Từ thành công của web-drama Ai chết giơ tay, nam đạo diễn-diễn viên-biên kịch Huỳnh Lập bắt tay với đạo diễn Lý Minh Thắng để đưa lên màn ảnh rộng bộ phim điện ảnh Pháp sư mù. Tác phẩm điện ảnh kết hợp giữa thể loại hài hước, kinh dị, tâm linh được giới mộ điệu dành nhiều kỳ vọng, nhất là sau khi Thất Sơn tâm linh và Bắc Kim Thang không thành công như mong đợi.
Chuyện phim Pháp sư mù theo chân bộ ba bắt ma Tinh Lâm (Huỳnh Lập), Thụy Du (Quang Trung) và Thiên Thanh (Hạnh Thảo) trên hành trình lấy lại đôi mắt cho Tinh Lâm. Nguyệt Minh (Khả Như) đã đưa nhóm Tinh Lâm đến gặp cậu Út Quái (Đại Nghĩa) để tìm sự giúp đỡ. Không chút nghi ngờ, Tinh Lâm làm theo những bài tập luyện của cậu Út Quái rồi dần phát hiện ra hàng loạt bí ẩn đằng sau đôi mắt mình, cũng như các oan hồn, ma quỷ luôn rình rập xung quanh cả nhóm.
Bộ phim Pháp sư mù ra rạp trong bối cảnh vấn đề kiểm duyệt đối với dòng phim kinh dị của Việt Nam đang gây nhiều ý kiến trái chiều. “Hội đồng thẩm định thường yêu cầu chỉnh sửa phim và nhiều yêu cầu bị cho là thái quá, can thiệp vào nội dung nghệ thuật và thương mại của bộ phim chứ không chỉ phục vụ mục đích kiểm duyệt nội dung để chống nội dung đồi truỵ, bạo lực, thù địch…”, VCCI từng nhận định.
Trước Pháp sư mù, bộ phim Thất Sơn tâm linh từng gây thất vọng khi khác xa tưởng tượng của khán giả. Từ chân dung một tác phẩm khai thác đề tài bùa ngải tâm linh rùng rợn, Thất Sơn tâm linh trở thành bộ phim điều tra tội phạm mà hung thủ đã lộ diện ngay từ đầu.
Ấy vậy mà bộ phim của đạo diễn-diễn viên Huỳnh Lập lại ra rạp trọn vẹn, không bị cắt xén hay cấm chiếu, ngay cả khi Huỳnh Lập không hề giấu diếm tham vọng xây dựng một thế giới độc nhất của pháp sư, ma, quỷ, cô hồn… Ngay cả trường đoạn chiến đấu giữa phe chính diện-phản diện cũng khác biệt với những pháp thuật để trừ tà/sai khiến quỷ.
Dù vậy, bộ phim Pháp sư mù vẫn gây ra nhiều ý kiến trái chiều cho khán giả đại chúng. Cách lý giải về căn bệnh ở mắt của Tinh Lâm, vấn đề đốt túi nilon đậm tính thời sự hay việc nhân vật Phước bị bắt vì sử dụng chất cấm cũng gây nhiều tranh cãi. Những tình tiết này có vẻ lệch lạc so với nội dung toàn bộ phim.
Tuy mở ra nhiều câu chuyện ở đầu và giữa phim, nhưng bộ phim lại không có cách lý giải trọn vẹn. Sự ôm đồm trong kịch bản khiến khán giả cùng lúc phải tiếp nhận quá nhiều thông tin và câu chuyện. Từ hành trình lấy lại đôi mắt, lòng tin giữa người với người, những âm mưu âm hiểm vì lòng đố kỵ, tình yêu hiện tại đến tình yêu tiền kiếp, phim Pháp sư mù trở nên vừa rối rắm lại vừa dễ đoán. Nhiều tình tiết được đưa ra nhưng bị bỏ lửng giữa chừng gây hoang mang cho khán giả.
Đến cuối, khán giả vẫn hoang mang vì tâm lý một số nhân vật không thống nhất, không có manh mối về căn bệnh ở mắt của Huỳnh Lập, Phước chưa từng sử dụng chất cấm trong phim nhưng đột ngột bị bắt.
Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng, “cú bẻ lái” như vậy là cần thiết đối với các bộ phim như Pháp sư mù, Người bất tử, Thất Sơn tâm linh để được ra rạp toàn vẹn.
Nhìn ở một khía cạnh khác, cách giải quyết này thậm chí được xem là sáng tạo và thông minh so với viễn cảnh bị cắt hay chắp vá nội dung chồng chéo như một số bộ phim kinh dị khác.
Nhìn chung, bộ phim Pháp sư mù vẫn là một trải nghiệm kinh dị mới lạ và khá trọn vẹn đối với thể loại phim kinh dị Việt Nam. Và chính những ý kiến trái chiều xoay quanh bộ phim có thể tạo ra sức hút riêng cho tác phẩm điện ảnh này.