Hãng phim truyện Việt Nam (VFS - Vietnam Feature Filmstudio) được biết đến là hãng đầu tiên sản xuất phim ở Việt Nam. Được thành lập vào năm 1953, tiền thân của VFS qua các thời kỳ là Xưởng phim Hà Nội, Xí nghiệp phim truyện Việt Nam. Ngày 7/12/1959, bộ phim đầu tiên được hãng phim truyện Việt Nam sản xuất có tên gọi Chung một dòng sông.
Cho đến nay, hãng đã cho ra mắt khoảng 400 bộ phim nhựa, phim nghệ thuật và phim tài liệu với những cái tên gây ấn tượng với khán giả Việt như: Chị Tư Hậu (1962), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972), Em bé Hà Nội (1974), Chị Dậu (1980), Bao giờ cho đến tháng Mười (1984), Số đỏ (1990), Mùa hè chiều thẳng đứng (2000), Đừng đốt (2009), Mùi cỏ cháy (2012), Sống cùng lịch sử (2014), …
Hãng phim hiện tọa lạc tại Số 4, phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ngày 29 tháng 6 năm 2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định số 2238/QĐ-BVHTTDL phê duyệt phương án chuyển đổi Hãng phim truyện Việt Nam thành “Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hãng phim truyện Việt Nam”.
Từ khi không còn được hưởng chế độ của Nhà nước và chuyển sang mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn trong thời kì kinh tế mới, Hãng phim truyện Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2016, hãng Phim truyện Việt Nam bắt đầu tiến hành chào mời cổ phần hóa, đến tháng 6/2017, Tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại. Tuy nhiên, những khuất tất trong quá trình cổ phần hóa hãng phim dưới tên “Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam” đang dấy lên những nghi ngờ và tạo ra làn sóng phản đối từ các nghệ sĩ, diễn viên có tên tuổi.
Vào ngày 16/06, tại buổi gặp gỡ báo chí, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Minh Châu, NSND Thanh Vân, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, NSƯT Quốc Tuấn đã cho biết, họ ủng hộ việc cổ phần hóa hãng phim vì đây là xu thế chung, thế nhưng họ nhận thấy Vivasco không thật tâm muốn làm phim - mục đích chính để giữ lấy hãng phim, thay vào đó lại chú tâm đến giá trị mảnh đất vàng này.
Ngày 18/09, các nghệ sĩ tiếp tục có cuộc họp với Hội điện ảnh nhằm tìm ra giải pháp để “cứu” hãng phim truyện Việt Nam. NSND Thanh Vân cho biết, hiện nay hãng phim (dưới sự quản lý của tổng công ty vận tải thủy Vivasco) đang chậm trả lương cho các anh chị em nghệ sĩ, cũng như không có định hướng làm phim trong thời gian tới.
Ngay sau đó, ngày 20/09, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thị sát hãng phim, buổi chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cũng đã có buổi làm việc với ban lãnh đạo Công ty Cổ phần và phát triển phim truyện Việt Nam (tức ban lãnh đạo mới) và ban lãnh đạo cũ của Hãng phim truyện Việt Nam VFS.
Trong cuộc họp, Bộ trưởng đã nêu những vấn đề tồn đọng của Hãng phim cùng với các thắc mắc của những anh chị em nghệ sĩ, đồng thời yêu cầu Ban chỉ đạo cổ phần hoá và Công ty Cổ phần và phát triển phim truyện Việt Nam cần tích cực sắp xếp bộ máy, chính sách, công tác cán bộ, tiền lương, công khai hóa những vấn đề mà các nghệ sĩ cùng dư luận đặt ra.
Đến chiều 21/9, tại Văn phòng Chính phủ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì buổi làm việc về vấn đề cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam. Tham dự buổi họp có lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (BVHTT&DL), đại diện Hội Điện ảnh, đại diện Tổng công ty cổ phần Vận tải thủy (Vivaso), đại diện Hãng phim Truyện Việt Nam (VFS).
Cũng tại buổi làm việc này, đại diện của Vivasco - ông Nguyễn Thủy Nguyên (Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Vận tải Thủy Vivaso) tiếp thu ý kiến chỉ đạo của các bên, đồng thời phủ nhận chuyện cho thuê nhà xưởng, phòng làm việc của công ty để kinh doanh như nghệ sĩ và dư luận lên tiếng. Bên cạnh đó, ông Thủy Nguyên cũng khẳng định sẽ có hướng đi cho hãng phim, nâng cao đời sống và tạo việc làm cho các cán bộ, nhân viên. Ông cho biết, hiện tại đang chỉ đạo thực hiện một bộ phim, đang trong quá trình tuyển chọn diễn viên, bối cảnh và sẽ sớm đi vào giai đoạn bấm máy.
Trong giai đoạn chuyển giao bộ máy và làm việc cùng với các nghệ sĩ trực thuộc Hãng phim truyện Việt Nam, ông Thủy Nguyên đã tạo nên nhiều bức xúc bởi lời ăn tiếng nói của mình. Nhiều phát ngôn của ông khiến nhiều nghệ sĩ cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Cụ thể, ông từng bàn về bộ phim Sống cùng lịch sử (phát hành năm 2014) của NSND Thanh Vân, ông cho rằng đó là sự thất bại khi phim ra rạp nhưng không bán được vé: “Công ty mà có 4 người như anh Thanh Vân thì đúng là phá sản”. Đáp lại lời nhận xét về mình, NSND Thanh Vân đã lên tiếng: “Sống cùng lịch sử đã mang lại cho Hãng phim truyện Việt Nam 70 tỷ đồng và nuôi sống hãng cho đến khi các ông nhảy vào”.
Trailer phim Sống cùng lịch sử.
Không chỉ vậy, ông Thủy Nguyên cho rằng, mình trả lương cho đúng người đúng việc, “tôi chưa bao giờ có ý định không trả lương và cũng không thiếu tiền để trả. Nhưng tôi sẽ không bao giờ trả lương cho người 3 năm không lên cơ quan hoặc tôi không biết là đang làm cái gì”. Ngay sau đó, ông Thủy Nguyên đã yêu cầu phòng nhân sự, ban quản lý lấy dấu vân tay của toàn bộ cán bộ, công nhân viên của hãng phim (tức Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam hiện nay) nhằm áp dụng hình thức chấm công bằng vân tay. Theo đó, thời gian bấm vân tay hàng ngày là 8h sáng và 17h chiều, thời gian làm việc là 8 tiếng, một tuần làm 5 ngày. Đối với những trường hợp đi muộn hoặc vắng mặt không lý do sẽ có chế tài xử lý.
Khi vấp phải sự phản đối của các anh chị em nghệ sĩ, đặc biệt là những nghệ sĩ có danh hiệu do Nhà nước phong tặng, đại diện của công ty cho biết, quy định chấm công không áp dụng cho lãnh đạo, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, trưởng phòng.
Cũng trong quá trình xảy ra mâu thuẫn giữa ông Thủy Nguyên và các anh chị em nghệ sĩ, trong một cuộc họp diễn ra vào ngày 29/09, ông Thủy Nguyên đã có phát ngôn xúc phạm đạo diễn Quốc Tuấn: “Đồng chí Tuấn đi đâu cũng khóc như mưa, khéo tới đây có nơi nghệ sĩ đau xót quá… rồi treo cổ sợ chết. Tôi đang dự phòng đây. Tôi nói thật với Quốc Tuấn, người ta gọi anh là Chí Phèo”.
Được biết, đạo diễn - diễn viên, NSƯT Quốc Tuấn cùng cậu con trai Bôm đang là chủ đề được quan tâm gần đây bởi những khó khăn cùng nghị lực mà hai cha con đã vượt qua. Căn bệnh xương cứng cục bộ của Bôm đã khiến cậu phải chịu đau đớn qua hàng chục cuộc phẫu thuật trong suốt 15 năm, cùng với tình phụ tử thiêng liêng chạm đến trái tim của mọi người.
Câu nói mang tính đầy xúc phạm này của ông Thủy Nguyên không chỉ khiến những người có mặt trong buổi họp vô cùng bất bình mà còn gây phẫn nộ trong dư luận. NSND Thanh Vân giận dữ cho biết: “Đó là những lời lẽ coi thường, xúc phạm tình cảm thiêng liêng. Tình cảm của anh Quốc Tuấn vô cùng chân thật, không hề diễn, đặc biệt là về cuộc sống cá nhân. Khi cả xã hội đều rung động trước tình cảm chân thành đó, thì tại sao người lãnh đạo lại có thể lạnh lùng, vô cảm với những chia sẻ và nỗi đau của người khác như thế”.
Trong khi đó, NSƯT Minh Hằng đau đớn cho biết, khi đứng trước hoàn cảnh của đạo diễn Quốc Tuấn, “ai cũng phải cảm thông và không thể buông ra những lời lẽ như thế. Dao đâm thành thương tích còn lời nói làm tổn thương suốt đời”. Hành động xúc phạm của ông Thủy Nguyên như giọt nước làm tràn ly, khiến cho các anh chị em nghệ sĩ của hãng phim phẫn nộ và thất vọng với người lãnh đạo của công ty hiện nay.