Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'I Can Speak': Hãy xem để thấy biên kịch Hàn vừa mang đến nụ cười, vừa lấy đi nước mắt của người xem

Bộ phim "I Can Speak" (Tiếng Anh là chuyện nhỏ) mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả, đưa người xem đi từ những tràng cười sảng khoái đến những giọt nước mắt lăn dài.

I Can Speak, hay 아이 캔 스피크 - là tác phẩm điện ảnh Hàn Quốc mới ra mắt các cụm rạp Việt Nam trong thời gian qua. Không được quảng cáo rầm rộ cũng như mặt hình ảnh có vẻ lép vế so với nhiều phim bom tấn hay kinh dị đang công phá màn ảnh rộng cùng thời điểm, thế nhưng tác phẩm mang đề tài gia đình - xã hội này lại ghi điểm bằng nội dung cực kỳ ấn tượng với những cú plot twist tuyệt vời.

Nội dung phim xuất sắc

Nhắc đến nữ diễn viên lão làng xứ Kim Chi Na Moon-Hee, người ta hẳn vẫn chưa quên diễn xuất ấn tượng của bà qua Miss Granny (Ngoại già tuổi đôi mươi) hay Twillight Gangster (Gangster tuổi xế chiều). Trong I Can Speak, Na Moon-Hee tiếp tục sở trường của mình khi vào vai cụ bà Na Ok-boom lắm chiêu và phiền phức, hành hạ phòng tiếp dân của cơ quan hành chính địa phương. Bà lão này, nếu có một phiên bản đời thực, có lẽ sẽ dọa cho chính quyền nhiều cơn hết hồn khi trong nhiều năm ròng đã gửi tới 8000 lá đơn kiện cáo và kiến nghị đủ chuyện trên to dưới bé trong khu chợ nhà mình.

Cụ bà quái tính Na Ok-boom, nỗi kinh hoàng của phòng tiếp dân.

Cốt truyện phim bắt đầu khi bà đang tìm cách khiếu nại phòng hành chính và thủ tục đất đai về việc nhiều kẻ lạ mặt đang tìm cách ngầm phá hoại dân sinh và kinh tế khu chợ để ép người dân chịu quy hoạch đất giá rẻ, vừa giúp sức dạy bổ túc cho bà môn tiếng Anh lại vừa chống lại bà là anh nhân viên cấp 7 Park Min-jae (Lee Je-hoon thủ vai).

Park Min-jae, thủ vai bởi Lee Je-hoon.

Câu chuyện dường như sẽ đi theo lối mòn cổ tích thời hiện đại, khi mà bà già khó chịu lại là một người “khẩu xà tâm phật”, cảm hóa được anh nhân viên Min-jae rồi cùng đứng lên bảo vệ khu phố khỏi những ức hiếp đến từ đám người công chức quyền thế. Thế nhưng không, không khí từ từ và chậm rãi của bộ phim dần hé lộ ra tuyến truyện chính khi quá khứ đau thương và hàng chục năm trời ôm nỗi uất hận, tủi nhục của nạn nhân chiến tranh Na Ok-boom. Bị ép làm nô lệ tình dục xong suốt chiến tranh Nhật Bản - Triều Tiên, mang trong mình sự nhục nhã và tủi hờn, bà già Na Ok-boom sống cô đơn không chồng con cho tới tuổi xế chiều để rồi cuối cùng đứng lên thêm một lần thay mặt cho người dân Hàn Quốc và những nạn nhân của chiến tranh đòi lại công bằng với chính phủ Nhật Bản.

Không phải câu chuyện cổ tích thường thấy trong phim Hàn.

Mạch phim chậm rãi và mang đặc trưng phong cách hài bình dân Hàn Quốc trong suốt một phần ba phim, nhưng những bối cảnh bình dân như khu chợ và cửa hàng sửa quần áo của bà Ok cũng như cuộc sống lo toan hàng ngày của anh nhân viên công sở Min-jae khi vừa nuôi em trai, vừa tìm cách thăng tiến trong sự nghiệp kéo lại được sự đồng cảm từ người xem, khi mà xã hội Việt Nam cũng vướng vào vòng sinh kế quay cuồng chẳng kém.

Những câu chuyện đời thường được xây dựng khéo léo là điểm nhấn của I Can Speak.

Những toan tính cá nhân của mọi người liên tục xây dựng cốt truyện đến cao trào, xen kẽ đó là những chi tiết ấm áp tình người dễ khiến người ta sụt sùi, cảm động. Đó là bà già Ok không chồng con, hàng ngày đi kiện cáo lung tung gây khó chịu cho mọi người thực chất chỉ vì quá cô đơn, tới độ sẵn sàng nấu cơm ăn hàng ngày cho một cậu học sinh cấp ba chẳng quen chẳng biết; là anh nhân viên Min-jae vốn hợp sức với sếp sòng hòng thôn tính khu chợ lại cảm động, nhận dạy tiếng Anh cho bà Ok với thù lao mấy bữa cơm khi hiểu được hoàn cảnh éo le của bà v.v…, phải nói rằng đạo diễn Kim Hyun Seok đã rất tài tình khi tạo ra một tác phẩm dài hơn hai tiếng đồng hồ mà không một khắc nào khán giả không cảm thấy tình người ấm áp len lỏi theo suốt mạch phim.

Phim tưởng vui mà lại sâu sắc không ngờ…

Những chi tiết tình làng nghĩa xóm sau cùng hợp lại ở đoạn cuối phim trở thành tinh thần dân tộc Hàn Quốc, khi mà cả khu phố, sau đó là cả quốc gia hợp lực lại và hậu thuẫn cho bà Ok trong phiên điều trần yêu cầu chính phủ Nhật Bản công khai xin lỗi các nạn nhân chiến tranh. Câu nói của bà Ok “Nếu tôi quên nghĩa là tôi đã thua” đã thay đổi nhân vật này từ một phụ nữ tinh quái nhưng tốt bụng thành một biểu tượng của quá khứ đau thương không chịu ngủ yên, chỉ đợi đến một ngày được đứng lên và đòi lại lẽ phải cho những kẻ đồng bệnh tương lân. Phải nói rằng, biên kịch Hàn Quốc quá giỏi trong việc bẻ lái kịch bản một cách tự nhiên mà vẫn làm bộ phim ổn đến không ngờ.

Câu chuyện tình làng nghĩa xóm trở thành tiếng nói dân tộc vào những phút cuối một cách khéo léo.

Diễn xuất trên cả xuất sắc

Để xây dựng được một câu chuyện đủ tầm chạm tới rung cảm của khán giả như I Can Speak, chỉ nội dung xuất sắc là không đủ. Ngoại già Na Ok-boom, anh nhân viên trẻ Park Min-jae được xây dựng cẩn thận từ bối cảnh nhân vật cho tới tính cách hành động. Nửa đầu phim, bà già Na Ok-boom và Min-jae dường như là hai thế lực đối nghịch khi bà già liên tiếp củ hành anh nhân viên trẻ, đồng thời lại bắt anh phải nhượng bộ và dạy tiếng Anh cho mình.

Theo mạch truyện, những mảnh cuộc đời của hai người được dần mở ra bằng những sẻ chia rất chân thành và tự nhiên. Min-jae ngồi suy nghĩ về cuộc đời, về những lo lắng cho sự nghiệp bản thân và đứa em với bà Ok như đứa cháu nhỏ tâm sự với bà của mình, bà Ok bao đồng vừa lo cho khu chợ, vừa giữ lấy hy vọng về công lý cho người bạn đang dần lú lẫn mà vẫn không quên nấu cơm cho hai anh em Min-jae v.v.. Tất cả đều xoay quanh nhịp sống hàng ngày một cách tự nhiên, khiến cho người xem dường như trở thành một phần của câu chuyện từ lúc nào không hay.

Khán giả sẽ bị nhịp phim chậm rãi và diễn xuất tự nhiên của dàn diễn viên cuốn theo lúc nào không hay.

Nhắc tới thành công của I Can Speak thì đội ngũ diễn viên phụ đông đảo nhưng không một ai mờ nhạt chính là điểm sáng chói lọi. Không một ai bị bỏ quên, từ hai nhân vật chính cho tới cô bạn đồng nghiệp của Min Jae với triết lý thả thính đồng nghiệp, chị bán thịt đầu ngõ chăm chỉ làm ăn tới quên cả hẹn hò, cô hàng tạp hóa ôm bà Ok khóc rưng rức vì thương bà sống mấy chục năm với nỗi đau giấu kín v.v… Có lẽ, chỉ có những bộ phim Hàn Quốc mới có khả năng bóc tách từng khía cạnh của cuộc sống một cách hoàn hảo mà không phá vỡ cấu tứ của bộ phim như vậy.

Bộ phim tuyệt vời để đưa ông/bà của bạn ra rạp

Với người viết mà nói, thước phim để lại nhiều ấn tượng nhất có lẽ là cảnh Min-jae bước tới xin lỗi bà Ok sau khi đã làm tổn thương bà. Câu đầu tiên của bà Ok không phải là một lời trách mắng, bà chỉ đơn giản hỏi cậu đã ăn cơm chưa, nhà vẫn còn thức ăn đấy. Có lẽ đây chính là thời điểm Min-jae nhận ra, bà Ok đã thực sự coi anh như một người cháu ruột thịt, chẳng phải sao, khi chỉ có gia đình mới là nơi sẵn sàng tha thứ cho mọi lỗi lầm và vẫn dang tay chào đón bạn trở về? Chẳng phải chỉ có bà của bạn mới là người sau bao biến cố của cuộc sống quay cuồng khi đón bạn ở cửa nhà vẫn chỉ quan tâm xem bạn có đói hay không?

Chi tiết cảm động này đánh mạnh vào mỗi người vì ai mà chẳng có ông bà, cha mẹ, ai mà chẳng có những lúc yếu đuối trở về tìm lấy nguồn động viên lớn lao từ gia đình. Vì những lý do như vậy, I Can Speak sẽ là bộ phim hoàn hảo để bạn tri ân cha mẹ, ông bà của mình trong những ngày đầu Đông này, vì vậy nếu có cơ hội, hãy đưa ”bà Ok” của bạn ra rạp nhé!

Trailer của bộ phim I Can Speak.

Phim hiện đang được trình chiếu trên toàn quốc.

Độc giả có thể truy cập TVING để xem lại các tập phim Hàn Quốc hoặc theo dõi thông tin phim tại Ghiền phim Hàn.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết NamThanh

Được quan tâm

Tin mới nhất