Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Cánh diều vàng 2018 - 'Chàng vợ của em': Thấm đẫm nữ quyền và thông điệp quý giá về gia đình thông qua bữa cơm nhà

Bộ phim điện ảnh Chàng vợ của em do Charlie Nguyễn làm đạo diễn đã truyền tải thông điệp về gia đình, nữ quyền thông qua câu chuyện hài hước của Thái Hòa, Phương Anh Đào, Thanh Trúc. Phim cũng xứng đáng nhận giải Cánh diều vàng 2018.

Cánh diều vàng là giải thưởng danh giá dành cho những bộ phim truyền hình, điện ảnh xuất sắc nhất trong một năm qua. Trong năm 2018, điện ảnh Việt đã có những tác phẩm đáng giá như Tháng năm rực rỡ, Người bất tử, Song Lang… nhưng Chàng vợ của em là tác phẩm được vinh danh ở hạng mục Cánh diều vàng - Phim xuất sắc nhất cùng với giải Đạo diễn dành cho Charlie Nguyễn và Nữ phụ xuất sắc của diễn viên Thanh Trúc.

Có thể dễ dàng nhận thấy Chàng vợ của em có cốt truyện tương đối đơn giản và quen thuộc. Nhưng thay vì cho rằng bộ phim đi theo thể loại rom-com sáo mòn với những câu chuyện tình yêu sến sủa hoặc đầy tính cao trào, Chàng vợ của em lại là “con lai” của thể loại tâm lí - tình cảm và dòng phim “chick flick” (dành riêng cho phái đẹp) hơn là một tác phẩm mang trách nhiệm “nặng đô” kiểu như hô hào kêu gọi bình đẳng giới.

Dù thế, thông điệp của của bộ phim gửi gắm cũng đầy tính nhân văn: chúng ta có thể chọn cho mình trở thành bất kì ai, thay vì để cho những định kiến xã hội áp đặt, giới hạn trong những khái niệm “vợ” hay “chồng” một cách ngột ngạt.

Xem Chàng vợ của em, ta bắt gặp một “chàng vợ” cực kì giỏi việc nội trợ, chân chất và sống tình cảm đến mức hi sinh của hạnh phúc của chính mình như Hùng; hay một “nàng chồng” kiêu hãnh và xuất sắc trong công việc nhưng “í ẹ” trong khoản chăm sóc bản thân như Phương Mai. Giữa họ dường như không có điểm chung nào ngoại trừ những lần “va chạm” nhau đầy tình cờ và thật bất ngờ ở công viên trong lúc tập thể dục buổi sáng. Khoản lương béo bở cùng mong muốn em gái tập trung vào việc học; a lê hấp, Hùng đã trở thành “ô-sin part time” cho “cô chủ” khó chiều như Mai, bất chấp nỗi ám ảnh về… chó “thâm căn cố đế” của mình.

Bên cạnh những tiếng cười sảng khoái đem đến cho người xem, tác phẩm thấm đẫm tinh thần nữ quyền và mang lại thông điệp quý giá về gia đình thông qua bữa cơm nhà.

Mang tên nhấn mạnh về tình yêu song bộ phim của đạo diễn Charlie Nguyễn lại làm người xem rơi nước mắt vì tình cảm gia đình. Không phải ngẫu nhiên mà Hùng (Thái Hòa thủ vai) lại có thể trở thành “chàng vợ”, anh biết nấu ăn ngon, chăm sóc nhà cửa cũng bởi thời gian dài đã tập cách làm “mẹ” cho em gái. Câu chuyện về người anh gác lại ước mơ để bù đắp cho bé Ngọc (Thanh Trúc đảm nhận) và cô em gái luôn khó chịu trước sự quan tâm thái quá của anh, khiến người xem cảm động và bất giác nhớ về gia đình của mình.

Trong khi đó, Mai (Phương Anh Đào đảm nhận) cũng không ngẫu nhiên trở thành “nữ cường”, lăn xả vì công việc đến bỏ bê gia đình. Từ nhỏ, cô luôn bị ám ảnh bởi cái bóng của người mẹ nổi tiếng nhưng không hề chăm sóc cho con gái. Bi kịch lại một lần nữa lặp lại ở gia đình hai người phụ nữ mải miết theo đuổi sự nghiệp. Hành trình Mai nhận ra giá trị của bữa cơm nhà không hề muộn màng, mà khép lại đẹp đẽ bằng bữa ăn sum vầy với mẹ.

Câu chuyện về “chàng vợ” thay người mẹ đã mất chăm sóc cho em gái và người phụ nữ tự rời xa căn bếp đã nhắc nhở người xem về giá trị thực sự của cuộc sống, đó chính là gia đình với bữa ăn sum vầy mỗi ngày. Đứng đằng sau bữa ăn gia đình đó luôn là bóng dáng của người mẹ, người vợ. Chi tiết Mai đem những câu chuyện, con người thật vào bài thuyết trình của mình là phân cảnh cao trào trong phim; khiến khán giả rơi nước mắt, nhưng là giọt nước mắt cảm động, hạnh phúc.

Không thể phủ nhận rằng, Mai là hiện thân rõ ràng và dễ thấy nhất của tinh thần nữ quyền trong bộ phim; song tất cả những người phụ nữ khác cũng đem đến giá trị riêng. Đó có thể là nữ ca sĩ Khánh Ly (Hồng Hạnh đảm nhận) cả một đời mải miết vì nghiệp cầm ca, nhưng vẫn không quên bản năng làm mẹ của mình; cô bé Ngọc thiếu vắng đi tình thương của mẹ, được anh trai thay mẹ chăm sóc, quan tâm; hay thậm chí là người bạn ở nhà nội trợ của Mai, chưa một lần được nữ chính lắng nghe, san sẻ.

Thông điệp thực sự của bộ phim không chỉ nằm ở người con gái có khả năng đảm đương tất cả “công to việc lớn” của phái mạnh, mà là cách tôn vinh những công việc tưởng chừng như nhỏ bé, đời thường của mỗi người mẹ, người vợ. Tác phẩm đã có cách kể chuyện rất thông minh, khi để Mai rời xa căn bếp, và rồi lại chính là người nhận ra giá trị của bữa ăn gia đình, hay chính là của những người phụ nữ thầm lặng, hi sinh.

Bộ phim là sự kết hợp khá trọn vẹn của bộ đôi vàng của thể loại hài, lãng mạn Charlie Nguyễn - Thái Hòa; và nhân tố mới mẻ Phương Anh Đào. Sau những tiếng cười và giọt nước mắt, điều làm nên sức hút thực sự của câu chuyện là thông điệp mà chúng đem lại, và ở đây là tinh thần nữ quyền và sự tôn vinh dành cho những người phụ nữ.

Đạo diễn Charlie Nguyễn tiếp tục khẳng định tư duy điện ảnh qua sự chắc tay trong kịch bản; sau thông điệp về nữ quyền khiến khán giả phấn khích, giá trị của gia đình và bữa cơm nhà mới thực sự làm người xem rơi nước mắt. Không ít khán giả cho rằng, ngay khi màn bạc tối đen, chỉ muốn ngay lập tức nhấc điện thoại lên gọi về cho mẹ: “Tối nay con ăn cơm nhà, nhé mẹ”.

Chính vì lẽ đó, bộ phim Chàng vợ của em đã xứng đáng khi lập hattrick giải Cánh diều vàng 2018 với 3 hạng mục lớn: Phim điện ảnh, Đạo diễn và Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. Hơi đáng tiếc khi Thái Hòa và Phương Anh Đào - hai linh hồn của phim không nhận giải, thế nhưng dù sao đi nữa, chiến thắng giòn giã của đoàn phim trong buổi tối ngày 12/04/2019 cũng đã là niềm hạnh phúc cho tất cả.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Grassie

Được quan tâm

Tin mới nhất
Quyên Qui mê tít chợ đêm Vui Phết tại Phú Quốc