Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Có rất nhiều điều tử tế học được từ ‘Sống chung với mẹ chồng’

Dù mỗi nhân vật trong phim không hoàn hảo, người xem vẫn có thể rút ra nhiều điều ý nghĩa sau khi xem "Sống chung với mẹ chồng".

Có thể nói, hiếm có bộ phim mà hầu như nhân vật nào cũng có thể nhận hàng núi gạch đá như Sống chung với mẹ chồng. Từ bà mẹ chồng quái tính luôn can thiệp vào đời sống riêng tư của gia đình con trai cho đến anh chồng trẻ con, nhu nhược hay cô con dâu thiếu khéo léo trong cách cư xử. Tuy vậy, chính sự thiếu sót trong mỗi nhân vật lại giúp Sống chung với mẹ chồng trở nên chân thực, gần gũi và truyền tải nhiều ý nghĩa.

Phận làm con hãy hiểu lòng cha mẹ

Dù ở vị trí nào, con đẻ hay con dâu, hiểu được tâm lý cha mẹ chính là chìa khóa khiến gia đình hòa hợp. Vân (Bảo Thanh) là ví dụ điển hình cho việc không hiểu tâm lý mẹ chồng. Bà Phương (NSND Lan Hương) là người phụ nữ của thời đại trước - mẫu phụ nữ đặt gia đình ở vị trí trung tâm, sẵn sàng hi sinh bản thân mình cho chồng con. Trong khi đó, Vân là người vợ trẻ có tư tưởng mới, với cô phụ nữ phải độc lập và biết chiều chuộng chính bản thân mình, làm những điều mình thích.

Ngay từ đầu khi về nhà chồng, Vân đã không coi bà Phương như mẹ, mỗi lần nói chuyện với chồng đều xưng “mẹ anh”. Tâm lý “khác máu tanh lòng” đó đẩy mẹ chồng, nàng dâu ở hai đầu chiến tuyến.

Vân không cần phải giả lả lấy lòng mẹ chồng nhưng không người lớn tuổi nào thích nói việc mình một câu, con cái liền đốp lại một câu.

Xây dựng sự nghiệp và yêu thương bản thân không sai, cái (lỡ) sai ở đây chính là Vân không hiểu rằng giữa mẹ chồng và cô có một khoảng cách thế hệ rất lớn. Điều này khiến đôi bên luôn xung khắc với nhau. Mẹ chồng Vân cả ngày quanh quẩn bếp núc ở nhà, không mấy khi trò chuyện với ai, dù tất cả bà làm đều tự nguyện nhưng không tránh khỏi những lúc buồn chán và cô đơn. Giá như Vân hiểu được điều này có thể cô sẽ thông cảm với những xét nét, khó tính của mẹ chồng.

Bởi vậy, Sống chung với mẹ chồng không phải là dạy các cô gái đừng lấy chồng vì mẹ chồng ác lắm. Ý nghĩa của bộ phim không phải là bêu xấu các bà mẹ chồng, làm mất hòa khí gia đình. Mà thông qua những sai lầm của các nhân vật trong phim, khán giả rút ra được bài học, tự điều chỉnh các mối quan hệ của mình. Mà trước hết là phận làm con, hãy hiểu tâm lý của người già, những người cũng rất cần sự quan tâm, đặc biệt là sự tinh tế trong cách ứng xử của con cháu.

Vân hầu như không phải làm việc nhà, không phải dậy sớm để chuẩn bị thức ăn cho nhà chồng cũng như đi làm về vội vội vàng vàng cơm nước bữa tối bởi mẹ chồng cô làm cho tất cả.

Chỉ kết hôn khi thực sự trưởng thành

Bởi vì kết hôn mà vẫn dựa dẫm vào bố mẹ nên Thanh (Anh Dũng) mới không thể chèo chống được hôn nhân của chính mình lúc gặp sóng gió. Chuyện gì Thanh cũng “mẹ bảo”, “mẹ nói”, đến việc mặc quần áo cũng để mẹ làm cho thì sao anh có đủ lý trí, tỉnh táo phân tích tình hình mỗi khi vợ và mẹ có mâu thuẫn. Đó là lý do mà anh chồng trẻ con thường chỉ nói được mỗi câu “thôi đi” vô giá trị lúc nước sôi lửa bỏng.

Yêu đương rất dễ nhưng kết hôn lại là câu chuyện hoàn toàn khác, đặc biệt khi sống chung với bố mẹ chồng. Ở trường hợp này, người chồng có vai trò rất quan trọng, giúp gia đình yên ấm, cân bằng mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu. Vì thế đòi hỏi người đàn ông phải trưởng thành về mặt tâm lý, làm sao để vợ không cảm thấy là người lạ, cô độc trong gia đình mới và làm sao để mẹ không tủi thân vì con trai cưng chằm chặp bênh vợ. Thế mới thấy, không phải cứ đến tuổi là kết hôn.

Đừng để vợ thấy mình mãi là người ngoài.

Nhưng mẹ cũng sẽ rất tủi thân nếu con trai chỉ quan tâm vợ mà vô tâm với mẹ.

Một khi con đã kết hôn, hãy để con tự xây dựng gia đình riêng

Mối quan hệ “cơm không lành, canh chẳng ngọt” của bà Phương và Vân bắt nguồn chủ yếu từ việc bà việc gì cũng quản, khiến con dâu luôn cảm thấy bị kìm kẹp và kiểm soát. Thì đấy, những phút riêng tư nhất của cặp vợ chồng son cũng bị bà Phương xen vào, làm Vân vừa bực vừa xấu hổ không để đâu cho hết. Chuyện phòng the tế nhị bà cũng mang ra bàn luận, “răn đe” trong bữa cơm khiến các con cảm thấy “không sống nổi”.

Vẫn biết “con dù lớn vẫn là con của mẹ” nhưng hãy để con độc lập, tự quản đời sống của chính mình.

Ngay từ đầu bà Phương đã dặn con trai không lấy vợ này thì lấy vợ khác, điều này có thể khiến con không coi trọng vợ.

Rất nhiều bậc cha mẹ, đặc biệt là người mẹ, chăm lo cho con từng li từng tí dù con đã có gia đình riêng. Đây là nỗi lòng chung của cha mẹ, thế nhưng, mẹ chồng hãy để con dâu tự quản lý gia đình của mình, quan tâm bằng cách chia sẻ những kinh nghiệm. Thay vì cả ngày quanh quẩn trong nhà nấu nướng, dọn dẹp phục vụ con, hãy để con dâu tự dọn phòng, trao cho con cơ hội nấu nướng, làm bữa ăn cho cả nhà, để con dâu thấy mình như là một thành viên thực sự của gia đình. Các ông bà đến tuổi này, hãy cứ hưởng phúc an nhàn bởi “con cháu tự có phúc phận của con cháu”.

“Gieo nhân nào, gặp quả ấy”, cư xử có phần độc ác với Vân, bà Phương gặp cô con dâu mới cao tay, liên tục “chỉnh” mẹ chồng.

Người làm mẹ sẽ luôn biết điều gì tốt nhất cho con của mình. Do đó, mẹ chồng có thể giúp con chăm sóc cháu nhưng không nên quá can thiệp vào cách nuôi con.

Qua từng tập phim, Sống chung với mẹ chồng truyền tải thông điệp, không ai có thể hoàn hảo ở mọi khía cạnh nhưng mỗi người có thể cố gắng để hiểu nhau hơn và giữ gìn hạnh phúc gia đình. Hạnh phúc gia đình mong manh lắm nếu người ta không biết trân quý.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Chung Văn

Được quan tâm

Tin mới nhất