Có cùng chủ đề tiểu sử cũng như thời điểm ra mắt nhưng Đặc vụ Snowden không nặng tính tâm lý để giành Oscar như Sully. Bộ phim mang màu sắc chính trị với tầm vóc và tính biểu tượng lớn hơn rất nhiều.
Mở đầu bộ phim là thời điểm năm 2013 khi Snowden (Joseph Gordon-Levitt) đang ở một khách sạn tại Hong Kong và tiết lộ với các nhà báo của tờ Guardian về việc chính phủ Mỹ nghe lén mọi người trên thế giới, bao gồm cả đồng minh của mình. Canh cánh nỗi sợ có thể bị CIA đột kích và bắt bất cứ lúc nào hay chính phủ gây sức ép để câu chuyện chìm vào quên lãng, Snowden dần chia sẻ với nhóm phóng viên về cuộc đời mình.
Năm 2004, anh tham gia nhóm biệt kích của quân đội Hoa Kỳ và gặp một chấn thương nghiêm trọng đến mức phải giải ngũ. Trong thời gian dưỡng thương, Snowden nghiên cứu về máy tính cũng như gặp người bạn gái Lindsey Mills (Shailene Woodley). Sau khi hồi phục, anh trở thành nhân viên kỹ thuật của NSA (Cơ quan an ninh nội địa Mỹ) và nhân viên chính thức của CIA (Cơ quan tình báo Mỹ). Trải qua nhiều năm làm việc, Snowden dần khám phá ra những bí mật đen tối của chính phủ Mỹ, xâm phạm quyền riêng tư tối thiểu của người dân trên toàn thế giới. Anh quyết định công bố cho mọi người về hành vi này và tạo ra “sự kiện Snowden” gây chấn động toàn cầu năm 2013.
Là một bộ phim tiểu sử nên gần như khán giả đã biết hết kết cục của câu chuyện. Do đó, sự cuốn hút của Đặc Vụ Snowden tới từ tình tiết cũng như diễn xuất của dàn diễn viên. Được giao cho vai diễn nặng ký Edward Snowden là một thử thách không nhỏ với Joseph Gordon-Levitt.
Nửa đầu phim, khán giả dễ dàng nhận ra Snowden chỉ là một người hết sức bình thường, cũng sống, yêu và đi làm như bao người khác. Thế nhưng càng về sau, tâm lý của anh càng có nhiều biến động phức tạp. Từ nghi ngờ, phẫn nộ cho tới hy vọng rồi thất vọng và dẫn tới quyết định lịch sử, mỗi cảm xúc của anh đều được người xem cảm nhận một cách rõ nét. Kinh nghiệm đóng phim tình cảm tuyệt vời của Joseph Gordon-Levitt đã giúp anh diễn tả đầy đủ phần nội tâm sâu sắc đó. Diễn xuất của anh như một hàm ý mà tác phẩm gửi đến mỗi người: Anh hùng có thể là bất kì ai, miễn người đó dám hành động theo những gì đúng đắn nhất.
Trong vai bạn gái Lindsay Mills của Snowden là nữ diễn viên trẻ Shailene Woodley. Lindsay là một cô gái khá thú vị và đặc biệt, ít nhất là từ góc nhìn của Snowden. Cô mang chút cứng đầu và nổi loạn của nàng Tris trong Divergent, chút hiền dịu và yêu đời của Grace trong The Fault in Our Stars. Shailene Woodley đã mang tới một diện mạo rõ nét cho nhân vật này dù Lindsay gần như không hề được nhắc tới ngoài đời. Khán giả dễ dàng nhận ra chính cô là người đóng vai trò vô cùng quan trọng với mọi hành động quan trọng của Snowden trong phim. Lindsay giúp anh cân bằng giữa cuộc sống và công việc nặng nề ở CIA cũng như gián tiếp khiến Snowden đưa ra quyết định của đời mình.
Trong khi đó, tuyến nhân vật phụ “hùng hậu” gồm Zachary Quinto, Tom Wilkinson, Scott Eastwood, Timothy Olyphant,… đều thể hiện khá tròn vai. “Phản diện” do Rhys Ifans cũng mang tới cái nhìn quen thuộc về các quan chức của CIA: lạnh lùng, tàn nhẫn và không từ mọi thủ đoạn để hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ tiếc vai diễn của Nicolas Cage lại quá ít đất diễn khiến anh không thể hiện được tài năng của mình.
Gói gọn cuộc quãng thời gian 9 năm trời với hàng chục quá trình khác nhau vào một bộ phim dài hơn hai tiếng là điều vô cùng khó khăn. Gần 2/3 thời lượng đầu của Đặc Vụ Snowden là khoảng thời gian làm việc tại CIA của Snowden với tốc độ khá nhanh cùng hàng chục thuật ngữ tin học khác nhau khiến người xem không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Dù bộ phim dành khá nhiều thời gian để giải thích cặn kẽ những thuật ngữ đó với hình ảnh và ví dụ trực quan nhưng vẫn khá khó nắm bắt với một bộ phận khán giả.
Xen giữa những phân đoạn công việc “nhanh như ma đuổi” hay lý thuyết khó hiểu là phần tình cảm nhẹ nhàng và lãng mạn của Edward Snowden với người yêu hay những đấu tranh nội tâm vô cùng phức tạp của anh. Những nốt trầm đó giúp khán giả hiểu rõ tính cách và lý do hành động của Snowden, cũng như “thấm” hơn sự hy sinh của anh. Dù không có lời thoại rõ ràng nhưng ai cũng có thể cảm nhận được sự hoài nghi của Snowden với những gì mình đang làm. Theo chân chàng đặc vụ hoạt động ở nhiều địa điểm khác nhau trên thế giới, người xem cũng sẽ được chiêm ngưỡng phong cảnh trong lành ở Hawaii, sự cổ kính ở Munich hay đường phố đông đúc ở Hong Kong. Dù không nhiều nhưng những phân đoạn ấy cũng là một điểm sáng khiến bộ phim “dễ thở” hơn.
Cái hay của Đặc Vụ Snowden chính là đưa ra một tình huống gây tranh cãi mà không có ai đúng và ai sai cả. Rõ ràng, những mất mát từ sự kiện 11/9 khiến nước Mỹ cứng rắn hơn trong các hoạt động của mình. Và việc giám sát người dân như vậy nhằm khiến thảm kịch trên không bao giờ lặp lại là hoàn toàn có cơ sở. Dám chắc gia đình của các nạn nhân sự kiện 11/9 hay những vụ việc tương tự sẽ đồng ý với việc làm của NSA và CIA nếu nó được ngăn chặn. Vì kẻ thủ ác có thể là bất kì ai nên tất cả mọi người đều nằm trong diện bị theo dõi. Họ, những đặc vụ CIA trẻ tuổi, đang phải chịu trách nhiệm cho sinh mạng của hàng triệu người.
Tuy nhiên, một bộ phận người dân khác lại không nghĩ như vậy. Họ cho rằng việc nghe lén khiến quyền tự do cá nhân bị xâm phạm một cách nghiêm trọng. Người dân không phải khủng bố nên không việc gì bị đối xử như một kẻ tình nghi. Và nếu những thông tin cá nhân đó được dùng vào mục đích khác thì sao? Một lần nữa sự xung đột muôn thuở giữa an ninh quốc gia và quyền tự do cá nhân lại đối đầu nhau. Đạo diễn Oliver Stone đã khéo léo đưa nó vào bộ phim qua lời thoại của Edward Snowden rằng: “Tôi không phải là người hùng. Tôi chỉ muốn nói sự thật với mọi người và để họ quyết định ai đúng và ai sai!”. Phim đặt ra câu hỏi hóc búa: Chính phủ đúng hay Nhân quyền của mỗi công dân mới đúng?
Tuy nhiên, có lẽ như vị đạo diễn lại chọn đứng về phe “người hùng”. Vì thế mà 1/3 thời lượng sau của phim là những cảnh quay mang tính biểu tượng để tôn vinh Snowden. Người xem dễ dàng cảm nhận được sự đánh đổi của anh nhằm mang những thông tin ấy đến cho họ. Anh có công việc ổn định với mức lương cao, một tình yêu đẹp như tranh nhưng Snowden đã hy sinh tất cả chỉ để nói lên sự thật. Dù mất mát là quá lớn nhưng khán giả có thể thấy sự nhẹ nhõm, thoải mái mà anh có được so với quãng thời gian làm trái với lương tâm tại CIA.
Đặc Vụ Snowden là cú tát khá mạnh của Oliver Stone vào chính phủ Mỹ, nơi luôn kêu gọi nhân quyền nhưng lại luôn xâm phạm những quyền ấy. Dù vậy, điều đó lại khiến cho tuyến nhân vật CIA trong phim trở nên một chiều. Họ là những “kẻ ác” lạnh lùng từ đầu tới cuối phim. Vấn đề gây tranh cãi trong Đặc Vụ Snowden cũng vì thế mà bớt phần giá trị bởi lẽ sự thật thì CIA cũng chỉ là những người bình thường với lòng yêu nước và muốn phục vụ Tổ quốc. Họ có lý do và nghĩa vụ của mình. Họ đa chiều chứ không hề xấu xa như được khắc họa trong phim. Cũng như những nhân vật “tốt” trong phim ắt hẳn ngoài đời họ cũng có những mục đích riêng của mình.
Dù chưa hoàn hảo nhưng có thể nói tác phẩm mới nhất của Oliver Stone là bộ phim phản ánh được gần như toàn bộ con người và hành động gây chấn động thế giới của Edward Snowden. Đây là một tác phẩm khá kén người xem nhưng khó có thể bỏ qua.