Chuyện Tấm Cám qua lời kể của Ngô Thanh Vân, Huỳnh Lập, Chi Pu và những góc nhìn khác biệt

Thời ấu thơ non nớt với những câu chuyện cổ tích, nơi cái ác chưa bao giờ giành chiến thắng, nhưng khi bước ra một thế giới phức tạp hơn, ranh giới thiện ác mong manh đến nỗi cái xấu vẫn có câu chuyện của riêng mình để được thương xót, cảm thông...

Bài viết Nguyễn Thu Hà - CTV
Chia sẻ

Tích cũ “Tấm Cám” vốn không còn xa lạ đối với khán giả Việt Nam, vẫn được dân gian truyền miệng nhau từ đời này sang đời khác cùng nhiều dị bản. Nhưng, hầu hết phiên bản đều khắc họa chân dung cô Tấm thảo hiền, Hoàng thượng chung tình và dì ghẻ, nàng Cám ác độc. Tấm Cám: Chuyện chưa kể của Ngô Thanh Vân là cú hích đầu tiên đưa người xem đến những góc khuất phía sau các tình tiết quen thuộc cổ xưa, tạo cảm hứng cho Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể ra đời. Song phải đến Chuyện Cám Tấm (M/V “Anh ơi ở lại”) của Chi Pu, bức tranh toàn cảnh nhất về Tấm Cám mới hoàn thiện mảnh ghép cuối cùng.

Chuyện Tấm Cám qua lời kể của Ngô Thanh Vân, Huỳnh Lập, Chi Pu và những góc nhìn khác biệt Ảnh 1

Phim điện ảnh Tấm Cám: Chuyện chưa kể, hài parody Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể và M/V Chuyện Cám Tấm thuộc ba lĩnh vực riêng biệt, nhưng đều mang tinh thần đem đến những góc nhìn mới về tích cũ “Tấm Cám” quen thuộc. Nhắc đến truyện cổ tích “Tấm Cám”, người ta vẫn thường nhớ đến nàng Tấm bất hạnh mà thảo hiền, sau khi vượt qua muôn trùng trắc trở cũng có được hạnh phúc.

Trong khi đó, dì ghẻ và Cám hết lần này đến lần khác tìm cách hãm hại Tấm, cuối cùng phải chịu kết cục bi thảm. Song, tích xưa không kể đến điều gì khiến Tấm bất chấp cách trở âm dương để trở về bên nhà vua, cũng không đào sâu nguyên do khiến dì ghẻ và Cám trở nên xấu xa tột bậc.

Chuyện Tấm Cám qua lời kể của Ngô Thanh Vân, Huỳnh Lập, Chi Pu và những góc nhìn khác biệt Ảnh 2

Tấm Cám: Chuyện chưa kể là cú hích đầu tiên mang đến tư duy điện ảnh làm mới truyện cổ tích xưa, khắc họa sâu sắc hơn cuộc tình sóng gió giữa nàng Tấm và Hoàng thượng. Ở đây, đích đến của hạnh phúc đối với Tấm không đơn thuần là một bước lên tiên, giàu sang, phú quý - điều mà dân gian xưa vẫn ao ước - mà còn là tình yêu đích thực, sự ngưỡng vọng và thấu hiểu dành cho Hoàng thượng.

Chuỗi biến cố chết đi - sống lại với những hình dạng khác nhau của Tấm không chỉ là khao khát được sống và hạnh phúc của nhân vật cổ tích, mà được lãng mạn hóa thành tình yêu bất biến khiến vua luôn nhận ra Tấm, như lời nhạc phim: “Ta hứa sẽ nhận ra. Ta đã yêu nhau từ lâu. Ta hứa sẽ tìm nhau, đến vạn muôn kiếp sau, đã vạn muôn kiếp trước, sẽ vạn muôn kiếp nữa”.

Chuyện Tấm Cám qua lời kể của Ngô Thanh Vân, Huỳnh Lập, Chi Pu và những góc nhìn khác biệt Ảnh 5

Thế nhưng, Tấm Cám: Chuyện chưa kể vẫn lãng quên một tình yêu khác, thứ tình yêu sau này được nàng Cám Chi Pu thể hiện xuất sắc trong M/V Chuyện Cám Tấm (“Anh ơi ở lại”). Khác với tình cảm ngưỡng vọng, giản đơn của Tấm, Cám yêu mãnh liệt đến mù quáng. Nàng thiếu nữ yêu hết lòng nhưng chưa từng được hồi đáp, “mặc kệ đúng sai” để có được người thương song vẫn nhận lại kết cục cay đắng.

Cám trong Anh ơi ở lại gây ấn tượng với biểu cảm từ thẹn thùng, hạnh phúc, ghen tuông cho đến tuyệt vọng. Đặc biệt, Chuyện Cám Tấm còn tạo nên vòng xoáy tình yêu tay tư gây bất ngờ với tình cảm của anh thị vệ dành cho Cám - ngoại truyện chưa từng xuất hiện ở bất cứ phiên bản nào trước đó.

Chuyện Tấm Cám qua lời kể của Ngô Thanh Vân, Huỳnh Lập, Chi Pu và những góc nhìn khác biệt Ảnh 6

Chuyện Tấm Cám qua lời kể của Ngô Thanh Vân, Huỳnh Lập, Chi Pu và những góc nhìn khác biệt Ảnh 9

Trong Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể và Chuyện Cám Tấm, những tình tiết then chốt vẫn được giữ nguyên theo tích cũ: từ chuyện Cám cùng dì ghẻ giết chết cá bống, Cám chặt cây giết Tấm để thay chị làm Hoàng hậu cho đến giết chim Vàng anh… Dù khai thác góc nhìn hoàn toàn mới, các tác phẩm này đều không dung túng hay bao biện cho cái ác. Tuy nhiên, người gây ra cái ác không đồng nghĩa với việc họ không phải nạn nhân.

Không chỉ đến M/V Chuyện Cám Tấm, người ta mới nhận ra rằng nàng Cám cũng rất đáng thương. Nàng sinh ra trong một gia đình không trọn vẹn, cha mất từ sớm, mẹ mưu mô thủ đoạn, muốn con gái trở thành Hoàng hậu để đổi đời. Hành động lừa chị gội đầu và ăn cắp giỏ cua cá không thể khẳng định bản chất xấu xa của một thiếu niên chưa thực sự định hình bản ngã. Không may mắn có ông bụt giúp đỡ lúc hoạn nạn, không được người thương để ý đến, Cám mãi mãi chỉ làm nền cho Tấm, giống như hạt cám bị bỏ đi còn hạt tấm được chọn lựa để nấu thành cơm.

Chuyện Tấm Cám qua lời kể của Ngô Thanh Vân, Huỳnh Lập, Chi Pu và những góc nhìn khác biệt Ảnh 10

Người ta vẫn thường nói rằng: “Hoàng tử xót xa nước mắt của công chúa mà không biết rằng phù thủy cũng biết đau”. Trong M/V Anh ơi ở lại, tình yêu và sự chung thủy tột bậc của Hoàng thượng dành cho Tấm bất kể cách trở âm dương là kẻ phản diện lớn nhất đối với Cám, buộc nàng phải phơi bày góc xấu xa nhất trong con người để chống trả (dù Cám chưa từng trực tiếp giết Tấm: đốt khung cửi, giết Vàng anh, nhưng phải chịu kết cục tàn nhẫn). Có thể nói, bởi nỗi đau quá lớn phải chịu đựng, thiếu nữ mới lớn như Cám đánh đổi nỗi đau của người khác để thỏa mãn trái tim mình.

Chuyện Tấm Cám qua lời kể của Ngô Thanh Vân, Huỳnh Lập, Chi Pu và những góc nhìn khác biệt Ảnh 13

Giống như nàng Cám, dì ghẻ cũng có những câu chuyện chưa được kể. Nhân vật dì ghẻ trong Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể vốn là một thiếu nữ khao khát tình yêu và gia đình êm ấm như bao người khác, nhưng vì miệng lưỡi thiên hạ mà hóa ác: “Ta chưa bao giờ là một người lương thiện trong mắt tất cả các người. Sự ác cảm của các người áp đặt vào ta để rồi ta mới có cuộc sống như ngày hôm nay”.

Nhân chi sơ tính bản thiện, đôi khi những con người có xuất phát điểm lương thiện lại bị đè nén, bôi nhọ, chỉ trích, buộc họ phải đẩy cái ác lên tận cùng, bởi những lời nói dối, những hành động sai trái chẳng bao giờ đứng một mình, như trong vở kịch “Hamlet” của Shakespeare: “Một người có thể mỉm cười, rồi lại mỉm cười, và trở thành một kẻ hung ác”.

Chuyện Tấm Cám qua lời kể của Ngô Thanh Vân, Huỳnh Lập, Chi Pu và những góc nhìn khác biệt Ảnh 14

Chuyện Tấm Cám qua lời kể của Ngô Thanh Vân, Huỳnh Lập, Chi Pu và những góc nhìn khác biệt Ảnh 15

Phim điện ảnh Tấm Cám: Chuyện chưa kể, parody Tấm Cám: Huỳnh Lập kể và câu chuyện trong M/V Anh ơi ở lại đều đạt được những thành công nhất định trong từng địa hạt. Công chúng yêu thích Tấm Cám: Chuyện chưa kể vì cuối cùng, cái tốt và sự thiện lương cũng giành chiến thắng; nhưng vẫn dành tình cảm cho Tấm Cám: Huỳnh Lập kểChuyện Cám Tấm bởi cảm giác thấu cảm lẫn xót xa.

Thiện và ác không phải hai chiếc hộp riêng biệt để phân loại con người, mỗi nhân vật, mỗi cá nhân đều đứng chông chênh giữa lằn ranh tốt xấu. Nàng Tấm, Cám, Hoàng thượng, dì ghẻ hay anh thị vệ đều vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm gây nên nỗi đau của cuộc đời nhau. Công chúng luôn có khuynh hướng tin tưởng và ủng hộ điều thiện, nhưng ở đâu đó trong sâu thẳm mỗi người xem đều có khoảnh khắc thương xót hay thậm chí là đồng cảm với dì ghẻ và Cám. Bởi họ cũng chỉ là người mẹ thương con, gánh chịu điều tiếng và thiếu nữ mù quáng vì tình yêu.

Chuyện Tấm Cám qua lời kể của Ngô Thanh Vân, Huỳnh Lập, Chi Pu và những góc nhìn khác biệt Ảnh 16

Cùng lấy cảm hứng từ tích “Tấm Cám” quen thuộc, nhưng câu chuyện của đạo diễn Ngô Thanh Vân, Huỳnh Lập và nữ ca sĩ Chi Pu lại mang đến những góc nhìn khác nhau, vẽ nên một bức tranh toàn cảnh và thú vị về hai nhân vật dân gian nổi tiếng. Thời ấu thơ non nớt với những câu chuyện cổ tích, nơi cái ác chưa bao giờ giành chiến thắng, nhưng khi bước ra một thế giới phức tạp hơn, ranh giới thiện ác mong manh đến nỗi cái xấu vẫn có câu chuyện của riêng mình để được thương xót, cảm thông…

Chuyện Tấm Cám qua lời kể của Ngô Thanh Vân, Huỳnh Lập, Chi Pu và những góc nhìn khác biệt Ảnh 22

Chuyện Tấm Cám qua lời kể của Ngô Thanh Vân, Huỳnh Lập, Chi Pu và những góc nhìn khác biệt Ảnh 23

Bài viết

Nguyễn Thu Hà - CTV

Thiết kế

Yến Võ

Chia sẻ