Dòng phim chuyển thể vốn là một “món đặc sản” lâu năm của màn ảnh Hoa ngữ. Có sẵn cốt truyện nổi tiếng, các nhà làm phim chỉ cần viết lại kịch bản, chọn diễn viên rồi đưa lên màn ảnh là xong. Tưởng dễ ăn là vậy, thế nhưng việc đưa nguyên nội dung nguyên tác lên thành phim, hay cải biên lại là một vấn đề khiến nhiều nhà sản xuất đau đầu. Phim muốn lên sóng phải trải qua khâu xét duyệt cực gắt gao, được chiếu rồi lại phải hứng chịu sự “mổ xẻ” của khán giả. Có thể nói, dòng phim chuyển thể của Trung Quốc đã khó lại ngày càng khó hơn.
Phim đúng nguyên tác khó qua ải kiểm duyệt
Ở thời điểm hiện tại, cái khó nhất của dòng phim chuyển thể có lẽ chính là khâu kịch bản. Tuy có sẵn nội dung đó, thế nhưng để có thể đưa lên phim lại rất khó. Nếu giữ nguyên tác có thể phim sẽ khó lòng qua được khâu kiểm duyệt ngày càng gắt gao. Thế nhưng, nếu làm sai lệch nguyên tác vốn đã quen thuộc với nhiều khán giả khi lên sóng phim chắc chắn sẽ phải đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội.
Trước hết, các bộ phim Hoa ngữ muốn được lên sóng bắt buộc phải trải qua khâu kiểm duyệt của Tổng cục Phát thanh Truyền hình Quốc gia (Trung Quốc). Trong vài năm trở lại đây, tiêu chí xét duyệt phim của Tổng cục ngày một gắt gao hơn. Rất nhiều dòng phim ăn khách như cung đấu, xuyên không, đam mỹ… bị hạn chế thậm chí là cấm lên sóng.
Chưa dừng lại ở đó, rất nhiều chi tiết trong nguyên tác khi đưa lên phim nếu không hợp thuần phong mỹ tục hoặc quá ghê rợn, ám ảnh cũng đều bị… cắt bỏ. Đơn cử có thể kể đến trường hợp của Hậu Cung Như Ý Truyện. Nguyên tác của phim có rất nhiều tình tiết đấu đá, tranh sủng một cách tàn bạo, bi thảm thế nhưng khi lên phim hoặc đã bị cắt bỏ hoặc bị thay đổi.
Hay có thể kể đến việc Trường Nguyệt Tẫn Minh cũng đã phải rất vất vả để qua được khâu kiểm duyệt của Tổng cục. Phim không chỉ bị cắt mất 18 tập mà còn thay đổi rất nhiều chi tiết liên quan đến nam chính Đàm Đài Tẫn (La Vân Hi) từ khi sinh ra cho đến lúc trở thành Ma thần. Chính vì vậy khi lên phim, nhiều khán giả nhận xét nhân vật này đã được “tẩy trắng” rất nhiều.
Bên cạnh những bộ phim phải cắt cảnh, đổi nguyên tác để được lên sóng, còn có không ít trường hợp phim chuyển thể vẫn phải chịu cảnh nằm kho. Loạt phim đam cải như Hạo Y Hành, Vai Trái Có Bạn, Sát Phá Lang, Cát Tinh Cao Chiếu… đến nay vẫn chẳng có chút tăm hơi. Không phải hoàn toàn do đề tài đam cải, có ý kiến cho rằng có lẽ những bộ phim này chưa cải biên hợp ý Tổng cục nên mới mãi không lấy được giấy phép phát sóng. Cứ nhìn trường hợp của Trương Công Án do Tỉnh Bách Nhiên và Tống Uy Long đóng chính là rõ. Cũng là đam cải nhưng phim vẫn được chiếu vì thay đổi nguyên tác một cách hợp lý.
Phim cải biên bị khán giả quay lưng
Sau khi qua ải kiểm duyệt của Tổng cục, phim chuyển thể lại phải đối mặt với sự “phán xét” từ khán giả. Những bộ phim cải biên nguyên tác quá đà thường sẽ phải nhận về vô số gạch đá của người xem và tất nhiên thành tích cũng chẳng mấy khả quan.
Nếu nói đến trường hợp nguyên tác một đằng, phim một nẻo thì chắc chắn không thể bỏ qua Phượng Tù Hoàng và Tru Tiên Thanh Vân Chí. Vì để qua ải kiểm duyệt, tránh chi tiết xuyên không Vu Chính đã xóa bỏ rất nhiều tình tiết ở Phượng Tù Hoàng. Thế nhưng cốt truyện khi biên tập lại không chỉn chu, nửa vời khiến nội dung phim khó hiểu. Phượng Tù Hoàng nhanh chóng thất bại toàn diện khiến Quan Hiểu Đồng, Tống Uy Long chẳng được lợi ích gì.
Sở hữu nguyên tác cực kỳ nổi tiếng, thế nhưng Tru Tiên Thanh Vân Chí khi lên sóng lại “xịt” một cách đáng xấu hổ. Phim mở đầu với mức rating 1.3% nhưng sau đó lại chạm đáy ở mức 0.2%. Nguyên nhân là bởi khi chuyển thể Hoan Thụy đã không tôn trọng nguyên tác khiến 3 nhân vật chính là Trương Tiểu Phàm (Lý Dịch Phong), Lục Tuyết Kỳ (Dương Tử) và Bích Dao (Triệu Lệ Dĩnh) khác xa bản gốc “một vạn tám ngàn dặm”.
Chưa dừng lại ở đó, loạt phim như Phù Dao Hoàng Hậu (Dương Mịch – Nguyễn Kinh Thiên), Túy Linh Lung (Lưu Thi Thi – Trần Vỹ Đình), Thiên Thịnh Trường Ca (Trần Khôn – Nghê Ni) cũng phải nhận kết đắng vì không tôn trọng nguyên tác. Dù sở hữu dàn sao đẹp, nổi tiếng là vậy thế nhưng những dự án cổ trang này đều phải nhận về vô số gạch đá của khán giả.
Mộng Hoa Lục vừa lên sóng cách đây không lâu cũng không ngoại lệ. Còn nhớ ở thời điểm mới lên sóng, màn hợp tác của Lưu Diệc Phi và Trần Hiểu bị ném đá tả tơi vì nội dung chẳng liên quan đến nguyên tác của Hứa Hán Khanh. Có một bình luận thế này: “700 năm trước, Quan Hán Khanh viết truyện kỹ nữ cứu kỹ nữ. 700 năm sau, biên kịch nhiều lần nhấn mạnh xuất thân quan lại và giữ mình trong sạch”.
Đấu La Đại Lục do Tiêu Chiến và Ngô Tuyên Nghi đóng chính cũng là một trong những bộ phim chuyển thể bị ném đá rất nhiều khi lên sóng. So với nguyên tác Đường Tam (Tiêu Chiến) từ một nhân vật có dũng, có mưu, có trách nhiệm, có khả năng lãnh đạo biến thành một kẻ chỉ biết yêu đương ngớ ngẩn trong phim. Trong khi đó, Tiểu Vũ (Ngô Tuyên Nghi) lại được nâng đất diễn, trở lên quan trọng hơn hẳn.
Ngoài ra còn có thể kể đến trường hợp của Trường Nguyệt Tẫn Minh do Bạch Lộc và La Vân Hi đóng chính. Có ý kiến cho rằng, phim chỉ chuyển thể được một phần rất nhỏ của tiểu thuyết và đã làm thay đổi rất nhiều tình tiết quan trọng. Tuy nhiên, cũng có thể thông cảm cho biên kịch bởi lẽ nguyên tác Trường Nguyệt Tẫn Minh có nhiều phân đoạn quá “đen tối” nếu đem lên phim sẽ không thể qua không kiểm duyệt.
Thế mới thấy, dòng phim chuyển thể Trung Quốc hiện tại phải đối mặt với vô số khó khăn. Trước là khâu kiểm duyệt cực gắt gao từ Tổng cục, sau lại phải đối diện với làn sóng “phán xét” của người xem.
Cái khó của dòng phim chuyển thể
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có rất nhiều bộ phim cải biên nguyên tác “hơi xa” nhưng vẫn nhận được sự yêu thích của khán giả điển hình như Tư Đằng. Ở thời điểm phim lên sóng, Vĩ Ngư – tác giả của cuốn tiểu thuyết Tư Đằng đã lên án việc phía đoàn làm phim khiến “con cưng” của mình trở nên thiếu logic. Biên kịch của phim ngay lập tức đã đáp trả rằng Vĩ Ngư là người không hiểu thị trường.
Thực tế đã chứng minh biên kịch của Tư Đằng là người chiến thắng. Ngay khi lên sóng, bộ phim này đã nhận được vô số lời khen ngợi của khán giả và đồng thời cũng trở thành một trong những tác phẩm bảo chứng tên tuổi của Cảnh Điềm.
Hay trường hợp của Tiểu Ngư Nhi Và Hoa Vô Khuyết cũng từng bị nhận xét là “sửa đến mức bố đẻ nhận không ra”. Vậy nhưng khi lên sóng, bộ phim này đã nhanh chóng trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của dòng phim võ hiệp trên màn ảnh Hoa ngữ.
Mộng Hoa Lục của Lưu diệc Phi – Trần Hiểu cũng là một trường hợp tương tự. Phim tuy cải biên khác hẳn nguyên tác, thế nhưng nội dung, tình tiết lại rất mượt mà. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Mộng Hoa Lục lại được chấm đến 8.8 điểm trên Douban và thu hút được sự quan tâm của rất nhiều khán giả.
Từ đó, có thể thấy việc sửa nguyên tác không phải nguyên nhân khiến phim thất bại. Việc bạo hay flop của một tác phẩm chuyển thể phụ thuộc lớn vào kịch bản viết lại. Biên kịch phải thật chắc tay, hiểu được thị hiếu của khán giả mới có thể tạo ra một bộ phim thành công.
Nhà văn Lưu Từ Hân – tác giả của loạt tiểu thuyết ăn khách như Tam Thể, Tử Thần Sống Mãi cũng từng bày tỏ rằng: “Điện ảnh và tiểu thuyết là hai hình thức nghệ thuật hoàn toàn khác nhau. Việc chuyển thể tiểu thuyết đôi khi khó mà trung thành với nguyên tác được. Vậy nên, tôi sẽ không để ý việc kịch bản phim và tiểu thuyết có khác biệt nhiều hay không mà chỉ nhìn xem bản chuyển thể có hấp dẫn hay không thôi!”.
Cái khó của dòng phim chuyển thể hiện nay là làm sao vừa qua được khâu kiểm duyệt lại vừa không bị khán giả tẩy chay. Muốn được như vậy, có lẽ khâu kịch bản phải được quan tâm hàng đầu.
Xem thêm: Sự bất lực của màn ảnh Hoa ngữ: Loạt phim mới bị khán giả ghẻ lạnh, phim cũ được đào lại hot rần rần