Xã hội luôn được bao bọc bởi sự hào nhoáng, những điều tốt đẹp và một phần nào đó sẽ khiến bạn nghĩ rằng thế giới này toàn màu hồng. Nhưng bất cứ sự việc nào cũng có những góc khuất và bề chìm của nó. “Thế giới ngầm" là một trong những chủ đề rất hot và ít những đạo diễn dám khai thác triệt để những mặt tốt và mặt xấu. Trong “Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử” chủ đề này đã được tận dụng một cách triệt để hứa hẹn đem đến những yếu tố vô cùng bất ngờ. Thông điệp nhân văn mà “Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử” gửi gắm giúp khán giả nhìn nhận vấn đề này qua hai mặt tốt xấu từ đó khẳng định được chất phim mà “Chị Mười Ba” đã tạo dựng.
Một tiếng “anh em” đầy thiêng liêng và ấm áp
Nếu bạn đã từng ấn tượng về tình nghĩa anh em trong giới giang hồ ở các phần phim trước thì “Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử” cũng sẽ không làm bạn thất vọng.
Nó đã được thể hiện ngay ở nội dung phim. “Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử” là câu chuyện kể về Kẽm Gai (Anh Tú) sau khi ra tù và được Chị Mười Ba (Thu Trang) giúp đỡ - mở một garage sửa chữa xe. Vào một ngày, Kẽm Gai bị truy sát khi tình nghi giết chết Đức Mát (Phát La) – em ruột của Thắng Khùng (Kiều Minh Tuấn). Chị Mười Ba đã vô cùng quả quyết và tin tưởng đàn em của mình vô tội. Đây là một trong những yếu tố gây điểm rất lớn trong lòng khán giả vì sự mới mẻ trong nội dung, cách nhìn nhận vô cùng nhân văn đến từ các nhân vật.
Câu thoại “Nếu trong 3 ngày không tìm được Kẽm Gai thì người nằm trong hũ cốt là tao” một phần nào đó khiến thông điệp này trở nên nổi bật. Nó không đơn giản chỉ là tình anh em, huynh đệ mà còn là lòng tin tưởng của những con người trong giới giang hồ. Lòng tin luôn được đặt lên hàng đầu thúc đẩy họ không từ bỏ và sống chết cùng nhau.
Cái thiện bên trong vỏ bọc giang hồ
Dù các nhân vật có gai góc đến đâu nhưng họ vẫn luôn hướng tới những điều tốt đẹp và làm những việc đúng đắn. Như nhân vật “Chị Mười Ba” với vẻ bề ngoài cứng rắn, toát lên khí chất giang hồ nhưng bên trong là một trái tim ấm áp, nhìn nhận mọi chuyện theo lẽ phải. Được thể hiện rõ qua chi tiết khi Chị Mười Ba “gác kiếm” để “cải tạo quy chính” nhưng bất cứ đàn em của mình gặp chuyện thì vẫn luôn đứng lên bảo vệ đến cùng. Chị không đánh giá mọi chuyện một cách vội vàng mà không có chứng cứ xác minh, không vội kết tội Kẽm Gai khi tất cả những nghi vấn đều đổ dồn vào anh có tội, Chị Mười Ba tin tưởng đàn em mình đến cùng quyết tìm ra những chứng cứ mặc cho bản thân đang gặp những nguy hiểm.
Dường như đây là một ý đồ nghệ thuật cũng như là một hồi chuông làm cảnh tỉnh tất cả khán giả khi xem phim: Không nên đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài, sự đánh giá của bạn có thể giết chết một trái tim lương thiện. Từ xưa đến nay, khi nhắc đến hai chữ “giang hồ” thì ai ai cũng nghĩ về hướng tiêu cực nhưng “Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử” chắc chắn sẽ làm thay đổi suy nghĩ đó.
Tính hành động và hài hước vẫn được bảo đảm
“Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử” vẫn giữ được sức nóng suốt 90’ với những cảnh hành động mãn nhãn và được đầu tư kỹ càng. Với những trận đánh lớn, đại cảnh được đầu tư với nhiều hiệu ứng cháy nổ cũng như những diễn viên phụ đều thể hiện rất tốt, tổng thể tạo nên một trận hỗn chiến giữa các băng đảng đáng xem vô cùng.
Bên cạnh đó, ở những cảnh cận hành động cũng rất nhiều và các diễn viên như Thu Trang, Anh Tú, La Thành, Thanh Tân,... đã thể hiện sự tiến bộ và chịu khó đánh đấm hơn so với phần 1. Thậm chí, không còn chỉ dùng gậy gộc nữa mà sang phần này, vũ khí đã được nâng cấp thêm với ống tuýp, cây gỗ, súng ngắn,...
Những mảng miếng trong phim vẫn giữ được độ hài hước bởi lời thoại duyên dáng sặc mùi “cà khịa" nhau, xen lẫn với những tình huống tréo ngoe cười ra nước mắt. Ở phần này, phim vẫn giữ được yếu tố rất đời, rất bình dân và dễ để khán giả cùng khóc cùng cười với phim.
Kết
Những điểm khiến “Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử” khác biệt và đặc sắc hơn những phim hài hành động khác chính bởi trong mỗi phân đoạn đều được cài gắm những câu chuyện. Những câu chuyện này là “con át chủ bài” để khiến bộ phim trở nên bùng nổ về mặt cảm xúc, lôi cuốn khán giả đến những giây phút cuối cùng.
Phim đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.