từ chọn Khai Phong - kinh đô của triều đại nhà Tống trong lịch sử - nhằm mang đến cho khán giả cảm xúc chân thực nhất.

Tư duy hiện đại kết hợp yếu tố cổ điển

Đại Tống Cung Từ không chỉ tôn vinh chủ nghĩa cổ điển, mà còn tạo ra những khung cảnh thẩm mỹ mới mẻ, tinh tế và độc đáo để những người trẻ có thể dễ dàng tiếp cận văn hóa lịch sử. 

Khác với nhiều phim cổ trang hiện nay, bộ phim sử dụng màu vàng cổ điển làm gam màu chính. Gam màu này vừa tạo sự liên tưởng đến quá khứ nhưng cũng tạo cho người xem cảm giác thanh bình của thời đại thịnh vượng. Nhưng màu vàng này cũng ngầm dự báo sự bất an luôn trực chờ Lưu Nga ở phía trước.

Nữ đạo diễn của Mùa Quýt ChínĐại Minh Cung Từ còn tinh tế sử dụng bố cục cân đối và đối xứng nhằm thể hiện bầu không khí uy quyền của chốn cung cấm, đồng thời nhấn mạnh trung tâm quyền lực của người đứng đầu hoàng cung. Nhân vật chính ở giữa giúp cho tổng thể bức tranh cân đối và mang đến cảm giác yên tĩnh, sâu lắng của cung điện thời Bắc Tống.

Hạc bay trên nóc cung điện, lấy cảm hứng từ bức tranh cổ Thụy Hạc Đồ.

Để phim không quá nặng nề, đạo diễn Lý Thiếu Hồng cũng lồng ghép nét tao nhã và thơ mộng của thời Tống vào từng cảnh quay. Dựa trên bức tranh nổi tiếng Thụy Hạc Đồ, đạo diễn mang đến khung cảnh cảnh đàn hạc bay xung quanh cung điện Đại Khánh.

Ngoài ra, trong buổi tiệc tại phủ Tần Vương, để diễn tả khung cảnh giàu có, xa hoa của bậc đế vương, đạo diễn Lý Thiếu Hồng đã có một cảnh quay oneshot, ôm trọn không gian tiệc, mô tả rõ từng khu vực cụ thể của buổi tiệc. Điều này như diễn tả lại các bức tranh vẽ của người xưa để lại.

Trang phục đẹp đến khó cưỡng, thường dân hay quý tộc đều mang nét độc đáo

Điểm quan trọng nhất của trang phục nhà Tống là sự chỉn chu và chỉnh tề. Trang phục thời kì này kế thừa các yếu tố của nhà Đường và sáng tạo thêm nhiều điểm mới lạ. Chẳng hạn, bên cạnh những màu sắc được chuộng thời Đường như màu đỏ, tím, xanh lục, xanh lam, thời Tống sử dụng thêm các màu khác như đen, tím, trắng, xám bạc và các màu trơn khác.

Trang phục của Hoàng đế thời Tống không chỉ có màu chủ đạo là vàng uy quyền mà còn có thêm màu đỏ tươi, rực rỡ. Vào những ngày bình thường, Hoàng đế sẽ đội mũ cánh chuồn (mũ ô sa) giống với các quan viên, ngày đặc biệt đội mũ quyển vân (mũ thông thiên).

Mũ ô sa đi cùng áo bào vàng, mũ thông thiên đi cùng áo bào đỏ của Hoàng đế nhà Tống.

Trang phục nam giới bao gồm nhiều chi tiết như áo choàng bên ngoài, áo lót màu trắng bên trong, thắt lưng bản to, trên người có dải băng gấm, mặt dây chuyền bằng ngọc, giày hắc liễu. Trang phục của phụ nữ thời Tống bao gồm áo khoác, áo lót, áo hở lưng, nửa cánh tay, váy... Chủ yếu, váy và áo dài thường mặc ở mặt ngoài áo, viền cổ và trước áo có thêu họa tiết, hoa văn. Ngoài ra, trên chiếc ruy băng đeo ở giữa thắt lưng được trang trí thêm một chiếc nhẫn ngọc. Về màu sắc, màu của áo tương đối nhạt, thường là các màu phụ như xanh nhạt, hồng tím, xám bạc, xanh nhạt, xanh đậm, trắng… Còn màu của váy thường sáng hơn phần trên bao gồm xanh lam, xanh lục, màu trắng và vàng mơ.

Lễ phục Hoàng hậu của Lưu Đào phỏng theo tranh cổ thời Tống.

Đáng chú ý, thiết kế trang phục của nhân vật chính Lưu Nga bám sát nhiều bức tranh cổ thời Tống. Các trang phục quyến rũ kết hợp họa tiết cổ và sử dụng công nghệ may mặc hiện đại để nâng cao hơn nữa tính thẩm mỹ. Trong đó, bộ lễ phục Hoàng hậu (địch y) và chiếc mũ (phượng quan) được làm thủ công cho nhân vật Lưu Nga.

Đầu tư công phu, nghiên cứu tỉ mỉ cùng dàn diễn viên làm việc có tâm chính là những điểm cộng tạo nên sức hút của bộ phim truyền hình cổ trang Đại Tống Cung Từ. Bức tranh chân thực về thời Tống được thể hiện sinh động, gần gũi giúp khán giả có cái nhìn bao quát hơn về triều đại từng hưng thịnh trong quá khứ.

Đại Tống Cung Từ (tựa quốc tế: The Palace Of Devotion) được phát sóng tại Việt Nam trên mục Phim truyện và ứng dụng Foxy của Truyền hình FPT, bắt đầu từ ngày 22/3/2021. Bộ phim gồm 61 tập, lên sóng mỗi ngày với lựa chọn phụ đề và thuyết minh.

Chia sẻ

Bài viết

T.H

Tin mới nhất