Phim Ảnh

'Coco' và 'Ferdinand': Khi cả thế giới chào nhau bằng câu ¡Hola!

Minh Khôi
Chia sẻ

Quên "Hello" đi, đã đến lúc cả thế giới chào nhau bằng câu ¡Hola! khi "Coco" đã trở thành "Bộ phim hoạt hình hay nhất" trong Lễ Trao giải Quả cầu vàng lần thứ 75.

Nếu có thể kể tên một trong những bộ phim hoạt hình xuất sắc nhất trong năm 2017 thì Coco và Ferdinand là hai cái tên không thể bỏ qua. Cả hai bộ phim đều được đề cử trong hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc nhất tại Lễ Trao giải Quả cầu vàng lần thứ 75 với phần thắng thuộc về Coco. Giờ đây, những người hâm mộ phim hoạt hình toàn thế giới đã bắt đầu chào nhau bằng câu ¡Hola! thay vì Hello, đã quen thuộc với những từ Tây Ban Nha với lối phát âm đặc trưng, đầy quyến rũ. Thông qua hai tác phẩm, làn gió văn hóa tiếng Tây Ban Nha đầy mê đắm đã thực sự lan tỏa trên phạm vi toàn cầu.

Coco đã có một chiến thắng hoàn toàn thuyết phục trước các đối thủ “sừng sỏ” đó

Khi phim hoạt hình trở thành “Đại sứ văn hóa” quốc gia

Đối với tôi, Coco không chỉ đơn thuần là một bộ phim hoạt hình mà còn là cả một hành trình vĩ đại, len sâu (theo đúng nghĩa đen) vào những tầng văn hóa đặc sắc của đất nước Mexico, để tìm lại chính bản thân mình từ chốn tâm linh sâu thẳm nhất. Còn Ferdinand là một chuyến phiêu lưu nhẹ nhàng, tinh tế mà hài hước, lướt nhẹ nhàng qua đất nước Tây Ban Nha trên chiếc lưng nhấp nhô của chú bò tót.

Coco là hành trình tìm về cội nguồn bản thân…

Ferdinand là chuyến phiêu lưu để tìm lại chính mình.

Mexico và Tây Ban Nha nằm ở hai bờ của Đại Tây Dương, tuy cách xa nhau về mặt địa lý nhưng đều chia sẻ chung hệ giá trị văn hóa của ngôn ngữ Tây Ban Nha. Đây là một điều dễ hiểu vì người Tây Ban Nha đã từng cai trị vùng đất Mexico từ đầu thế kỉ 16 đến tận cuối thế kỉ 19. Người Mexico tiếp thu văn hóa Tây Ban Nha, hòa quyện với những giá trị bản địa của nền văn minh Aztec để rồi cuối cùng tạo nên một nền văn hóa đầy quyến rũ và đặc sắc như hiện tại. Cả hai bộ phim hoạt hình đã lồng ghép cực kì khéo léo những giá trị văn hóa đặc sắc của cả hai quốc gia, để khán giả dần bị mê hoặc, để rồi chìm đắm trong bầu không khí ấy một cách tự nguyện, không gượng ép. Những đặc trưng văn hóa của cả hai vùng đất đã được khắc họa rõ nét - đẹp đến mê mẩn.

Xuyên suốt Coco Lễ hội người chết - Día de Muertos, mặc dù có một cái tên khá đáng sợ nhưng đó là một trong những ngày lễ hội lớn nhất trong năm của người dân Mexico. Đây là dịp của đoàn viên và sum vầy, là dịp để các thế hệ trong gia đình quây quần bên nhau, tưởng nhớ đến tổ tiên trong một bầu không khí vui tươi ngập tràn âm nhạc, hoa và nến.

Lễ hội của người Chết đầy thiêng liêng nhưng không kém phần ấm cúng.

Phòng cung hiến: nơi các thế hệ trong đại gia đình được kết nối với nhau.

Và không cần phải nói: khán giả đã hoàn toàn bị hạ gục trước khung cảnh huyền diệu và kì ảo của Lễ hội người chết - đến mức không nói nên lời. Không ấn tượng sao được trước khung cảnh hàng hàng lớp lớp những ngôi mộ được thắp sáng rực rỡ trong ánh nến, nở bừng niềm vui trong cả một rừng hoa đủ sắc màu, của tiếng nhạc Flamenco réo rắt, dập dìu, của tiếng chúc tụng hoan ca xuyên màn đêm.

Ngày mà hai thế giới âm dương được nối liền với nhau…

Xưởng phim hoạt hình Pixar lần này quyết tâm chứng minh cho thế giới thấy sức sáng tạo của họ là không có giới hạn khi dựng nên cả một thành phố cho người chết kì vĩ và “ảo diệu” tột cùng đến từng chi tiết nhỏ. Xuyên suốt bộ phim, khán giả chỉ có thể “há hốc mồm” trước tầng tầng lớp lớp văn hóa của Mexico được thể hiện trên màn ảnh nhỏ, đưa họ từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác.

Cảnh cậu bé Miguel lần đầu đặt chân đến thành phố của người chết - một trong những khung cảnh ấn tượng nhất bộ phim.

Và cuối cùng, những gì chinh phục trái tim khán giả hoàn toàn lại là những điều tưởng chừng nhỏ nhoi: là chiếc bàn thờ ấm cúng và nghiêm trang của các thế hệ gia đình trong phòng cung hiến, là chiếc guitar thô mộc nhưng chất chứa cả một cội nguồn nghệ thuật, là một khúc hát truyền thống lay động tất cả mọi cảm xúc… Nếu thật sự để ý, ta có thể thấy nhà sản xuất thậm chí đã đưa cả những biểu tượng văn hóa Aztec cổ đại vào các linh vật đưa dẫn linh hồn trong bộ phim.

Toàn bộ cuốn phim là những hình ảnh đẹp đến nôn nao, trong đó không thể quên hình ảnh chiếc guitar màu trắng cực đẹp.

Tạm rời xa đất nước Mexico, chu du đến bên kia bờ Đại Tây Dương thì Ferdinand vẫn luôn sẵn sàng để vẽ nên một bức họa tuyệt diệu về đất nước Tây Ban Nha, là lễ hội hoa truyền thống ngập tràn sắc hương và những trận thư hùng nảy lửa tại đấu trường bò tót.

Ferdinand là một hành trình khám phá đất nước Tây Ban Nha thanh bình và tươi đẹp.

Không quá choáng ngợp như Coco nhưng ở Ferdinand, các giá trị văn hóa của Tây Ban Nha được thể hiện cũng thật tinh tế nhưng không kém phần ấn tượng. Là lễ hội Hoa thường niên được tổ chức trên khắp đất nước Tây Ban Nha để, là hàng người dập dìu trong những phiên chợ quê, không quá đông đúc nhưng cũng đủ để tạo vẻ nhộn nhịp, là những công trình kết bằng hoa tươi được trang hoàng lộng lẫy khiến khán giả khó có thể rời mắt. Là những con hẻm nhỏ sâu hun hút với những cửa hiệu bé bé, xinh xinh nhưng đủ để gìn giữ những di sản và linh hồn của văn hóa Tây Ban Nha.

Ferdinand là một chú bò tót bề ngoài dũng mãnh nhưng bên trong lại khá… mềm yếu, yêu hoa cỏ.

Lễ hội Hoa thường niên đầy màu sắc và hương thơm.

Nhắc đến Tây Ban Nha mà không nhắc đến môn đấu bò tót thì là một thiếu sót lớn lao. Văn hóa đấu bò trong Ferdinand không chỉ gói gọn trong những trận chiến khốc liệt nơi đấu trường mà còn là cả một quá trình đưa một chú bò tót từ ngày còn bé đến khi đủ trưởng thành để đương đầu với các metador - đấu sĩ bò tót, ẩn trong đó là những triết lí về lòng quả cảm, can trường. Là những bộ phục trang cầu kì, tinh xảo của người đấu sĩ, là những lưỡi gươm cong vút với phần đuôi sặc sỡ, là những đấu trường bò tót mênh mông hàng chục nghìn khán giả, nơi được mệnh danh là trái tim của nền văn hóa Tây Ban Nha. 

Cảnh kết thúc đầy đắt giá với nhiều tầng ý nghĩa của bộ phim.

Những giá trị lớn lao đến từ những điều nhỏ nhoi

Nếu như trong Coco, sắc vàng rực lộng lẫy của hoa cúc vạn thọ chiếm áp đảo thì đến Ferdinand là nét dịu dàng của hoa cẩm chướng đỏ. Hoa cúc vạn thọ tượng trưng cho sự trường tồn, là loài hoa nối liền hai cõi âm dương, là cánh cửa dẫn những người đã khuất về với gia đình, khán giả vẫn không thể quên được con đường vĩ đại được phủ ngập tràn hoa cúc vàng, nối liền hai cõi âm dương trong Coco. Khi đến Ferdinand, đó là hình ảnh đóa cẩm chướng màu đỏ nhỏ nhoi, tưởng như là mỏng manh nhưng luôn đứng vững, dù trong bất kì hoàn cảnh nào, chính là nét đẹp trong tâm hồn, là lòng yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống của chú bò tót Ferdinand mà không gì có thể vùi lấp được.

Coco vàng đượm trong sắc hoa cúc

Thì Ferdinand cũng nhuộm đỏ rực với sắc cẩm chướng.

Dù diễn đạt theo cách nào, thì cho đến cuối cùng, Ferdinand lẫn Coco đều đề cao những giá trị gia đình thiêng liêng, là sống trọn vẹn với đam mê, là những điều lớn lao xuất phát từ những gì nhỏ nhoi. Cả hai đều là những bộ phim nên coi cùng với gia đình, với những người thương yêu, để có thể cùng khóc những giọt nước mắt hạnh phúc, để cùng vui trong niềm hạnh phúc bất tận, để cùng cảm nhận hơi ấm của tình yêu thương lan tỏa đến từng ngóc ngách trong tâm hồn.

Chia sẻ

Bài viết

Minh Khôi

Tin mới nhất