Phim Ảnh

‘Cô hầu gái’ - Cứu cánh cho dòng phim kinh dị Việt 2016

Dương Kinh
Chia sẻ

Được thực hiện nghiêm túc và có sự chăm chút khá kỹ lưỡng, “Cô hầu gái” được xem là điểm sáng của dòng phim kinh dị nước nhà từ đầu năm đến nay.

Poster phim Cô hầu gái.

Poster phim Cô hầu gái.

Trong những năm gần đây, những tên phim kinh dị nổi bật quá ít so với số lượng các phim thể loại này được sản xuất. Đặc biệt, từ đầu năm 2016 đến nay, người hâm mộ vẫn chưa tìm được một tác phẩm thực sự ra chất “kinh dị”, cho đến khi Cô hầu gái công chiếu. Đương nhiên, tác phẩm đầu tay của đạo diễn Việt kiều Derek Nguyễn không quá xuất sắc nhưng những gì mà nó làm được đã xóa đi phần nào viễn cảnh u ám của dòng phim kinh dị nước nhà hiện nay. Tạo được một không gian ma mị, một số cảnh hù dọa ra trò và có đầu kết rõ ràng khiến Cô hầu gái trở nên chỉn chu và đáng xem.

5

Lấy bối cảnh vào năm 1953, bộ phim xoay quanh những bí ẩn của căn biệt thự ở Đồn điền Sa Cát. Có rất nhiều lời đồn thổi về hồn ma của phu nhân Camille - người vợ đã mất cách đây mười năm của đại úy Sebastien Laurent, cũng chính là chủ của đồn điền ma quái này. Linh (Nhung Kate), một cô gái đã mất hết người thân sau những trận dội bom khốc liệt của chiến tranh, trong cơn đói khát tìm đến nơi đây chỉ mong có được một công việc, một chốn nương náu. Nhưng cô không ngờ, Sa Cát chính là chỗ chết. Hàng loạt hiện tượng kỳ bí và những cái chết thương tâm lần lượt xảy đến. Liệu có phải hồn ma của phu nhân Camille đang nổi giận và trở về trả thù tất cả?

co-hau-gai

Trước hết, cần có lời khen ngợi cho sự nỗ lực của cả ekip thực hiện phim. Tác phẩm là sự kết hợp khá ăn ý và liền mạch giữa kịch bản, hình ảnh, thiết kế, dựng cảnh và âm thanh. Làm sống dậy bầu không khí ma mị của một đồn điền chứa đầy tội ác dưới thời kỳ Pháp thuộc những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, phim gieo rắc sự tò mò và chút sợ hãi trước những bí ẩn được chôn vùi nơi đây. Đó là một ngôi nhà âm u lạnh lẽo, rộng lớn với vẻn vẹn vài con người bí hiểm. Đó là một khu rừng đầy oan hồn, nơi những hình phạt man rợ đã từng diễn ra. Đó là một căn hầm, chỗ chôn xác của những đứa con Việt xấu số bị hại chết bởi chính đồng bào của mình. Gần như mọi thứ đều được dàn dựng công phu và đúng với thực tế, tạo được sự chân thực. Cách canh chỉnh tông nền phù hợp không gây khó chịu cho người xem, ngược lại tăng được sự u ám của vùng đất chết này.

Về những phân đoạn kinh dị, nhìn chung các tình tiết này không mới và một số cảnh lại chỉ đơn thuần để gây sợ hãi mà chưa bám vào nội dung. Tuy nhiên, hiệu ứng jump-scare lại làm khá tốt khi lấy được một vài lần giật mình của khán giả.

151214174942chg1

Mặc dù là phim kinh dị nhưng tác phẩm cũng vẽ nên một câu chuyện khá ngôn tình trong đường dây chính của phim. Cô hầu gái dành một thời lượng lớn để khắc họa tình yêu của người hầu Linh và đại úy Sebastien, từ lúc mới chớm nở cho đến lúc mặn nồng, đỉnh điểm là sự xuất hiện của bà vợ từ Pháp sang khiến câu chuyện đi theo hướng “cung tâm kế”. Những trường đoạn này không hề thừa thãi, tuy nhiên cách diễn đạt tạo cảm giác dài dòng khiến khán giả xem một lúc chợt ngẩn ngơ tự hỏi: “Đây là phim ngôn tình à?”. Đặc biệt, phim có khá nhiều cảnh nóng trần trụi và nặng đô so với mặt bằng phim Việt. Bên cạnh một số cảnh cần thiết để làm sáng tỏ cốt truyện, một số phân đoạn nóng này dường như chỉ được thêm vào để tăng tính giải trí cho tác phẩm.

chg-3

Cô hầu gái cho thấy được sự đầu tư khá chỉn chu ở khâu kịch bản (do chính đạo diễn Derek Nguyễn chắp bút). Kỹ thuật red-herring (đánh lừa khán giả bằng tình tiết gây nhiễu) được vận dụng khá tốt, rẽ câu chuyện đi nhiều hướng, tạo ra cái kết có phần bất ngờ, không đơn thuần là giật gân gây sốc mà thõa mãn được tính logic.

Kim Xuân trong vai người quản gia bí hiểm.

Kim Xuân trong vai người quản gia bí hiểm.

Một trong những điều làm nên thành công của phim chính là diễn xuất ấn tượng của 3 nữ diễn viên người Việt. Bên cạnh những đại diện người Tây còn chưa lột tả được hoàn toàn thần thái nhân vật thì phía các diễn viên Việt lại làm tốt nhất có thể. Trong vai trò bà quản gia độc đoán và quyền lực của căn nhà, Kim Xuân thể hiện trọn vẹn nhân vật bằng phong thái đĩnh đạc, ánh mắt sắc lạnh và ẩn chứa những mưu mô, những bí mật chưa kể. Về phía Phi Phụng, cô lại mang nhiều tiếng cười đến cho phim. Lối kể chuyện “hài tỉnh” theo phong cách Hollywood khiến Cô hầu gái thắm thoát những cảnh quay hài hước mà không đi lạc khỏi mạch phim. Đây là một điều rất đáng khen ngợi ở cách kể chuyện của Derek Nguyễn.

Nhung Kate ấn tượng trong Cô hầu gái.

Nhung Kate ấn tượng trong Cô hầu gái.

Với hai gương mặt kì cựu nói trên, chúng ta không có gì bất ngờ khi họ đã làm tốt vai trò của mình. Điều khiến người xem trầm trồ sau khi ra khỏi rạp chính là việc Nhung Kate dường như sinh ra để đóng phim kinh dị. Từ tạo hình ám ảnh trong Đoạt hồn, ánh mắt ma mị ấy vẫn len lỏi trong Siêu trộm và chính thức bùng nổ trong Cô hầu gái. Nhung Kate đem đến những sắc thái khác nhau nhưng đồng nhất trong cùng một nhân vật: sự hiền lành, ngây thơ, chân chất của một cô gái thôn quê, sự e thẹn khi trái tim rung động trước đại úy, sự ghen tuông, giận dữ khi thấy ông bên bà vợ và nét kinh hoàng trong những lần gặp ma. Có thể nói Nhung Kate là sự lựa chọn thông minh của Derek Nguyễn cho vai diễn này.

2

Giữa sự xuống dốc trầm trọng của dòng phim kinh dị Việt năm nay, Cô hầu gái đã tỏa sáng thực sự. Chỉn chu, tạo được chất kinh dị bên trong một câu chuyện có truyện để kể, phim đem đến một trải nghiệm khác biệt so với các tác phẩm cùng thể loại của những đạo diễn thuần Việt đã làm trước đây. Đây là tác phẩm kinh dị đáng xem nhất của tháng 9 này và cũng là phim kinh dị Việt hay nhất tính từ đầu năm 2016 đến nay.

Cô hầu gái khởi chiếu trên toàn quốc kể từ ngày 16/9.

Chia sẻ

Bài viết

Dương Kinh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất