Phim Ảnh

'Mẹ chồng': Suy cho cùng vẫn là tình mẫu tử

Phương Thảo
Chia sẻ

Tạm đặt sang bên cạnh những tranh đấu, mưu kế thâm sâu như chốn thâm cung, "Mẹ chồng" là một bộ phim thấm đẫm tình mẹ - con trong mọi ngóc ngách. Bắt đầu bằng khao khát sinh con, tiến triển bởi ước mong cho con trai được hạnh phúc, "Mẹ chồng" cũng kết thúc bằng chính tình mẫu tử.

Mẹ chồng là tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Lý Minh Thắng, quy tụ dàn mỹ nhân nhiều thế hệ như: Diễm My 6X, Thanh Hằng, Lan Khuê, Midu, Ngọc Quyên,… Bộ phim được xem là phim về “thâm cung nội chiến” đầu tiên trên màn ảnh rộng Việt Nam khi xoay quanh cuộc chiến “không hồi kết” giữa những người đàn bà trong nhà Hội đồng Lịnh. Ra rạp cùng nhiều trông chờ, kì vọng từ khán giả vừa là thuận lợi, đồng thời trở thành “con dao hai lưỡi”, khiến Mẹ chồng vô tình bị gán mác “bom tấn”. Cũng từ đó, không ít ý kiến trái chiều đánh giá bộ phim về dàn diễn viên, diễn xuất cũng như nội dung, diễn biến.

Đặt tạm sang một bên những kì vọng về cuộc chiến như “thâm cung nội chiến” giữa các người đẹp giành tranh chỗ đứng, quyền sống và quyền được yêu thương, thì Mẹ chồng đơn thuần là bức tranh về người phụ nữ xưa, hứng chịu luật lệ phong kiến cổ hủ, hà khắc, khao khát hạnh phúc giản đơn. Với phong cách làm phim duy mĩ của đạo diễn Lý Minh Thắng, phim không quá nhanh, mà tập trung khai thác, thơ hóa các chi tiết nhỏ nhất. Điều này vô tình khiến khán giả ít nhiều thất vọng bởi tình tiết không quá kịch tính, mặt khác, lại giúp diễn biến tâm lý, tình cảm nhân vật phát triển tự nhiên. Ở đó, động cơ tận cùng, sâu thẳm bên trong của những người đàn bà nhà Hội đồng Lịnh không phải khát vọng sống, khát vọng yêu, mà là tình mẫu tử thiêng liêng…

Tình mẫu tử - Động lực để những người mẹ vùng lên

Bà Hai Lịnh (Diễm My 6X) là người đàn bà quyền lực nhà Hội đồng Lịnh, cả một đời duy trì luật lệ, gia quy. Cũng chính vì thế, bà trở thành người mẹ chồng cay độc, hà khắc trong mắt con dâu - Ba Trân (Thanh Hằng). Tuy nhiên, suy cho cùng, bà Hai Lịnh cũng chỉ là một người phụ nữ hết lòng vì gia đình chồng, vì tương lai Hai Nhứt. Chứng kiến bà đau đớn thảm thiết: “Dòng dõi gia tộc họ Huỳnh không bao giờ tuyệt tôn tuyệt tử” trước sự ra đi của con trai, để rồi mang nỗi đau ấy dồn lên người con dâu và cứ thế ngã bệnh, người xem không khỏi xót xa, cay đắng.

Đâu chỉ bà Hai Lịnh - người đàn bà mang đậm tư tưởng phong kiến nhà Hội đồng Lịnh, mà Tuyết Mai (Midu) - con dâu Ba Trân, cô gái có nhận thức tiên tiến, được giáo dục tử tế, cũng chịu áp lực sinh con trai cho gia đình, dòng họ. Xuyên suốt Mẹ chồng, vợ hai của Hai Phước có bất bình, có “nổi loạn” trong lòng, nhưng chưa hề vùng lên. Cô chỉ thực sự mất bình tĩnh, trực tiếp đối đầu mẹ chồng khi tính mạng đứa bé trong bụng bị đe dọa. Thể hiện tròn trịa phân cảnh người mẹ như “hóa điên” để bảo vệ con, Midu bộc lộ khả năng diễn xuất ngày một trưởng thành.

Lặp đi lặp lại ở Mẹ chồng là lời nhắc nhở mà bất cứ mẹ chồng nào cũng truyền lại con dâu, cũng là truyền lại tư tưởng phải sinh con trai nối dõi đã ăn sâu trong tiềm thức: “Trong ba tội bất hiếu, không con nối dõi là tội lớn nhất”. Do đó, đâu phải chỉ khao khát nắm giữ vị trí cao nhất tại nhà Hội đồng Lịnh, Ba Trân (Thanh Hằng) nhân bản bi kịch chung chồng cho các con dâu cũng bởi lý do: Không muốn con trai mình - Hai Phước mắc phải tội bất hiếu lớn nhất.

Tình mẫu tử cũng là thứ khiến người mẹ chấp nhận buông bỏ 

Lao vào cuộc chiến phải đánh đổi bằng nước mắt, thậm chí là mạng sống giữa các nàng dâu trong gia đình Hội đồng Lịnh, những người phụ nữ chỉ mong muốn cuộc đời hạnh phúc, bình yên cho con trai. Tình mẫu tử khiến họ bất chấp dấn thân, nhưng cũng là điều làm họ chấp nhận buông bỏ. Nếu không sinh ra cậu con trai Hai Phước, liệu Ba Trân có còn tiếp tục chịu đựng, khi cậu Hai Nhứt đã không còn?…

Lại nhìn về nàng dâu thứ hai được bà Hai Lịnh nghênh rước về gia đình Hội đồng Lịnh, sau sự ra đi của cậu Hai Nhứt, Bảy Loan (Ngọc Quyên) hạ sinh con trai - Thiện Khiêm (Song Luân), chấp nhận sống cuộc đời câm lặng, nín chịu như đời tôi tớ. Một dạ hai vâng, nhẫn nhịn nghe theo lời vợ cả Ba Trân, suy cho cùng, Bảy Loan chỉ mong Thiện Khiêm được an yên, có điều kiện học tập và phát triển ở bên ngoài. Do đó, khi chính con trai phá vỡ những cố gắng cô dày công xây dựng, đắc tội với Ba Trân, Bảy Loan nhận thức rằng mẹ con cô sẽ không thể sống cuộc đời bình yên như trước và lựa chọn giải thoát. Cái kết cay đắng dành cho nhân vật khiến khán giả không khỏi xót xa.

Không dừng lại ở đó, Tuyết Mai - cô gái hồn nhiên, tân thời, đành lòng về gia đình phong kiến, cổ hủ chỉ để cứu cha, cũng chấp nhận buông bỏ khi chưa đạt được mục đích. Lời vợ thứ Hai Phước thảm thiết van xin được tay trắng, mang đứa bé ra khỏi nhà Hội đồng Lịnh khiến Mẹ chồng trở thành bộ phim đẩy cao tình mẫu tử trong từng ngóc ngách…

Tình mẫu tử trong “Mẹ chồng”: Làm dịu dàng cả những người đàn bà cay độc, quyền lực nhất!

Ba Trân là nhân vật thể hiện lối diễn xuất đã đạt đến độ chín của người đẹp Thanh Hằng, khi nữ diễn viên không chỉ hóa thân tròn trịa thành người đàn bà cay độc, tàn nhẫn, mà còn bộc lộ thành công những hạnh phúc hay đớn đau mà người mẹ trải qua. Đặt trọn kì vọng, yêu thương vào con trai, nhưng không may, Ba Trân sinh ra người con ngây ngơ, khù khờ, lớn lên vẫn mang nhận thức một đứa trẻ lên năm.

Xuyên suốt Mẹ chồng, người ta thấy một Ba Trân lạnh lùng dò xét; thấy một nàng dâu vùng dậy nắm quyền, đe dọa mẹ chồng; một người mẹ chồng áp đặt luật lệ hà khắc lên các con dâu, hay một người phụ nữ quyền lực đứng đầu Đại Điền, sẵn sàng ra tay với những kẻ đầy tôi dám liều mình làm phản. Suốt gần hai mươi năm lộng quyền trong gia đình Hội đồng Lịnh, Ba Trân cần sự sắc sảo, bản lĩnh và trái tim sắt đá.

Thế nhưng, khán giả vẫn thấy một Ba Trân nóng lòng, sốt ruột, ấy là khi con trai Hai Phước của cô vấp ngã trong trận thi đấu, nỗi lo lắng ấy không hề thay đổi so với ngày cô xót xa trông thấy đứa bé Hai Phước vấp ngã lúc chập chững biết đi. Có thể nói, Ba Trân chỉ thực sự dịu dàng mỗi lần cưng nựng, dỗ dành đứa con trai khù khờ, lúc thấy anh hạnh phúc bên “vợ đẹp” Tuyết Mai, hay khi cuối cùng, Hai Phước không còn mắc tội lớn nhất trong ba tội bất hiếu.

Những hình ảnh dịu dàng hiếm hoi của Ba Trân.

Cũng khi ở bên con trai, Ba Trân mới rơi nước mắt: giọt nước mắt bất lực vì Hai Phước không nghe lời, cô cay đắng: “Nếu ngày đó má không giữ được con thì má cũng như con cào cào này, có búng có nhảy thì cũng chỉ là kiếp sống trong tay người ta”; hay giọt nước mắt thảm thiết bởi chính những điều cô làm vì con đã hại con! Ai oán thay hình ảnh cuối cùng thảm thương cho số phận Ba Trân - loài hoa cỏ thanh cao, chấp nhận trở thành loài rắn mang nọc độc vì con. Tua lại phút giây Ba Trân dịu dàng bên Hai Phước trên nền nhạc là lời ru não nề khi khép lại, Mẹ chồng để lại trong lòng người xem nhiều cảm xúc.

Như vậy, tạm đặt sang bên cạnh những tranh đấu, mưu kế thâm sâu như chốn thâm cung, Mẹ chồng là một bộ phim thấm đẫm tình mẹ - con trong mọi ngóc ngách. Bắt đầu bằng khao khát sinh con, tiến triển bởi ước mong cho con trai được hạnh phúc, Mẹ chồng cũng kết thúc bằng chính tình mẫu tử. Đạo diễn Lý Minh Thắng từng đề nghị đừng xem Mẹ chồng của anh là một bom tấn. Vì vậy, hãy thử nhìn nhận phim như những bộ phim khác, cảm nhận trọn vẹn tình người, và ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà tác phẩm đem đến.

Chia sẻ

Bài viết

Phương Thảo

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất