Phim Cô Ba Sài Gòn được nữ đạo diễn Ngô Thanh Vân gửi gắm trong đó những tâm huyết của mình. Không chỉ muốn mang đến cái hồn dân tộc qua từng thước phim cùng tà áo dài quen thuộc với thông điệp “giữ gìn những nét truyền thống”, bộ phim Cô Ba Sài Gòn còn ẩn chứa khát vọng “bình đẳng cho người phụ nữ”.
“Nữ quyền” là vấn đề được các nhà làm phim Hollywood đề cập đến gần đây, khi mà hàng loạt các nhân vật phản diện lẫn chính diện đều là phái đẹp. Hẳn khán giả vẫn còn nhớ đến nhân vật Wonder Woman - biểu tượng cho “nữ quyền” của năm 2017 trong bộ phim cùng tên, hay hàng loạt kẻ ác trong phim Mỹ như Poppy Adams (Kingsman: The Golden Circle), Cipher (Fast 8), Cayman (What Happened to Monday) và cả Hela trong Thor: Raganarok.
Chính vì lẽ đó, không nằm ngoài xu thế chung của quốc tế, Ngô Thanh Vân đã chia sẻ quan điểm của mình về nữ quyền như sau:
Ở thời điểm mà người ta mãi nói với nhau về nữ quyền nhưng chưa ai nhắc đến việc phải làm như thế nào, thực thi ra sao, thì Vân nhẹ nhàng: “Chẳng có việc gì khó, chỉ là ta chưa học qua”. Với Ngô Thanh Vân, động từ “học” dường như không có tuổi chỉ là ở mỗi thời điểm, ta biết mình phải “học” gì mà thôi. Những chia sẻ rất đơn giản, không cầu kỳ nhưng mang lại một nguồn năng lượng vô cùng tích cực. Những ví dụ từ chính cuộc đời mình được Vân kể đến như một minh chứng chắc chắn cho những gì mình đang truyền cảm hứng đến phụ nữ Việt.
Mỗi người sẽ có cho mình một ước mơ, một đam mê khác nhau. Và việc lắng nghe chính bản thân mình là điều không thể thiếu. Chúng ta dường như đang bị xoay giữa những điều mà xã hội gán ghép, gia đình áp đặt, thế nhưng giới nữ đang lãng quên rằng họ có thể ở một vị trí khác và sống cuộc đời của riêng họ. Tự tin trong chính những lựa chọn của chính mình rốt cuộc chính là những gì mà một người phụ nữ Việt nói riêng cần xác nhận.
Phụ nữ ngày nay đã chủ động hơn ở rất nhiều công việc lẫn sự nghiệp và với Ngô Thanh Vân, chị đang âm thầm truyền lửa cho một thế hệ phụ nữ trẻ, tự tin bản lĩnh trong cuộc sống. Người yêu mến Vân không ít lần thấy chị “tả xung hữu đột giữa chốn ba quân” như chỗ không người. Chị sẵn sàng bước vào những vai trò mà ở đó định kiến đã đóng đinh bằng phái mạnh.
Bên cạnh đó, cũng nhân dịp này, bộ phim Cô Ba Sài Gòn đã công bố bộ poster mới với ý tưởng từ bức họa nghệ thuật We Can Do It! (Rosie the Riveter). Bức tranh này được thực hiện bởi họa sĩ J. Howard Miller vào năm 1942. Thuở ban đầu, bức họa được vẽ ra cho công xưởng Westinghouse thế nhưng không lâu sau đó, nó trở thành một trong những biểu tưởng nổi bật nhất của Chiến tranh thế giới thứ 2. We Can Do It! đồng thời mang đến ý nghĩa tôn vinh “nữ quyền” - điều vốn rất xa xỉ vào thời bây giờ.
Chọn lúc này để nói về nữ quyền, để một lần nữa dấy lên một tinh thần “rất Ngô Thanh Vân”. Phái nữ chưa bao giờ là phe yếu thế nếu như họ thật sự độc lập trong cuộc sống, tự tin trong quyết định và theo đuổi ước mơ đến cùng. Mọi nỗ lực đều được đền bù bằng những thành quả xứng đáng.
Và một lần nữa, Ngô Thanh Vân tự tin đem hồn Việt ra thế giới thông qua phim Cô Ba Sài Gòn. Với tinh thần Việt, áo dài Việt và phụ nữ Việt; phim Cô Ba Sài Gòn sẽ có buổi công chiếu vào ngày 14/10 tại Busan, Hàn Quốc sắp tới.
Cô Ba Sài Gòn là bộ phim điện ảnh khai thác chủ đề Sài Gòn xưa và tôn vinh trang phục truyền thống Việt Nam - Áo Dài. Phim sẽ ra mắt vào ngày 10/11 năm nay với sự tham gia của dàn diễn viên ấn tượng như NSND Hồng Vân, Diễm My, Ngô Thanh Vân, Lan Ngọc, Diễm My 9X, S.T, Oanh Kiều, Tùng Leo, Hải Triều. Phục trang trong phim được thiết kế riêng bởi Nhà thiết kế Thuỷ Nguyễn.