Phim Ảnh

Chỉ 6 phút, phim ngắn của Xuân Nghị khiến khán giả rơi nước mắt về người thầy chủ nhiệm trong ngày 20/11

Huỳnh Hoàng
Chia sẻ

Có những hiểu lầm, nghĩ sai về thầy cô giáo khi ta đi học... Có những giận hờn, thậm chí ghét thầy vì sự nghiêm khắc. Bạn cũng giống như Xuân Nghị trong phim ngắn "Thầy chủ nhiệm", để rồi khi nhận ra lỗi của mình, thì có khi đã muộn màng...

Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20/11 luôn đầy ắp những lời chúc, những đóa hoa hồng gửi tặng đến quý thầy cô giáo ở mọi miền đất nước. Đây là ngày tri ân những người gõ đầu trẻ, miệt mài với đam mê mang con chữ, kiến thức đến bao thế hệ học sinh. Bên cạnh những câu từ hoa mỹ, đâu đó vẫn có những hiểu lầm, giận hờn về người thầy bởi những khó khăn, nghiêm khắc đối với con trò. Hãy thẳng thắn trả lời: Đã bao giờ ghét một thầy cô giáo nào chưa?

Trong phim ngắn dài vỏn vẹn 6 phút của “Mr Cần Trô” Xuân Nghị - Thầy chủ nhiệm, anh đã mang đến một góc nhìn khác về ngày Nhà giáo Việt Nam, về người thầy của mình. Nghị là một cậu học trò nhà nghèo, học giỏi - motip không mấy lạ lẫm với những bộ phim như thế này. Chỉ khác một điều, Nghị nóng tính, luôn có những suy nghĩ bi quan, tiêu cực về những người xung quanh.

Phim ngắn “Thầy chủ nhiệm”.

Ở lớp, Nghị luôn cho rằng thầy chủ nhiệm (Lê Quốc Nam) làm khó mình vì nhà nghèo, thường xuyên quở trách, bắt phạt với những lý do không đáng. Ngày qua ngày, những suy nghĩ ấy gieo rắc trong tâm trí cậu học trò, khiến cậu càng thêm ác cảm về thầy. Cho đến một ngày, khi Nghị tình cờ phát hiện trong quyển sổ chi tiêu của người cha nghèo có một khoản tiền chi hàng tháng gửi đến thầy chủ nhiệm.

Ngay lập tức, cậu nghĩ ngay đến những tấm bằng khen đã nhận, nghĩ ngay đến lớp học thêm mà thầy nói là “miễn phí”. Cậu giận dữ vì cho rằng mọi thứ đều được tạo bởi tiền. Cậu đau đớn khi nghĩ đến thầy chủ nhiệm - hóa ra ông là một người tư lợi vật chất, mặc kệ gia đình Nghị nghèo khó ra sao vẫn vui vẻ cầm lấy những đồng tiền khổ cực từ cha của cậu. Cơn giận bùng nổ khi Nghị nhớ ra rằng, bao năm qua cậu không có chiếc áo, cái quần tử tế để mặc đi học, thay vào đó lại là những bộ đồ cũ mà cha nhặt về, xin được từ nhà hàng xóm, từ gia đình bạn học của Nghị.

Nghị bỏ nhà ra đi khi mọi thứ vỡ òa ngay trước mặt cha… Nỗi lo nghĩ của người cha già vẫn dành hết sức lực lo cho con, Nghị hoàn toàn không chạm đến được. Và rồi khi cậu gặp lại thầy chủ nhiệm ở bờ sông, nơi cậu thẫn thờ với chú chó mà mình yêu thương - người bạn duy nhất ở thời điểm này, cậu mới hiểu hết mọi nguyên cớ…

Những khoản tiền mà cha Nghị gửi đến thầy chủ nhiệm cho vấn đề gì? Vì sao người thầy lại luôn nghiêm khắc với cậu? Điều đó xin để độc giả tự khám phá trong phim ngắn Thầy chủ nhiệm của Xuân Nghị. Thông qua tác phẩm này, người xem chợt thấy mình trong đấy, ngẫm lại nhiều lần suy nghĩ sai về thầy cô, về những lần bị mắng phạt… Chỉ trong vòng 6 phút ngắn ngủi, Xuân Nghị đã truyền đạt được ý nghĩa về người thầy trên bục giảng và cả trong đời sống của học sinh, mang đến một nỗi buồn man mác xuyên suốt tác phẩm, nhưng đồng thời để lại bài học sâu cay cho người xem.

Giá mà… Nghị chịu bình tĩnh để lắng nghe lời giải thích của cha. Giá mà… Nghị có cái nhìn khách quan hơn về cuộc sống này… Và với mỗi người trong chúng ta, hãy tìm hiểu thật kỹ nguyên do trước khi đánh giá một ai đó, đừng để những suy nghĩ sai của mình vô tình áp đặt lên họ và để lại những hậu quả đáng tiếc.

Mong rằng trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 này, các cô cậu học trò, dù đang ngồi trên ghế nhà trường, hay đã tốt nghiệp và vút bay với sự nghiệp của mình, thì vẫn sẽ nhớ đến những thầy cô đã dìu dắt, dạy bảo chúng ta nên người. “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”.

Chia sẻ

Bài viết

Huỳnh Hoàng

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất