Tuy nằm trong danh sách các bộ phim được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đặt hàng năm 2015, nhưng Cuộc đời của Yến đã chứng minh nó xứng đáng hơn rất nhiều kết cục chìm vào quên lãng ngay sau ngày đóng máy. Cả bộ phim là một khúc thơ Nôm, một bài hát ru dịu dàng cất lên bằng tiếng của mẹ ta, bà ta, những người phụ nữ của dân tộc ta giữa những ngày gian khó.
Cốt truyện trong Cuộc đời của Yến vô cùng giản dị. Vẫn là câu chuyện xoay quanh cuộc đời mẹ và những người con gái, nhưng không phải chuyến tha phương đau xé lòng như trong Áo lụa Hà Đông, vẫn là câu chuyện về một làng quê nhưng không đổ vỡ, đầy tai ương như Thương nhớ đồng quê. Bộ phim cứ thế là chính nó, câu chuyện cứ thế là chính nó, khó mà tìm được một hình mẫu phù hợp để áp vào, Cuộc đời của Yến nhẹ nhàng như một tiếng thở khẽ của thời gian, âm thầm như giọt nước mắt khẽ lăn ngược vào trong.
Phim mở ra giữa một không gian xanh bao la, mướt mắt của cánh đồng đang vào thì con gái, cô bé Yến chạy đuổi bắt cùng em gái trên cánh đồng. Hai đứa trẻ chạy về đến nhà, nghe lỏm cha mẹ nói chuyện gả chồng cho chị chúng. Nhưng cuối cùng, trong lễ ăn hỏi đáng lẽ ra là của chị chúng, cô bé Yến mới là người bước chân về nhà chồng khi tuổi mới lên mười. Yến bước vào những ngày đầu tiên của cuộc đời làm dâu, khi còn chưa sống trọn những ngày thơ dại. Cô bé sống với người chồng mà như đồng hành cùng một cậu bạn ham chơi.
Nhưng ngay trong những ngày tháng thơ dại ấy, khi bản thân chưa có những ý niệm cụ thể về hôn nhân hay chuyện vợ chồng, ta vẫn thấy được trong ánh mắt của cô bé niềm ngưỡng mộ, sự kính trọng với người chồng trẻ con kia. Đó dường như một thứ bản năng (hay nên coi nó là “tin buồn từ ngày mẹ cho” như lời hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn?) được những người mẹ truyền vào dòng máu những cô con gái của mình từ thuở chín tháng mười ngày.
Hai đứa trẻ bước vào tuổi thanh niên cũng là lúc cơn chuyển mình của lịch sử ập đến nơi ngưỡng cửa. Rồi bóng đen của chiến tranh cũng qua đi, thời hoà bình xây dựng đất nước, Yến và Hạnh đã có với nhau ba mặt con… Mạch phim cũng là mạch thời gian, mạch sự kiện trong cuộc đời mỗi nhân vật. Không cần lối kể phức tạp, không cần những mối dựng rắc rối, không cần những cút bắt về thời gian. Lối kể “thẳng một lèo” từ đầu đến cuối này thường là điểm yếu trong các phim Việt Nam, khi khán giả bị buộc phải chịu đựng một cuộc đời quá dài trong một khoảng thời gian quá ngắn. Nhưng đó không phải vấn đề với câu chuyện cuộc đời nhân vật Yến.
Bởi hơn cả một cuộc đời có quá ít điểm biến cố, khi cùng nhân vật Yến đi qua non nửa đời người trong vài chớp mắt của thời gian trên màn ảnh, lối kể theo trình tự thời gian ấy lại tạo ra những tương đồng về cảm xúc. Người ta xem phim mà mà như nhìn vào quá khứ của những người phụ nữ trong cuộc đời mình. Cuộc đời của Yến, đâu xa, chính là cuộc đời của mẹ ta, bà ta. Tần tảo sớm tối, một đời hi sinh vì chồng vì con, hạnh phúc niềm hạnh phúc của con, vui sướng với niềm vui sướng của chồng.
Cá nhân người viết chợt nhớ đến một đoạn trong bài phỏng vấn ca sĩ Khánh Ly thời gian gần đây, đại ý: mình lấy chồng, nếu chồng mình cao hơn, thì hoặc mình phải kéo chồng xuống cho thấp bằng mình, hoặc tự khiến bản thân cao lên cho bằng anh ấy. Và người phụ nữ tên Yến trong bộ phim này đã chọn cách tự đôn bản thân mình cao lên. Bằng lòng vị tha, bằng sự bao dung, bằng kiên trì nhẫn nại, và bằng tri thức.
Người đàn bà ấy đêm đêm nhờ con gái lớn dạy mình đọc chữ, ngày ngày vừa đi làm đồng vừa ê a tập đánh vần. Sự học của cô không chỉ đóng khung trong những trang sách, không chỉ là chuyện “biết đọc, biết viết”. Nó là niềm đam mê, là sự khai sáng, là khao khát được mở mang bản thân mình. Học vì bản thân mình, để biến bản thân mình trở thành một con người tốt hơn.
Những cuốn sách cứ xuất hiện lặp lại nhiều lần trong các cảnh phim, giống như thể bài hát chủ đề của mỗi nhân vật. Với nhân vật Lanh, đó là câu chuyện cổ về người công chúa vì mê đắm tài đức mà nguyện theo một người đàn ông về làm lẻ; với Yến, đó là những câu Kiều cứ lặp đi lặp lại như một khúc kinh cầu. Những cuốn sách là kỷ vật quá khứ, những cuốn sách là tấm chân tình các nhân vật trao tặng nhau trong thầm lặng, là lời gợi nhắc có đi hãy nhớ quay về.
Giữa những cuốn sách ấy, là tâm hồn của Yến. Từ chỗ một cô bé mù chữ vạch những đường ngô nghê vào trang vở của chồng, người phụ nữ giở những trang sách chữ Quốc ngữ nhưng lại ngược từ phải sang trái theo lối chữ Nho, người phụ nữ tập viết tới độ chuột rút tay, rồi cuối cùng là người phụ nữ kẹp trong cuốn sách tặng chồng dòng thơ chép bằng những con chữ vụng dại nhưng đầy ẩn ý thâm sâu…
Khoảnh khắc người chồng mở cuốn truyện Kiều và nhìn thấy bốn dòng thơ được vợ mình chép lại, chính là khoảnh khắc chói sáng của bộ phim. Nó là kết tinh của tất cả những gì đẹp đẽ nhất ở nhân vật - sự nỗ lực thay đổi bản thân mình, lời trách móc bị phụ bạc, sự tinh tế và cả tấm lòng bao dung vô hạn.
Xét trên nhiều yếu tố, Cuộc đời của Yến là bộ phim nằm ngoài giới hạn của thời gian. Thời gian kéo các nhân vật đi qua những giai đoạn khác nhau của cuộc đời, và cả thăng trầm của lịch sử. Nhưng tuyệt nhiên khán giả không thể thấy, hoặc chỉ cảm thấy như một cơn gió nhẹ thoảng qua, ảnh hưởng của lịch sử lên những cuộc đời ấy. Ta hoàn toàn có thể chỉ ra được những sự kiện lớn đã trôi qua mà không hề để lại dấu vết trong cuộc đời Yến: kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mĩ, rồi cải cách ruộng đất…
Tất cả cứ bình lặng trôi đi trong những cái chớp mắt của thời gian. Yến và Hạnh vẫn sống với nhau, sống cùng những người con trong căn nhà xưa, thậm chí giữ lại được cả những pho sách cổ - thứ đáng lẽ đã bị thiêu rụi trong những ngày tháng lịch sử đen tối đáng bị quên đi.
Mặt tích cực hơn của vấn đề được nêu ra, tính phi thời gian trong Cuộc đời của Yến thể hiện ở cái cách mà nhân vật chính sống cuộc đời của mình. Không đầu hàng nghịch cảnh, kiên cường và bao dung. Những đức tính ấy không nên là thứ chỉ tồn tại ở những năm 50 của thế kỉ XX hay một người phụ nữ nông thôn.
Giữa một xã hội mà các cô gái lột áo, doạ chết, đòi nhảy cầu, tố nhau giật chồng để níu kéo người yêu, người chồng ở lại bên mình, chúng ta cần nhiều hơn những nhân vật như Yến. Thay vì dùng mọi cách bắt đối phương chấp nhận mình, hãy học cách tha thứ và thay đổi mình theo hướng tốt hơn.
Cuộc đời của Yến khép lại trong một viễn cảnh tươi sáng và yên bình, nơi lòng vị tha và sự bao dung là nguồn năng lượng của các nhân vật. Trò chơi ném vòng được nhắc lại một lần nữa ở cuối bộ phim chính là hình ảnh ẩn dụ cho sự thay đổi ấy. Không còn là cuộc ganh đua xem ai là kẻ mạnh, ai là kẻ thắng cuộc và dùng sự thắng cuộc ấy làm điều kiện bắt đối phương phục tùng, trò chơi ấy chỉ đơn thuần là một trò chơi giữa hai cha con.
Đó là một sự “tốt lên”. Sự tốt lên ấy mở đầu cho một tương lai mà trong đó con gái của Yến, thậm chí cả cháu chắt của bà sau này, được đối xử bình đẳng và trân trọng hơn bởi những người đàn ông xung quanh họ.