Phim Ảnh

Cảnh nhóm Ngựa hoang lớn đánh học sinh trong 'Tháng năm rực rỡ' có thật sự 'phản giáo dục'?

Lucas Nguyễn
Chia sẻ

Phân tích những cảnh phim và tình tiết gây tranh cãi trong "Sunny" và "Tháng năm rực rỡ" từ khía cạnh học thuật để cung cấp góc nhìn mới.

Giữa rất nhiều lời khen ngợi từ báo giới và khán giả, vẫn có nhiều ý kiến trái chiều dành cho bộ phim chuyển thể từ kịch bản gốc Sunny (Hàn Quốc) của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Cụ thể có lẽ là những ý kiến cho rằng phim có những cảnh trái với “thuần phong mỹ tục” của người Việt Nam, định hướng đạo đức xấu cho đối tượng khán giả trẻ em khi có những cảnh đánh nhau, hay người lớn lập băng đánh trẻ em hay thậm chí là nhảy nhót, vui đùa và cười tươi trước đám tang người đã khuất. Song song đó, cũng có nhiều lợi “bào chữa” cho phim khi đưa ra ý kiến rằng những chi tiết đó thuộc về logic của riêng phim và không thể áp đặt những giá trị hiện thực lên để so sánh hay phê phán.

Trước những ý kiến trái chiều đó, SAOstar muốn gửi đến các bạn một góc nhìn học thuật thuộc lĩnh vực điện ảnh học và lý luận văn học để có một cái nhìn khách quan hơn về vấn đề này.

Phân cảnh gây nhiều tranh cãi trong Tháng năm rực rỡ

Trong ấn phẩm “Làm sao để trở thành vai chính của đời mình?”, Những ẩn dụ về hy vọng của chủ thể tuổi teen trong điện ảnh Hàn Quốc (2012) , tiến sĩ Sung-Ae Lee thuộc chuyên ngành Điện Ảnh và Văn hóa châu Á trường đại học Macquarie, Sydney, Úc đã có một luận văn nghiên cứu khá đầy đủ về bộ phim Sunny của Hàn Quốc. Trong đó, tiến sĩ Lee đặc biệt nhấn mạnh về nữ quyền tính của phim, mối tương quan giữa phim với hiện thực xã hội Hàn Quốc và những phương thức mà phim sử dụng để phần nào đó “chống lại” thể chế xã hội.

Để phân tích và chứng minh luận điểm này, cô đã đưa ra hai khái niệm học thuật mang tên “carnivalesque” (carnival hóa)“grotesque” (nghịch dị). Cả hai khái niệm trên đều đã được nhà học thuyết Nga Bakhtin nghiên cứu từ những năm 1900 để làm cơ sở phân tích các tác phẩm văn học, nghệ thuật dưới thời kỳ Soviet. Giải thích nôm na thì carnivalesque và grotesque là những yếu tố mang tính hài hước, có xu hướng làm lố hoặc thái quá trong phim ảnh, văn học để nhân vật được thoát ly ra khỏi những chuẩn mực đạo đức mà xã hội áp đặt lên.

Hai trang trích từ ấn phẩm của tiến sĩ Sung-Ae Lee

Trong Sunny, có rất nhiều tình tiết áp dụng lý thuyết này của Bakhtin. Tiến sĩ Lee chỉ ra những chi tiết như cảnh hai nhóm học sinh hẹn nhau và để mở màn cuộc đối đầu, mỗi bên cử ra một đại diện để “khẩu chiến” bằng một loạt những từ chửi thề, hạ nhục đối phương. Đỉnh điểm nhất có lẽ là cảnh nhóm Sunny dắt nhau đi trả thù cho con gái của Im Na-mi khi biết tin cô bé bị bắt nạt, dẫn đến việc “đại ca” Chun-hwa dùng “giỏ xách hàng hiệu” đánh chấn thương một nữ sinh. Cũng không loại trừ một loạt cảnh phim sau đó như cảnh cả nhóm đùa giỡn như không có gì xảy ra trong xe cảnh sát, hay cả nhóm thực hiện điệu nhảy cuối cùng theo di chúc của Chun-hwa trong đám tang, và cả việc người luật sư vẫn đồng ý đọc di chúc bằng văn phong thiếu trang trọng. Qua những chi tiết trên, tiến sĩ Lee đưa ra câu hỏi rằng “nếu những tình tiết trên diễn ra ngoài đời thật thì liệu có được chấp nhận hay không?”.

Hiển nhiên câu trả lời là “không”, vì đó là những hành vi vượt ra khỏi những chuẩn mực đạo đức của xã hội. Một xã hội luôn tồn tại song song hai thứ: văn hóa và pháp luật. Nếu một hay nhiều cá nhân bị lệch khỏi hai khuôn khổ này sẽ bị trừng trị. Hãy tưởng tượng một nhóm phụ nữ U40, mặc đồ học sinh, đi ra ngoài công việc đánh nhau với một đám con nít trung học đến mức nhập viện, chắc sẽ là một tin động trời cho báo giới Việt Nam và hiển nhiên về mặt lý tính, không ai bênh vực những người phụ nữ bồng bột kia cả. Hay nếu vô tình đi qua một đám tang mà thấy đầy những gương mặt tươi cười rạng rỡ, nhảy trên nền nhạc sôi động, chắc chắn chúng ta ai cũng sẽ bĩu môi và có cái nhìn không được thiển cảm cho lắm.

Vậy quay trở lại với Sunny và bản remake Tháng năm rực rỡ, liệu có hợp tình hợp lý hay không những chi tiết trên?

Trích nguyên văn một dòng của tiến sĩ Lee, cô đã viết “xuyên suốt bộ phim, yếu tố carnival hóa báo hiệu cho sự khả thi của tính chủ thể, một sự đối đầu lại với ý thức hệ và những thể chế xã hội”. Xã hội Hàn Quốc là một xã hội đề cao vai trò của người nam. Không chỉ riêng điện ảnh Hàn mà còn cả trên thế giới, nữ giới vẫn còn thuộc tuýp nhân vật thứ yếu trong nhiều bộ phim khi họ luôn bị lệ thuộc vào nhân vật nam, nhân vật “anh hùng” và thiếu đi tính chủ thể của mình. Trong Sunny, các nhân vật tự quyết định cuộc đời của mình qua những chi tiết cho phép họ thoát ly khỏi thực tại và hành động theo đúng bản năng của mình. Như một Lễ hội Carnival ở Nam Mỹ, họ được “hóa trang” thành bất cứ thứ gì họ muốn, mọi quy chuẩn bình thường gần như được đảo lộn để phục vụ cho chủ đề và thông điệp cuối cùng mà bộ phim muốn gửi tới.

Có thể với nhiều khán giả, những chi tiết kể trên của SunnyTháng năm rực rỡ không mang tính giáo dục và lệch ra hẳn những khuôn khổ đạo đức, nhưng đứng từ khía cạnh điện ảnh học và văn học, đó là sự lệch ra có chủ đích. Trong lịch sử điện ảnh, không ít phim đã đi theo trường phái này, nhất là những phim hài của Mỹ mang đậm tính phê phán xã hội. Bộ phim Game Night gần đây của đạo diễn John Francis Daley và Jonathan Goldstein với sự tham gia của Jason Bateman và Rachel McAdams là một ví dụ điển hình khi có rất nhiều cảnh phim và tình huống phim khiến khán giả cười bể bụng nhưng hiển nhiên khó chấp nhận nếu nó xảy ra ngoài đời. Nếu chọn cách đánh giá và phê bình một bộ phim thuần vào những yếu tố thực tế của xã hội thì có lẽ sẽ thể loại phim tài liệu “documentary” là thể loại ít bị phê bình nhất.

Vậy chúng ta, những khán giả, những người yêu phim nên tiếp cận vấn đề này như thế nào? Có lẽ SAOStar sẽ để dành câu trả lời lại cho mỗi người, vì suy cho cùng ai cũng có cảm nhận nghệ thuật riêng của mình. Những học thuyết đưa ra ở trên không phải ai cũng biết và cũng có khả năng để áp dụng mỗi khi tiếp xúc với một bộ phim, càng không phải để thuyết phục mọi người rằng góc nhìn nào là chân lý. Dù gì thì trong Tháng năm rực rỡ, cảnh nhóm Ngựa hoang phục thù cũng đã được cắt ngắn lại và có sự can thiệp kịp thời của cơ quan chức năng như dân phòng, bảo vệ và lực lượng công an. Cảnh đám tang cũng ngắn hơn rất nhiều so với bản gốc và một thành viên trong nhóm còn phải chột dạ hỏi “nhảy ở đám tang vầy có kì quá hông?”. Vậy qua đó có thể thấy nhà phát hành phim ở Việt Nam lẫn đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã có những thay đổi và chỉnh sửa phù hợp hơn với văn hóa Việt nhưng cũng không làm mất đi những tình tiết quan trọng trong phim. Trên hết, Sunny hay Tháng năm rực rỡ có lẽ sẽ không còn hay và thú vị nữa nếu những phân đoạn này bị cắt đi hoàn toàn đâu.

Trailer phim Tháng năm rực rỡ.

Tham khảo: Lee, Sung-Ae. “'How Can I be the Protagonist of My Own Life?': Intimation of Hope for Teen Subjectivities in Korean Fiction and Film.” Chapter 6 in Subjectivity in Asian Children's Literature and Film: Global Theories and Implications, ed. John Stephens. New York: Routledge, 2012: 95-114

Chia sẻ

Bài viết

Lucas Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất