Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'Mẹ chồng': Những người đàn bà cả đời đi tìm ánh sáng

Những câu chuyện xoay quanh mối quan hệ rối ren giữa mẹ chồng - nàng dâu vẫn luôn là vấn đề muôn thuở trong lối sống, nếp nghĩ của con người Việt Nam từ cổ chí kim. Đến với "Mẹ Chồng" chúng ta lại một lần nữa có cái nhìn trực quan và sâu sắc hơn về họ - những người phụ nữ xa lạ chung một mái nhà.

Bi kịch cuộc sống của những người phụ nữ chịu 'kiếp chồng chung”

Mẹ Chồng là bộ phim lấy bối cảnh của làng quê Đại Điền trù phú vào những năm 50, khi chế độ thực dân nửa phong kiến vừa chớm lụi tàn. Cũng chính vì vậy, mà trong lối sống lẫn nếp nghĩ của con người thời đại này vẫn còn mang nặng những lễ giáo cổ xưa cùng những quan niệm hà khắc, đặc biệt là đối với thân phận người phụ nữ.

Diễm My 6x trong vai bà Hai Lịnh

Câu chuyện mở ra với một gia đình bề thế bậc nhất vùng Đại Điền lúc bấy giờ của Hội đồng Huỳnh Văn Lịnh. Bà Hai Lịnh - vợ ông Hội đồng (Diễm My 6X) chính là người phụ nữ quyền lực, quán xuyến mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà và cũng là người nắm giữ chìa khóa gia bảo của Huỳnh gia. Vợ của cậu Hai Nhứt - cô Ba Trân (Thanh Hằng) về làm dâu bà Hai Lịnh trong những tháng ngày son sắt nhất của một người con gái, nhưng đáng buồn thay điều cô nhận về chỉ toàn là cay đắng.

Những định kiến và hủ tục hà khắc bà Hai Lịnh áp đặt và giáo huấn Ba Trân thật sự đã từng bước ép cô vào tuyệt vọng. Vì trót làm mất giọt máu đầu tiên của gia tộc, Ba Trân đã bị mẹ chồng đối đãi bằng đòn roi cùng những lời lẽ tàn độc. Không một lời an ủi, không một chút cảm thương, bà Hai Lịnh tiếp tục lấy vợ cho con trai mình vì mong có cháu nối dõi trong niềm uất nghẹn của con dâu. Bảy Loan (Ngọc Quyên) về làm dâu nhà họ Huỳnh chưa bao lâu thì đã mang thai con của cậu Hai Nhứt, nhưng trong lòng anh vẫn luôn dành một vị trí đặc biệt cho người vợ cả của mình.

Bảy Loan (Ngọc Quyên).

Sau một tai nạn, cậu Hai Nhứt qua đời. Ngày cậu mất là ngày mợ Bảy Loan hạ sinh Ba Khiêm, và cũng chính là ngày Ba Trân biết được mình đã có thai cậu Hai Phước (Lâm Vinh Hải). Bà Hai Lịnh vì quá sốc khi nhận được hung tin của con trai nên đã bán thân bất toại. Không biết nên nói rằng trời chiều lòng người khi cho Ba Trân cơ hội xoay chuyển cuộc đời, hay nên bảo rằng trời thật khéo trêu người khi đưa cả gia tộc họ Huỳnh vào những tháng ngày đen tối nhất ?

Tư Thì (Lan Khuê).

Ngày Ba Trân nắm mọi quyền hành và có một nàng dâu, cô đã dùng chính cái cách tàn độc của mẹ chồng mình năm xưa để giáo huấn, răn dạy con dâu. Vô hình chung, cô Ba Trân năm nào đã mang dáng dấp bà Hai Lịnh - con người cô từng rất căm thù. Và cũng chính lúc này, Ba Trân đã lặp lại hành động từng khiến mình tổn thương với con dâu cả Tư Thì (Lan Khuê) - lấy vợ thứ cho Hai Phước. Tuyết Mai (Midu) bước vào nhà họ Huỳnh làm vợ cậu Hai một cách bình lặng, không kèn trống, không khoa trương, nhưng cuộc đời cô tiếp sau đó là những chuỗi ngày đầy sóng gió.

Năm người phụ nữ, năm tính cách khác nhau nhưng họ chung nhau một thứ gông xiềng oan trái của hủ tục, định kiến và bất công. Bi kịch nhất là chính họ cũng không nhận ra được bi kịch của cuộc đời mình.

Cô Ba Trân - Một cuộc đời chồng chất bi kịch

Chắc hẳn sẽ không ai có thể phủ nhận Ba Trân chính là nhân vật mang trong mình nút thắt nội tâm to lớn nhất. Xuất thân trong một gia đình có học thức với cha làm nghề y, hơn ai hết cô ý thức được giá trị của bản thân mình. Bước chân về nhà họ Huỳnh bề thế, hạnh phúc chưa một lần trọn vẹn thì Ba Trân lại phải đối mặt với nỗi đau mất con. Vết thương lòng chưa kịp nguôi ngoai thì từng câu từng lời cay độc của bà Hai Lịnh như từng mũi dao xuyên thấu tâm can của một người con gái trẻ. “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” (Trong ba tội bất hiếu, không có con nối dõi là tội lớn nhất), “Cây độc không trái, gái độc không con” chính là hai câu nói đã biến một cô Ba Trân hiền lành, chân chất thành một bà mẹ chồng hà khắc và độc tài.

Trời chiều lòng người cho Ba Trân hạ sinh một cậu con trai, là Hai Phước. Nhưng trớ trêu thay cậu lại không thể phát triển bình thường như những chàng trai đồng trang lứa. Dù đã có vợ, nhưng Hai Phước vẫn như một đứa trẻ mãi núp sau bóng mẹ không thể trưởng thành, lúc nào cũng ghi nhớ câu nói: “Cậu Hai Phước là con của cô Ba Trân, là cháu đích tôn của nhà họ Huỳnh”. Giống như một lời nhắc nhở về thân phận mình, tựa như một lời nguyền đeo đẳng cả cuộc đời Ba Trân gợi nhắc cô về những ngày cùng cực, cho đến khi tia khi vọng là Hai Phước lóe lên trong đời cô.

Không từ bất cứ thủ đoạn nào kể cả dùng tà thuật để chiếm lấy vị trí người giữ chìa khóa gia bảo nhà họ Huỳnh, nhưng Ba Trân là nhân vật đáng thương hơn là đáng trách. Đó là một người đàn bà nếm trải tất cả đau thương của kiếp nhân sinh: mất con, mất chồng, mất tôn nghiêm và đánh mất cả chính bản thân mình. Hơn hết, cái tất yếu mà mọi con người mưu cầu là tình yêu mà Ba Trân cũng phải tự tay mình bóp nghẹt thứ tình cảm đó. Nội tâm của người đàn bà như cô giằng xé đến khôn cùng cho dù gương mặt sắc lạnh kia có chân thật đến thế nào đi nữa. Có thể nói, từ ngày cất bước theo chồng thì cuộc đời của người con gái ấy đã thật sự sang trang, một trang sách tối tăm và bế tắc.

Khi tất cả đều là nạn nhân… 

Khi xem phim, sẽ có lúc khán giả chợt giật mình nhận ra trong số năm người đàn bà đơn độc nhà họ Huỳnh, không ai quyền lực hơn ai cả. Họ đều là nạn nhân của một xã hội bị định kiến và quy củ ăn sâu vào tiềm thức. Và cứ thế, họ sống và chấp nhận như biết bao người phụ nữ khác, hoặc trở thành một nạn nhân “quyền lực”, hoặc cắn răng cam chịu, nhẫn nhục cho đến ngày xuôi tay nhắm mắt.

Không đấu tranh, không tìm cách giải phóng mình, những người đàn bà Đại Điền của những năm 50 chấp nhận sống chung với tất cả những gì thời đại bắt họ phải tuân theo để rồi cái nhận được chỉ là cay đắng và nước mắt.

Trailer phim Mẹ chồng.

Mẹ Chồng thật sự là bức tranh tái hiện chân thật nỗi đau, sự bấp bênh của những người con gái lúc bấy giờ, đó cũng chính là bản nhạc đau thương của số phận đầy sóng gió - phận làm dâu.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Kim Ngân

Được quan tâm

Tin mới nhất